Những Điều Cần Biết, bài 05
1Timôthê 2:1–4
Nói về sự cầu nguyện xin Chúa ban cho điều nầy nọ thì ai cũng có thể làm. Bởi vì người ta ai cũng có nhu cầu. Cho nên, ai cũng có thể cầu xin Chúa ban cho những điều mình cần. Nhưng về cầu thay thì ít người biết rõ lý do nào phải cầu thay và phải làm gì để thực hiện việc nầy.
Tự chữ cầu thay đã nói lên ý nghĩa đơn giản của nó là đại diện cho người khác mà cầu xin Chúa ban cho điều chi đó. Tuy vậy, vì cầu thay không phải là bản tính có sẵn trong mỗi người; cho nên, ít người biết cầu thay hoặc biết cầu thay sao cho đúng cách và đạt hiệu quả lớn nhất.
Người ta cầu thay vì thấy người thân bị bệnh hiểm nghèo mà bất lực không giúp đỡ chi được, hoặc lo lắng khi thấy tai hoạ sắp xảy ra ở một khu vực, hay khi thấy dân trong nước cư xử với nhau cách gian xảo mà không một nền giáo dục hay luật pháp nào chữa trị nổi.
Vậy thì, cầu thay là nài nỉ với Chúa về những nhu cầu của người khác. Theo ý nghĩa của sự cầu thay trong Kinh-thánh thì cầu thay là đáp lời Đức Chúa Trời kêu gọi người đứng vào chỗ sứt mẻ mà khẩn cầu để Chúa không huỷ diệt đối tượng Ngài muốn cứu (Ê-xê-chi-ên 22:30).
Tuy nhiên, sự cầu thay chỉ có hiệu quả khi người cầu thay thật lòng tin vào sự thực hữu của ơn cứu chuộc, vì nếu không, thì cầu thay chỉ là một hành động bày tỏ sự cảm thông hay thương hại rất vô ích. Cầu thay là trình dâng người nào hay sự việc gì đó lên trước Chúa cho đến khi được hiểu biết ý tưởng và thái độ của Ngài về người hay việc mà Ngài đã tỏ cho biết.
Một gương mẫu về sự cầu thay rất tuyệt diệu để chúng ta nghiên cứu và học hỏi, được chép trong Sáng-thế-ký 18:16–33.
Lúc ấy, Áp-ra-ham kiều ngụ trong xứ Canaan, ông đóng trại ở chỗ các cây sồi của Mam-rê, thuộc khu vực Hebron. Đức Chúa Trời hiện ra trong hình dạng của ba vị khách lạ thình lình đứng trước mặt Áp-ra-ham vào buổi trưa nắng gắt. Bằng cách nào Áp-ra-ham nhận biết ba vị ấy từ cõi thần tới, hoặc ông chỉ tưởng là khách lạ, thì ngày nay không ai biết (Sáng-thế 18:1–8).
Chuyện thuật rằng sau khi ăn xong, các vị ấy hỏi Sa-ra, vợ Áp-ra-ham, đâu rồi? Một vị nói: “Khoảng thời gian nầy năm tới, Ta chắc chắn sẽ trở lại đây với con, và lúc ấy Sa-ra, vợ con sẽ có một con trai” (10).
Chi tiết cho thấy Áp-ra-ham biết đó là Đức Chúa Trời vì Sa-ra ở trong lều, nơi cửa trại sau lưng các vị ấy, nghe nói thì cười thầm vì nghĩ mình đã già, không thể có con. Nhưng Đức Giê-hô-va hỏi Áp-ra-ham: “Tại sao Sa-ra cười và nghĩ rằng: ‘Có thật tôi già thế nầy mà vẫn sinh con được sao?’ Có gì quá khó cho Đức Giê-hô-va không? Đến kỳ đã định, năm sau Ta sẽ trở lại với con, và Sa-ra sẽ có một con trai” (Sáng-thế 18:13–14).
Sau đó ba vị đứng dậy rời khỏi đó và nhìn về hướng Sodom. Áp-ra-ham đi theo tiễn chân ba vị. Chúa quyết định không giấu Áp-ra-ham việc Ngài sắp làm: “Tiếng than trách về Sodom và Gomorrah thật quá lớn, tội lỗi các thành đó thật nghiêm trọng! Ta phải ngự xuống để xem chúng có làm như tiếng đã kêu thấu đến Ta không. Có hay không thì Ta sẽ biết” (Sáng-thế 18:20–21).
Khi các vị đi về hướng Sodom thì Áp-ra-ham vẫn dứng chầu trước mặt Đức Giê-hô-va. Áp ra ham bước tới gần và lên tiếng cầu thay cho dân thành Sodom và Gomorrah:
“Chúa sẽ tiêu diệt cả người công chính lẫn người gian ác sao? Giả sử trong thành có năm mươi người công chính thì Ngài cũng sẽ tiêu diệt hết sao? Chẳng lẽ Ngài không vì năm mươi người công chính ở trong thành mà tha thứ cho thành đó sao?” (Sáng-thế 18:23–24).
Áp-ra-ham nêu lên khuôn mẫu tấm lòng của người cầu thay. Ông không xin Chúa cứ diệt kẻ ác và chừa lại người công chính, nhưng ông dựa vào đức nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời để cầu xin Ngài nếu có một số dân trong thành là người công chính, thì đừng tiêu diệt cả thành.
Sự cầu thay của Áp-ra-ham ở đây rất rõ ràng là ông ước mong Đức Chúa Trời tha cho tất cả cư dân của hai thành Sodom và Gomorrah. Không phải là Áp-ra-ham không biết gì về tội lỗi của cư dân hai thành nầy. Nhưng ông biện luận với Chúa căn cứ trên đức công chính và nhân từ của Ngài:
“Không bao giờ Chúa làm như vậy! Chẳng lẽ Chúa tiêu diệt người công chính chung với kẻ gian ác, xem người công chính cũng như kẻ gian ác sao? Không bao giờ Chúa làm như vậy! Đấng phán xét toàn thế gian lại không thực thi công lý sao?” (Sáng-thế 18:25).
Áp-ra-ham được hiểu thêm bản thể công chính của Đức Chúa Trời khi Ngài đáp: “Nếu Ta tìm được trong Sodom năm mươi người công chính, Ta sẽ vì những người đó mà tha thứ cả thành” (Sáng-thế 18:26).
Khi Áp-ra-ham hiểu rằng Đức Chúa Trời đã không tìm được năm mươi người công chính ở trong thành, bản tính của người cầu thay khiến ông đánh bạo hỏi Chúa rằng, nếu thiếu năm người, chỉ có bốn mươi lăm người công chính, liệu Chúa có tiêu diệt thành không? Chúa đáp rằng nếu ở trong thành có bốn mươi lăm người công chính, thì Ngài sẽ vì bốn mươi lăm người đó mà không tiêu diệt thành.
Áp-ra-ham, người cầu thay tuyệt diệu, lại đánh bạo giảm bớt số người công chính xuống còn bốn mươi, ba mươi, rồi hai mươi, thì Chúa đáp rằng Ngài sẽ vì những người ấy sẽ tha cho cả thành.
Áp-ra-ham cố vớt vát lần chót: “Xin Chúa đừng giận, cho con thưa chỉ một lần nầy nữa thôi: Nếu trong đó chỉ có mười người thì sao?” Chúa đáp: “Vì mười người đó Ta không tiêu diệt thành đâu” (Sáng-thế 18:27–32).
Áp-ra-ham đã được kinh nghiệm sự gần gũi với Chúa, vinh dự được Ngài hiện đến thăm cho ông hầu hạ Ngài, được Ngài báo tin vui, bày tỏ cho ông biết chương trình của Ngài là sẽ tiêu diệt hai thành Sodom và Gomorrah, vì tiếng kêu than về hành động và bản tính tội lỗi của cư dân hai thành đó đã thấu đến trước ngai Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham không muốn thấy người công chính bị tiêu diệt chung với những kẻ gian ác; nhưng ông không cầu xin suông mà có mục tiêu rõ ràng.
Dầu vậy, kết quả là hai thành Sodom và Gomorrah bị tiêu diệt bằng lửa, bởi vì trong đó không có đủ mười người công chính như Áp-ra-ham cầu xin, chỉ có gia đình của ông Lót, cháu của Áp-ra-ham, được thiên sứ giải cứu (Sáng-thế 19:29).
Ngày nay, chúng ta dựa trên quyền căn bản nào để cầu thay cho người khác? Bất cứ ai đã trở nên con cái Chúa qua sự tái sinh thì đều có đủ quyền lợi của địa vị làm con để đến trước mặt Đức Chúa Trời trò chuyện và trình bày với Ngài những điều đang có trong lòng mình (Giăng 1:12).
Tác giả thư Hê-bơ-rơ giục giã chúng ta “hãy vững lòng đến gần ngôi ân điển để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời” (Hêbơrơ 4:16).
Nếu ai muốn cầu thay cho người khác, thì trước hết phải có tâm tình của người cầu thay, thứ nhì là tìm biết ý muốn của Đức Chúa Trời về người hay việc đó. Thư Gia-cơ dạy: “Nếu người nào trong anh em thiếu sự khôn ngoan, hay cầu xin Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ ban cho” (Gia-cơ 1:5).
Ai cầu xin sự khôn ngoan tức là cầu xin được biết ý muốn của Đức Chúa Trời cho vấn đề mà mình đang muốn cầu thay cho. Vì ai nài khẩn theo ý Chúa thì chắc chắn sẽ nhận được điều mình cầu xin.
Nhiệm vụ của một người cầu thay không phải là ngày đêm nài nỉ Chúa, nhưng là tương giao gần gũi với Ngài để biết ý muốn của Ngài trong mọi việc. Vì cầu thay không phải là đứng vào vị trí của người khác để cầu xin, mà là rèn luyện tâm linh mình sao cho được hiệp nhất với Chúa để hiểu thánh ý của Ngài, hầu cho cuộc chiến đấu trong linh giới của chúng ta luôn chiến thắng mọi kẻ thù của linh hồn người ta. Vì cầu thay là chiến đấu giành giật linh hồn của những người trong gia đình, bạn bè hay và vì sự cứu rỗi của cả dân tộc mình nữa.
Người cầu thay biết rõ Đức Chúa Trời đang nắm vững tình thế, không có điều gì vượt quá tầm kiểm soát của Ngài, chẳng có điều gì mà Ngài không làm được. Người cầu thay hiệu quả là người hiểu biết chiến lược và kế hoạch của Chúa nhờ đã dành nhiều thì giờ tương giao thân mật với Ngài.
Như Đức Chúa Trời yêu mến Áp-ra-ham, gọi ông là bạn của Ngài, thì Ngài cũng yêu mến ai bằng lòng đứng vào vị trí cầu thay cho sự cứu rỗi của nhiều người.
Hầu hết đồng bào trong cộng đồng người Việt đang bị đùa xuống vực thẳm hư vong vĩnh viễn; nên hãy tập tành làm người cầu thay để biết chiến lược và kế hoạch của Chúa, giúp cho Hội-thánh truyền giáo có hiệu quả.
NhungDieuCanBiet05
Rev. Dr. CTB