Theo Dõi Tận Thế, bài 43

Khải Huyền 11:11–19

Hai chứng nhân bị con thú lên từ vực sâu giết chết; xác họ bị phơi cho mọi người xem ở thành lớn Sodom-Ai-cập. Sau ba ngày rưỡi, sinh khí, tức là Linh của sự sống, từ trời giáng xuống nhập vào họ, khiến họ sống lại và đứng dậy. Lúc ấy mọi kẻ thù và dân chúng vây quanh xem xác họ đều kinh hãi. Có tiếng gọi lớn từ trời: “Hãy lên đây!” Nghĩa là mọi người đang có mặt tại đó đều nghe. Lời gọi ấy khiến kẻ thù bị bẽ bàng nhục nhã vì tận mắt thấy hai vị vâng theo tiếng gọi bay lên trời (11–12). Ngay lúc đó một cơn động đất lớn làm sụp đổ một phần mười thành phố, giết chết 7000 người. Bấy giờ, người thế gian mới biết kính sợ và dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời, nghĩa là họ chịu công nhận Đức Chúa ở trên Trời là có thật, và Ngài đang bày tỏ quyền năng của Ngài (13).

Người đọc sách Khải Huyền cần nhớ rằng trước việc đó, sau tiếng loa thứ tư thì đã xảy ra việc những thiên thể gần trái đất bị đánh hay bị hại, khiến chúng bị suy giảm một phần ba ánh sáng; rồi ông Giăng thấy một chim đại bàng, mà người ta đoán là vị cherub thứ tư đứng bên ngai Đức Chúa Trời, là vị có hình dáng như chim đại bàng đang bay; chim ấy bay giữa trời, kêu lớn: “Khốn thay! Khốn thay cho những cư dân trên đất khi tiếng kèn mà ba thiên sứ khác sắp thổi lên!” (Khải Huyền 8:12–13). Hai tiếng loa do vị thiên sứ thứ năm và vị thiên sứ thứ sáu thổi lên đã đem tới những tai họa kinh hoàng cho cả thế giới, thêm một phần ba số người, còn sót lại sau các tai nạn trước, nay bị giết chết. Lời tiên tri nói rằng: “Những người không bị giết bởi các tai nạn nầy, vẫn không ăn năn những công việc của tay họ, cũng không từ bỏ việc thờ lạy các quỷ, …..21 Họ cũng không ăn năn những tội giết người, tà thuật, gian dâm, trộm cướp của mình” (9:20–21).

Trong khổ nạn thứ nhì của ba khổ nạn, thì có hai chứng nhân xuất hiện để làm chứng về Đức Chúa Jesus Christ trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày. Bây giờ, sau khi họ đã được về trời và động đất làm sụp đổ một phần mười thành phố phơi xác họ, khiến bảy ngàn người bị chết, thì dân còn lại “đều kinh hoàng và dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời trên trời” (13). Một phần mười thành phố tượng trưng cho quyền lực cai trị trên thành phố đó. Bảy ngàn người bị chết cũng thuộc về thế lực của giới cầm quyền. Khi người ta thấy thế lực cầm quyền bị diệt vong, thì họ mới nhận ra rằng quyền lực thế gian cũng chỉ là những mạng người mong manh và yếu ớt trước quyền năng của Đấng Chúa Tể trên vạn vật. Đó là lý do khiến họ tin nhận Ngài và dâng vinh quang cho Ngài.

Những người sợ hãi là những người biết họ phạm lỗi. Thứ tà linh độc ác bách hại con cái Chúa là thứ uế linh hèn hạ. Sự trừng phạt những kẻ bách hại người khác không phải là nhẹ. Khi bọn gian ác thấy những đầy tớ trung kiên với Chúa được vinh quang sống lại và cất lên trời, thì sự kinh hãi sẽ bắt những kẻ nầy, khiến hồn của chúng bị hoảng loạn. Về sự sống lại của hai chứng nhân cũng có một sự dạy dỗ khác cho Hội Thánh của Chúa. Trước kia, Thần Linh sự sống vốn ngự trị giữa Hội Thánh chung của Chúa ở trần gian. Trong suốt thời gian dài chờ đợi Đức Chúa Jesus, là Chàng Rể trở lại để rước Hội Thánh, nàng dâu của Ngài, thì mọi người ngủ mê như mười người nữ đồng trinh năm xưa vậy (Mathiơ 25:1–5). Hội Thánh giống như đống hài cốt khô, vô hi vọng. (Ezek 37:11).

Nhưng, giống như khải tượng của tiên tri Ezekiel, đống hài cốt được hơi sống của Đức Chúa Trời phú vào trong các hài cốt ấy, khiến họ sống lại (Ezekiel 37:4–6), thì Hội Thánh cũng sẽ hồi phục sự sống mạnh mẽ và đầy quyền năng của Đức Thánh Linh. Vì Đức Chúa Trời có quyền khiến cho chúng ta sống lại. Miễn là con dân Chúa trong Hội Thánh phải có ý chí thức tỉnh trước tình trạng ngủ mê của mình. Hãy nhận ra thực trạng khô hạn tâm linh của mỗi người đang ở mức trầm trọng tới đâu? Có phải là chúng ta đều đang chết vì Hội Thánh không có một chút quyền năng nào chứng minh cho thế gian thấy chúng ta là con cái của Vị Chúa Tể vũ trụ không? Nếu Hội Thánh hôm nay biết tỉnh thức, thì sự sống sẽ phục hồi khiến Hội Thánh của Chúa được danh tiếng lẫy lừng. Nhưng nếu quý anh chị em không chịu tỉnh thức, thì anh chị em sẽ không có hi vọng gì được sống lại.

Những người cứng cỏi trong lòng vẫn thường tưởng rằng tương lai sẽ giống như bây giờ. Họ không biết càng gần ngày tận thế chừng nào, thì khoảng thời gian giữa các tai họa càng rút ngắn lại chừng nấy. Mà càng ngắn thì cơ hội ăn năn càng ít đi. Sự ăn năn không phải chỉ là hối tiếc vì mình đã vi phạm luật của Chúa, hoặc không làm theo Lời Chúa dạy. Ăn năn là từ trong đáy lòng cảm thấy đau đớn và xấu hổ vì đã vướng phải những điều vừa nói, rồi dứt khoát từ bỏ nó. Trong thời hiện tại, mặc dù chúng ta còn một ít thì giờ để ăn năn, nhưng nếu ai đã nghe Lời Chúa kêu gọi và cảnh cáo mà không ăn năn ngay bây giờ, thì việc ăn năn hối cải trong tương lai chỉ là ảo tưởng. Bởi vì sự ăn năn là một tiến trình khá dài, không phải là quyết định diễn ra trong chốc lát.

Những người nào không chịu tiếp nhận Chúa của Trời đất vào lúc ấy thì đã quá muộn, vì khổ nạn thứ ba sẽ đến nhanh chóng theo sau tiếng loa của thiên sứ thứ bảy (14). Khi thiên sứ thứ bảy thổi loa thì có tiếng lớn từ trên trời công bố cho toàn thể vũ trụ được biết rằng: “Vương quốc của thế gian thuộc về Chúa chúng ta, và Đấng Christ của Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời” (15). Từ khi ông tổ Adam của loài người trao quyền quản trị thế gian cho Satan, thì thế giới đã bị trải qua nhiều thời kỳ khốn khổ. Loài người, kể cả Hội Thánh của Đức Chúa Trời, đã bị quyền lực tối tăm chèn ép đủ điều. Nhưng tới thời điểm nầy thì Đức Chúa Trời và Đấng Christ của Ngài đã đoạt lại quyền làm chủ Vương quốc của thế gian; cho nên, thiên đàng công bố việc đó.

Hai mươi bốn trưởng lão, đại diện cho Hội Thánh, đang ngồi trên ngai của họ, đều sấp mình xuống thờ lạy Đức Chúa Trời và nói rập ràng: “Lạy Chúa, là Đức Chúa Trời Toàn Năng, ĐẤNG HIỆN CÓ VÀ ĐÃ CÓ, chúng con cảm tạ Ngài vì Ngài đã nắm quyền tối cao, và đã trị vì. Các dân tộc giận dữ; nhưng cơn thịnh nộ của Ngài đã đến, là thời điểm phán xét kẻ chết, ban thưởng cho các đầy tớ Ngài, các nhà tiên tri, các thánh đồ, và những người kính sợ danh Ngài, cả bé lẫn lớn, và hủy diệt những kẻ hủy diệt quả đất” (16–18). Thiên đàng đồng loạt công bố việc Đức Chúa Jesus Christ đoạt lại quyền quản trị thế gian, một điều vui mừng đối với thiên đàng và các thánh đồ, nhưng kinh hoàng sợ hãi cho thế giới tối tăm và những người thuộc về chúng.

Thời điểm vui mừng cho những người kính sợ Đức Chúa Trời lại là ngày phán xét kẻ chết, cả lớn lẫn nhỏ. Không giây phút nào vui sướng hơn giờ được ban thưởng. Đừng nản lòng hoặc ngưng sự làm lành, vì đến lúc ấy chúng ta sẽ được ban thưởng cho sự kính sợ Chúa và mọi việc chúng ta làm vì Danh Ngài, dù chỉ là những việc thiện nhỏ nhặt, không đáng kể (Mathiơ 25:40). Đền Thờ của Đức Chúa Trời ở trên trời đến lúc ấy mới mở ra (19). Việc Đền Thờ ở trên trời mở ra có ý nghĩa gì vào lúc đó? Từ ngày chúng ta tin Chúa, những người trung tín vẫn thường xuyên cầu nguyện khẩn xin Chúa rất nhiều điều, nhưng số lần được đáp lời thì quá ít. Rồi chúng ta cũng thường không biết sự thờ phượng hàng tuần tại Hội Thánh của mình có được Chúa vui nhận hay không?

Nhưng bây giờ Đền Thờ ở trên trời mở ra cho mọi con dân Chúa đều được tự do đi vào trong Nơi Chí Thánh để gặp Chúa mình bất cứ lúc nào, không bị nghiêm cấm như thời Luật Pháp Cựu Ước. Rương Giao Ước, bị mất tích từ thời người Do-thái bị lưu đày, bây giờ lại hiện ra trên trời. Rương Giao Ước vốn được đặt ở gian chí thánh của đền tạm trước kia, và đền thờ sau nầy, nơi mà chỉ có thầy tế lễ thượng phẩm mỗi năm mới được vào một lần, để đem huyết sinh tế vào làm lễ chuộc tội cho toàn dân. Khi Đức Chúa Jesus Christ tắt hơi trên thập tự giá thì tấm màn ngăn ấy bị xé từ trên xuống dưới; là biểu tượng con dân Chúa từ lúc ấy trở đi được trò chuyện thẳng với Chúa của mình, chứ không còn phải qua trung gian thầy tế lễ thượng phẩm nữa.

Đức Chúa Trời hứa sẽ tha thứ tội lỗi cho con dân Ngài, bây giờ Ngài giữ lời hứa ấy bằng cách mở cửa Đền Thờ ở trên trời. Tuy vậy, sự bảo đảm về lời hứa vẫn kèm theo lời cảnh cáo về sự phán xét cuối cùng bằng chớp nhoáng, tiếng, sấm sét, động đất, và mưa đá lớn (19). Không kẻ tội lỗi nào có thể tránh khỏi sự phán xét nghiêm minh của Chúa. Nhưng con dân của Chúa thì đầy vui mừng, vì ngày cứu rỗi đã đến; chúng ta sẽ được yên nghỉ để hưởng hạnh phúc tuyệt vời của thiên đàng.

TheoDoiTanThe43.docx

Rev. Dr. CTB