Hướng Đi Mới, bài 23

Thi Thiên 90:3–4, 12

Chúa khiến loài người trở vào bụi tro và phán rằng: Hỡi con cái loài người, hãy trở về cát bụi.’ Vì một ngàn năm dưới mắt Chúa khác nào ngày hôm qua đã qua rồi, giống như một canh ban đêm. 12 Cầu xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan.

Đời sống của mỗi người chúng ta đều sẽ tới ngày kết thúc, vì không người trần gian nào sống vĩnh viễn, trẻ mãi không già. Số năm mỗi người được sống trên đất cũng không giống nhau, vì giờ cuối cùng của từng người đều phải đến, sớm hay trễ, nhanh hay chậm thôi. Điều đó chúng ta không được quyền quyết định. Điều chúng ta có thể quyết định về số phận mình là hăng hái phục vụ Chúa qua Hội Thánh của Ngài, hoặc từ chối phục vụ. Ai là con dân thật của Chúa, đã tiếp nhận ơn cứu rỗi của Ngài thì đã biết Ngài, hoặc có mối tương giao thân mật với Ngài, đều đã được biết ý muốn của Ngài dành cho chúng ta là, làm điều công chính, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Ngài; dù mức độ gần gũi với Chúa của mỗi người có khác nhau. (Michê 6:8) “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện, điều mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi ngươi. Đó chẳng phải là làm điều công chính, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?

Làm điều công chính là gì và như thế nào? Làm điều công chính không nói về việc giữ nghiêm luật pháp Moses, nhưng có nghĩa là sống với lòng tự trọng và liêm chính trong cuộc sống mỗi ngày mà không bị bất cứ thứ gì lôi kéo vào đường sai trật (tiếng Anh: to act justly). Sự liêm chính và tự trọng phản ảnh qua tánh tình, cách cư xử với người chung quanh, mối liên hệ với Hội Thánh Chúa, rộng rãi và thành thật về tiền bạc, dù người khác có biết hay không biết. Yêu mến sự nhân từ là có lòng nhân đạo, tánh hay thương xót, lòng thiện hảo đối với người kém may mắn, và thành tín trong mọi việc. Sự khiêm nhường ở chỗ nầy không có nghĩa khiêm tốn thông thường, mà có nghĩa là hạ mình vâng phục Chúa trong mọi việc. Đây là ba việc mà chúng ta có thể thực hiện được.

Vì những ngày chúng ta sống trên đất là ngắn ngủi và chóng qua, nên những việc có thể chứng minh chúng ta làm điều công chính, yêu mến sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Chúa thì không nhiều. Việc làm để phục vụ Chúa mà mọi tín hữu đều có thể thực hiện được là giới thiệu ơn cứu rỗi của Chúa cho người chưa tin Ngài. Bất cứ người nào trong xã hội đều kính nể người có đức tính tự trọng và liêm khiết trong mọi hoàn cảnh. Tiếng nói của người ấy có uy tín, mặc dù có thể bị kẻ ác thù ghét. Nếu người đó có thêm lòng yêu mến sự nhân từ và biết sống khiêm nhường, vâng phục Chúa, thì sự chứng đạo của người ấy sẽ có rất nhiều kết quả. Còn tín hữu nào thiếu cả ba điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi, thì sự chứng đạo của người ấy sẽ không hiệu quả.

Chúng ta phải rất cẩn thận về những kết quả mà Chúa muốn con cái Ngài phải có qua lời Đức Chúa Jesus cảnh cáo (Giăng 15:2) “Bất cứ cành nào trong Ta không kết quả thì Ngài chặt đi, còn những cành nào kết quả thì Ngài tỉa sửa để được nhiều quả hơn.” Trong một dịp khác, Đức Chúa Jesus lại kể ẩn dụ về cây vả không sinh trái (Luca 13:6–9) “Rồi Ngài kể ẩn dụ nầy: Người kia trồng một cây vả trong vườn nho mình; ông đến tìm quả nhưng chẳng thấy quả nào. Ông nói với người trồng nho: ‘Kìa đã ba năm nay ta đến hái quả nơi cây vả nầy nhưng chẳng thấy gì cả. Hãy đốn nó đi, tại sao để nó choán đất vô ích?’ Người trồng nho thưa: ‘Thưa chủ, xin để nó lại năm nầy nữa, chờ tôi đào đất chung quanh nó rồi đổ phân vào. Có lẽ về sau nó sẽ kết quả; nếu không, chủ sẽ đốn.’” Khi nhắc tới phương diện nầy, chúng ta nên suy gẫm về đức nhân từ và kiên nhẫn của Chúa đối với con dân của Ngài. Nếu thời gian của đời người sống trên đất qua rất nhanh thì chúng ta phải làm gì khi thấy rằng mình chưa kết quả gì hết cho Vương quốc Đức Chúa Trời? – Điều cần làm là sẽ không phung phí thì giờ Chúa ban vì các chuyện không ích lợi cho tương lai của linh hồn. Hãy dành thì giờ cho Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn chúng ta những việc cần phải thực hiện khi đang còn sống trên đất. Nan đề của tín hữu là có chịu vâng lời hay không mà thôi.

Tại sao chúng ta không nỗ lực hết sức mình để được Chúa khen ngợi (Mathiơ 25:21) “Chủ nói với người ấy: ‘Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm! Ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi cai quản nhiều. Hãy vào chung hưởng niềm vui với chủ ngươi.’” Đừng làm như tên đầy tớ lười biếng sẽ bị ném ra nơi có khóc lóc và nghiến răng (Mathiơ 25:30) “Còn tên đầy tớ vô ích kia, hãy ném nó ra chỗ bóng tối bên ngoài, nơi đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.’” Mặc dù không phải ai cũng được ban ân tứ giống nhau, nhưng ơn cứu rỗi mà chúng ta đã nhận không có gì khác nhau hết. Người được nhiều ân tứ sẽ gieo được nhiều và gặt được nhiều; người ít ân tứ vẫn có thể tìm ra một mảnh đất nhỏ xíu để sửa soạn mảnh đất ấy vừa đủ gieo vài hột giống rồi chăm sóc cho nó mọc lên. Đó cũng là kết quả được Chúa khen ngợi (Mathiơ 25:23) “Chủ nói với người ấy rằng: ‘Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm! Ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi cai quản nhiều. Hãy vào chung hưởng niềm vui với chủ ngươi.’” Chúa biết khả năng của chúng ta thì Ngài chỉ trông đợi kết quả theo khả năng ấy. Nếu chúng ta chỉ có thể chứng đạo truyền giáo trong nhóm nhỏ, thì đừng nghĩ đến thành tích vĩ đại sẽ gieo giống rồi gặt cả một cánh đồng.

Sứ đồ Phaolô cho biết: “Mỗi chúng ta sẽ tường trình về chính mình với Đức Chúa Trời” (Rôma 14:12). Không ai muốn bản tường trình của mình bị kể là xấu hoặc không có thành tích gì để khoe khi được Chúa hỏi. Trên hành trình đường dài, mọi hành trang nặng nề đều vô cùng bất lợi. Có người dùng hình ảnh ngồi trên thuyền bị trôi theo dòng nước làm ví dụ cho cuộc sống ở trần gian. Vì mọi người ở trên thuyền sẽ bị trôi tới vực thẳm cuối cùng nếu không kịp nhảy sang chiếc thuyền cứu rỗi đang đi ngược dòng. Người mang hành lý gọn nhẹ sẽ chuyển sang dễ dàng; người tiếc của vì có quá nhiều hành lý sẽ bị lỡ chuyến tàu ngược chiều rất hiếm hoi. Ấy là tình cảnh của người sẽ bị lỡ tàu và hư mất vì không chịu buông bỏ hành lý vướng víu (Hêbơrơ 12:1) “Cho nên, vì chúng ta được nhiều người chứng kiến vây quanh như đám mây rất lớn, chúng ta cũng nên vứt bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương mà kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta.

Vậy, hãy xử dụng và vận dụng thì giờ một cách khôn ngoan; cũng hãy quản lý và xử dụng tài sản Chúa ban thật ích lợi cho công việc Nhà Ngài. Moses là một người cực kỳ hiếm hoi trong nhân loại, người được trò chuyện với Chúa mặt đối mặt (Xuất Aicập 33:11a) “Đức Giê-hô-va nói chuyện với Môise mặt đối mặt như một người nói chuyện với bạn mình.” Nhưng ông vẫn thưa với Chúa rằng: “Cầu xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan” (Thi Thiên 90:12). Nghĩa là vì những năm của đời người sẽ chóng qua không thể trở lại, cho nên chúng ta hãy “đếm các ngày” của mình, tức là vâng phục Chúa trọn đời sống, Ngài sẽ ban cho chúng ta lòng khôn ngoan để biết xử dụng thì giờ cách có lợi nhất (Hêbơrơ 12:28–29) “Cho nên, vì chúng ta nhận được một vương quốc không hề rúng động, chúng ta hãy biết ơn và lấy lòng kính sợ mà phục vụ Đức Chúa Trời một cách vui lòng Ngài; vì Đức Chúa Trời chúng ta là ngọn lửa thiêu đốt.

Danh vọng, tiền tài hay vui thú thế gian không phải là mục đích của đời sống. Vì chúng ta sống cho Chúa.

HuongDiMoi23.docx

MS CTB