Nắm Vững Niềm Tin, bài 10
Rôma 4:23–25
Sự Phục Sinh của Đức Chúa Jesus là trung tâm của sứ điệp Cơ-đốc-giáo. Nếu Đức Chúa Jesus không phục sinh, thì thánh vụ của Ngài đã chấm dứt trong sự thất bại và ảo tưởng. Sự sống lại từ cõi chết của Đức Chúa Jesus, và sự sống lại của thân thể chúng ta, vào ngày Đức Chúa Jesus tái lâm, là niềm hi vọng của mọi con cái Chúa và là cột trụ của niềm tin chúng ta. Sứ đồ Phaolô tiết lộ rằng “Nếu người chết không sống lại thì Đấng Christ cũng đã không sống lại. Và nếu Đấng Christ đã không sống lại thì sự rao giảng của chúng tôi là vô ích, và đức tin của anh em cũng vô ích.” (1Côrinhtô 15:13–14). Đúng vậy, người đã chết mà không thể sống lại được thì chẳng có quyền gì trên thế giới của người còn sống; cũng không thể làm gì cho một vũ trụ đang tiếp tục xoay vần.
Trước khi chịu bị nộp vào tay kẻ ác và bị đóng đinh trên thập tự giá, Đức Chúa Jesus đã phán trước rằng Ngài sẽ sống lại: “Đức Chúa Jêsus bắt đầu bày tỏ cho các môn đồ biết rằng Ngài phải đi đến thành Jerusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các trưởng lão, các thầy tế lễ cả cùng các thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại” (Mathiơ 16:21); (Luca 24:46) “Ngài phán: “Có lời chép rằng Đấng Christ phải chịu đau đớn, đến ngày thứ ba sẽ từ cõi chết sống lại.” Ngài cũng hứa sẽ ban cho các môn đồ Ngài điều mà Đức Chúa Cha đã hứa; họ phải chờ ở trong thành Jerusalem để được mặc lấy quyền năng từ trên cao (Luca 24:48–49). Sứ đồ Giăng tường thuật rõ lời hứa của Cha và quyền năng ấy chính là Đức Thánh Linh sẽ được ban xuống (Giăng 14:16, 26).
Nếu Đức Chúa Jesus không sống lại thì chẳng lời hứa nào của Ngài đáng tin cậy hết. Thế giới sẽ xem Ngài như một kẻ lừa dối, và đạo của Ngài chẳng thu hút được ai cả. Nhưng vì lời hứa quan trọng nhất của Ngài đã thành tựu, thì chúng ta tin rằng mọi lời hứa khác cũng sẽ thành tựu như thế. Cho đến nay, không một ai dám tuyên bố những lời phán, dạy dỗ, hứa ban, và những phép lạ của Đức Chúa Jesus đã thực hiện là giả mạo. Ngược lại, hễ nơi nào được Đức Thánh Linh thăm viếng, dấu kỳ phép lạ xảy ra, và những đời sống được biến đổi một cách kỳ diệu thì càng chứng minh sự sống lại của Đức Chúa Jesus là thật. Những người trước kia vốn tuyệt vọng vì nghiện ngập được quyền năng Chúa giải cứu rồi thành lập các trung tâm giải cứu những người ghiền ma túy rất thành công tại Việt Nam, chỉ bằng lời Kinh Thánh và cầu nguyện, là bằng chứng Chúa vẫn đang sống.
Sứ đồ Phaolô, một người từng hung hăng bắt bớ đạo, được gặp Đức Chúa Jesus phục sinh thì tuyên bố rằng: “… ở giữa anh em, tôi đã quyết định không biết gì khác ngoài Đức Chúa Jêsus Christ, và Đức Chúa Jêsus Christ bị đóng đinh vào thập tự giá” (1Côrinhtô 2:2). Lý do mà ông quả quyết như vậy là vì: “… sứ điệp của thập tự giá đối với những người hư mất là điên rồ; nhưng với chúng ta, những người được cứu chuộc, thì đó là quyền năng của Đức Chúa Trời” (1Côrinhtô 1:18). Nghĩa là những lời tuyên bố của các sứ đồ về Tin Mừng của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại đều xoay quanh sứ điệp của thập tự giá. Nhưng, điều ấy chẳng có giá trị gì nếu Đức Chúa Jesus chẳng sống lại từ kẻ chết vào ngày thứ ba, sau khi Ngài chịu bị đóng đinh, chết và chôn.
Vì đã gặp Chúa phục sinh và biết chắc sự sống lại của Ngài là thật, Phaolô đã từ bỏ tất cả chỉ để rao giảng sứ điệp thập tự giá: “… với tôi, tôi chẳng khoe về điều gì ngoài thập tự giá của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nhờ thập tự giá ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy” (Galati 6:14). Ông nói: “Tôi cũng xem tất cả mọi sự như là lỗ, vì sự nhận biết Đấng Christ Jêsus, Chúa tôi, là quý hơn hết. Vì Ngài, tôi đành chịu lỗ tất cả, và xem những điều đó như rác rưởi, để được Đấng Christ, và được ở trong Ngài. … để tôi được biết Ngài, quyền năng phục sinh của Ngài, được chia sẻ sự thương khó của Ngài, và trở nên giống như Ngài trong sự chết của Ngài; hi vọng rằng tôi có thể đạt được sự sống lại từ cõi chết” (Philip 3:7–9, 11).
Đức Chúa Jesus gọi Đạo của Ngài là Tin Lành hay Tin Mừng; bởi vì niềm tin của chúng ta đặt nền tảng trên sự sống lại từ kẻ chết của Ngài. Nếu Ngài chết luôn và không sống lại, thì chẳng có gì để mừng rỡ, và cũng chẳng có gì để hi vọng về sự sống vinh quang ở đời sau. Sự phục sinh của Đức Chúa Jesus là căn bản của niềm tin chúng ta. Vì sự sống lại của Ngài là bằng chứng Ngài có đủ quyền năng đánh bại sự chết, điều mà xưa nay không ai làm được. Tuy nhiên, sứ đồ Phaolô nói rằng: “Ngài đã bị nộp để chịu chết vì tội lỗi chúng ta, và sống lại để chúng ta được xưng công chính” (Rôma 4:25). Đây mới là điều vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu Đấng Christ chịu chết rồi sống lại để chứng tỏ quyền năng của Ngài, mà người tin chẳng được gì hết thì có ích lợi gì cho ai?
Chúng ta không thể tin một người tự xưng là Con Đức Chúa Trời mà không thắng nổi sự chết. Nhưng, vì Ngài đã đánh bại sự chết và phục sinh nên chúng ta tin Ngài. Lòng tin ấy là nền tảng để chúng ta được xưng công chính, nghĩa là được cứu rỗi: “Vậy, nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Jesus là Chúa, và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại, thì anh em sẽ được cứu” (Rôma 10:9). Sự phục sinh của Đức Chúa Jesus là vô cùng cần thiết để chứng minh Ngài thật là Chúa. Sự phục sinh ấy đã công bố cho cả trời và đất quyền năng vô song của Ngài đối với cả linh giới lẫn trần giới. Vì chỉ Đấng Công Chính mới có thể sống lại từ cõi chết: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, để trong Đấng ấy chúng ta trở nên công chính trước mặt Đức Chúa Trời” (2Côrinhtô 5:21).
Khi Đức Chúa Jesus gánh lấy mọi thứ tội lỗi của nhân loại, Ngài phải chịu bị giết chết để án phạt của tội lỗi được thi hành, cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi được thỏa mãn. Mặc dù có một số lời giảng rằng nhờ thập tự giá chúng ta được tha tội, Nhưng sứ đồ Phaolô trình bày rất rõ “Nếu Đấng Christ không sống lại thì đức tin anh em cũng vô ích, và anh em vẫn còn ở trong tội lỗi mình” (1Côrinhtô 15:17). Ngài đã sống lại để ban sự công chính của Ngài cho chúng ta, là những người tin Ngài. Con Người Jesus có thể ban sự công chính của Ngài cho mọi người tin, vì Ngài là Chiên Con vô tội của Đức Chúa Trời; Ngài gánh lấy tội lỗi thay cho chúng ta; tội lỗi đã bị trừng phạt, mọi người tin Ngài đều được trắng án. Ngài sống lại, trở về Ngôi Trời vô tội.
Cho tới nay, kẻ cáo kiện cứ kiện cáo chúng ta ngày đêm vì chúng ta vẫn sống giữa môi trường đầy tội lỗi và không tránh khỏi sự vấp phạm. Nhưng Đức Chúa Jesus phục sinh vẫn ngồi bên phải Đức Chúa Trời để biện hộ và cầu thay cho chúng ta: “Ai sẽ là người kết án họ khi mà Đấng Christ Jesus là Đấng đã chết và cũng đã sống lại, Đấng đang ngồi bên phải Đức Chúa Trời và cầu thay cho chúng ta” (Rôma 8:34). Không phải Đức Chúa Jesus bênh vực người thuộc về Ngài theo kiểu phe đảng bất công của người đời. Ngài dùng huyết Ngài rửa sạch tội lỗi chúng ta; và vì Ngài sống lại, nên Ngài có thể ban Đức Thánh Linh vào lòng người tin để dẫn dắt họ trên con đường thánh hóa, khiến chúng ta được công chính từ trong ra ngoài. Đó là ý nghĩa của câu “Ngài đã bị nộp để chịu chết vì tội lỗi chúng ta, và sống lại để chúng ta được xưng công chính” (Rôma 4:25).
NamVungNiemTin10.docx
Rev. Dr. CTB