Thử Nghiệm Đức Tin, bài 03
Êphêsô 3:14–21
Đời sống tâm linh của con cái Chúa là điều mà một người chăn bầy tận tuỵ như Phao-lô luôn luôn quan tâm lo lắng: Sau khi tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua sự chuộc tội của Đức Chúa Jesus, mọi tín hữu có lòng tin thật đều được Đức Thánh Linh ban cho một tâm linh mới gọi là sự sinh lại, hay tái sinh.
Nhưng bất cứ thứ gì mới được sinh ra đều cần thời gian để lớn dần lên rồi mới trưởng thành. Tâm linh mới được tái sinh cũng vậy, mọi người đều trải qua các giai đoạn non nớt, yếu đuối, dại dột, vv., trước khi trở thành các tín hữu có tâm linh trưởng thành trong đức tin.
Các tân tín hữu ở Êphêsô đều buồn bã khi nghe tin sứ đồ Phao-lô, người thầy, người cha tinh thần của họ bị giam giữ chốn lao tù. Sứ đồ Phao-lô viết thư cho tín hữu ở Êphêsô khoảng năm 61 AD trong thời gian bị lao tù theo chế độ quản chế ở nhà riêng ông thuê tại kinh đô Rôma, để giục giã họ đừng ngã lòng, vì hoạn nạn ông chịu là vinh quang của họ (Êphêsô 3:13).
Cho nên, ở câu đầu của đoạn 3, Phao-lô nói rằng: “Bởi lý do đó mà tôi, Phao-lô, làm tù nhân của Đấng Christ Jesus, vì cớ anh em là những người ngoại.” Rồi tới câu 13 thì ông khuyên:“Cho nên, tôi xin anh em chớ ngã lòng về những hoạn nạn tôi chịu vì anh em; đó chính là vinh quang của anh em.”
Nhờ xem lại văn mạch của đoạn 3, người đọc Kinh thánh mới hiểu ý nghĩa của câu “vì lý do nầy, tôi quỳ gối trước mặt Cha;” (14). Nghĩa là Phao-lô cầu xin Chúa giúp cho tín hữu ở Êphêsô đừng ngã lòng, mà phải hiểu việc ông chịu lao lý là vì ích lợi của họ trong thánh ý của Đức Chúa Trời, nhờ đó họ đã được vào gia đình Chúa, vì “mọi gia đình trên trời, dưới đất” đều được Đức Chúa Trời “đặt tên” (15).
Nhưng gia đình trên trời là những ai? Còn dưới đất là gia đình nào, thì mới biết Chúa đặt tên các gia đình ấy ra sao? Ở chỗ nầy không phải ông Phao-lô nói chỉ có các thiên sứ là gia đình trên trời, còn tín hữu đang sống ở thế gian là gia đình dưới đất.
Vì cả thiên sứ lẫn tín hữu đã qua đời hay còn sống đều có một Cha chung, là Đức Chúa Trời; vậy, gia đình trên trời gồm có các thiên sứ của Chúa lẫn những con cái của Ngài không còn sống trên cõi trần. Còn gia đình dưới đất thì rõ ràng là con dân Ngài vẫn còn đang sinh hoạt ở thế gian. Tất cả đều được gọi một tên chung là Cơ-đốc-nhân và Hội thánh của Đức Chúa Trời.
Phao lô cầu xin Đức Chúa Trời “tuỳ sự phong phú của vinh quang Ngài, ban cho anh em năng lực bởi Thánh Linh Ngài, để con người bên trong của anh em trở nên mạnh mẽ” (16);
‘Sự phong phú của vinh quang’ có nghĩa là sự nhân từ dư dật chói lọi của Đức Chúa Trời; như Phao-lô miêu tả trong thư gửi cho tín hữu ở thành Philip: “Đức Chúa Trời tôi sẽ cung ứng mọi nhu cầu của anh em theo sự giàu có vinh quang của Ngài trong Đấng Christ” (Philip 4:19). Mà vinh quang phong phú của Đức Chúa Trời là sẽ ban năng lực cho con cái Ngài qua Đức Thánh Linh.
Thế thì, nếu chúng ta muốn con người bên trong trở nên mạnh mẽ thì phải được Đức Thánh Linh ban năng lực cho. Chúng ta cần nắm vững một sự thật là ơn, hoặc ân sủng, cũng là sự phong phú của vinh quang Chúa thì dư dật và không bao giờ cạn đối với các nhu cầu của con dân Ngài.
Nếu điều mà mọi con cái Chúa cần phải có là năng lực từ Đức Thánh Linh cung cấp sung mãn cho tâm linh, tức là sức lực con người bề trong của chúng ta chịu đựng nổi các thử thách, mạnh mẽ phương diện tâm linh để làm nhiệm vụ dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời, thì chúng ta cần tìm ra bí quyết được Đức Thánh Linh ban năng lực thì con người bên trong mới mạnh mẽ.
Trước hết, chúng ta biết Đức Thánh Linh chẳng khi nào ban năng lực cho người ngoài Chúa; Cho nên, ai muốn có năng lực để con người bên trong mạnh mẽ, thì phải thuộc về gia đình Ngài.
Mà lẽ mầu nhiệm của Tin Lành là người dân ngoại nào thật lòng tiếp nhận ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus, thì người ấy được trở nên những chi thể của cùng một thân, cùng chia sẻ lời hứa trong Đức Chúa Jesus Christ, được thừa kế vinh quang thiên đàng.
Vậy, chúng ta phải làm sao để được Chúa kể là chi thể trong thân thể của Ngài. Tuy nhiên, người có danh nghĩa tín đồ nhưng vẫn cư xử như người chưa có Chúa thì không thể có đời sống tâm linh mạnh mẽ, vì người ấy chưa được Đức Thánh Linh ban năng lực. Chưa được ban vì chưa đạt được điều kiện phải có. Chẳng phải vì có đi nhà thờ mà được Đức Thánh Linh ban năng lực.
Vì điều kiện phải có là tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa để trở nên chi thể của thân thể, tức là phải có lòng tin đúng và thành thật thì Đấng Christ mới ngự vào lòng.
Kế đến, bằng chứng để biết một tín hữu đã có Đấng Christ trong lòng là khi người ấy đã đâm rễ và vững lập trong tình yêu thương anh em qua những dấu hiệu không thể lầm lẫn về tình hiệp nhất và hi sinh cho ích lợi của Hội-thánh. Chẳng ai yêu thương được người ngoài nếu chưa yêu thương anh chị em của mình trong Hội thánh.
Sở dĩ sứ đồ Phao-lô phải cầu nguyện luôn cho tín hữu ở Êphêsô vì họ còn non nớt và chưa trưởng thành đồng đều.
Ông xin Chúa cho họ có thể đâm rễ và vững lập trong tình yêu thương để “cùng với tất cả các thánh đồ … có thể thấu hiểu chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu của tình yêu ấy” (18).
Tình yêu thương nầy là tình yêu dành cho anh chị em trong Hội thánh và cả người chưa tiếp nhận Chúa nữa. Tình yêu thương bình thường giữa người với người luôn có giới hạn, nhưng tình yêu thương Chúa ban vào lòng ta thì vô hạn; vì vậy chúng ta phải thấu hiểu chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của tình yêu nầy để áp dụng.
Hiểu nổi các chiều kích đó thì mới biết được tình yêu thương của Đấng Christ ra sao. Các nhà nghiên cứu Kinh thánh đưa ra hai cách giải thích, một là tình yêu mở rộng mọi chiều của phúc âm, hai là tình yêu vô biên của Đấng Christ.
Chiều rộng là Phúc âm được cung ứng vô hạn, hoặc tình yêu của Đấng Christ mở ra cho mọi người; chiều dài nói về suốt cõi vĩnh hằng hay kéo dài qua mọi thế hệ; chiều cao nói về điều kiện tột đỉnh mà con cái Chúa sẽ được đưa lên, hay ngôi cao ngất của Đấng Christ mà không kẻ thù nào vói được; chiều sâu là mức thăm thẳm không tạo vật nào hiểu nổi, hay mức nhục nhã mà Đấng Christ chịu để chuộc tội cho nhân loại.
Người đã đâm rễ và vững lập trong tình yêu thương sẽ biết rằng chiều rộng của tình yêu phúc âm không giới hạn tuổi tác, chủng tộc, giới tính, hay giai tầng xã hội, mọi người đều cần nghe tin mừng để lập quyết định tiếp nhận; cho nên ta truyền giáo bởi tình thương chứ không phải vì bổn phận. Tình thương ấy không hạn định chiều dài thời gian nên hãy vui vẻ truyền rao khi còn hơi thở. Áp dụng chiều cao của tình yêu, chúng ta sẽ lên tới thiên cung. Và sẽ không ai hiểu nổi mức sâu thẳm của tình yêu thương các con cái Chúa dành cho kẻ đang hư mất.
Mặc dù tình yêu thương của Đấng Christ “là tình yêu vượt quá mọi sự hiểu biết,” nhưng khi chúng ta đã đâm rễ vững lập trong tình yêu thương, rồi thấu hiểu chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu của tình yêu ấy, sẽ được biết tình yêu của Đấng Christ và được đầy dẫy mọi sự sung mãn của Đức Chúa Trời.
Biết nghĩa là bởi đức tin nhận lấy kinh nghiệm tâm linh rồi mọi sự sung mãn của Đức Chúa Trời sẽ đổ đầy trong lòng. Êphêsô 4:13 giải thích sự sung mãn ấy là “tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ.”
Bởi vì Đấng Christ là Đức Chúa Trời trong thể xác loài người, nên ai biết tình yêu Ngài sẽ được trò chuyện mặt đối mặt, như sứ đồ Phao-lô nói: “Tất cả chúng ta đều để mặt trần chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang; vì điều nầy đến từ Chúa là Thánh Linh” (2Cor. 3:18).
Mọi việc vừa nói nghe có vẻ quá cao siêu không với tới nổi, thật ra mọi con cái Chúa đều có thể đạt được. Chúng ta chỉ cần đầu phục quyền cai trị và hướng dẫn của Đức Chúa Trời, thì điều tưởng chừng vô hi vọng đều có thể đạt được, vì “Đức Chúa Trời là Đấng hành động trong chúng ta bằng quyền năng Ngài, có thể làm trổi hơn bội phần mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (20).
Anh chị em hãy vững lòng tin vào Cha quyền năng của chúng ta. Ai quyết tâm từ bỏ con người cũ với đủ thứ tính tình xác thịt xấu xí, thì Đấng Christ sẽ ngự vào lòng, Đức Thánh Linh sẽ ban năng lực, con người bên trong sẽ trở nên mạnh mẽ, đời sống tâm linh lẫn xác thịt sẽ trở nên hiệu quả cho Vương quốc của Đức Chúa Trời.
ThuNghiemDucTin03.docx
Rev. Dr. CTB (281-818-5167)