Tâm Linh Trưởng Thành, 29

Giô-Suê 3:15–16

Kinh Thánh Cựu Ước không phải chỉ là những sách đề cập tới lịch sử của dân Israel, luật pháp của Đức Chúa Trời ban qua Môise, các lời tiên tri về vận mệnh của dân tộc Do-thái, hoặc tương lai của toàn thế giới mà thôi; nhưng Cựu Ước là hình bóng của Tân Ước, Tân Ước là sự hoàn thành Cựu Ước. Câu chuyện về cuộc hành trình của dân Israel trên đường từ đời nô lệ ở Ai-cập về đất hứa sống đời tự do, và lịch sử của dân ấy suốt thời Cựu Ước là bản minh hoạ chính xác hình ảnh cuộc hành trình tâm linh của mọi Cơ-đốc-nhân từ thời khởi đầu Tân Ước cho tới ngày nay.

Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng: “Những lời Kinh Thánh được chép từ xưa cốt để dạy dỗ chúng ta” (Rôma 15:4) và “Các việc đã xảy ra cho họ, nêu gương cho chúng ta, được ghi chép lại để răn dạy chúng ta là những người sống vào thời đại cuối cùng” (1Côrinhtô 10:11). Vậy hãy xem xét việc nầy.

Sự phục sinh của Đức Chúa Jesus vừa bảo đảm chắc chắn người tin được cứu độ, vừa mở vận hội mới cho tâm linh người ấy nữa. Ngài hi sinh để hoàn thành công tác chuộc tội nhân loại, như chiên con không tì vết phải bị giết, và máu của nó được thoa trên mày cửa nhà của người Do-thái ở Ai-cập ngày xưa, để kẻ huỷ diệt vượt qua nhà ấy, họ được thoát chết; nên gọi là Lễ Vượt Qua.

Đức Chúa Jesus đã chịu bị đóng đinh trên thập tự giá vào dịp lễ Vượt-qua của người Do-thái, hoàn thành hình bóng Chiên Con phải bị giết trong lễ Vượt-qua, đã được Đức Chúa Trời thiết lập trong Cựu Ước; cho nên, Ngài được gọi là Chiên Con của Lễ Vượt Qua (1Côrinhtô 5:7b). Sự liên hệ chặt chẽ giữa các lễ là rất quan trọng, nên chúng ta sẽ quan sát để áp dụng các bài học thuộc linh.

Người Do-thái cử hành lễ Ngũ-tuần của họ 50 ngày sau lễ Vượt-qua. Trong đêm trước khi bị nộp vào tay kẻ ác, Đức Chúa Jesus hứa rằng sau khi Ngài ra đi, Ngài sẽ sai Đức Thánh Linh đến, mà Ngài gọi là một Đấng An Ủi khác. Nghĩa là Đức Thánh Linh sẽ không giáng lâm trước khi Đức Chúa Jesus, Chiên Con của lễ Vượt-qua, hoàn thành công tác.

Năm mươi ngày sau khi Đức Chúa Jesus sống lại thì Đức Thánh Linh đã giáng lâm đúng lễ Ngũ-tuần, mặc quyền phép cho các sứ đồ và thành lập Hội Thánh của Đức Chúa Jesus Christ, mà Ngài là Đấng điều hành. Sự kiện Đức Thánh Linh giáng lâm, báp-têm và mặc quyền phép cho mọi môn đồ có mặt trong buổi họp ngày ấy ở Jerusalem như lời Chúa hứa (Công vụ 1:4), là hình bóng con dân Chúa đã được đưa tới miền đất hứa. Mẫu mực Cựu-ước đã được Tân-ước hoàn thành.

Các môn đồ của Đức Chúa Jesus đã nhận được phước hạnh lễ Ngũ-tuần, tức mặc lấy quyền phép, sau khi họ đã hưởng quyền lợi huyết Chiên Con lễ Vượt-qua, tức là sự chết của Đức Chúa Jesus cứu mạng. Tín hữu ngày nay cũng phải theo khuôn mẫu ấy: Phải kinh nghiệm quyền lợi lễ Vượt-qua trước khi có thể nhận phước hạnh lễ Ngũ-tuần. Nghĩa là phải thật sự được huyết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, Chiên Con lễ Vượt-qua, bôi xoá hết tội lỗi, trước khi được báp-têm Thánh Linh.

Việc ấy diễn ra thế nào? Người muốn nhận ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus, phải bằng lòng cho bản chất tội lỗi, tức là con người cũ của mình, bị đóng đinh trên thập tự giá với Ngài. Rồi được sống lại khi Ngài sống lại, tức là vượt khỏi sự chết mà vào sự sống (Rôma 6:5). Đó là điều kiện tiên quyết để nhận được phước hạnh của lễ Ngũ-tuần, báp têm bằng Đức Thánh Linh, nhận năng lực thuộc linh, nhận các ân tứ quyền năng, sống và quen biết các dấu kỳ phép lạ của Đức Chúa Trời.

Trong cuộc hành trình của dân Israel ra khỏi Ai-cập về miến đất hứa, sau khi được ban cho các quy tắc lễ Vượt-qua mà họ PHẢI thực hiện để được giải cứu khỏi Đấng huỷ diệt, họ phải đi liền trong đêm ra khỏi xứ Ai-cập; sau đó họ PHẢI vượt qua Hồng-hải, là hình bóng về sự chịu báp têm bằng nước. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “..Tổ phụ chúng ta đều đã ra đi dưới đám mây, ngang qua biển.  Như thế, họ đã chịu báp têm trong mây và dưới biển, để theo Môise.” (1Côrinhtô 10:1–2).

Đó là hình bóng của việc ngày nay chúng ta phải nhờ huyết của Đức Chúa Jesus để thoát án chết, sau đó chịu báp têm bằng nước, biểu tượng của việc được tái sanh. Lúc dân Israel vượt qua Hồng-hải thì chưa có Rương Giao Ước (tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa Trời). Rồi họ chỉ có thể tiến vào đất hứa, là hình bóng của sự mặc lấy quyền phép Đức Thánh Linh, sau khi phải vượt qua sông Jordan, là hình bóng về một phép báp-têm khác (Giôsuê 3:1417).

Không phải dân Israel sẵn lòng tin lời hứa của Đức Chúa Trời mặc dù đã chứng kiến tận mắt, và hưởng vô vàn dấu kỳ phép lạ kinh hồn mà Ngài đã thực hiện cho họ. Vì thế, họ bị lang thang giữa hoang mạc khô hạn nắng cháy trong 40 năm; cho đến khi mọi người trưởng thành lúc ra khỏi Ai-cập đều chết hết, ngoại trừ Giôsuê và Calép, là hai người hết lòng tin lời hứa của Đức Chúa Trời. 

Những người được vào đất hứa là người vị thành niên đã được huyết Chiên Con của lễ Vượt-qua cứu khỏi sự huỷ diệt tại xứ Ai-cập, là biểu tượng cuộc đời nô lệ cho tội lỗi, hoặc bị bản chất tội lỗi cầm buộc, sai khiến; rồi tin chắc lời hứa của Đức Chúa Trời. Những người ấy được hưởng vận hội mới trong miền đất trù phú mà Đức Chúa Trời đã hứa cho ông tổ Abraham của họ.

Nước sông Jordan chỉ rẽ ra khi bàn chân của các thầy tế lễ khiêng Rương Giao Ước chạm vào nước mé sông. Rồi Rương Giao Ước cứ ở trên vai các thầy tế lễ đứng giữa sông, để mọi người đều phải đi qua cạnh rương ấy và thấy rõ nắp thi ân trên Rương Giao Uớc, hình bóng về sự hiện diện của vinh quang Đức Chúa Trời (2Samuel 6:2b). Sự kiện nầy là hình bóng người muốn nhận báp-têm Thánh Linh phải kinh nghiệm có sự hiện diện của Chúa trong lòng mình cách rõ ràng.

Rương Giao Ước cứ ở giữa sông lúc toàn dân vượt qua sông là hình bóng về sự xác nhận và bảo vệ chắc chắn của Chúa. Vượt sông Jordan đang mùa nước lũ là quyết định mà dân của Chúa PHẢI thực hiện bằng đức tin và sự vâng lời. Quyết định ấy là hình bóng của sự hết lòng muốn nhận được phước hạnh Đức Chúa Trời đã hứa (Công vụ 1:4–5), như các môn đồ đã nhận vào lễ Ngũ Tuần.

Ngày nay, Đức Chúa Jesus đã phục sinh và ban vận hội mới cho ai sẵn lòng nhận ơn cứu chuộc của Ngài cùng tin chắc lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống quyền năng của sự đầy dẫy Đức Thánh Linh, mà việc thời ấy được an nghỉ, nhận đất hứa làm cơ nghiệp vĩnh viễn là hình bóng.

Một số tín hữu đã nhận ơn cứu độ nhưng đời buồn tẻ, chưa được hưởng sự vui mừng hoan lạc của đời sống được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, vì họ chỉ nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus, chưa thấy ích lợi sau khi Ngài phục sinh và thăng thiên, cũng vô cùng lãnh đạm và không tin vào lời hứa tuyệt vời về Đức Thánh Linh. Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời đã thề với ai là họ sẽ không được vào sự an nghỉ của Ngài? Không phải với những người bất tuân hay sao? Vậy, chúng ta thấy những người ấy không vào đó được vì họ không tin.” (Hêbơrơ 3:18–19).

Đức Chúa Jesus đã phục sinh không phải chỉ để trở về trời, nhưng Ngài thực hiện lời hứa tuôn đổ Đức Thánh Linh để trang bị quyền phép cho những ai mừng rỡ nhận ơn cứu chuộc, chịu cho bản chất tội lỗi của mình bị tiêu diệt trên thập tự giá với Đấng Christ qua sự tái sinh, và tin chắc lời Đức Chúa Trời hứa rằng sẽ mặc được quyền phép ấy qua phép báp têm bằng Đức Thánh Linh. 

Không phải Chiên Con lễ Vượt-qua chịu chết để sản sinh những tín đồ bạc nhược, tiếp tục làm nô lệ cho bản tánh xác thịt của họ. Sự giải thoát của Ngài là toàn diện. Lời hứa của Ngài là chắc chắn. Ơn phước lễ Ngũ-tuần được ban cho ai tin lời hứa ấy.

Một số người không dám xin được đầy dẫy Đức Thánh Linh vì tự thấy mình không xứng đáng.  Nhận thức ấy tuy đúng về họ, nhưng hoàn toàn sai theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Không ai tự mình xứng đáng. Ngài không đánh giá chúng ta qua con người xác thịt; Ngài nhìn chúng ta qua màn che của huyết Đức Chúa Jesus. Chiên Con lễ Vượt-qua đã phục sinh và tuôn đổ Đức Thánh Linh trên ai đã được huyết Ngài tẩy sạch và vâng lời vững đức tin vượt nước lũ sông Jordan.

TamLinhTruongThanh29.docx

Rev. Dr. CTB