Nắm Vững Niềm Tin, bài 25

Rôma 12:1–2

Sau khi trình bày cặn kẽ các giáo lý nền tảng Tin Mừng của Đức Chúa Trời là: Người Do-thái lẫn các dân ngoại đều phạm tội và cần được cứu rỗi. Ơn cứu rỗi ấy được Đức Chúa Trời ban cho qua Đức Chúa Jesus Christ bởi công tác chuộc tội của Ngài trên thập tự giá. Tuy nhiên, phải tiếp nhận ơn ấy bằng đức tin – vì đức tin là nguyên tắc Đức Chúa Trời đối xử với loài người – mà đời sống ông Abraham là một mẫu mực. Ơn cứu rỗi chỉ là bước khởi đầu của đời sống tín đồ, trong đó người tin được giải thoát khỏi tội lỗi, luật pháp và sự chết tâm linh – Sự giải thoát ấy chỉ có thể xảy ra khi tín đồ bằng lòng hợp nhất với Đấng Christ qua sự chết và sự sống lại của Ngài, và có sự hiện diện cùng quyền năng của Đức Thánh Linh trong lòng người tin. – Đó là các giáo lý căn bản.

Còn một số người trong dân Israel hiện nay vẫn không tin Đức Chúa Jesus, thì Đức Chúa Trời vẫn có một chương trình cứu rỗi cho họ. Dù số người Do-thái tin Chúa còn ít ỏi, nhưng Ngài dùng tình trạng đó để đem vô số dân ngoại vào Vương quốc Ngài, rồi đây “cả dân Israel” sẽ được cứu (11:26). – Bây giờ, sứ đồ Phaolô dẫn người đọc sang một bước cao hơn, để ai tin thì sẽ giữ vững ơn cứu rỗi mình đã nhận được. Ông khuyên giục (1–2). Mặc dù chỉ là hai câu thôi, nhưng lời khuyên của ông chứa đựng rất nhiều điều quý báu mà chúng ta cần phải suy xét rất kỹ càng.

Sứ đồ Phaolô đã giãi bày cho chúng ta biết sự thương xót của Đức Chúa Trời mà ông dùng để khuyên con dân Ngài: Người tin được xưng công chính khỏi tội lỗi và thoát khỏi hình phạt của tội lỗi. Được nhận làm con trong Đức Chúa Jesus và hợp nhất với Ngài. Được ở dưới ân điển, không bị ở dưới luật pháp. Được ban Đức Thánh Linh ngự vào lòng. Có lời hứa sẽ được giúp đỡ trong mọi hoạn nạn. Được bảo đảm ở trong sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Tin chắc vào vinh quang sẽ đến. Không sợ bị tách rời khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời, và tin chắc sự thành tín của Ngài cho mọi người tin. – Vì sự thương xót đó bao gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai, sứ đồ Phaolô khuyên chúng ta hãy dâng thân thể mình làm sinh tế sống và thánh. – Dâng như thế nào?

Chữ thân thể ở đây bao gồm toàn thể con người của chúng ta. Chúng ta biết rằng hồn, linh, trí não của chúng ta đều sống trong thân thể nầy; cho nên, khi nói rằng dâng thân thể cho Chúa, thì cả hồn và linh đều được dâng theo. Như vậy, khi nói mình dâng thân thể mình cho Chúa có nghĩa mọi sự trong ta đều thuộc về Ngài, không thể chỉ làm công tác phục vụ Chúa mà không dâng chính mình cho Ngài. Khi ông Phaolô nói ông “nài xin” nghĩa là bảo tín hữu hãy dùng ý chí mình quyết tâm dâng thân thể làm hiến tế sống cho Đức Chúa Trời. Ai đặt thân thể vào sự phục vụ, thì thân thể sẽ hành động giỏi; nhưng ai để thân thể làm chủ mình, thì mọi ý chí đều chịu thua.

Hiến tế sống là gì? Vào thời Phaolô viết thư tín Rôma, mọi người thời ấy đều biết ý nghĩa của sự hiến tế. Hiến tế sống là nó được đem còn sống nguyên tới bàn thờ hiến tế. Nó vẫn tiếp tục làm hiến tế sống ở nơi bàn thờ hiến dâng. Hiến tế ấy không bị giết rồi đặt lên bàn thờ như các sinh tế thời Cựu ước. Chúng ta dâng thân thể mình làm hiến tế chẳng những phải sống mà còn phải thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời nữa. Dân Israel đời xưa phải lựa chọn con thú sinh tế rất cẩn thận không chút tì vết nào mới được chấp thuận. Sự thánh khiết của chúng ta dựa trên các nguyên tắc tâm linh không tì vết, thì mới có thể dâng cho Chúa làm hiến tế sống. Điều đó có nghĩa là không để tội lỗi làm cho lòng bị ô uế, và không bị thế gian cai trị cả tâm trí lẫn tâm linh mình.

Phải làm gì để dâng thân thể mình làm hiến tế sống: Mắt không xem, không đọc những điều ô uế, không để cho bất cứ hình ảnh xấu xa, tội lỗi, ô uế nào lọt vào tâm trí mình. Không mở miệng nói dối, nói xấu người khác, chối cãi sự thật, hay mở miệng nguyền rủa xấu xa; nhưng hãy nói lời chúc phước và luôn luôn nói sự thật. Bàn tay quyết không dính líu vào những chuyện bất hợp pháp, mà phải làm việc thiện. Lỗ tai không nghe những lời dèm pha ác ý, không dùng để nghe và thưởng thức các món giải trí thế tục uế tạp, nhưng hãy nghe lời Chúa và những điều thuộc cõi thiên đàng thì hơn. – Để trở thành món hiến tế sống thanh khiết, thì phải biết gìn giữ tất cả chi thể của mình trước hết không bị nhiễm điều uế tạp, sau là gắn bó với các nguyên tắc thánh thiện.

Sự thánh khiết mà chúng ta đem đến dâng cho Chúa chính là quyết định mình đã lập không thể thay đổi. Đó là quyết định sẽ luôn luôn sống đời thánh khiết trước mặt Chúa, và sẵn lòng làm các công tác thánh thiện trong đời mình. Chúng ta biết rằng không một ai trong chúng ta dám bảo đảm mình có bản chất thánh thiện được Chúa chấp nhận. Chúng ta chỉ có thể được kể là trong sạch nhờ huyết Đức Chúa Jesus tẩy rửa khi tin nhận ơn cứu chuộc của Ngài. Vì vậy, để có thể dâng một thân thể thánh khiết cho Chúa, chúng ta phải luôn luôn giữ địa vị được tẩy sạch bởi tấm lòng được huyết Chúa thanh tẩy, tái sinh và cứ tiến bước trên con đường thánh hóa. Nếu không làm như vậy, chúng ta sẽ bị ô nhiểm tội lỗi của thế gian từ những sự ham muốn của xác thịt và trí não mình.

Sự dâng hiến chính thân mình là sự thờ phượng Chúa một cách phải lẽ hay hợp lý nhất; bởi vì thờ phượng Chúa là suy gẫm sự hiểu biết về Đức Chúa Trời; nhận ra và biết ơn những điều Ngài đã thực hiện cho chúng ta. Chỉ có loài người mới biết sự thờ phượng hợp lý dành cho Đấng đáng được thờ kính; vì thế, chúng ta thờ phượng Chúa vì biết những điều Ngài đã làm, biết những điều mình đã nhận được từ Ngài, sự hiểu biết ấy khiến lòng chúng ta kính mến và tôn thờ Đấng đáng được tôn thờ mãi mãi. Đây là ý nghĩa của câu: “Đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (1b).

Trong bất cứ thời đại nào của xã hội loài người đều có các trào lưu văn hóa, truyền thống hay tập quán, hoặc cách suy luận chống lại Đức Chúa Trời. Mặc dù những điều đó có vẻ chẳng hại gì cho đời sống tín ngưỡng của chúng ta. Nhưng con cái Chúa phải rất cẩn thận đối với những điều chúng ta thấy đang diễn ra quanh mình; bởi vì chúng ta rất dễ bị lôi cuốn theo ý thích và trào lưu chung của đa số người sống trong xã hội. Đó là lý do mà sứ đồ Phaolô khuyên: “Đừng khuôn rập theo đời nầy” (2a). Muốn thực hiện được mệnh lệnh đó thì phải làm ngược lại động lực thúc đẩy mình muốn được giống người trong xã hội, hoặc muốn được nổi danh hay vị nể; tức là “phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình” (2b). Cuộc tranh chấp đó sẽ diễn ra trong tâm trí.

Là con cái Chúa, chúng ta phải biết suy nghĩ khác với cách lập luận của người đời, chẳng phải để lập dị, nhưng là từ chối sự lôi cuốn, cám dỗ của tội lỗi và ma quỷ. Làm thế nào để chống lại? Bí quyết là tâm trí phải được đổi mới trước đã, thì lòng mới có thể biến đổi theo cách suy nghĩ mới của tâm trí. Phải làm thế nào để đổi mới? Thay vì lo nghĩ “mình phải làm sao để giống như ai đó” hoặc “mình phải hành động thế nào,” thì hãy tự hỏi điều ấy có chính đáng không? Và, Lời Chúa nói ra sao? Chúng ta phải thoát ra khỏi cách suy nghĩ và hành xử thường tình của người đời hoặc tín đồ yếu đuối. Hãy hài lòng với những gì mình đang có, thay vì theo đuổi các ước muốn vô chừng và lòng tham không đáy, thì sẽ tránh được biết bao điều đau khổ không đáng có trong đời sống.

Biến hóa tức là thay đổi phẩm chất bề trong khác hẳn cái cũ. Mặc dù thân thể con người không thể biến hóa theo ý muốn, nhưng sự thay đổi bề trong thì bất cứ ai có quyết tâm đều thực hiện được với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh. Chỉ những ai đã được biến hóa mới có thể “phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời” (2c). Bởi vì chỉ Đức Thánh Linh có khả năng biến cải tâm trí và lòng người. Cho nên, hãy duy trì sự hiện diện của Đức Thánh Linh; hãy dâng đời sống mình cho Ngài cai trị, thì chắc chắn sẽ được biến hóa thành công.

NamVungNiemTin25.docx

Rev. Dr. CTB