Theo Dõi Tận Thế, bài 42

Khải Huyền 11:3–10

Theo lời giải nghĩa của câu 4 thì hai chứng nhân là: “Hai cây olive và hai chân đèn đứng trước mặt Chúa của đất.” Hai cây olive và hai chân đèn cũng đã được giải nghĩa trong Xachari 4:12–14. Trong Kinh Thánh, dầu olive vừa để ăn vừa để thắp đèn và làm dầu thánh; cho nên, hai cây olive và hai chân đèn liên quan đến dầu, tượng trưng cho sự đầy dẫy Đức Thánh Linh, mà trong Kinh Thánh gọi là sự xức dầu. Vậy, vì xuất xứ của hai người hoặc hai tổ chức làm chứng nhân cho Chúa là hai cây olive và hai chân đèn ở trước mặt Ngài thì phải thường xuyên được Ngài xức dầu để làm công việc của họ. Căn cứ trên những dấu lạ họ làm được chép trong hai câu 5–6, thì hoặc họ là Êli và Môise được Chúa sai trở lại thế gian, hoặc là họ mang tinh thần và quyền phép của Êli và Môise.

Môise và Êli có nghĩa là gì? Môise tượng trưng cho Luật Pháp của Chúa, còn Êli tượng trưng cho các vị tiên tri. Tại sao Luật pháp và các nhà tiên tri là quan trọng? Đức Chúa Jesus vẫn thường nhắc đến Luật pháp và tiên tri như tiêu chuẩn thiên đàng (Mathiơ 5:17; 7:12; 22:40; Luca 16:16). Người Judah cũng xem Luật pháp và các lời tiên tri là tiêu chuẩn như thế (Giăng 1:45). Vậy, Luật pháp và tiên tri là cốt lõi của Kinh Thánh Cựu Ước. Luật pháp là Tứ Kinh Môise, còn các Tiên tri là tất cả các sách tiên tri từ Êsai tới Malachi, cộng thêm hai sách Các Vua và hai sách Sử Ký. Lý do thứ nhì mà hai chứng nhân phải là Môise và Êli vì họ là hai tiên tri vĩ đại nhất đại diện cho Luật pháp và các vị tiên tri, và họ xác nhận thần tính của Đức Chúa Jesus.

Bằng chứng về việc Môise và Êli xác nhận thần tính và vai trò Messiah của Đức Chúa Jesus, tức là Đấng chịu xức dầu hay Đấng Thiên Sai, được tìm thấy trong Mathiơ 17:1–5; Mác 9:2–4; Luca 9:28–31. Cho nên, trước khi Đức Chúa Jesus trở lại thế gian, hai nhân chứng trở lại làm chứng rằng Đức Chúa Jesus chính là Đấng Thiên Sai sẽ trở lại; như Phaolô đã nói rõ rằng Luật pháp và lời tiên tri đều nói trước về Đức Chúa Jesus là Đấng Thiên Sai (Messiah) (Công vụ 26:22; 28:23; Rôma 3:21). Nhờ xem xét các phần Kinh Thánh mà chúng ta vừa xem, chúng ta có thể nắm được một ít bằng cớ về hai nhân chứng là Môise và Êli, hoặc họ mang tinh thần và quyền phép của hai vị nầy.

Nhưng, mọi con cái Chúa đều phải hiểu Luật pháp mà Kinh Thánh thường xuyên nhắc chúng ta ngày nay phải giữ là gì? Luật pháp Môise gồm có hai phần chính: Một là luật lệ thiêng liêng của Đức Chúa Trời, được gọi là Mười Điều Răn, phần kia là các luật về nghi lễ và những điều phải giữ trong Do-thái-giáo. Sứ đồ Phaolô dạy trong Côlôse 2:14 rằng “Ngài đã hủy bỏ giấy nợ chống lại chúng ta với những luật lệ ràng buộc chúng ta. Ngài loại bỏ bằng cách đóng đinh nó trên thập tự giá.” Những luật lệ ràng buộc bị hủy bỏ nói ở đây là các luật về nghi lễ chứ không phải Mười Điều Răn. Để hiểu vấn đề nầy, chúng ta phải hiểu mục đích của luật nghi lễ là gì. Luật lễ nghi phân biệt những điều thanh sạch với những điều ô uế. Khi máu Đức Chúa Jesus đổ ra, thì máu Ngài che phủ hết mọi thứ và tẩy sạch chúng; cho nên, không còn sắc dân nào bị xem là ô uế nữa.

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được chia ra làm hai phần: Phần một là bốn điều răn đầu nói về mối liên quan giữa chúng ta với Đức Chúa Trời; sáu điều răn còn lại của phần sau nói về sự cư xử giữa con người với nhau. Sự làm chứng của chứng nhân mang tinh thần Môise nhắc nhở tất cả con cái Chúa về cái neo của linh hồn mình là những điều răn của Đức Chúa Trời. Bởi vì vào thời tận thế sẽ có kẻ chống Đấng Christ cùng với tiên tri giả xuất hiện; chúng sẽ buộc người ta thờ lạy một thần khác. Ai làm theo chúng thì phạm bốn điều răn đầu. Kinh Thánh lại cho biết xã hội sẽ rất gian ác vào thời tận thế (2Timôthê 3:1–4), thì vi phạm sáu điều răn sau của Mười Điều Răn; vì thế, Đức Chúa Trời nhắc hãy nhớ lại luật pháp mà Ngài truyền cho Môise tại Horeb (Malachi 4:4). Vì giữ Luật pháp ấy ở trong lòng là cái neo đức tin chúng ta trong những ngày đầy hiểm nguy nầy.

Những ai biết vâng theo điều răn của Chúa và giữ đức tin nơi Đức Chúa Jesus, thì được kể là những người thuộc về Đức Chúa Trời (Khải Huyền 12:17; 14:12). Bởi vì sự vâng giữ điều răn của Đức Chúa Trời là căn cước nhận dạng những tín đồ thật của Đức Chúa Jesus. Trong thời tận thế nầy sẽ có hai loại tín đồ: Cơ-đốc-nhân thật và Cơ-đốc-nhân giả hiệu. Trong ẩn dụ mà Đức Chúa Jesus nói về sự khó phân biệt giữa lúa mì với cỏ lùng khi chúng còn nhỏ, thì chúng chỉ lộ ra sự khác biệt khi hột lúa chín; cũng vậy, khi chưa có thử nghiệm thì ai cũng nói giỏi, nhưng ai giữ được hai điều vô cùng căn bản là các điều răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jesus là con cái thật của Chúa. Họ biết rõ điều răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jesus là gì.

Hãy thử xét qua nếp sống đạo của rất nhiều tín đồ các giáo hội và hệ phái trong Cơ-đốc giáo giới. Trong ba nhóm chính: Chính thống giáo, Công giáo La mã và Tin Lành, thì Chính thống giáo lơ mơ nhất. Người chưa tin Chúa khó nhận biết họ là tín đồ của Đức Chúa Jesus. Người Công giáo bình thường thì rất siêng năng đi lễ nhà thờ và làm tròn bổn phận đối với các nghi lễ, nhưng về lời chứng của Đức Chúa Jesus và điều răn của Đức Chúa Trời thì họ không biết chi cả. Bởi vì không có thói quen đọc và suy gẫm Kinh Thánh. Chỉ còn lại tín đồ Tin Lành; nhưng, số người hiểu những điều mầu nhiệm trong Lời Chúa thì không đông, nhất là tín đồ người Việt ở các nhà thờ hải ngoại. Để được Chúa kể là con cái Ngài thì phải vâng giữ điều răn và có lời chứng của Đức Chúa Jesus.

Điều răn của Đức Chúa Trời thì dễ rồi, vì trong Tứ Kinh Môise thì có hai chỗ chép (Xuất Ai-cập 20:3–17; Phục Truyền 5:7–21); nhưng “Lời chứng của Đức Chúa Jesus” là gì? Có hai lối giải nghĩa hơi khác nhau: Lời giải nghĩa thứ nhất nói rằng câu đó là Đức Chúa Jesus làm chứng về Đức Chúa Trời bằng đời sống và sự dạy dỗ của Ngài. Ngài mang lời chứng ấy với Ngài cho đến khi bị giết chết trên cây thập tự, và vẫn tiếp tục mang lời chứng ấy khi được tôn lên ngôi cao nhất ở thiên đàng. Hai câu Kinh Thánh Khải Huyền 1:5 3:14 được dùng để yểm trợ cho sự giải nghĩa nầy. Lời giải nghĩa thứ hai nói rằng, đó là lời làm chứng của tín hữu về Đức Chúa Jesus bằng cách làm theo các điều răn của Ngài, và là lời của tín hữu mở miệng mình ra tuyên thệ trung thành với chân lý của Ngài dù phải tử đạo (Khải Huyền 2:13; 6:9; 12:11).

Hai chứng nhân mặc áo vải sô đi làm chứng về những gì? Mặc áo vải sô có nghĩa là loại vải thô nhám, khó chịu của những người chịu tang. Vậy, họ đi làm chứng trong tinh thần buồn rầu về tội lỗi của thế gian. Họ sẽ kêu gọi người ta trở lại với Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời đã truyền qua Môise và qua lời kêu gọi ăn năn của Êli mời gọi người thế gian hãy trở lại thờ kính một Đức Chúa Trời duy nhất; kính sợ Ngài và dâng vinh quang cho Ngài. – Trong Đức Chúa Jesus, Luật pháp và các lời tiên tri được ứng nghiệm. Ngày xưa, Ngài ban Luật Pháp ra từ núi Sinaii. Trong bốn sách Phúc Âm, Ngài ban cho điều răn mới. Luật pháp cũ đòi mắt đền mắt, răng đền răng; nhưng Luật pháp mới từ Đức Chúa Jesus là sự nhường nhịn. Luật cũ cấm ngoại tình, nhưng luật mới nói rằng nhìn người đàn bà mà động lòng tham muốn là đã phạm tội tà dâm rồi.

Đức Chúa Jesus đã đến để soi sáng, giúp cho người ta hiểu luật pháp của Đức Chúa Trời cách rõ ràng. Ngài đã làm ứng nghiệm mọi lời luật pháp và tiên tri nói về Ngài. Sứ đồ Phaolô giải thích rõ “Luật pháp là người hướng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, để bởi đức tin chúng ta được xưng công chính” (Galati 3:24). Thầy giáo không thể dùng tri thức để lý luận với trẻ con, phải dạy nó bằng kỷ luật; khi đứa trẻ lớn lên thì có thể bàn thảo lý luận với nó. Chúng ta cần Luật pháp viết thành văn cũng như cần sự soi sáng của Đức Thánh Linh. Vì vậy, Đức Chúa Jesus phán “Những Lời Ta nói với các con là Thần Linh và Sự Sống” (Giăng 6:63). Kinh Thánh chỉ là một quyển sách; người bình thường đọc chỉ biết lịch sử và thêm một chút tri thức. Nhưng Đức Chúa Jesus phán rằng Kinh Thánh không phải chỉ là chữ, nó là thần linh và sự sống.

Đức Chúa Trời sai hai người luôn luôn được xức dầu đi làm chứng về Luật Pháp Điều Răn và những lời tiên tri, tức là rao truyền công tác Cứu Thế của Đức Chúa Jesus, để người thế gian biết ăn năn để được cứu. Họ là hai người hay hai tổ chức luôn luôn được đầy dẫy Đức Thánh Linh.

TheoDoiTanThe42.docx

Rev. Dr. CTB