Những Điều Cần Biết, bài 10
Phi-Líp 4:8–9
Cách chúng ta quan niệm về mình thì khác với cách người ngoài nhìn chúng ta. Nếu thử hỏi người chưa tin Chúa thành thật nghĩ thế nào về tín đồ Tin Lành nói chung, thì chúng ta sẽ rất bất ngờ trước những câu trả lời.
Đại đa số người chưa tin Chúa thấy rằng người Tin Lành thích phán xét người khác, tự cho mình là công chính, không khoan dung và cố chấp, quá chú trọng tới tiền bạc, và xa rời thực tế trước những vấn đề thiết thực của thế giới.
Đây không phải là ý kiến chúng ta muốn nghe người khác nói về tín hữu của Hội-thánh; nó càng không phải là cách hành xử của Đức Chúa Jesus hay của các môn đồ Ngài.
Để có thể biết làm cách nào thay đổi được thành kiến của người đời đối với Hội-thánh Chúa và đối với chúng ta là những môn đồ Ngài, hãy cùng nhau xem xét lại cách cư xử của Đức Chúa Jesus đối với mọi người, khi Ngài còn ở thế gian.
Nếu những người đọc các sách Phúc-âm trong Kinh-thánh Tân ước chịu quan sát các biến cố một cách khách quan, thì sẽ thấy giới người bị Đức Chúa Jesus lên án nặng nề nhất là các vị lãnh đạo tôn-giáo (Luca 11:39–46, 52).
Mặc dù người thời nay đã có Kinh-thánh và có vẻ nghiên cứu cẩn thận, nhưng giới lãnh đạo tôn giáo ở mọi thời đại đều vướng phải những thói xấu và tánh tình uế tạp y như những người thời trước đã bị Đức Chúa Jesus lên án vậy. Cho nên, hầu hết các chuyện rối rắm giữa các Hội-thánh địa phương với nhau đều có nguồn gốc từ những người lãnh đạo gian xảo gây ra.
Đức Chúa Jesus và các môn đồ thật của Ngài chẳng khi nào gây ra sự thất vọng, đớn đau cho những người gặp Ngài. Khi Đức Chúa Jesus gặp Nathanael lần đầu tiên, Ngài phán rằng “Đây là một người Israel thật, trong người không có điều dối trá” (Giăng 1:47). Nathanael vô cùng ngạc nhiên khi một người xa lạ biết rõ con người bề trong của ông.
Lời nói khích lệ của Đức Chúa Jesus có hiệu quả trên Nathanael, khiến ông mở lòng ra nhận Đức Chúa Jesus và trở thành một trong các môn đồ thân cận của Ngài; mặc dù trước đó ông xem thường bất cứ điều gì ra từ Nazareth.
Nếu Đức Chúa Jesus phê phán thành kiến của Nathanael về quê hương Nazareth của Ngài, thì Nathanael đã không nhận ra Chúa Cứu Thế để trở nên môn đồ của Đấng được cả vũ trụ tôn thờ.
Một thời gian sau, khi từ Giu-đê đi bộ về xứ Galilê, Đức Chúa Jesus ngồi nghỉ mệt bên giếng Jacob ở làng Sychar, xứ Samari, Ngài trò chuyện với người đàn bà ra giếng múc nước.
Lúc Ngài bảo người đàn bà ấy đi gọi chồng của bà rồi trở lại chỗ giếng nước, bà thưa rằng: “Tôi không có chồng.” Đức Chúa Jesus nói: “Chị bảo rằng chị không có chồng là phải, vì chị đã có năm đời chồng, còn người mà chị hiện có không phải là chồng chị; điều nầy chị đã nói thật” (Giăng 4:17–18).
Trong những lời trên, Đức Chúa Jesus không lên án cũng chẳng phê phán người đàn bà nầy, Ngài chỉ nói lời khích lệ là bà ta đã trả lời rất thật thà.
Nhiều người thời đó và thời nay sẵn sàng lên án người phụ nữ ấy là lăng loàn. Nhưng Đức Chúa Jesus nhìn vào điểm tốt trong lòng người có tội để khích lệ người ấy.
Kết quả là người đàn bà Samari phải thốt lên: “Thưa ông, tôi nhận biết ông là một nhà tiên tri;” rồi trở vào làng gọi mọi người ra gặp Ngài. Nhờ đó, tất cả người ở làng Sychar đã tin Chúa sau khi Ngài ở lại đó hai ngày theo lời nài nỉ của họ. Những người lãnh đạo tôn giáo thời ấy chẳng những sẽ lên án người đàn bà cách nặng nề mà còn không thèm giao thiệp với người Samari nữa. Hậu quả là chẳng một người Samari nào được nghe Phúc-âm giảng rao cho họ để được cứu.
Mấy năm sau, chấp sự Phi-Líp noi gương thầy mình đến giảng đạo tại Samari, khiến cho một cuộc phục hưng tôn giáo lẫy lừng đã diễn ra (Công vụ 8:4–8).
Trong một chuyện tích khác, Đức Chúa Jesus biểu lộ lòng cảm thông và khích lệ đối với một người đàn bà bị nhiều tai tiếng vì là một phụ nữ tội lỗi (Luca 7:36–50).
Theo lẽ thường, người được xã hội kính trọng vì có đời sống đạo đức, vẫn né tránh những người bị tai tiếng về tội tình dục và không bao giờ muốn tiếp xúc với những người như vậy trước công chúng. Bởi vì chẳng ai muốn bị người kia kéo mình xuống bùn.
Người đàn bà mất nết nghe tin Đức Chúa Jesus đang ngồi ăn ở nhà của Simon, người Pharisi, thì bà đến đem theo một bình bằng ngọc dựng đầy dầu thơm.
Bữa tiệc tối của nhà khá giả thời ấy không có bàn ăn và ghế ngồi như thời nay, nhưng là nằm nghiêng nửa người nên hai chân hơi đưa ra phía sau.
Người đàn bà ấy chẳng xin phép chủ nhà hoặc kiêng nể các khách mời khác, vì thánh nhân mà bà ngưỡng vọng là Đức Chúa Jesus. Có lẽ bà quen mặt tất cả đàn ông ở thành đó, nên bà đến thẳng Đức Chúa Jesus và quỳ sau chân Ngài mà khóc.
Nước mắt bà thấm ướt chân của Chúa, bà lấy tóc mình lau, hôn chân Ngài và xức dầu thơm cho. Đức Chúa Jesus để yên cho bà làm. Ngài quan sát thái độ khinh bỉ của Simon đối với người đàn bà. Vì Simon thầm nghĩ “nếu người nầy thật là nhà tiên tri, chắc đã biết người đàn bà chạm đến mình đó là ai, thuộc hạng người nào, vì nàng là kẻ tội lỗi” (39).
Simon mang thói thường của người tự cho mình là đạo đức, khinh bỉ những người bị xem như cặn bã xã hội. Đức Chúa Jesus không nhìn người ta theo kiểu đó. Ngài nhìn vào cõi lòng sầu cay của những người biết mình tội lỗi, bị xã hội khinh rẻ.
Chúa không lên án người đàn bà tội nghiệp, Ngài nói với Simon: “Ta vào nhà của ngươi, ngươi không cho nước rửa chân; nhưng chị ấy đã lấy nước mắt thấm ướt chân Ta rồi lấy tóc mình mà lau. Ngươi không hôn Ta, nhưng từ khi Ta vào nhà của ngươi chị ấy luôn hôn chân Ta. Ngươi không xức dầu cho đầu Ta, nhưng chị ấy lấy dầu thơm xức chân Ta. Vì thế, Ta bảo ngươi, tội lỗi của người đàn bà nầy nhiều lắm, nhưng đã được tha hết” (44– 47).
Cuối cùng Đức Chúa Jesus phán với người đàn bà: “Tội lỗi con đã được tha. ….. Đức tin của con đã cứu con; hãy đi bình an” (48, 50).
Lời khích lệ của Chúa đã nâng người đàn bà đang ở tận đáy của xã hội được vươn lên. Bà lìa bỏ nếp sống tội lỗi ngày trước và trở thành một thánh nhân danh tiếng sau nầy. Quyền năng và sức mạnh của lời khích lệ cứu giúp người tuyệt vọng, đem sự sống đến cho họ. Còn những lời kết án không giúp được ai cả.
Một chuyện tích khác nữa về lời khích lệ của Đức Chúa Jesus mà chúng ta cần học được chép trong Giăng 8:2–11 nói về việc một người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội tà dâm, do các thầy thông giáo và người Pharisi đem đến cho Đức Chúa Jesus để thử xem Ngài giải quyết ra sao. Họ nại luật pháp Môi-se là người ấy phải bị ném đá chết.
Đức Chúa Jesus không trả lời mà cúi xuống dùng ngón tay viết trên đất. Họ hỏi ép nên Ngài ngước lên và nói: “Ai trong các ngươi là người không có tội, hãy lấy đá ném chị ấy trước đi,” rồi Ngài tiếp tục viết trên đất. Nghe vậy, họ lần lượt đi ra, người cao tuổi đi trước.
“Đức Chúa Jesus ngước lên hỏi người phụ nữ: ‘Nầy chị kia, họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao?’ Người phụ nữ đáp: ‘Thưa Chúa, không ai cả.’ Đức Chúa Jesus phán: ‘Ta cũng không kết án chị đâu. Hãy đi, đừng phạm tội nữa.’”
Những lời khích lệ của Đức Chúa Jesus, qua các ví dụ vừa kể, đã đem ánh sáng tốt lành của Đức Chúa Trời vào thế gian tăm tối. Tình yêu thương và lời khích lệ có sức mạnh cảm hoá lòng người ta.
Người phụ nữ phạm tội ngoại tình đang run rẩy chờ bị ném đá chết cách đau đớn, bỗng thấy mình được tha mà còn nhận được lời Chúa khích lệ: “Hãy đi, đừng phạm tội nữa.”
Chắc chắn rằng người đàn bà đó chẳng còn dám phạm tội, dù Kinh thánh không nói tới bà nữa, nhưng có lẽ bà đã âm thầm đi theo và trở thành một môn đồ của Đức Chúa Jesus. Những lời khích lệ có sức mạnh cải hoá lòng người hơn là những lời kết án.
Nếu quý ông bà anh chị em muốn người thế gian nhìn Hội-thánh và Cơ-đốc-nhân bằng thiện cảm thay vì ác cảm, thì hãy từ bỏ tinh thần thích lên án. Hãy thông cảm những cuộc đời bị lầm lỡ để họ thấy tình yêu thương chân thật của con cái Chúa phản ảnh đức nhân ái của Chúa mình là ra sao.
Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Thưa anh em, hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến. Những gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe và đã thấy …., hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở với anh em.” (Philip 4:8–9).
Thưa quý ông bà anh chị em, được Đức Chúa Trời bình an ở với chúng ta là niềm hạnh phúc vô biên.
NhungDieuCanBiet10.docx
Rev. Dr. CTB