Các Vấn Đề Căn Bản, bài 16
Mathiơ 25:31–46
Trong ẩn dụ của Đức Chúa Giêxu kể về mười trinh nữ đi đón chàng rể của đám cưới, có năm cô khôn đã chuẩn bị đủ dầu, đèn thắp sáng, nên được dự tiệc cưới cùng chàng rể; còn năm cô dại vì thiếu chuẩn bị khi còn cơ hội, đèn sắp tắt do thiếu dầu, nên bị từ chối không được dự tiệc cưới.
Tiệc cưới là nghĩa bóng của đời sống hoan lạc vĩnh cửu ở thiên đàng. Ý nghĩa của Kinh-thánh về dầu là sự hiện diện và ảnh hưởng của Đức Thánh Linh trong đời sống tín đồ.
Từ ý nghĩa của câu chuyện nầy, những người cảm thấy mình thiếu sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh đều thắc mắc về việc làm sao để chuẩn bị cho có đủ dầu, tức là sự hiện diện mạnh mẽ của Đức Thánh Linh trong lòng.
Sự hiểu biết nầy là vô cùng quan trọng khi chúng ta nhận ra thực trạng mệt mỏi, ngủ gục của Hội-thánh chung hiện nay, mà đa số trong chúng ta cũng đang mòn mỏi ngủ mê như mọi người khác. Bởi vì sự hiểu biết đó sẽ giúp chúng ta thức tỉnh khỏi tình trạng ngủ mê.
Mỗi chi tiết về sự phán xét sau cùng, mà Đức Chúa Jesus mô tả trong phân đoạn Kinh-thánh Mathiơ 25:31–36, thì hoặc là chỉ dẫn cho chúng ta biết cách sống và thái độ của lòng người sẽ nhận được phước lớn do tích chứa được đầy dầu Đức Thánh Linh, hoặc là sẽ bị khai trừ khỏi sự sống đời đời do cách sống và thái độ của lòng người từ chối quyền cai trị của Đức Thánh Linh trong nếp sống riêng tư.
Hãy nhắc lại một chi tiết quan trọng của bài học kỳ trước rằng, mỗi giọt dầu được đổ vào bình chứa của chúng ta qua các hành động vâng lời Chúa trong những cảnh ngộ chẳng ai chứng kiến–nghĩa là sự tích trữ đủ dầu để đèn mình, tức là đời sống riêng tư, có thể chiếu sáng và tạo ảnh hưởng trên những người quanh mình–là do thái độ vâng lời của lòng chúng ta đối với Chúa. Bởi vì không tiền bạc nào có thể mua được Thánh Linh của Đức Chúa Trời.
Căn cứ trên sự hiểu biết đó, chúng ta sẽ tìm hiểu những đặc tính của người được Chúa xem là chiên, hay bị Ngài kể là dê:
“Khi Con Người ngự đến trong vinh quang mình cùng với tất cả các thiên sứ, Ngài sẽ ngồi trên ngai vinh quang. Muôn dân sẽ tụ họp trước mặt Ngài; và Ngài sẽ chia họ ra như người chăn chia chiên và dê ra, để chiên bên phải và dê bên trái” (31–33).
Việc nầy sẽ diễn ra khi Đức Chúa Jesus trở lại thế gian, là sự kiện vĩ đại sẽ xảy ra trong tương lai rất gần. Sứ đồ Phao-lô giải nghĩa đây là toà án của Đấng Christ: “Vì tất cả chúng ta đều phải trình diện trước toà án Đấng Christ để mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hoặc ác mình đã làm lúc còn trong thân xác” (2Côrinhtô 5:10).
Như vậy, chữ ‘muôn dân’ ở chỗ nầy nói về những người đã biết Chúa, tức là tất cả thành viên của Hội-thánh Chúa trong lịch sử nhân loại; từ tín đồ thật cho đến những người mang danh là tín đồ của Chúa nhưng thiếu mối liên hệ tương giao với Ngài.
Tuy nhiên, về những người được đàn chiên của Chúa đối xử tử tế, hoặc bị những tín đồ đứng bên phía bầy dê ngược đãi hay làm ngơ, là những ai? Họ cũng là tín hữu hay người chưa biết Tin Mừng?
Khi xem xét nguyên tắc yêu thương của Đức Chúa Trời bày tỏ trong Kinh-thánh, chúng ta hiểu rằng tình yêu thương và đức nhân ái phải áp dụng cho mọi người; như Đức Chúa Jesus đã dạy: “Hãy thương yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con, để các con được trở nên con của Cha các con ở trên trời” (Mathiơ 5:44–45).
Hãy để ý tới lời được Chúa dùng để nói về những người cùng khổ là: “Người thấp kém nhất trong những anh em nầy của Ta” (40, 45); vì thế, những người mà chúng ta sẽ đối xử trong cuộc đời của mình là vô số người mà chúng ta gặp trên đường đời, hoặc tình cờ, hay đã từng quen biết, dù họ có là tín hữu hay chưa tin Chúa.
Bên phải và bên trái của Chúa được định theo ý nghĩa thiên đàng nhưng dùng ngôn ngữ loài người để diễn tả. Phải là đúng và trái là sai. Những người đứng bên phải được kể là chiên thì sẽ “thừa hưởng vương quốc thiên đàng đã chuẩn bị sẵn…từ khi tạo dựng trời đất,” vì họ là những người được Đức Chúa Trời ban phước (34).
Lý do khiến họ được phước là vì đức nhân ái trong lòng họ phát ra hành động yêu thương đối với vô số người bất hạnh quanh mình (35–36). Họ được Chúa kể là những người công chính (37).
Trong số những việc thiện họ làm thì có nhiều việc mà người bình thường nào cũng làm được: Chia xẻ thức ăn cho người đói, nước cho người khát. Các nghĩa cử ấy mặc dù không khó, nhưng không phải người nào có đủ điều kiện cũng có từ tâm để làm. Nền tảng căn bản trong những tấm lòng như vậy là đức nhân ái từ Đức Thánh Linh ban cho.
Trong một xã hội nhiễu nhương như hiện nay, thì vấn đề tiếp rước khách lạ là điều khó khăn đối với nhiều con cái Chúa. Vì đem vào nhà mình một người xa lạ chưa từng quen biết là vấn đề rất tế nhị.
Không phải Chúa không biết điều đó, vì lòng dạ con người xưa nay giống nhau; nhưng ý nghĩa của việc tiếp rước khách lạ là giúp cho người bị lỡ độ đường một chỗ tạm trú.
Thời xưa tuy cũng có trộm cướp như ngày nay, nhưng người nằm ngủ chỗ đồng không mông quạnh có thể bị ác thú tấn công mà mất mạng; cho nên, người xưa có lòng nhân hậu thường mời các vị khách lỡ độ đường về tạm trú qua đêm ở nhà họ; rồi cung cấp thức ăn, nước uống để khách tiếp tục hành trình của khách.
Nhưng với tình trạng ích kỷ và vô cảm của người trong xã hội thời nay, những gương về tánh tình tử tế nầy đã biến mất dần trong tâm khảm của chúng ta; rất ít người có sự quan tâm tối thiểu đối với những người đang lâm cảnh khốn cùng.
Trong xã hội thừa mứa quần áo, giày dép hiện nay của chúng ta, hiếm thấy ai bị trần truồng vì nghèo khó. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không cần chia xẻ quần áo, giày dép, vật dụng dư thừa của mình cho người túng thiếu.
Ý nghĩa lời Chúa dạy ở chỗ nầy không phải là chia xẻ đồ đạc dư thừa của mình, dù hành động đó tốt hơn là cất giữ đồ mình không còn dùng đến, nhưng là sẵn sàng chia cho người thiếu thốn những thứ mình đang dùng.
Giúp đỡ cho các anh chị em cùng Hội-thánh với nhau đã là điều tốt, còn nhường cơm xẻ áo cho những người xa lạ mà bị thiếu thốn túng ngặt thì rất tốt và qúy hơn bội phần.
Cách suy nghĩ, quan niệm hay hiểu biết của chúng ta về vấn đề nầy hãy nên mở rộng và phóng khoáng. Vì nhờ đó chúng ta sẽ cư xử với những người cần sự giúp đỡ khác với cách chúng ta vốn quen thuộc với tính ích kỷ và thờ ơ của người thành thị.
Vì một số Hội-thánh địa phương có vài người chuyên thăm viếng bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà tù, vv, thì rất hiểu nỗi cô đơn và buồn rầu của rất nhiều người đang bị quên lãng trong những nơi như vậy; còn đại đa số tín hữu ở các Hội-thánh ít khi nào biết về các nơi nầy.
Vì thế, lời phán dạy của Chúa là sự cảnh tỉnh đối với những ai không biết thông cảm hoàn cảnh của những người già cả bị con cháu hất hủi, hoặc những người bị ở tù vì phạm tội ác hay lỗi lầm và không có chút hi vọng trở lại cuộc sống tự do.
Một ít nghĩa cử cảm thông đối với họ đều được Chúa kể là chăm sóc và thăm viếng Ngài. Tuy nhiên, chẳng phải ai cũng có thì giờ đi thăm viếng như thế; cho nên để có thể tham gia các nghĩa cử ấy, chúng ta có thể thành thật đóng góp một chút gì đó bằng cách nhờ những người đi thăm đem theo vài món quà hay các tấm thiệp viết vài lời khích lệ.
Chúng ta hãy suy gẫm bài học nầy để hiểu biết phương cách ‘mua’ được những giọt dầu qúy báu cho ‘bình chứa’ của chúng ta có đủ ‘dầu’ để đèn của mình tiếp tục được thắp sáng khi Chàng Rể trở lại thế gian.
Hãy nhớ rằng, mọi hành động phô diễn trước mặt người khác sẽ chẳng có ích lợi gì hết; như lời Đức Chúa Giêxu lên án sự giả hình bên ngoài của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si (Mathiơ 23:3-7). Nhưng mọi việc chúng ta kín đáo làm vì lòng kính mến và vâng lời Chúa là một trong các bí quyết để được vòi dầu của Đức Thánh Linh rót vào lòng mình.
Bài học về nguyên nhân đưa tới sự khen thưởng hay trừng phạt trước toà án của Đấng Christ đối với mọi người nào đã mang danh Ngài trong lúc đang sống ở thế gian, là sự giải thích về thái độ của lòng người sẽ nhận phước lớn do tích chứa được đầy dầu Đức Thánh Linh, hay bị khai trừ khỏi sự sống đời đời do cách sống của người từ chối quyền cai trị của Đức Thánh Linh trong nếp sống riêng tư.
Áp dụng bài học hay không áp dụng là quyết định riêng của mỗi tín hữu. Chúng ta hãy cùng nhau tích chứa dầu của Đức Thánh Linh để có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.
VanDeCanBan16.docx
Rev. Dr. CTB