Những Điều Cần Biết, bài 21
Mathiơ 7:12
“…Bất cứ điều gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là tóm tắt luật pháp và sứ điệp của các tiên tri.” Điều luật nầy quá quý báu nên được người ta đặt tên là luật vàng, cũng là một luật thuộc linh.
Trong lịch sử có hai người được người ta khen ngợi vì phát biểu của họ có vẻ tương tự như Luật Vàng của Đức Chúa Jesus dạy.
Khổng Phu Tử sinh vào năm 551 trước Chúa giáng sinh, ở nước Lỗ, bây giờ là Sơn-đông bên Tàu, theo lịch sử thuộc đời nhà Chu thời Xuân Thu, lúc nước Tàu có hàng trăm vương quốc nhỏ. Câu nói nổi danh của Khổng Tử là: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.” Nghĩa là điều gì mình không thích, đừng làm điều đó cho người khác.
Một nhân vật lịch sử khác người Do-thái sống vào lúc giao thời ở cuối thế kỷ 1 trước công nguyên và chết năm 10 AD, tên là Hillel Trưởng Lão. Câu nói nổi danh của ông cũng tương tự như Khổng Tử: “Điều gì bạn ghét thì đừng làm điều đó cho láng giềng của mình.”
Nếu xem xét kỹ, thì cả hai câu nói của Khổng Tử và Hillel đều có tính cách tiêu cực, khác xa tính tích cực của Luật Vàng. Họ dạy, đừng làm cho người khác điều chi mình không muốn người ta làm cho mình.
Nhưng Luật Vàng của Chúa là rất tích cực: ‘Hãy làm cho người ta điều gì mình muốn người ta làm cho mình.’ Đức Chúa Jesus cũng cho biết nguồn gốc luật vàng nầy là tóm tắt luật pháp và sứ điệp của các nhà tiên tri, tức là sự tóm tắt cách sống thiện hảo mà Đức Chúa Trời muốn mọi người đều phải thực hiện.
Tuy nhiên, một số tín hữu suy nghĩ theo cách có đi có lại, thì muốn luật nầy áp dụng về phương diện khác, đó là dâng hiến cho Chúa với niềm ước mong được Ngài ban ơn trở lại như một nghĩa vụ Chúa phải làm; cho nên, những người như vậy rất thất vọng khi không đạt được điều họ trông đợi. Thế thì, chúng ta phải hiểu ra sao về luật nầy?
Câu nói của Đức Chúa Jesus có hai phần, mệnh lệnh tích cực và lý do phải tuân theo lệnh ấy. Lý do là luật pháp và sứ điệp của các vị tiên tri đều đến từ Đức Chúa Trời cho loài người biết, vâng theo để được hưởng phước thay vì bị phạt vì phạm các luật thánh của Đấng Chủ Tể cả cõi trời đất đã tạo dựng loài người và cho họ được hưởng mọi niềm vui của đời sống.
Tinh tuý của luật pháp đã truyền cho loài người không phải là sự nghiêm khắc trói buộc người ta, nhưng là ích lợi và hạnh phúc cho người nào tuân theo. Ai cũng muốn được người khác tôn trọng, yêu thương, đối xử dịu dàng và nhân hậu.
Các điều răn của Đức Chúa Trời truyền cho dân Israel về việc họ phải đối xử với nhau cách tử tế và tôn trọng nhau, là những chi tiết của mệnh lệnh: ‘Hãy làm cho người khác như cách mình muốn người ta đối xử với mình.’ Nếu mọi người trên trần gian đều làm theo lời dạy dỗ nầy của Chúa, thì sẽ chẳng có tội lỗi giữa vòng loài người đối với nhau.
Sự lầm lẫn của một số người đối với việc phải nộp lại cho Đức Chúa Trời phần của Ngài sau khi đã được Ngài ban đủ mọi điều cần dùng, là nghĩ rằng cái đó do lòng tốt mình hiến của làm ơn cho Hội-thánh của Chúa; vì thế, Chúa có bổn phận phải ban cho họ điều lòng họ đang ao ước.
Ý tưởng đó xuất phát từ mục đích cúng bái của các tín đồ ngoại giáo mong sẽ được các thần linh báo trả công lao và tiền bạc mà họ đã cống hiến cho chùa miễu hay đền thờ. Có người trích dẫn Thi-thiên 37:4 “Cũng hãy vui thoả nơi Đức Giê-hô-va, thì Ngài sẽ ban cho ngươi điều lòng mình ao ước,” để chứng minh cho việc họ muốn được Chúa đền ơn. Mặc dù câu nầy có hai vế, nhưng người ta thường chú ý tới vế thứ nhì hơn phần trước là hãy vui thoả nơi Đức Chúa Trời.
Người ta cũng không chú ý để áp dụng phần tiếp theo: “Hãy phó thác đường lối mình cho Đức Giê-hô-va và nhờ cậy nơi Ngài, thì chính Ngài sẽ làm điều nầy: Ngài sẽ khiến sự công chính của ngươi lộ ra như ánh sáng, và công lý của ngươi sáng tỏ như ban trưa” (Thi-thiên 37:5–6).
Sở dĩ lời của Đức Chúa Jesus dạy chúng ta phải đối xử tốt với người khác là một luật thuộc linh, bởi vì ai áp dụng luật ấy thì được hưởng phước và được thoát ra khỏi thói thường của người dùng các lễ nghi và hành động tôn giáo mà tưởng rằng nhờ đó mình sẽ được ban thưởng, mà quên mất phần quan trọng của luật thiên đàng là đức tin và lòng nhân từ đối với đồng bào, đồng loại của mình. Ai áp dụng đúng luật thuộc linh sẽ nhận được kết quả đến từ cõi linh biểu hiện thành vật chất trong cõi vật lý.
Có một chuyện thật đã xảy ra: Một chiều mùa đông, Bryan Anderson lái chiếc xe cũ tồi tàn trên đường về khi tan sở, anh thấy một bà cụ ngồi trong chiếc Mercedes xẹp bánh đang đậu bên lề đường; anh đậu lại trước xe bà rồi tiến tới nói, bà cứ ngồi trong xe cho ấm, tôi sẽ thay bánh xe cho bà. Làm xong, anh từ chối lời đề nghị trả tiền, nói rằng, xin bà giúp cho người nào bà thấy cần được giúp, chỉ cần nhớ đến tôi, Bryan Anderson, là đủ rồi.
Bà cụ cảm kích lái xe đi, vì đói bụng bà dừng lại một quán ăn nhỏ bên đường. Người phụ nữ trẻ phục vụ đang mang thai rất lớn, nhưng rất vui vẻ và tận tình chứ không tỏ vẻ gì mệt mỏi dù phải đứng suốt ngày; cô còn lấy khăn sạch lau tóc cho bà.
Ăn xong, bà lấy tờ $100 trả tiền. Cô hầu bàn vội vàng đi lấy tiền thối, nhưng khi ra bà đã biến mất. Trên chiếc khăn giấy có vài dòng chữ viết vội: “Cô không nợ gì tôi cả. Có người đã giúp đỡ tôi, nay tôi muốn giúp đỡ cô. Nếu cô muốn trả ơn thì đừng để chuỗi tình thương nầy bị đứt đoạn.” Bà để lại thêm bên dưới miếng khăn giấy 4 tờ $100.
Hết ca làm, cô về nhà mừng rỡ khoe với chồng là Bryan Anderson rằng đừng lo phí tổn sinh đẻ, một bà cụ đi xe Mercedes đã biếu em hơn $400. Bryan hỏi vợ vài chi tiết về bà cụ thì nhận ra đó là người anh đã giúp. Anh tạ ơn Chúa đã luôn thành tín với các con cái biết vâng lời.
Có thể có người thắc mắc rằng, có nhiều người tánh tình rất đáng ghét, không đáng được cư xử tử tế, vì người đó chẳng bao giờ tử tế với ai hết, thì sao? Đức Chúa Jesus dạy về việc đó như sau: “… các con hãy yêu kẻ thù mình, hãy làm ơn và hãy cho mượn mà đừng mong trả lại. Như vậy, phần thưởng của các con sẽ lớn, và các con sẽ là con của Đấng Chí Cao, vì Ngài lấy lòng nhân từ đối đãi người vô ơn và kẻ độc ác” (Luca 6:35).
Quý anh chị em cần bước lên những bậc cao hơn trên bước đường theo Chúa. Hãy tập tành lòng, biết ơn, yêu mến và kính sợ Chúa mà đối xử với người hiền cũng như với người ác.
Trong mùa Tạ Ơn năm nay, chúng ta vừa nghe biết câu chuyện làm ấm lòng người của một anh vô gia cư mà giàu lòng vị tha, khi anh sẵn sàng dùng $20 cuối cùng mình có để mua xăng cho một người xa lạ đang bối rối vì xe hết xăng. Sau lễ Tạ Ơn, số tiền quyên tặng cho người cựu chiến binh có lòng tốt bị sa cơ ấy đã lên tới $280,000.
Hoàng đế La-mã Severus Alexander, ở đầu thế kỷ 3 AD, rất thích Luật Vàng của Đức Chúa Jesus, mặc dù ông ta không theo đạo. Ông ra lệnh viết Luật Vàng trong các tủ quần áo của mình để có thể thấy và đọc nó mỗi ngày.
Luật vàng của Chúa áp dụng cho tất cả mọi người, bất kể kẻ ấy ra sao. Nhưng trước hết, chúng ta hãy áp dụng cho nhau trong Hội-thánh. Nếu chẳng ai muốn thấy mình bị cau có, gắt gỏng, mà muốn mọi người vui vẻ với mình, thì hãy luôn vui vẻ với mọi người trong Hội-thánh trước đã. Vì biết rằng vẻ mặt cau có gắt gỏng, dù mình chẳng được quyền cau có gắt gỏng với ai, làm nhiễm độc bầu không khí vui vẻ của anh chị em trong Chúa với nhau và là nguồn gốc của sự chia rẽ, rạn nứt trong nội bộ Hội-thánh. Cũng đừng ai có tư tưởng trả đũa khi thấy ai đó có vẻ như coi thường hay không thân thiện với mình.
Thời xưa, Sau-lơ cậy thế làm vua Israel, thù ghét con rể mình là David, vì David được người ta ca ngợi về các chiến công hiển hách hơn Sau-lơ; ông ta truy đuổi David khắp nơi, lùng bắt cho bằng được để giết David, người được dân yêu mến hơn mình.
Có hai lần Đức Chúa Trời phó sinh mạng của Sau-lơ vào tay David, ông không giết mà tha mạng Sau-lơ. Vì lý do đó Đức Chúa Trời đoạt ngôi vua của Sau-lơ trao cho David, một người hết lòng yêu mến và kính sợ Ngài.
Tâm tình ấy được Đức Chúa Jesus dạy: “Ta phán với các con là người nghe Ta: Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình” (Luca 6:27–28). Mặc dù hiện nay lời dạy của Đức Chúa Jesus chỉ còn trên giấy mực, sách vở, nhưng hãy vâng theo lời Ngài dạy vì ấy là luật trong linh giới.
Ngài cho biết: “Chính thần linh làm cho sống xác thịt chẳng ích gì. Những lời Ta nói với các con là thần linh và sự sống” (Giăng 6:63).
NhungDieuCanBiet21.docx
Rev. Dr. CTB