Tâm Linh Trưởng Thành, bài 10

Mathiơ 3:1-12

Giăng Baptist được sinh ra trước Đức Chúa Jesus sáu tháng. Suốt thời gian từ ngày thiên sứ Gabriel báo tin cho cha của Giăng là thầy tế lễ Zachariah cho tới khi con sinh ra được tám ngày, thì ông Zachariah bị phạt câm vì không dám tin lời thiên sứ là thật (Luca 1:10-19).

Sau khi có thể mở miệng nói trở lại, Zachariah ca tụng Đức Chúa Trời và nói về con mình rằng: “Hỡi con trẻ, người ta sẽ gọi con là nhà tiên tri của Đấng Chí Cao; con sẽ đi trước mặt Chúa, dọn đường cho Ngài, để dân Ngài nhờ sự tha tội mà biết sự cứu rỗi” (Luca 1:76-77). Lời Zachariah ca tụng Chúa là sự nhắc lại lời của Êsai nói tiên tri trước đó khoảng 700 năm.

Vì vậy ông Mathiơ tường thuật: “Lúc ấy Giăng Baptist đến rao giảng trong hoang mạc Giu-đê rằng: ‘Hãy ăn năn, vì Vương quốc thiên đàng đã đến gần!’ Giăng chính là người mà nhà tiên tri Êsai đã đề cập đến, khi nói rằng: ‘Có tiếng người kêu lên trong hoang mạc: Hãy dọn đường cho Chúa. Làm thẳng các lối Ngài’” (Mathiơ 3:1-3).

Giăng Baptist là một người vô cùng đặc biệt; khi lớn lên ông sống một mình trong hoang mạc (Luca 1:80), “mặc áo lông lạc đà, thắt dây lưng da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mathiơ 3:4).

Trong sứ điệp của Đức Chúa Trời qua nhà tiên tri Malachi, trước khi thiên đàng im lặng hoàn toàn suốt 400 năm, Chúa phán: “Nầy, Ta sẽ sai nhà tiên tri Ê-li đến với các con trước khi ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va đến. Người sẽ làm cho lòng cha ông trở lại cùng con cháu, lòng con cháu trở lại cùng cha ông, kẻo Ta đến lấy sự nguyền rủa mà đánh đất nầy chăng” (Malachi 4:5-6).

Đức Chúa Jesus thì tiết lộ ông Giăng Baptist chính là tiên tri Ê-li ngày xưa được sai trở lại thế gian (Mathiơ 11:13-14; 17:10-13). Không phải Chúa công nhận thuyết luân hồi của Ấn-giáo; bởi vì ông Ê-li được rước về trời đang lúc còn sống (2Vua 2:9-11), và điều đó chỉ xảy ra một lần.

Ông Giăng Baptist bắt đầu chức vụ bằng sự kêu gọi người Giu-đa hãy ăn năn (Math 3:2). Sự ăn năn là điều kiện để được tha tội; và được tha tội người ta mới nếm biết sự cứu rỗi là ra sao (Luca 1:77).

 Sứ đồ Phao-lô thuật lại lời Đức Chúa Jesus hiện ra phán trực tiếp với ông rằng Ngài sẽ sai ông đi đến dân ngoại “để mở mắt họ, chuyển họ từ tối tăm qua sáng láng, từ quyền lực quỷ Sa-tan trở về cùng Đức Chúa Trời; hầu cho bởi đức tin nơi Ta, họ nhận được sự tha tội và hưởng phần gia tài cùng với các thánh đồ” (Công vụ 26:18).

Thường dân đến gặp Giăng Baptist xưng tội và chịu phép báptêm, thì ông dịu dàng với họ. Nhưng khi tầng lớp lãnh đạo tôn giáo cũng đến chịu phép báptêm, thì ông Giăng rất nặng lời: “Hỡi dòng giống rắn độc kia, ai đã báo cho các người biết để chạy trốn cơn thịnh nộ sắp đến? Vậy, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn” (Mathiơ 3:7-8).

Chúng ta thấy một trong các chủ đề chính của Phúc Âm được lặp lại nhiều lần trong ơn cứu rỗi của Đức Chúa Jesus là người ta phải được tha tội mới được cứu. Tuy nhiên, các cuộc hội thảo thần học về ơn cứu rỗi thì nổi lên hai vấn đề cần phải được giải thích thỏa đáng: Một là người ta được cứu rỗi khi họ ăn năn tội để được Đức Chúa Trời tha thứ; hay là người ta được cứu rỗi nhờ đặt lòng tin vào công tác chuộc tội của Đức Chúa Jesus để được tha tội rồi mới được cứu rỗi?

Trong cả hai vấn đề thì cái nào cũng cần phải được tha tội mới được cứu. Trước khi giải thích để hòa hợp được hai vấn đề quan trọng đó, chúng ta cần nói qua về phép báptêm của Giăng và báptêm thời Đức Chúa Jesus đi giảng đạo, khác với báptêm nhân danh Đức Chúa Jesus sau khi Ngài về trời ra sao. Sứ đồ Phao-lô phân biệt hai thời đại báptêm rõ ràng:

Khi giảng đạo tại Antioch xứ Pisidi, Phao-lô nói: “Trước khi Đức Chúa Jesus đến, Giăng đã rao giảng báptêm về sự ăn năn cho cả dân Israel” (Công vụ 13:24). Khi tới Êphêsô ông cũng dạy các môn đồ ở đó: “‘Từ khi tin, anh em đã nhận lãnh Đức Thánh Linh chưa?’ Họ trả lời: ‘Chúng tôi chưa từng nghe nói có Đức Thánh Linh nào cả.’ Ông lại hỏi: ‘Vậy anh em đã nhận báptêm nào?’ Họ đáp: ‘Báptêm của Giăng.’ Phao-lô nói: ‘Giăng đã làm phép báptêm về sự ăn năn tội, bảo dân chúng phải tin Đấng sẽ đến sau mình, nghĩa là tin Đức Chúa Jesus’” (Công vụ 19:2-4).

Phép báptêm Giăng làm ở sông Jordan là phép rửa sạch ‘mikva’ trầm mình trong dòng nước chảy của Do-thái-giáo. Người muốn được thực hiện phép mikva phải ăn năn tội lỗi của họ và nguyện sẽ không tái phạm; vì nếu không có kết quả thì sẽ bị Đức Chúa Trời trừng phạt (Luca 3:9-14).

Còn ai chịu phép báptêm do giáo hội thực hiện thời nay mà chưa ăn năn từ bỏ tội lỗi, thì phép báp têm đó vô ích. Hai điều kiện cần phải có để một phép báptêm có giá trị và hiệu quả là: Tin nhận Đức Chúa Jesus là Đấng Cứu Tinh đã chịu chết thay thế cho người tin, rồi ăn năn tội lỗi, từ bỏ chúng để nhận được sự tái sinh và tiến bước trên con đường thánh hóa.

Đức Chúa Jesus dạy các môn đồ Ngài: “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báptêm cho họ” (Mathiơ 28:19).

Mệnh lệnh về thủ tục phép báptêm nầy chưa có vào thời Đức Chúa Jesus chưa chịu khổ hình. Bây giờ Ngài đã chịu chết, chôn và sống lại rồi, thì Ngài ban mệnh lệnh ấy trước khi Ngài thăng thiên trở về trời. Đó là lý do mà Hội Thánh thật của Chúa thời nay đều vâng lời Chúa làm báptêm cho tín hữu theo mệnh lệnh ấy.

Vậy, sự ăn năn theo ý Chúa ra sao? Phao-lô dạy: “Anh em không biết rằng tất cả chúng ta đều đã chịu báptêm trong Đấng Christ Jesus, tức là chịu báptêm trong sự chết của Ngài sao? Vậy, bởi báptêm, chúng ta đã được chôn vào trong sự chết với Ngài, để rồi như Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được sống lại từ cõi chết thể nào, thì chúng ta cũng được sống trong đời mới thể ấy. Vì nếu chúng ta đã được hiệp nhất với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ được hiệp nhất trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài” (Rôma 6:3-5).

Vậy, sự ăn năn theo ý Chúa để dẫn đến sự tha tội là không còn sống theo ý riêng nữa. Vì người nào đã quyết định đồng chết với Chúa, là quyết từ bỏ con người cũ của mình, lột bỏ những gì thuộc người cũ theo lối sống ngày trước, lúc chưa gặp Đấng Christ.

Chúng ta làm cách nào để được như vậy? Như Đức Chúa Jesus “đã vì tội lỗi chịu chết một lần đủ cả, là Đấng công chính thay cho kẻ bất chính, để đem chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời; Ngài đã chịu chết về phần thể xác, nhưng được sống về phần tâm linh” (1Phierơ 3:18); thì chúng ta cũng phải hiểu “Báptêm ngày nay là biểu tượng của điều đó để cứu anh em; báptêm không phải là sự cất bỏ ô uế khỏi thân thể, mà là lời nguyện ước với Đức Chúa Trời từ một lương tâm trong sáng qua sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ” (1Phierơ 3:21).

Khi chúng ta hiểu ý nghĩa thật của phép báptêm, thì có thể ăn năn theo ý Đức Chúa Trời, thật lòng từ bỏ con người cũ, rồi “mặc lấy người mới, là người đã được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời trong chân lý công chính và thánh khiết” (Êphêsô 4:24).

Vậy, ai ăn năn tội và tin Đức Chúa Jesus thì biết chắc mình được cứu rỗi.

TamLinhTruongThanh10.docx

Rev. Dr. CTB