Các Vần Đề Căn Bản, bài 22

Sáng-thế-ký 26:1–33

Phần lớn sách Sáng-thế-ký ghi chép về lịch sử các tổ phụ của dân tộc Israel và sự thành hình của dân tộc ấy như thế nào. Cả Kinh-thánh Cựu-ước đều xoay quanh lịch sử, sự sinh tồn và số phận của một dân tộc được Đức Chúa Trời chọn làm dân tuyển lựa của Ngài.

Hội-thánh Chúa ngày nay được gọi là dân của Chúa; vì vậy, lịch sử về số phận của dân Israel trong Cựu-ước, từ đời tổ phụ của họ, là hình ảnh tượng trưng (biểu tượng) cho Hội-thánh của Chúa ngày nay. Trong đó, các chuyện tích về lịch sử của họ là hình ảnh rất chính xác về thiên trình, tức là đời sống bước đi theo Chúa của mọi tín hữu.

Sứ đồ Phao-lô giải thích các chuyện tích trong Cựu-ước là: “Những lời Kinh-thánh được chép từ xưa cốt để dạy dỗ chúng ta, rèn luyện đức kiên nhẫn và an ủi chúng ta, để nhờ những lời ấy, chúng ta được niềm hi vọng” (Rôma 15:4).

Vì dân Israel là biểu tượng về Hội-thánh; cho nên, các kẻ thù của họ tượng trưng cho các thế lực tối tăm của ma qủy vẫn ngày đêm rình rập, cám dỗ và hãm hại mọi tín đồ của Đức Chúa Giê-xu Christ.

Kể từ khi người Israel đặt chân vào đất hứa, sau khi ra khỏi Ai-cập, là hình ảnh con cái Chúa đã bình yên trong ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì người Philistine tượng trưng cho các thế lực tối tăm thù nghịch đang tìm mọi cách đánh bại con cái Chúa và bắt họ làm nô lệ.

Hễ khi nào một quan xét công chính hay vua mạnh lên ngôi và có lòng kính thờ Đức Chúa Trời, thì các kẻ thù ở chung quanh Israel đều bị khuất phục. Còn hễ khi nào người Israel bỏ Chúa để thờ lạy các thần tượng ngoại bang, thì họ bị người Philistine đánh bại, cai trị, kềm kẹp, và hà hiếp.

Hãy lấy một chuyện tích rất phổ thông để làm ví dụ giải thích cách dễ hiểu cho cuộc tranh chấp không ngừng nghỉ giữa các tín đồ của Đức Chúa Giêxu với Satan và bè lũ.

Dân Israel, dưới sự lãnh đạo của Môi se, được Đức Chúa Trời giải thoát ra khỏi kiếp làm nô lệ cho người Ai-cập; là hình ảnh của tín hữu được giải thoát khỏi bị làm nô lệ cho tội lỗi, và được Đức Thánh Linh tái sinh thành người mới trong đời sống mới.

Khi đoàn dân Israel đi tới bờ Hồng Hải, thì vua Ai-cập đem quân đội đuổi theo toan bắt họ trở lại làm nô lệ như trước. Đó là hình ảnh của những người mới tin Chúa, chưa được biết nhiều về hạnh phúc của một đời sống đổi mới, thì bị các thế lực tối tăm của Satan dùng mọi cách để lôi kéo họ trở lại đường xưa lối cũ.

Các lời phán của Đức Chúa Giêxu, trong bốn sách Phúc-âm, phần lớn là ẩn dụ nói về những sự kiện tâm linh. Khi đọc Giăng 4:14Ai uống nước Ta cho sẽ trở thành một mạch nước trong người ấy, tuôn trào đến tận sự sống đời đời.” Chúng ta hiểu ý nghĩa của mạch nước là ơn phước dẫn đến sự sống đời đời.

Giăng 7:38–39Người nào tin Ta thì những dòng sông sự sống sẽ tuôn tràn từ trong lòng mình, đúng như Kinh-thánh đã nói.’ Ngài nói điều nầy chỉ về Thánh Linh mà những người tin Ngài sẽ nhận được.” Thì hình ảnh nhiều dòng sông hằng sống tượng trưng cho Đức Thánh Linh, Đấng ban sự sống tâm linh cho từng tín hữu và là sức sống của Hội-thánh.

Tiên tri Ê-xê-chi-ên cũng nói về một dòng sông mà mạch của nó chảy ra từ đền thờ của Đức Chúa Trời (Ê-xê-chi-ên 47:1–9). Dòng sông đó chảy đến đâu thì đem sự sống đến đó. Mọi nhà giải nghĩa Kinh thánh đều hiểu rằng dòng sông đó là hình ảnh về Hội-thánh được phấn hưng, được tràn trề sự sống từ Đức Chúa Trời, để hồi phục sự sống cho xã hội đang chết dần mòn vì tội lỗi.

Trở lại chuyện tích của Y-sác, con trai duy nhất của bà Sa-ra sinh cho Ápraham, khi ông tạm trú tại Ghê-ra, đất của người Philistine. Y-sác dời trại mình xuống Ghê-ra vì chỗ ông ở bị nạn đói hoành hành.

Điều đầu tiên ông phải đối diện là sợ bị người ở đó giết để cướp vợ đẹp của ông; thế nên ông phải nói dối (7). Chẳng bao lâu thì sự thật lộ ra, ông rất xấu hổ khi bị quở trách (8–11).

Y sác được yên thân khi ông còn yếu thế, nhưng khi ông đã thịnh vượng rồi thì người Philistine ra mặt thù nghịch và quấy phá (12–16).

Nước là tài nguyên vô cùng quý giá mà nhờ đó Y-sác trở nên thịnh vượng, thì bây giờ bị kẻ thù bít lại (15). Hình ảnh nầy miêu tả rất rõ về cuộc tranh chấp tâm linh giữa con dân trong Hội-thánh Chúa với các thế lực tối tăm. Đời sống thuộc linh chúng ta có được mạnh mẽ và thịnh vượng là do chúng ta được Đức Thánh Linh ban phước và dìu dắt.

Các thế lực ma qủy sẽ hết sức ngăn chận điều đó. Chúng rất sợ những cơ đốc nhân mạnh mẽ, những Hội-thánh đầy sức sống và phát triển. Bởi vì nếu Hội-thánh tăng trưởng thì quyền lực lãnh thổ của thế giới tối tăm bị thu hẹp lại.

Thủ đoạn lấp các giếng nước là hình ảnh tượng trưng cho mưu toan ngăn chận nguồn ơn phước của Đức Chúa Trời, khiến cho đời sống tâm linh của con cái Chúa bị khô hạn.

Ma quỷ dùng sự lo lắng về tiền bạc, của cải, danh vọng, và hạnh phúc tạm bợ ở đời khiến chúng ta thờ ơ đối với đời sống đức tin, cũng chẳng mấy quan tâm đến sự phát triển hay tồn vong của Hội-thánh.

Chúng bịt các nguồn nước bằng cách ấy. Bởi vì sự theo đuổi tiền bạc làm cho đời sống đạo bị nghẹt ngòi không trưởng thành nổi (Mác 4:19 “Nhưng sự lo lắng về đời nầy, sự quyến rũ của giàu sang, và sự tham muốn những thứ khác xâm chiếm lòng họ, làm cho đạo bị nghẹt ngòi, không kết quả được”).

Đức Thánh Linh không thể ban phước hay vận hành trong một Hội-thánh có nhiều tín hữu mê mẩn danh lợi quyền của thế gian tăm tối. Mà nếu không có sự hiện diện của Đức Thánh Linh, hội-thánh địa phương chẳng khác gì một hội đoàn xã hội; có khi còn tệ hơn.

Bị đuổi đi, Y-sác đến đóng trại tại thung lũng Ghê-ra, vẫn thuộc lãnh thổ của dân Philistine. Ở đó có các giếng nước được đào từ đời Ápraham, đã bị người Philistine bít lại sau khi Ápraham qua đời. “Y-sác đào lại mấy cái giếng đã đào trong đời Ápraham, cha mình” (18).

Sự sinh tồn của cả gia đình Y-sác phụ thuộc vào những giếng nước nầy. Ý nghĩa thuộc linh của công việc đào lại các giếng cũ là tìm lại sự thăm viếng và ơn phước của Chúa đã ban cho các thế hệ đi trước; cũng có nghĩa là dọn dẹp, ném bỏ những thứ đã bịt mạch nước, tức là những nguyên nhân khiến chúng ta bị nghẹt ngòi, không nhận được sự sống từ Đức Chúa Trời.

Nó là biểu tượng của việc tránh xa những điều gây cám dỗ khiến tín hữu phạm tội, ngăn trở sự ban phước của Chúa trên Hội-thánh.

Khơi lại các giếng còn có nghĩa là tìm cho ra những lý do nào mà ma qủy có thể dựa trên đó làm nền tảng pháp lý ngăn trở ơn phước Chúa đến trên con dân Ngài, và biết cách dẹp bỏ chúng.

Chúng ta thực hiện việc đó bằng cách hạ mình xuống cầu nguyện xin Đức Thánh Linh chỉ dẫn cho ta biết các điều gì mình phải từ bỏ.

Lời Chúa chỉ dẫn trong 2Sử-ký 7:14Nếu dân Ta, là dân được gọi bằng Danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện, tìm kiếm mặt Ta, và từ bỏ con đường gian ác, thì từ trên trời Ta sẽ lắng nghe, tha thứ tội lỗi họ và chưa lành đất nước họ.” có hàm ý là không phải chỉ một vài người thay mặt Hội-thánh làm điều nầy, mà tất cả những ai là con cái thật của Chúa đều phải hạ mình cầu nguyện, chân thành ăn năn tội lỗi (xem Daniel 9:3–19).

Khi các đầy tớ Y-sác đào được mạch nước, người Philistine lại đến giành giật, vì ông còn trú ngụ trong lãnh thổ của họ (19–21). Con cái Chúa không thể truyền giáo thành công trong sòng bài.

Người Philistine không thể giành giật chi được khi Y-sác đào giếng ở ngoài lãnh thổ của họ. Ông tìm ra bí quyết: “Ra chỗ ở rộng rãi” chắc chắn sẽ thịnh vượng (22). Kết quả là kẻ thù đến cầu hoà (28); sau đó lại có thêm nguồn nước (32), tức là ơn phước cứ tuôn tràn.

Hãy suy gẫm và áp dụng nguyên tắc căn bản nầy trong các hoạt động làm ăn của chúng ta. Con cái Chúa không thể thịnh vượng về đời sống tâm linh trong lãnh vực ma quỷ đang làm chủ, nắm quyền.

Hình ảnh khơi lại các giếng cũ bị bít và đào giếng mới còn tượng trưng cho cách thờ phượng của Hội-thánh làm sao để Đức Thánh Linh có thể thi thố các việc quyền năng của Ngài giữa Hội-thánh và trong đời sống của từng cá nhân.

Chúng ta cần phải có nếp sống thờ phượng Chúa chứ không phải chỉ thờ phượng khi đến nhà thờ: “Y-sác lập một bàn thờ, cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va và đóng trại tại đó. Rồi các đầy tớ của ông đào ở đó một cái giếng” (25).

Y-sác lập nề nếp thờ phượng, sống đời cầu nguyện, đặt chỗ ở của mình thuận tiện cho sự thờ phượng, và tìm kiếm sức sống và sự hiện diện của Đức Chúa Trời cho gia đình và mọi người thuộc về ông. Khi Chúa ngự đầy dẫy giữa chúng ta, thì Ngài sẽ thi thố công việc của Ngài; khiến kẻ thù phải tới cầu hoà.

Chúng ta hãy bắt chước các gương sáng của Kinh-thánh, để được Đức Thánh Linh ngự giữa Hội-thánh và trong lòng của từng tín hữu. Bởi vì ai không có Thánh Linh của Đức Chúa Trời thì người đó chưa thuộc về Ngài, như chép trong Rôma 8:9: “Nhưng nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời thật sự ở trong anh em thì anh em không sống theo xác thịt, mà sống theo Thánh Linh; còn ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.

Sự hiện diện của Đức Thánh Linh, hay sự sống của Hội-thánh là vô cùng cần thiết. Bởi vì mỗi khi con cái Chúa hưng thịnh thì kẻ thù sẽ ganh ghét và tìm cách hãm hại, mà sự hiện diện và sự sống của Đức Thánh Linh ở với Hội-thánh để bảo vệ chúng ta, khiến mọi kẻ có tâm lý đối địch phải tránh xa. Hội-thánh sẽ bình an và phát triển.

VanDeCanBan22web.docx
Rev. Dr. CTB