Đời Sống trong Thánh Linh, bài 07

2Timôthê 1:9–10

Đức Chúa Trời đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bằng sự kêu gọi thánh, không phải do việc làm của chúng ta, nhưng theo mục đích riêng của Ngài và ân điển mà Ngài ban cho chúng ta từ muôn đời trước trong Đấng Christ Jêsus. Ân điển ấy bây giờ mới được thể hiện qua sự hiện đến của Đấng Christ Jêsus, Cứu Chúa chúng ta, Đấng đã tiêu diệt sự chết, dùng Tin Lành làm sáng tỏ sự sống và sự bất diệt.

Bất cứ người nào đã quyết tâm tin theo một tôn giáo, hoặc tôn thờ chủ nghĩa nào đó, đều nhắm tới một hay nhiều mục đích mà họ mong muốn. Cũng vậy, các tín hữu nào thật lòng theo đạo cũng mong đạt tới ước vọng lớn nhất của họ. Tuy nhiên, không phải ước vọng hay mục đích tối hậu của mọi người tin Chúa đều giống như nhau. Rất có thể mục đích tin Chúa của số đông tín đồ là được lên thiên đàng sau khi qua đời. Một số khác thì mong được tẩy sạch tội lỗi để bảo đảm khỏi bị phạt ở hỏa ngục và được lên thiên đàng. Số khác nữa thì muốn được Chúa bảo vệ khỏi bị tai họa. Nhóm cuối cùng cũng rất đông là những người mong được ơn phước của Chúa trong khi còn sống ở thế gian. Vậy, hãy cùng nhau suy nghĩ xem trong các mục đích trên có điều gì đúng và điều gì sai?

Ước muốn được về thiên đàng là có thật trong lòng của rất nhiều người tin Chúa. Tuy nhiên, không phải mức độ mong muốn và trình độ thuộc linh của những người trong nhóm nầy giống như nhau. Bởi vì có người chán cảnh sống ở trần gian và muốn sớm được Chúa đem về thiên đàng theo cách Chúa định. Nhóm người khác thì chỉ mong được Chúa cho phép vào thiên đàng sau khi cuộc sống ở trần gian kết thúc. Một nhóm khác nữa thì không mong sớm về với Chúa, mà sống trên đất càng lâu càng tốt. Nhóm khác nữa rất đông cũng mong về thiên đàng sau khi qua đời, nhưng không biết chắc mình có được vào đó hay không. Vậy, ước muốn được về thiên đàng của Chúa là đúng hay sai? Về đại thể thì tín hữu muốn được ở Vương quốc Chúa là tốt; nếu sai thì sai thế nào?

Người mong sớm về với Chúa là người sẽ không thực hiện bổn phận làm gương để dẫn người đi lạc về nhà Chúa (Mathiơ 5:14–16) “Các con là ánh sáng cho thế gian. Một cái thành xây trên núi thì không thể bị che khuất được. Không ai thắp đèn mà lại đặt dưới cái thùng, nhưng đặt trên chân đèn để nó soi sáng mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời.” Hầu hết những người vào nhà tu kín, xa lìa thế gian thuộc nhóm nầy. Nhóm thứ nhì thì có vẻ không có gì sai, nhưng nếu ai tin Chúa mà không biết chắc mình sẽ về thiên đàng hay không, thì niềm tin ấy đang bị trục trặc nặng (Giăng 15:6) “Nếu ai không cứ ở trong Ta thì bị ném ra ngoài như cành nho và bị héo, người ta nhặt lấy, ném vào lửa thì nó cháy.

Nhóm muốn sống lâu và rất sợ chết thì tình yêu đối với Chúa có vẻ yếu hơn tình gắn bó đối với vợ chồng, con cháu, và những điều thuộc trần gian (Mathiơ 10:37–38) “Ai yêu cha hoặc mẹ hơn Ta thì không xứng đáng với Ta; ai yêu con trai hoặc con gái hơn Ta cũng không xứng đáng với Ta. Ai không vác thập tự giá mình mà theo Ta thì chẳng xứng đáng với Ta.” Nhóm cuối thì cần phải xét lại mình thật có đức tin chăng? Vì ai sống theo xác thịt mà chưa thiết lập mối tương giao thân mật với Chúa, thì không biết chắc mình có được thiên đàng chấp nhận hay không (Rôma 8:8–9) “Người nào sống theo xác thịt thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nhưng nếu Thánh Linh của Đức Chúa Trời thật sự ở trong anh em thì anh em không sống theo xác thịt, mà sống theo Thánh Linh; còn ai không có Thánh Linh của Đấng Christ thì người ấy chẳng thuộc về Ngài.” Cho nên, nếu mục đích tối hậu của một người tin Chúa là chỉ được về thiên đàng, thì lòng tin ấy đang có nan đề khá trầm trọng.

Tín hữu muốn được tẩy sạch tội lỗi để chắc chắn có một chỗ trên thiên đàng sau khi qua đời, thì ước muốn ấy chỉ được xem là đúng qua cách sống đạo phù hợp với các điều kiện đòi hỏi trong bước đường theo Chúa lúc còn sống ở trần gian. Cho nên, nếu những người nầy chỉ cố gắng nghiêm khắc với chính mình để khỏi phạm tội, mà không thực hiện nhiều bổn phận cần thiết khác của đời sống Cơ-đốc-nhân đúng nghĩa, thì vẫn không được Chúa khen thưởng như đáng phải được. Chúng ta cần phải biết chính xác các ý nghĩa sâu nhiệm của ẩn dụ mà Đức Chúa Jesus dạy về nhánh nho phải dính liền với cây nho, để biết cách sống đẹp lòng Ngài

(Giăng 15:1–5) “Ta là cây nho thật, Cha Ta là người trồng nho. Bất cứ cành nào trong Ta không kết quả thì Ngài chặt đi, còn những cành nào kết quả thì Ngài tỉa sửa để được nhiều quả hơn. Các con đã được tinh sạch nhờ lời Ta đã truyền dạy các con. Hãy cứ ở trong Ta thì Ta sẽ ở trong các con. Như cành nho, nếu không ở trong cây nho thì tự nó không thể ra quả được. Nếu các con không cứ ở trong Ta thì cũng như vậy. Ta là cây nho, các con là cành. Ai cứ ở trong Ta, và Ta trong người ấy thì sinh ra nhiều quả, vì ngoài Ta các con không làm gì được.” Như vậy, ước muốn sống không phạm tội mặc dù có mặt đúng, nhưng cũng rất dễ phạm sai lầm mà không biết.

Đối với những anh chị em tín hữu theo Chúa vì muốn được Ngài bảo vệ, che chở khỏi những tai họa và hiểm nguy trong đời sống ở trần gian thì như thế nào? Ước vọng đó đúng hay sai? Trước hết, nếu ai tin Chúa để được thoát khỏi hoạn nạn thì người ấy sẽ thất vọng. Vì Đức Chúa Jesus đã phán trước rằng mọi môn đồ Ngài sẽ có hoạn nạn trong thế gian (Giăng 16:33) “Ta đã bảo các con những điều nầy, để các con có sự bình an trong Ta. Các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian rồi;” cho nên, ai theo đạo với mục đích ấy sẽ vấp ngã khi gặp hoạn nạn. Nếu quý tín hữu làm chứng đạo mà dùng ơn phước ở đời như miếng mồi nhử người chưa tin thì phải hết sức cẩn thận. Bởi vì không phải ai cũng sẽ được phước về lợi lộc của cải trần gian khi làm tín đồ của Chúa. Thành phần rất đông tín đồ mong sẽ được phước khi theo đạo là những người sai lầm trầm trọng, vì phước Chúa ban không phải như họ nghĩ. Hơn nữa, thành phần tín đồ ấy sẽ không ích lợi gì cho Vương quốc Đức Chúa Trời.

Khi bàn tới vấn đề nầy, hầu như đại đa số tín hữu đều chỉ quan tâm tới thái độ và cách cư xử của mình đối với Chúa, một đối tượng mình chưa bao giờ gặp hoặc trò chuyện trực tiếp. Còn cách Ngài đối xử với chúng ta như thế nào thì chỉ dựa trên sự hiểu biết mà Kinh Thánh cung cấp để ước đoán, chứ rất ít người dám quả quyết sự hiểu biết về Chúa của mình là chính xác. Vậy thì phải hiểu việc nầy như thế nào? Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng Đức Chúa Trời rất muốn tương giao thân mật với những con cái tin cậy Ngài và yêu mến Ngài; Ngài muốn mối liên hệ tương giao ấy giống như tình bạn với nhau. Như khi xưa Chúa xem ông Abraham là bạn của Ngài, thì ngày nay Ngài vẫn muốn đối xử với chúng ta như vậy.

(Sáng Thế 18:17, 19) “Đức Giê-hô-va nói: Lẽ nào Ta giấu Abraham điều Ta sắp làm sao? … 19 Ta đã chọn người để truyền dạy con cái và dòng dõi người sau nầy gìn giữ đường lối của Đức Giêhôva bằng cách làm điều công chính và ngay thẳng, để Đức Giêhôva thực hiện điều Ngài đã hứa với Abraham.

(2Sử ký 20:7) “Lạy Đức Chúa Trời chúng con! Chẳng phải Ngài đã đuổi dân xứ nầy khỏi dân Israel của Ngài mà ban xứ ấy cho dòng dõi Abraham, bạn của Ngài, làm sản nghiệp đời đời sao?

(Êsai 41:8) “Nhưng hỡi Israel, con là đầy tớ Ta, hỡi Jacob là kẻ Ta đã chọn, các con là dòng dõi của Abraham, bạn Ta.

Sự hiểu biết nầy là vô cùng quan trọng đối với người nào thật lòng tin Chúa. Người nào từng làm cha mẹ đều có chung một tâm tình đối với con cái. Ngoài một số luật lệ mình đặt ra và muốn con cái phải tuân theo, mọi cha mẹ đều muốn gần gũi con để chúng biết tình yêu thương dành cho chúng sâu đậm như thế nào. Mục đích của ý muốn nầy là khi con cái biết cha mẹ yêu chúng đến mức nào, thì chúng sẽ hiểu rằng mọi việc cha mẹ thực hiện để đem tới ích lợi cho chúng đều xuất phát từ lòng yêu thương vô cùng của cha mẹ dành cho con. Đức Chúa Trời cũng vậy. Ngài muốn chúng ta hiểu tình yêu của Ngài đối với chúng ta lớn tới mức nào. Để con cái Ngài có thể hiểu được tình yêu ấy, nên Ngài rất muốn có mối tương giao thân mật với chúng ta.

Hãy thấy tình yêu đằm thắm của Đức Chúa Trời đối với dân Israel hay phản nghịch như thế nào (Giêrêmi 31:3, 20) “Từ xa Đức Giêhôva đã hiện ra với tôi và phán: ‘Ta đã yêu thương con bằng tình yêu vĩnh cửu nên đã lấy lòng nhân từ mà kéo con đến. 20 Chẳng phải Ephraim là con yêu dấu của Ta, đứa con Ta rất mực yêu thương sao? Mỗi lần quở trách nó, Ta vẫn còn nhớ nó lắm. Cho nên lòng Ta yêu mến nó; Ta thương xót nó vô cùng.’

Khi Chúa dựng nên Adam và Eva, mỗi ngày Ngài đều ngự xuống vườn Eden để đi dạo và trò chuyện với họ. Đó chính là tâm tình của Ngài đối với những con cái thật của Ngài. Còn đối với những người chưa phải là con dân thật, mà chỉ là kẻ muốn lợi dụng Ngài thì sao? Họ sẽ bị Ngài đối xử như thế nào? Tình yêu của Chúa không có bờ bến. Ngài mong họ hiểu rằng Ngài vẫn chờ đợi họ thật lòng ăn năn tội, trở lại, được Ngài tha thứ, và trở thành con cái trung thành của Ngài (Tít 3:3–7) “Vì chính chúng ta trước đây cũng ngu muội, không vâng phục, bị lừa dối, nô dịch cho đủ thứ dục vọng và lạc thú, sống trong sự gian ác, ghen tị, đáng ghét và coi thường nhau. Nhưng khi lòng khoan dung và nhân ái của Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta, được bày tỏ thì Ngài cứu chúng ta, không phải bởi việc công chính chúng ta đã làm, nhưng bởi lòng thương xót của Ngài, qua việc thanh tẩy của sự tái sinh và đổi mới của Đức Thánh Linh, là Đấng mà Ngài đã tuôn đổ dồi dào trên chúng ta bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta, để chúng ta nhờ ân điển Ngài mà được xưng công chính, trở nên người thừa kế niềm hi vọng về sự sống đời đời.

Có một số người tưởng rằng Chúa không biết họ đang lợi dụng Ngài. Vì nhiều nhà thờ cứ muốn có nhiều người đến nhóm họp để được tiếng Hội Thánh có đông tín đồ.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta, những con cái được Ngài chọn, trở nên giống như Đức Chúa Jesus (Rôma 8:29) “Vì những người Ngài đã biết trước thì Ngài cũng định sẵn cho họ trở nên giống như hình ảnh Con Ngài, để Con ấy được làm Con trưởng giữa nhiều anh em.” Đức Chúa Trời muốn chúng ta thật sự được hưởng phước hạnh vĩnh cửu trên trời chứ không phải chỉ được phước ở đời nầy (Êphêsô 1:3–6) “Chúc tụng Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ mọi phước hạnh thuộc linh ở các nơi trên trời. Ngay cả trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để chúng ta được thánh hóa và không chỗ chê trách trước mặt Ngài. Trong tình yêu thương, Ngài đã định sẵn cho chúng ta địa vị làm con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo mục đích tốt đẹp của ý muốn Ngài, để ca ngợi ân điển vinh quang mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài!

Hãy hiểu rằng vì Chúa là Đấng dựng nên loài người. Ngài biết những gì chúng ta cần và những gì chúng ta không cần; trong khi đó thì chúng ta thường lầm lẫn giữa sự cần với không cần. Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta biết rõ nhu cầu thật của mình khi đã có mối tương giao thân mật với Ngài. Việc nầy không phải là điều tưởng tượng hay bịa đặt; bởi vì hễ ai có mối liên hệ thân mật với Chúa, người ấy có thể nghe tiếng Ngài chỉ dẫn rõ ràng; hơn nữa, Ngài cũng sẽ cản trở công việc, để người đó biết đó là điều không nên làm.

Bây giờ, sau khi đã được nhắc để nhớ lại tâm tình của Đức Chúa Trời đối với con cái thật của Ngài rồi, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét tiếp theo về cách chúng ta đáp ứng với tình yêu ấy ra sao trong các bài học sắp tới. Hiện nay, hãy vui hưởng sự thương xót của Ngài dành cho chúng ta.

DoiSongtrongThanhLinh07.docx

Rev. Dr. CTB