Những Điều Cần Biết, bài 12
2Côrinhtô 4:16–18
Đã quyết tâm thiết lập quan điểm thiên đàng rồi, thì bước kế tiếp là lập một thói quen thường xuyên thực hiện điều mình đã quyết tâm. Bởi vì nếu đã dự định làm điều gì rồi mà chần chờ chưa chịu bắt đầu thực hiện, thì dự định nầy chồng chất trên dự định khác; ai nhìn lại đống dự định đó rất nản lòng rồi dễ dàng buông xuôi.
Nếu ai chưa chịu bắt tay thực hiện cái mới, thì các thói quen cũ sẽ mon men trở lại. Quá khứ chỉ có thể ảnh hưởng trên đời sống hiện tại khi người ta cho phép nó trở lại.
Vô số người bị thất bại về nhiều điều họ ước ao đạt tới chỉ vì thiếu ý chí vượt thắng tư tưởng chần chờ trì kéo trong lòng họ. Đến khi quá trễ thì than thở hay tự an ủi rằng số phận mình là như thế. Người ta ít để ý rằng, hễ ai có thể làm những việc nhỏ một cách đều đặn, thì người đó sẽ có đủ sức giải quyết những cơ hội lớn hơn, hoặc vượt thắng dễ dàng khi khó khăn xảy ra.
Có người đặt câu hỏi, nếu sự từ bỏ cách sống cũ, luyện tập nếp sống mới là dễ dàng, tại sao không có nhiều người thành công? Câu trả lời là: Nguyên nhân khiến ít người thành công không phải do mức độ khó khăn hay vì thiếu khôn ngoan, nhưng bởi vì hầu hết người ta không biết rằng họ có thể làm được; chẳng có bao nhiêu người chịu khó ngồi xuống suy tính xem mình muốn đời sống của mình sẽ như thế nào.
Hầu hết các việc xảy ra trong đời chúng ta hiện nay là kết quả của những gì mình đã quyết định và những việc mình làm mỗi ngày. Sự khác nhau giữa người bị thất bại với người thành công là: Người thất bại không dự tính trước các kế hoạch cho tương lai, chỉ đối phó với các hoàn cảnh một cách bị động; còn những người thành công thì nhắm tới một cái đích tương lai rất rõ ràng và làm hết sức để đạt đến mục tiêu họ đã nhắm tới.
Người thường thành công là người biết tránh những lỗi lầm từ lần thất bại trước; người luôn thất bại là người cứ lặp đi lặp lại những hành động hay quyết định sai trật, mà chẳng khi nào chịu rút ra bài học của biết bao lỗi lầm họ đã vấp váp.
Sự khác nhau giữa người khôn với người dại thì nhiều vô kể, nhưng sự khác nhau rõ nét nhất là người khôn thì xem xét kỹ sự việc trước khi nhận định hay kết luận; còn người dại mới nghe qua câu chuyện, chưa biết sự việc ra sao đã vội vàng đinh ninh hay kết luận theo điều họ tưởng.
Nếp sống thuộc linh của chúng ta thành công hay thất bại cũng vậy; hễ ta nhận ra lỗi lầm và ăn năn từ bỏ nó, thì ta đã tiến lên được một bậc cao hơn.
Có câu tục ngữ: “Heo tắm sạch lại lăn lóc trong vũng bùn” (2Phierơ 2:22), vì nó không thấy bùn là dơ dáy, mà lăn lóc trong đó thì nó thích thú! Người đã quen với thói xấu thì không thấy nó là sai.
Những hoàn cảnh trong đời chúng ta cũng bị ảnh hưởng bởi những gì chúng ta tin là mình có thể làm hoặc không thể làm.
Người ta thường đồng ý với ý kiến phải luyện tập thân thể để duy trì sức khoẻ, cho rằng đó là ý kiến rất tốt. Nhưng có ý kiến tốt mà không làm gì cả thì chẳng đi tới đâu hết.
Có phải đời sống tâm linh của nhiều người trong chúng ta bị một số thói xấu nào đó cầm giữ, khiến cho không thể tiến bước cách mạnh mẽ trên thiên trình? Nhiều người vẫn biết họ cần phải lìa bỏ các thói xấu đó; nhưng nan đề của họ là chưa bắt đầu tập tành điều tốt. Ví dụ như đọc Kinh thánh mỗi ngày.
Hãy bắt đầu phát triển một đời sống vượt thắng, đánh bại những điều cầm giữ mình lâu nay. Như sứ đồ Phao-lô viết: “Vậy nên, chúng tôi không nản lòng, dù con người bề ngoài bị suy mòn dần, nhưng con người bên trong ngày càng đổi mới hơn” (2Côrinhtô 4:16). Để có thể thực hiện những ước muốn đổi mới, hãy luyện tập làm một số việc nhỏ trước đã:
Hãy lấy giấy chia thành hai cột, cột bên trái viết ra vài tánh xấu mình hiện có mà có vẻ mình đã cố gắng sửa vẫn không thay đổi được, vì nó đã ăn sâu vào tâm tính rồi; hoặc những việc mình hiện phải đối phó cách khổ sở, ví dụ như bị nợ nần, đau yếu, các mối thù oán, bất hoà, vv.
Ở cột bên phải, đối ngang các vấn đề xấu, tiêu cực, hãy viết ra điều tốt, tích cực nào đối nghịch với cái xấu và tiêu cực đó. Ví dụ đối nghịch với thiếu thốn, nợ nần, là đầy đủ, giàu có; đối nghịch với tật bệnh là sức khoẻ.
Bây giờ hãy cầu xin Đức Chúa Trời thay đổi cái xấu, tiêu cực thành cái tốt tích cực. Cầu nguyện theo quan điểm thiên đàng và mường tượng tánh xấu mình được biến đổi thành tính tốt, hoàn cảnh khó khăn của mình được biến đổi thành thuận lợi, tươi sáng.
Đây không phải là mơ mộng hão huyền, vì ý muốn của Đức Chúa Trời đối với con cái Ngài luôn luôn là tốt lành, toàn hảo, chứ không phải là tai hoạ hay xấu xa (Giêrêmi 29:11).
Cứ kiên nhẫn cầu nguyện theo quan điểm thiên đàng mà Chúa muốn chúng ta đạt tới, để một ngày không xa, các tư tưởng tích cực và tốt bắt đầu chiếm hữu lòng chúng ta, đẩy lùi ý tưởng xấu và tiêu cực.
Trong lúc vẫn chú tâm cầu xin Chúa giúp chúng ta có thể từ bỏ được những thói quen xấu, thì hãy cẩn thận theo dõi cách cư xử của mình để thấy Đức Chúa Trời thực hiện phép lạ biến đổi tâm tính chúng ta, con người cũ bị con người mới thay thế lúc nào mình không biết.
Bí quyết để lập những sự thay đổi tốt lành trong đời sống chúng ta là tự rèn luyện lập các quyết định đúng thay cho các quyết định sai trật. Việc nầy liên quan tới những bước chúng ta hành xử sao cho cải thiện bản tính ích kỷ của con người.
Bởi vì hầu như các quyết định sai trật của người ta liên quan tới việc làm sao thoả mãn cái tôi, chứ không vì các điều ích lợi của những người quanh mình.
Vì vậy, sự luyện tập để vượt thắng những vật chướng ngại trên thiên trình là từng bước chấn chỉnh các quyết định để mình ngày càng trở nên thiện hảo hơn, và chấm dứt những cách hành xử tai hại cho tương lai của linh hồn mình.
Bất cứ ai đã thật lòng tiếp nhận Đức Chúa Jesus làm Chủ đời mình, thì Đức Thánh Linh dựng nên trong tâm linh người ấy một con người mới theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, là Đấng không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì; cho nên, ai đã có con người mới trong lòng thì cũng có các khả năng đổi mới gần như vô hạn qua quyền năng của Đức Chúa Trời. Nghĩa là chẳng có điều gì không thể thay đổi trong đời tín hữu; Đức Thánh Linh có đủ quyền năng để biến đổi mọi việc.
Nhưng mọi sự thay đổi cần có thời gian, Sự đổi mới không diễn ra trong chốc lát, mà phải có thời gian lâu dài. Giống như người mập muốn có một thân thể cân đối thì cần nhiều thời gian tập luyện. Bước khó nhất là thật sự bắt đầu làm điều mình đã quyết định.
Bí quyết thành công của sứ đồ Phao-lô là ông không nản lòng trước sự mòn mỏi của thể xác con người. Động lực thúc đẩy ông tiến tới là “con người bên trong ngày càng đổi mới hơn.” Các sự hoạn nạn hay gian khổ của tiến trình tập luyện là nhẹ và tạm. Chúng lại có ích lợi vì “sẽ đem lại cho chúng ta vinh quang cao trọng và vĩnh cửu” (2Côrinhtô 4:17).
Nhiều người sẵn sàng nhịn ăn để giữ thân hình đẹp, bởi vì sự réo gọi của vinh quang thế gian luôn luôn mạnh mẽ, dù biết rằng cái đẹp ấy chỉ là tạm thời. Trong khi đó, ít người chú trọng vào vinh quang đến từ thiên đàng, là thứ vinh quang mắt trần tục không thấy được. Người ta ít chú trọng loại vinh quang ấy vì không thể phô diễn cho người thế gian chiêm ngưỡng.
Đối với mọi con cái thật của Chúa thì điều mong mỏi lớn nhất của họ là được Chúa ban cho vinh quang cao trọng và vĩnh cửu của Ngài.
Vì lý do nào ‘những điều thấy được chỉ là tạm thời, còn những điều không thấy được là vĩnh cửu’? (2Côrinhtô 4:18). Câu nầy nhắc nhở mọi con cái Chúa về linh giới vô hình khác hẳn thế gian hữu hình. Mà sự khác nhau căn bản là thế gian hữu hình mà mắt chúng ta thấy được sẽ không tồn tại mãi; vì tới một ngày Chúa đã định, tất cả những gì hiện nay chúng ta đang thấy đều sẽ bị tiêu tan.
Như Kinh-thánh miêu tả: “Bấy giờ, các tầng trời sẽ biến đi trong tiếng vang rền, các nguyên tố sẽ bị tan chảy trong lửa, đất và mọi công trình trên đó đều sẽ bị thiêu huỷ” (2Phierơ 3:10).
Linh giới vô hình của Đức Chúa Trời sẽ tồn tại vĩnh viễn; cho nên, mọi con cái Chúa hãy để lòng chú trọng vào sự thanh khiết, thánh sạch của đời sống linh hồn mình, là những điều không thấy được bằng mắt trần; nhưng được Đức Chúa Trời tôn trọng, vì đó là bí quyết sống vượt thắng cái xấu.
Để đạt tới một đời sống vượt thắng mọi khó khăn và cám dỗ, con cái Chúa hãy lập kế hoạch từng bước nhỏ cải thiện đời sống tâm linh của mình, và bắt đầu thực hiện kế hoạch ấy, thì quyền phép vô song của Đức Chúa Trời sẽ giúp đỡ chúng ta làm được những điều loài người không thể làm.
Tập luyện từ bước nhỏ tiến dần tới các bước xa hơn là cách vượt thắng hiệu nghiệm.
NhungDieuCanBiet12
Rev. Dr. CTB