Tâm Linh Trưởng Thành, 09

Nêhêmi 8:1-3, 5-10

Khi nước Giu-đa bị Đức Chúa Trời trừng phạt và giải thể vì tội thờ tà thần và hình tượng mà không chịu ăn năn, dù đã được nhiều tiên tri do Đức Chúa Trời sai đến nhắc nhở và cảnh cáo suốt hai trăm năm, người Giu-đa vừa mất nước, vừa mất trung tâm tôn giáo, vừa mất luôn sự bảo vệ của Đức Chúa Trời đã hứa với tổ phụ họ.

Vì vào năm 586 BC, quân của hoàng đế Nebuchadnezzar chiếm thành Jerusalem, đốt cháy, bắt tất cả cư dân làm tù binh giải đi bộ về Babylon; họ chỉ chừa lại trong xứ những người nghèo nhất để trồng trọt, vì những người nầy chẳng có gì hết.

Đền thờ Đức Chúa Trời do Solomon xây dựng gần năm thế kỷ trước, trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Giu-đa, được xem như linh hồn của đất nước và dân tộc họ, bị thiêu rụi; mọi khí dụng, vật dụng bằng vàng, bạc và đồng của đền thờ đều bị lột, lấy đi và đem về Babylon.

Những người bị giải đi thì không còn tự do và không chút hi vọng gì được thấy lại quê hương và đền thờ yêu quý. Số ít người ở lại chẳng còn sự bảo vệ nào, vì tường thành Jerusalem đã bị phá đổ, hư lủng nhiều chỗ, cửa và cổng thành bị đốt cháy. Jerusalem trở thành một nơi điêu tàn, hoang phế và vắng người ở.

Bảy mươi năm sau, đế quốc Babylon hùng mạnh không còn nữa, thay vào đó là đế quốc Ba-tư của đại đế Cyrus được Đức Chúa Trời dấy lên đúng như lời tiên tri Êsai đã nói hơn một thế kỷ rưỡi về trước (Êsai 45:1-7). Hoàng đế Cyrus ra chiếu chỉ tha hết tù binh Giu-đa trở về xây lại Jerusalem.

Rồi cũng phải mất rất nhiều năm để họ vừa trở về nhiều đợt, vừa cất lại nhà cửa để ở, vừa trồng tỉa lương thực để sinh sống. Việc xây lại Đền Thờ Đức Chúa Trời, mà Nebuchadnezzar đã thiêu hủy, cũng trải qua thời gian mấy chục năm.

Trước khi ông Nêhêmi, đại thần triều vua Ba-tư Artaxerxes, được vua cho phép đi lâu ngày trở về xây lại vách thành Jerusalem, thì người Giu-đa đã ở bên ngoài sự bảo vệ và che chở của Đức Chúa Trời suốt 150 năm.

Sau khi vách thành được tu bổ xong, nhiều người Giu-đa đã dọn vào ở trong thành. Để nhắc người Giuđa nhớ đến Chúa, văn sĩ cũng là thầy tế lễ Ezra mở sách luật pháp ra đọc cho toàn dân đang đứng trước mặt ông. Vào thời đó, sách luật pháp rất hiếm hoi, mà những người trở về từ Babylon là các thế hệ sinh ra sau khi bị lưu đày; cho nên, đó là lần đầu tiên họ nghe đọc luật pháp của Đức Chúa Trời, Kinh Thánh của Do-thái-giáo, tức là Ngũ Kinh Môi-se.

Khi nghe đọc Kinh Thánh, họ mới thấy đã bị hụt mất kế hoạch nguyên thủy của Đức Chúa Trời dành cho họ biết chừng nào. Vì thế, tất cả người Giu-đa đều khóc lóc thảm thiết. Họ quá đau khổ vì thấy rằng bấy lâu nay họ bị ở ngoài chương trình của Đức Chúa Trời dành cho dân tộc họ.

Nhiều con cái Chúa ngày nay xem Kinh Thánh mỗi ngày nhưng chẳng áp dụng bao nhiêu. Số đông khác chẳng biết cấu tạo của Kinh Thánh như thế nào, vì chẳng khi nào chịu dành thì giờ để xem Lời Chúa và có cơ hội nghe tiếng phán của Đức Thánh Linh. Vì vậy những người nầy không biết chương trình của Đức Chúa Trời cho đời sống họ là thể nào.

Vô số người tự xưng là con cái Chúa, nhưng từ lâu bị ở ngoài sự bảo vệ và che chở của Ngài mà không biết. Chưa có nhiều người biết phải sống ra sao mới được ở trong sự che chở và bảo vệ ấy. Nhiều nhà thờ không dám nhắc vì sợ tín đồ bất mãn chạy qua nhà thờ khác.

Trong lúc đó, Đức Chúa Trời không thể bày tỏ sự hiện diện của Ngài trong các buổi nhóm có quá nhiều người chứa chấp tội lỗi mà chưa bao giờ biết ăn năn để Ngài có thể tha thứ mà đến ban phước cho hội chúng.

Điều may mắn cho chúng ta ngày nay là không bị buộc theo luật Môi-se. Nhưng chúng ta được kêu gọi hãy sống theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, đừng bắt chước khuôn rập các tục lệ, lề thói của người trong cộng đồng (Rôma 12:1). Nếu cứ tiếp tục sống như người không biết Chúa, thì không thể có Thánh Linh của Ngài, tức là không thuộc về Ngài (Rôma 8:9).

Chúng ta cũng được khuyên hãy lột bỏ con người của tâm tánh cũ, tức là loại trừ sự giả dối, mặc lấy người mới là người được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời trong chân lý công chính và thánh khiết (Êphêsô 4:22-25; 1Phierơ 1:15; 2:11-12).

Người nào không chịu học Kinh Thánh để thêm tri thức về đạo thì không thể trưởng thành được. Chỉ cần điểm qua vài điều, đa số trong chúng ta đều có thể thấy được mình đã xa cách Chúa và ở ngoài chương trình tốt lành của Ngài quá xa biết bao!

Nếu biết những thiếu sót và sa bại của mình lâu nay vừa làm buồn lòng Chúa, vừa xa cách Vương quốc của Đức Chúa Trời, vừa bị lãnh chung cơn thịnh nộ của Chúa sẽ giáng xuống những người ở ngoài sự bảo vệ và che chở của Ngài, mà lòng dửng dưng không biết đau đớn khóc than cho hậu quả hẩm hiu mình sẽ phải chịu, thì những người có lòng chai lì ấy chưa hiểu hệ quả kinh hoàng dành cho thế giới tội lỗi ra sao.

Còn những ai nghe lời phán của Chúa mà run rẩy, sợ hãi và ăn năn than khóc (Êsai 66:5), đó là những người sẽ được thương xót. Sự ăn năn đau đớn chỉ đến với lòng những người biết kính sợ Chúa. Người sẵn lòng bày tỏ sự ăn năn đau đớn về tội lỗi của mình là người biết kính sợ sự hiện diện của Chúa mà mắt trần không thấy được. Bởi vì Chúa biết rõ và phân biệt người chỉ sợ sự thật trong lòng mình bị phơi trần, với người sợ làm cho Ngài buồn.

Những người Giu-đa ở Jerusalem trong ngày đó đều than khóc vì họ thật lòng ăn năn và kính sợ Đức Chúa Trời. Sau tai họa kinh hoàng mất nước, bị lưu đày và bị người ngoại bang cai trị cách hà khắc, người Giu-đa nhớ lại những lời kể của thế hệ trước về lời đe dọa, nhắc nhở của Chúa qua các tiên tri suốt hai thế kỷ là sự thật. Phản ứng than khóc là đúng với thực trạng ăn năn thống hối về tội lỗi của gọ.

Tình trạng ấy rất khác với thái độ của các Hội Thánh người Việt trước những lời Chúa trách phạt (Giêrêmi 23:29) “Lời Ta chẳng phải như lửa, như búa đập vỡ đá sao? Đức Giê-hô-va phán vậy.” Chừng nào tín hữu người Việt chúng ta có thể dẹp bỏ sĩ diện hão huyền vô dụng đối với nhau trong Hội Thánh, lòng cứng hơn sắt thép, thì mới mong có sự thăm viếng của Đức Thánh Linh đến với các Hội Thánh người Việt ở Houston, Hoa kỳ và hải ngoại.

Khi người ta biết hạ mình trước mặt Chúa, thì ngày đó là thánh: “Ngày nay là thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của anh em” (Nêhêmi 8:9b). Vì vậy, sau khi ăn năn đau đớn thì hãy vui mừng:

 “Hãy đi ăn đồ ăn béo, uống thức uống ngọt và hãy gửi phần ăn cho ai không sắm sửa gì hết; vì hôm nay là ngày biệt ra thánh cho Chúa chúng ta. Đừng buồn thảm, vì sự vui vẻ về Đức Giê-hô-va là sức mạnh của anh em” (Nêhêmi 8:10).

Hãy nhớ rằng sự vui vẻ về Đức Chúa Trời xảy ra sau sự ăn năn tội lỗi mới là sức mạnh trong tâm linh chúng ta. Hơn nữa, người ta chỉ được vui vẻ thật khi biết chắc tội lỗi của mình đã được tha thứ bởi lòng ăn năn thống hối.

Nếu sự ăn năn không xảy ra thì sẽ chẳng có lòng đau đớn, cũng chẳng có sự vui vẻ của Đức Chúa Trời làm sức mạnh cho tâm linh trong đời sống đạo mỗi ngày. Hãy suy gẫm để thấy mình cách xa Chúa biết chừng nào!

Trong trần gian, người ta mừng rỡ khi lòng vui vẻ; nhưng trong Vương quốc của Đức Chúa Trời, lòng ta sẽ vui vẻ khi mừng rỡ vì được tha thứ. Nếu con cái Chúa đã thật lòng ăn năn đau đớn về thời gian xa cách Chúa đã qua, thì hãy mừng rỡ vì lời Chúa hứa:

Ta ngự trong nơi cao và thánh, nhưng cũng ở với người ăn năn đau đớn và tâm linh khiêm nhường, để làm tươi tỉnh tâm linh của người khiêm nhường và làm tươi tỉnh lòng người ăn năn đau đớn” (Êsai 57:15).

Ai can đảm và dám bày tỏ sự ăn năn thật của mình mà không quan tâm tới việc người khác nghĩ gì về mình, là người sẽ nhận được sức mạnh của Chúa, vì người ấy biết Chúa và được sự vui vẻ của Ngài đặt vào lòng.

TamLinhTruongThanh09.docx

Rev. Dr. CTB