Tìm Biết Ý Chúa, bài 12
Ma-thi-ơ 7:24–27
Trong Hội-thánh có người tin Chúa, có người theo đạo, cũng có người chưa biết rõ mình tin cái gì hoặc theo đạo để làm gì.
Mỗi cái nhà đều được xây dựng trên một nền móng nào đó. Móng vững chắc thì nhà đứng vững. Móng hư lún chông chênh thì cái nhà cất trên nó không tồn tại lâu dài. Đời sống đạo hay đời sống đức tin của người trên đời đều dựa trên nguyên tắc nầy.
Hễ ai, hay dân tộc nào, đặt niềm tin mình trên một nền tảng lý thuyết mơ hồ, không có thật, thì cuối cùng sẽ bị vỡ mộng ê chề. Ai có niềm tin tôn giáo dựa trên một nền tảng mơ hồ cũng vậy, tới cuối đời thì chẳng biết linh hồn mình sẽ về đâu.
Còn các tín hữu tuy biết chắc chắn nền tảng mình tin là đúng nhưng vẫn bị trầy trật trong cuộc sống, mà không biết do nguyên nhân nào, thì cần phải tìm cho ra ngọn nguồn để không còn gặp những trở ngại không đáng có.
Đức Chúa Jesus nói rõ là tín đồ của Ngài phải nghe lời Ngài rồi làm theo thì mới thành công. Chúng ta không thể tránh khỏi các hoàn cảnh phải đương đầu với phong ba bão tố trong thế gian xảy ra cho mọi người.
Đức Chúa Jesus ví việc xây dựng đời sống đức tin trong đời giống như cất một cái nhà. Cất nhà trên nền đất dù có neo chặt đến mấy đi nữa cũng sẽ bị sập khi bị bão táp, mưa sa, nước lũ chảy xiết. Xây nhà neo chặt trên nền đá tảng thì sẽ không bị hư sập.
Vậy, nền đá tảng để neo cái nhà tâm linh của chúng ta là những gì?
Hê-bơ-rơ 6:19 chép: “Chúng ta giữ niềm hi vọng nầy như cái neo của linh hồn, vững vàng, chắc chắn.”
Niềm hi vọng gì được nói tới ở đây? Hãy cùng nhau xem xét vài câu trước đó:
“Khi Đức Chúa Trời muốn bày tỏ rõ ràng hơn cho những người hưởng lời hứa biết được mục đích không thay đổi của Ngài, thì Ngài xác nhận bằng một lời thề; để nhờ hai điều chẳng thay đổi đó–hai điều ấy Đức Chúa Trời không thể nói dối–mà chúng ta là những người chạy đến ẩn náu nơi Ngài, được an ủi lớn và nắm chắc niềm hi vọng đã đặt trước mặt mình” (Hêbơrơ 6:17–18).
Hi vọng là sự trông mong vào những điều tốt lành mà linh hồn chúng ta – lý trí, ý chí và cảm xúc – bám chặt vào đó như cái neo vững chãi.
Người tín đồ của Đức Chúa Trời đặt hi vọng vững chắc vào lời hứa ban ơn của Ngài cho mọi người nào tin và làm theo những sự dạy dỗ của Ngài.
Chúng ta phải làm theo những gì? Đó là Lời dạy, Ý muốn và Đường lối của Đức Chúa Trời. Chúng ta trang bị cho mình bằng sự hiểu biết ba điều nầy thì giống như làm theo lời Phao-lô khuyên:
“Hãy trang bị mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để trong ngày tai hoạ, anh em có thể chống cự lại; và khi chiến thắng mọi sự rồi, anh em được đứng vững vàng” (Êphêsô 6:13). Ai làm như thế sẽ “không còn là trẻ con, bị dồi dập và cuốn theo luồng gió học thuyết, bởi sự xảo quyệt của con người và những mánh khoé lừa dối của họ” (Êphêsô 4:14).
Tìm biết và vâng theo cả ba lãnh vực Lời, Ý muốn và Đường lối của Chúa là rất quan trọng; bởi vì có thể ví việc nầy như sợi dây bện bằng ba tao thì rất chắc, như có chép: “Một sợi dây bện ba tao thật khó đứt” (Truyền-đạo 4:12b).
Như tín đồ của Chúa không thể tự lựa chọn cách sống theo ý thích của mình, thì sự vâng lời Ngài cũng không giống như cách mình chọn bánh kẹo nào mình thích hoặc không thích. Nghĩa là tín hữu không thể chỉ chọn làm theo những câu Kinh-thánh nào mình ưa thích, còn chỗ nào mình không ưa thì không cần làm theo; hay đối với đường lối và ý muốn nào của Chúa mà mình không thích thì không chịu vâng lời.
Tâm lý trong hầu hết tín hữu thời nay là chọn điều gì họ cảm thấy không khó chịu và dễ dàng thì làm theo; còn điều gì cảm thấy khó và không ưa thích thì cứ bỏ qua, không cần quan tâm tới. Đó là nguyên nhân bị thất bại.
Tại sao phải làm theo Lời? Lời của Đức Chúa Trời là nền tảng của mọi việc; bởi vì Lời Ngài là sự thật. Đấng Chúa Tể trời đất chẳng khi nào nói điều gì không thật.
“Vì Lời Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, và mọi việc Ngài làm bày tỏ sự thành tín” (Thi-thiên 33:4).
Lời Chúa cũng là sự sống và là thần linh. Đức Chúa Jesus từng phán: “Chính thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích gì. Những lời Ta nói với các con là thần linh và sự sống” (Giăng 6:63).
Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ lương thực mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 4:4).
Lời Chúa là ngọn đèn soi dẫn con cái Ngài bước đi vững vàng trong thế giới mờ tối nầy (Thi 119:105).
Lời Chúa cũng là vũ khí vô địch giúp chúng ta chống lại các kẻ thù của linh hồn mình (Êph.6:17).
Ích lợi của Lời Chúa thật rất nhiều không thể kể hết được, vì “các tầng trời được làm nên bởi lời Đức Giê-hô-va, tất cả đạo binh tinh tú do hơi thở của miệng Ngài mà có … Vì Ngài phán thì mọi sự liền có; Ngài truyền lệnh thì muôn vật vững bền” (Thi-thiên 33:6, 9).
Ý muốn của Đức Chúa Trời đối với loài người do Ngài tạo nên luôn luôn là tốt lành, như lời Ngài phán với Israel: “Vì Ta biết ý tưởng Ta nghĩ đối cùng các con là ý tưởng bình an chứ không phải tai hoạ, để ban cho các con một tương lai và một hi vọng” (Giêrêmi 29:11).
Ngài là Đức Chúa Trời vô cùng thiện hảo. Sự thiện hảo chính là vinh quang của Ngài; vì khi Môi-se khẩn cầu Chúa cho ông được thấy vinh quang Ngài, thì Chúa phán: “Ta sẽ thể hiện sự toàn hảo của Ta trước mặt con; Ta sẽ làm ơn cho ai Ta muốn làm ơn và thương xót ai Ta muốn thương xót” (Xuất Ai-cập 33:19).
Phao-lô, một người có kinh nghiệm sâu xa với Chúa đã phát biểu: “Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta, là Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Timôthê 2:3–4).
Ông cũng cho biết: “Mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài” (Rôma 8:28).
Ý muốn của Đức Chúa Trời vượt xa sự suy nghĩ và ý muốn tầm thường của loài người mong được bình an, sung sướng và giàu có.
Cho nên, khi suy gẫm để vâng theo ý muốn Ngài thì chúng ta phải biết rằng: Để chắc chắn được cứu, chúng ta phải có đời sống “được thánh hoá, tức là phải lánh xa sự gian dâm…….. Vì Đức Chúa Trời không gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, nhưng đến sự thánh hoá” (1Têsalônica 4:3, 7).
Đường lối thánh khiết của Chúa là cách cư xử với mọi người quanh mình sao cho bày tỏ được bản chất thiện hảo của thiên đàng. Người Do-thái rất ngạc nhiên về những lời dạy của Đức Chúa Jesus.
Xem xét những lời dạy ấy, chúng ta thấy đường lối của Đức Chúa Trời là hoà bình và nhân ái (Mathiơ 5:38–48), khác xa tâm lý trả đũa tầm thường. Mọi việc thiện theo nguyên tắc thiên đàng đều phải kín đáo, không được phô trương (6:1–8, 14–18).
Một bài học ngắn không thể phân tích hết hoặc đầy đủ mọi ích lợi của việc làm theo Lời Chúa, Ý muốn và Đường lối của Ngài.
Nhưng người có đời sống tâm linh trưởng thành thì không cần phải được nhắc nhở hoài về những điều rất căn bản của đời sống đức tin. Giống như người lớn sẽ không cần phải bị nhắc là đừng thò tay rờ bếp lò đang nóng.
Khi Đức Chúa Jesus nói về sự vâng lời Ngài là giống như người khôn ngoan, thì chúng ta phải hiểu rằng hạnh phúc, phước lành, bình an, và sự khoẻ mạnh cả trong đời sống thể chất lẫn tâm linh đòi hỏi con cái Chúa phải biết vâng lời. Phước lành sẽ chỉ ban cho những người nào biết vâng lời Chúa.
Nếu có ai thắc mắc rằng “tại sao tôi chờ hoài mà Chúa không ban phước lành cho tôi,” thì hãy tự xét mình đã vâng lời Chúa tới mức nào? Vì vâng lời là điều kiện phải được đáp ứng trước khi phước lành sẽ ban cho.
Vâng lời làm theo lời Chúa dạy là nguyên tắc sống đạo đầy vinh quang. Vì Lời, Ý muốn và Đường lối của Chúa là nền đá vững chắc.
Lời hứa là giải thưởng vinh quang sẽ ban cho người nào biết vâng lời và làm theo lời Chúa dạy. Hi vọng vào lời hứa là cái neo giữ chặt căn nhà tâm linh của chúng ta trên nền móng không bao giờ bị lay chuyển của tảng đá Jesus Christ.
Chúng ta chắc chắn được cứu rỗi vì đã được tha tội, tái sinh và đang bước đi trên con đường thánh hoá.
Sự vinh quang của đạo Chúa vượt xa mọi thứ tôn giáo của trần gian; bởi vì không tôn giáo nào có được niềm hi vọng như chúng ta, không thể đem sự cứu rỗi tới cho loài người như Đức Chúa Trời đã làm qua Đức Chúa Jesus. Và mọi tôn giáo trần gian đều rất xa lạ với sự thánh khiết mà thiên đàng đòi hỏi.
Con đường ta đi vô cùng vinh quang, nên đừng bao giờ lìa bỏ.
TimBietYChua12.docx
Rev. Dr. CTB