Nắm Vững Niềm Tin, bài 09

Rôma 4:1–22

Để dễ theo dõi và có thể hiểu các lý luận của sứ đồ Phaolô, chúng ta hãy ôn lướt qua những đoạn trước: Đoạn 1 nói tất cả dân ngoại đều phạm tội và đáng bị cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời trừng phạt. Qua đoạn 2 thì tất cả người Do-thái cũng phạm tội và đáng bị trừng phạt y như vậy. Từ 1–8 của đoạn 3 thì dù có luật Torah, dân Do-thái chẳng có lợi thế gì đặc biệt. 9–20 giải thích rằng luật Torah tự nó không thể làm cho người nào trở nên công chính, nhưng mục đích của luật ấy là chỉ cho người ta biết tội lỗi và lên án tội nhân. Và 21–31 cho biết sự công chính do ân sủng từ Đức Chúa Trời ban cho, nhờ đức tin vào Đức Chúa Jesus, hoàn toàn tách rời khỏi luật Torah. Bây giờ qua đoạn 4, Phaolô trở lại chuyện tích Abraham, tổ phụ dân Do-thái, để kết luận rằng người ta được xưng công chính bởi đức tin, chứ không phải do các việc làm tuân theo luật pháp Torah.

Sứ đồ Phaolô dùng Sáng Thế 15:6 làm trọng tâm bài biện luận của ông: “Abram tin Đức Giêhôva, nên Ngài kể ông là người công chính.” Nghĩa là Abraham được kể là người công chính, vì ông đặt đức tin của mình vào lời hứa của Đức Chúa Trời, chẳng phải bởi việc công đức nào hết (1–3). Tại sao nhờ đức tin được kể là công chính? Bởi vì “Đối với người làm việc, tiền công không được kể là ân huệ, nhưng phải kể là nợ; còn với người không làm việc, nhưng tin vào Đấng xưng công chính cho người có tội thì đức tin của người ấy được kể là công chính” (4–5). Từ khi Do-thái-giáo thành hình và phát triển, người Do-thái vẫn tin rằng nhờ làm theo luật Torah, họ sẽ trở nên thánh thiện và Đức Chúa Trời phải ban sự công chính cho họ. Nghĩa là Đức Chúa Trời nợ họ về công họ giữ luật Torah. Đối với Chúa thì không phải như vậy; người Do-thái cứ phạm tội mà đòi trả công.

Cho nên, ân sủng, cũng gọi là ân điển, sự cho không, là một món quà miễn phí. Sự tiết lộ nầy của sứ đồ Phaolô là một cuộc cách mạng về sự hiểu biết tính cách nhân từ và yêu thương của Đức Chúa Trời. Sự hiểu biết nầy đi ngược lại cách suy nghĩ rất phổ biến trong vòng tín đồ Do-thái-giáo và tín đồ của rất nhiều tôn giáo khác. Một truyện tích thời cổ là ví dụ đức nhân từ của Chúa: Tiên tri Jonah được Đức Chúa Trời sai đến đế đô Nineveh để rao án phạt Đức Chúa Trời đã định trên thành đó. Dân thành nghe và tin Đức Chúa Trời, ăn năn tội, hạ mình xuống, nên họ được tha thứ (Jonah 3:5–10). Việc đó đã xảy ra vì “Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không giáng tai họa” (Jonah 4:2b). Dân chúng và vua quan của đế đô Nineveh chẳng có luật Torah, cũng không biết cách giữ luật. Nhưng bởi đức tin, họ được tha thứ, tránh bị hủy diệt.

Trong một thư tín khác, sứ đồ Phaolô giải thích rõ thêm về ân điển, ơn ban của Đức Chúa Trời cho người có đức tin. “Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào” (Êphêsô 2:8–9). Vua David cho rằng ai có lỗi lầm được tha thứ và tội lỗi được khỏa lấp là phước lớn (6–8). Thế nhưng, người ta có bị đòi hỏi phải chịu cắt bì để được nhận phước hạnh đó không? Câu trả lời là không! Bởi vì ông Abraham được Chúa kể là công chính trước khi chịu cắt bì; dù sự cắt bì ấy là dấu hiệu giao ước giữa Đức Chúa Trời với ông (9–12).

Ông tổ Abraham được xưng là công chính hơn 400 năm trước khi luật Torah được ban bố cho dân Do-thái qua Môise. Lúc ấy, ông chẳng biết có luật Torah nào hết. Vì vậy: “Lời hứa cho Áp-ra-ham và dòng dõi ông được nhận thế gian làm cơ nghiệp, không phải đến từ luật pháp nhưng nhờ sự công chính của đức tin. Vì nếu nhờ luật pháp mà được hưởng cơ nghiệp thì đức tin trở thành vô ích và lời hứa cũng mất hiệu lực. Vì luật pháp đem đến sự thịnh nộ, nhưng nơi nào không có luật pháp thì cũng không có sự phạm pháp” (13–15). Sở dĩ sứ đồ Phaolô phải đưa ra các bằng chứng thời cổ, bởi vì ông tổ Abraham được Đức Chúa Trời hứa sẽ ban cho một con trai nối dõi trong lúc tuổi ông đã già, mà bà Sarah thì bị hiếm muộn. Đức Chúa Trời cũng hứa là ông sẽ làm tổ phụ của nhiều dân tộc. Chính nhờ đức tin vào lời hứa của Chúa mà Abraham được hưởng phước.

Đức tin của Abraham chẳng phải chỉ giúp ông sinh được con trai nối dõi mà thôi; đức tin ấy đem ơn phước đến cho cả dòng dõi của ông dưới quyền luật pháp, lại cũng đem ơn phước đến cho chúng ta ngày nay, dù chúng ta chỉ là dòng dõi của Abraham về phương diện đức tin (16–17a). Đức tin ấy như thế nào? “Trước mặt Đức Chúa Trời, Đấng ông đã tin, là Đấng ban sự sống cho kẻ chết, và gọi những điều không có như đã có. Ông đã hi vọng dù không còn lý do để hi vọng; ông vẫn tin và trở thành cha của nhiều dân tộc, theo như lời đã phán với ông rằng: ‘Dòng dõi con sẽ như thế’” (17b–18). Đức tin ấy đã kéo ân điển của Đức Chúa Trời đến với ông. Nếu chúng ta muốn được ơn như Abraham thì phải đặt lòng tin vào ơn cứu chuộc của Đức Chúa Jesus, không có cách nào khác. Nghĩa là sẽ được cứu rỗi vào Vương quốc Đức Chúa Trời, như Lời Ngài đã hứa.

Niềm hạnh phúc của chúng ta ngày nay là không cần phải khổ tu ép xác chi hết, mà vẫn được kể là công chính, tức là vô tội, chỉ nhờ lòng tin vào Đức Chúa Trời và sự hi sinh chịu chết rồi sống lại của Đức Chúa Jesus. Đức tin của ông Abraham ngày xưa khó khăn hơn chúng ta này nay rất nhiều “Ông thấy thân thể mình chết mòn vì đã gần một trăm tuổi, và thấy Sa-ra không thể sinh con được nữa, nhưng đức tin chẳng hề suy giảm. Ông không để lòng vô tín làm cho mình nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin và tôn vinh Đức Chúa Trời, hoàn toàn tin chắc rằng Đức Chúa Trời có quyền năng để thực hiện những gì Ngài đã hứa. Vì thế, đức tin của ông được kể là công chính” (19–22). Vậy chúng ta phải đặt đức tin mình vào điều gì?

Hãy đặt lòng tin của mình vào Lời do chính miệng Đức Chúa Jesus phán: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. Vì Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài đến thế gian không phải để kết án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con mà được cứu. Ai tin Con thì không bị kết án đâu, còn ai không tin thì đã bị kết án rồi, vì không tin đến danh Con Một của Đức Chúa Trời” (Giăng 3:16–18). Ngày nay, chẳng những Đức Chúa Jesus đã thực hiện ơn cứu chuộc của Ngài, mà còn ban Đức Thánh Linh vào ngự trong lòng chúng ta, để biến đổi, sinh lại và dẫn dắt chúng ta bước đi trên con đường thánh hóa. Ngài tạo mọi điều kiện giúp chúng ta củng cố đức tin, miễn là phải tin Ngài trước đã.

Tuần nầy thường được gọi là tuần thương khó, vì là những ngày Đức Chúa Jesus chịu bị bắt, bị kết án (dù Ngài chẳng phạm tội gì), và chịu bị đóng đinh giết chết trên cây thập tự. Khi Ngài bị bắt, các môn đồ đều bỏ Ngài và chạy trốn; chỉ có hai người đi theo Ngài xa xa. Đức Chúa Jesus bị giết vào ngày Thứ Sáu, tức là ngày dân Do-thái phải giết con chiên con một tuổi, không tì vết, mà nó phải chịu chết để máu của nó được bôi lên mày cửa và hai bên cột khung cửa, để cứu sinh mạng của người trong nhà. Vì thế, Đức Chúa Jesus được gọi là “Chiên Con lễ Vượt Qua của chúng ta” “Hãy làm sạch men cũ đi, để anh em có thể trở thành một đống bột mới không men, như anh em thật sự là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ, Chiên Con lễ Vượt Qua của chúng ta đã được dâng làm sinh tế rồi” (1Côrinhtô 5:7).

Chúng ta chỉ có thể nhận được lời hứa về phần thưởng sự sống đời đời nhờ đức tin. Lời Hứa của Đức Chúa Trời là thành tín. Ngài không thất hứa, miễn là chúng ta phải có đức tin.

NamVungNiemTin09.docx

Rev. Dr. CTB