Theo Dõi Tận Thế, bài 44

Khải Huyền 12:1–6

Như đã phân tích trước đây, các đoạn từ 12 tới 15 của sách Khải Huyền là phần giải thích và giới thiệu các biến cố lẫn nhân vật rất quan trọng vào thời kỳ nầy của cơn đại nạn. Chỗ nầy không phải là phần tiếp theo của đoạn 11 vừa rồi, mà là những gì diễn ra phía sau các biến cố chính. Ông Giăng muốn độc giả có một sự hiểu biết sâu về các nhân vật và biến cố chính sẽ xảy ra. Cách hiểu của chúng ta về các đoạn nầy sẽ ảnh hưởng tới cách hiểu phần còn lại của sách Khải Huyền. Có bảy vai chính xuất hiện trong hai đoạn 12 và 13 của sách Khải Huyền: 1. Một phụ nữ bao phủ bằng mặt trời. 2. Con rồng lớn màu đỏ có bảy đầu, mười sừng. 3. Con trai của người phụ nữ. 4. Vị thiên sứ trưởng Michael. 5. Phần còn lại của dòng dõi người đàn bà bị con rồng bắt bớ. 6. Con thú từ dưới biển lên. 7. Con thú từ đất lên. – Hãy áp dụng nguyên tắc: Hiểu đúng sẽ giải thích đúng.

Dấu lạ lớn đặc biệt xuất hiện đầu tiên là một phụ nữ được mặt trời bao bọc, chân đạp lên mặt trăng và có một mão miện trên đầu bằng mười hai ngôi sao. Sứ đồ Giăng giải thích chân tướng và nguồn gốc con rồng khá rõ, nhưng về phần người phụ nữ thì ông không giải thích phụ nữ ấy tiêu biểu cho ai hay cái gì. Vì thế, có ba trường phái giải thích phụ nữ ấy là ai. Trước tiên là Công giáo La mã thì cho rằng đó là bà Mary, mẹ phần xác của Đức Chúa Jesus. Điểm đắc ý nhất của họ là phụ nữ ấy có thai và con trai được tiếp lên trời (1–2, 5). Nhưng họ gặp khó khăn khi phụ nữ ấy phải chạy trốn vào hoang mạc, còn con rồng thì bắt bớ dòng dõi của nàng là những người giữ điều răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jesus. Công giáo giải thích rằng vì bà Mary là mẹ của cả Hội Thánh; cho nên, mọi con cái Chúa đều là dòng dõi của bà. Điều ấy không có nền tảng Kinh Thánh nào hỗ trợ, và chỉ là cách biện hộ cho thói tục thờ kính và cầu khẩn đức mẹ của họ.

Trường phái thứ nhì giải thích phụ nữ ấy tiêu biểu cho dân tộc Israel, dòng dõi của Abraham, Isaac và Jacob. Mặt trời, mặt trăng và mười hai ngôi sao là một phần mà Joseph, con trai Jacob, thấy trong chiêm bao (Sáng Thế 37:9–10). Bởi vì mặt trời và mặt trăng được xem là Jacob và Rachel, cha mẹ của Joseph; các ngôi sao tượng trưng cho mười hai con trai của Jacob, tổ phụ của mười hai chi tộc Israel, và mười hai chi tộc ấy hợp thành dân tộc Israel từ thời Cựu Ước; nên phụ nữ ấy tiêu biểu cho Israel. Dân Israel bị khổ nạn vì Đức Chúa Jesus đã sinh ra giữa họ và là Đấng Thiên Sai (Messiah) như lời hứa của Đức Chúa Trời. Mà truy ngược nguồn gốc gia tộc của Mary thì sẽ tới tận Abraham và Adam, tổ phụ loài người. Rất nhiều học giả Kinh Thánh và thần học gia chủ trương rằng phụ nữ ở phần nầy của sách Khải Huyền là dân tộc Israel, tức là nước Do-thái ngày nay.

Trường phái thứ ba giải thích rằng người phụ nữ ấy là Hội Thánh của Đức Chúa Jesus Christ, tức là Hội Thánh chung của mọi người tin Đức Chúa Jesus là Chúa Cứu Thế của cả nhân loại. Lý luận của phái nầy cho rằng người đàn bà, tiêu biểu cho Hội Thánh, là mẹ của mọi tín hữu. Phụ nữ ấy được bao phủ bằng mặt trời có nghĩa là Hội Thánh được xưng công chính, được thánh hóa, rực rỡ vì được hợp nhất với Đấng Christ, là Mặt Trời Công Nghĩa. Chân phụ nữ đạp lên mặt trăng, vì Hội Thánh sáng rực rỡ hơn ánh phản chiếu yếu ớt của sự khải thị ban cho Môise. Vương miện có mười hai ngôi sao trên đầu phụ nữ, là giáo lý về Tin Mừng, được giảng bởi mười hai sứ đồ, cũng là vương miện vinh quang cho mọi tín đồ chân thật. Sự đau đớn để sinh ra một gia đình thánh, tức là nỗi khổ cực của Hội Thánh cố sức giảng để mọi tội nhân đều được cáo trách và được cứu rỗi.

Theo sự giải thích của các trường phái, thì sự giải thích của trường phái thứ nhì có vẻ hợp lý hơn cả. Bởi vì đang khi người phụ nữ mang thai, và con rồng chờ chực ăn nuốt con của nàng, rồi con trai sinh ra ấy được tiếp lên đến Đức Chúa Trời, thì phụ nữ ấy được đưa vào hoang mạc, nơi Đức Chúa Trời đã chuẩn bị để nàng được nuôi dưỡng trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày. Tất cả những hình ảnh đó đều là biểu tượng về các thực tại khác. Như đã giải thích nghĩa bóng của mặt trời, mặt trăng và mười hai ngôi sao trong chiêm bao của Joseph tượng trưng cho nước Israel, thì lời hứa về Đấng Thiên Sai (Messiah) đã được rao báo từ nhiều ngàn năm trước khi Đấng Christ phải đến thế gian, mà lời hứa gần nhất cũng trên sáu trăm năm trước khi Đức Chúa Jesus vào đời (Êsai 7:14; 9:5–6). Cũng từ dân Israel, Hội Thánh của Đấng Christ đã được thành hình và bị bắt bớ.

Trên trời cũng hiện ra một dấu lạ thứ nhì: “Một con rồng lớn màu đỏ có bảy đầu, mười sừng, và trên bảy đầu có bảy mão miện. Đuôi kéo theo một phần ba các ngôi sao trên trời và ném xuống đất. Rồng đứng trước người phụ nữ sắp sinh, để khi nàng sinh thì ăn nuốt con của nàng” (3–4). Chân tướng và lai lịch của con rồng đã được ông Giăng nói rõ “Con rồng lớn bị ném xuống, tức là con rắn xưa, được gọi là ma quỷ hay Sa-tan, kẻ lừa dối cả nhân loại. Nó đã bị ném xuống đất; các sứ giả của nó cũng bị ném xuống với nó” (9). Rồng là một con thú trong huyền thoại của nhiều dân tộc trên thế gian. Nó luôn được mô tả là to lớn, thân hình uốn lượn khoanh lại như con rắn, ăn thịt người và rất hung dữ. Con rồng trong sách Khải Huyền tiêu biểu cho một thân vị ác.

Bảy cái đầu đội bảy mão miện tượng trưng cho bảy vị vua; mười cái sừng cũng tượng trưng cho mười vua nữa. Mặc dù chỉ là một con rồng, nhưng nó có nhiều quyền lực khác nhau. Hình ảnh bảy đầu cũng được mô tả cho một con thú khác (Khải Huyền 17:3, 7, 10, 12). Quyền cai trị trên 7 lãnh vực và mười quyền lực trên thế gian được mô tả đều nằm dưới quyền điều khiển của con rồng, là thế lực chống trả công việc của Đức Chúa Trời cứu rỗi nhân loại. Khi chúng ta xem xét xã hội hiện nay mình đang sống, thì bảy lãnh vực chính của thế giới: Truyền thông, chính quyền, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, mỹ thuật giải trí, và dục tình, đều hợp với nhau chống lại Đấng Tạo Hóa. Mười triều đại đế quốc với các thế lực chính trị đối lập với đức công chính của Đức Chúa Trời, đều nằm dưới quyền cai trị và sai khiến của một thân vị ác duy nhất, mà hình ảnh biểu tượng là con rồng.

Đuôi con rồng “kéo theo một phần ba các ngôi sao trên trời và ném xuống đất” (4), có nghĩa là quyền lực của thân vị ác nầy là rất lớn. Một phần ba các ngôi sao không phải là các thiên thể ở trên không trung. Kinh Thánh dùng hình ảnh các ngôi sao để nói về các thân vị thiên sứ trên thiên đàng được giao nhiệm vụ soi sáng và làm các công việc mà họ được dựng nên. Nhưng khi Cherub Lucifer bị đuổi khỏi thiên đàng, thì ông ta kéo theo một phần ba thiên thần dưới quyền mình vào cuộc phản loạn. Chi tiết nầy đã hé mở một ít bí mật về quyền lực của Satan. Hắn đứng đầu và cai trị một phần ba các thiên thần. Khi họ theo hắn thì bị ném xuống đất, nghĩa là bị mất chỗ vốn có của họ ở cõi trời. Mọi thế lực dưới quyền con rồng đều chống lại Hội Thánh của Đức Chúa Trời từ xưa tới nay. Vì lý do đó, mọi con cái Chúa phải rất cẩn thận về các hình ảnh bị Chúa lên án.

Chỉ vài thế kỷ trước, những người hãnh diện về huyền thoại con rồng cháu tiên là những người hăng hái bách hại Hội Thánh của Chúa nhiều nhất; cho đến bây giờ cũng vậy. Cho nên, nếu hiểu người phụ nữ tượng trưng cho dân tộc Israel, thì con trai được sinh ra là Đấng Christ, Đầu của Hội Thánh (5). Vì Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus (Êphêsô 5:23), nên khi Hội Thánh gia tăng và trở nên mạnh mẽ, thì Hội Thánh dùng sự công chính của Chúa tạo ảnh hưởng trên xã hội. Cây gậy sắt không có nghĩa là sự cai trị tàn ngược, nhưng là kỷ luật của luật pháp công nghĩa trên thiên đàng, mà Hội Thánh là đại diện. Khi Hội Thánh được cất đi, thì lúc ấy người Israel mới tiếp nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Thiên Sai đã đến xứ họ. – Bị ở lại và bị bắt bớ nên họ phải chạy trốn (6).

Chữ hoang mạc dùng để nói về một chỗ vắng vẻ; những người ở nơi hoang mạc thì chẳng mấy ai biết đến. Từ khi hoàng đế La Mã Hadrian muốn tận diệt dân Israel, ông ta đã ra lệnh bán họ cho người ta mua về làm nô lệ. Dân Israel đã bị tản lạc khắp thế giới. Dù họ có ở nơi đô hội cũng chẳng mấy ai biết về những người nô lệ mạt hạng. Satan đã xúi giục nhiều nhà cầm quyền, kể cả các giáo phẩm của giáo hội Công giáo La mã và Tin Lành ở Âu châu thù ghét và tìm cách tận diệt người Do thái. Hơn mười mấy thế kỷ bị xem như thành phần dưới đáy xã hội, không được ban cho chút nhân phẩm nào. Người Israel vẫn được Chúa bảo toàn và nuôi nấng cho chương trình của Ngài.

TheoDoiTanThe44.docx

Rev. Dr. CTB