Tâm Linh Trưởng Thành, bài 03
1Phierơ 1:1-12
Từ đầu tháng 12 hàng năm, các Hội Thánh lại tràn ngập những bài giảng về sự giáng sinh vô cùng kỳ diệu của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng, con cái Chúa thường chưa đủ khả năng giải thích cho người chưa tin về việc Đức Chúa Jesus là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời nhập thể làm người trong vai trò Đức Chúa Con.
Con ra từ Cha là điều kiện bình thường hoàn toàn hợp lý; nhưng nói Đức Chúa Con từ trời xuống, mà trên trời không có Chúa Mẹ thì người ta rất khó hiểu! Sau đó lại có thân vị Đức Thánh Linh nên càng khó hiểu thêm.
Vì lý do đó, một số giáo phái Cơ-đốc bác bỏ giáo lý Ba Ngôi, tức là Đức Chúa Trời có Ba Thân Vị, tiếng Hán gọi là Tam Vị, Nhất Thể.
Theo giáo lý của một số phái thì hoặc Đức Chúa Jesus không thể là Đức Chúa Trời, hoặc bác bỏ nghĩa đen của lời Ngài phán: “…Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Tức Đức Chúa Jesus không thể là một với Đức Chúa Cha; còn Đức Thánh Linh chỉ là Thần Khí của Đức Chúa Trời, không có thân vị riêng biệt, vv.
Những lý luận của các giáo hội, giáo phái khiến cho tín hữu thấy sự việc có vẻ rối rắm, khó hiểu. Để biết rõ vai trò của ba Thân Vị Đức Chúa Trời qua sự giáng sinh của Đức Chúa Jesus, chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu Kinh Thánh. Vì mọi lý luận, suy diễn về Đức Chúa Trời mà không được Kinh Thánh, là Lời Ngài, hỗ trợ, đều sai lầm và lạc lối.
Trước hết, Kinh Thánh tường thuật Đức Chúa Trời ở số nhiều “Đức Chúa Trời phán: ‘Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta, …’” (Sáng Thế 1:26). “Giê-hô-va Đức Chúa Trời nghĩ: ‘Nầy loài người đã trở nên một bậc như Chúng Ta, biết phân biệt điều thiện và điều ác’” (Sáng Thế 3:22). Lúc loài người sinh sản nhiều sau cơn đại hồng thủy, vì có chung ngôn ngữ nên hợp lực xây tháp Babel, Đức Chúa Trời bèn phán: “Thôi, Chúng Ta hãy xuống làm lộn xộn tiếng nói của chúng, để chúng không hiểu được tiếng nói của nhau” (Sáng Thế 11:7).
Ba câu trên có thể hiểu theo hai cách: 1. Đức Chúa Trời là số nhiều bàn với nhau khi quyết định; 2. Đức Chúa Trời bàn với các thiên sứ cùng làm công việc mà Ngài đã định. Nhưng (Sáng Thế 3:22) ghi là Ngài “nghĩ” chứ không bàn luận gì với ai cả. Nếu chỉ dựa vào vài câu rồi kết luận, thì chưa được hoàn toàn chính xác, nên chúng ta phải xem xét thêm các chỗ khác.
Đức Chúa Cha là Đức Chúa Trời thì khỏi bàn cãi. Nhưng Đức Chúa Jesus trong vai trò Đức Chúa Con, có phải là Đức Chúa Trời hay không thì cần phải xem lại. Kinh Thánh nói thế nào?
Sứ đồ Phao-lô dặn dò các trưởng lão ở Êphêsô: “Anh em hãy giữ chính mình và luôn cả bầy chiên mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn dắt Hội Thánh của Đức Chúa Trời mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” (Công vụ 20:28). Vì Đức Chúa Jesus đã đổ huyết ra mua Hội Thánh, vậy, theo ý chỗ nầy thì Ngài là Đức Chúa Trời.
Phao-lô cũng nói rõ Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa dựng nên muôn vật “Chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời vô hình, là Đấng sinh ra trước tất cả mọi loài thọ tạo. Vì trong Ngài mọi vật trên trời, dưới đất, vật thấy được hoặc vật không thấy được đều được tạo dựng” (Côlôse 1:15-16).
Một chỗ khác nói “3 Con là ánh sáng rực rỡ của vinh quang Đức Chúa Trời và là hình ảnh trung thực của bản thể Ngài. Con dùng lời quyền năng của Ngài mà nâng đỡ muôn vật. … 8 Nhưng nói về Con thì có lời phán: ‘Lạy Đức Chúa Trời, ngôi Ngài trường tồn vĩnh cửu, quyền bính của vương quốc Chúa là quyền bính chính trực.’ … 10 Lại có lời phán: ‘Lạy Chúa, ban đầu Chúa lập nền trái đất, và các tầng trời là công việc của tay Chúa’” (Hêbơrơ 1:3, 8, 10).
Những câu quy về Đức Chúa Jesus chỗ nầy tương tự các câu dâng vinh quang lên Đức Chúa Trời: “Con thưa rằng: ‘Đức Chúa Trời ôi! Các năm Chúa tồn tại từ đời nầy qua đời kia. … 25 Thuở xưa, Chúa lập nền trái đất, các tầng trời là công việc của tay Chúa” (Thi-thiên 102:24-25).
Chúng ta hãy so sánh chỗ tiên tri Ê-sai ghi lời phán của Đức Giê-hô-va: “Ta là đầu tiên và cuối cùng; ngoài Ta không có Đức Chúa Trời nào khác” (Êsai 44:6), so với lời phán của Đức Chúa Jesus khi Ngài hiện ra với sứ đồ Giăng ở đảo Patmos: “Đừng sợ, Ta là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng. … Ta là Alpha và Omega, là Đầu Tiên và Cuối Cùng” (Khải huyền 1:17; 22:13), thì hai lần phát ngôn ấy là một sự tự xưng nhận của Đấng Tạo Hóa, chứ không phải là hai Chúa khác nhau.
Nếu là một bài thần đạo học thì còn rất nhiều câu Kinh Thánh khác nữa chứng minh Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời. Nhưng trong khuôn khổ bài học nầy chỉ cần chừng đó là đủ.
Đến Thân Vị thứ ba mà Kinh Thánh nói rất nhiều là Thần của Đức Chúa Trời, hoặc Thần của Đức Giê-hô-va trong Cựu Ước, cũng là Đức Thánh Linh trong Tân Ước. Cựu Ước loan báo khi Đấng Mết-si-a đến thì: “Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên Ta, vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho Ta …” (Êsai 61:1).
Lúc Đức Chúa Jesus đọc các câu ấy (Luca 4:16-21) thì Ngài phán việc đó đã ứng nghiệm trên Ngài. Bởi vì trước đó khi Ngài chịu báp têm ở bờ sông Jordan xong, “Ngài đang cầu nguyện thì trời mở ra, và Đức Thánh Linh ngự xuống trong hình thể giống như chim bồ câu đậu trên Ngài; lại có tiếng từ trời phán: ‘Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn’” (Luca 3:21-22).
Đức Chúa Jesus lại hứa: “Nhưng khi Đấng an Ủi đến, là Đấng mà Ta sẽ từ Cha sai đến với các con, tức là Thần Chân Lý ra từ Cha, chính Ngài sẽ làm chứng về Ta” (Giăng 15:26).
Sau khi tiếp nhận Đức Thánh Linh, sứ đồ Phierơ mới nhớ lại lời Ngài phán và hiểu Thần Chân Lý là ai, thì ông xác nhận “Vậy sau khi đã được tôn cao ở bên phải Đức Chúa Trời và đã nhận lãnh lời hứa về Đức Thánh Linh từ nơi Cha, Ngài đổ Đức Thánh Linh ra như anh em đang thấy và nghe” (Công vụ 2:33).
Khi cặp vợ chồng Anania và Saphira không thành thật với Hội Thánh, thì Phierơ nói: “Nầy Anania! Sao anh để Satan đầy dẫy lòng anh, đến nỗi anh nói dối Đức Thánh Linh … Không phải anh nói dối loài người đâu mà là nói dối Đức Chúa Trời.” (Công vụ 5:3, 4b).
Vì Chúa biết trước rằng người đời nay sẽ suy diễn lung tung, nên Ngài đã cảm thúc các tác giả trong Kinh Thánh viết rõ Đức Chúa Trời đã khiến Đức Chúa Jesus từ kẻ chết sống lại (Rôma 10:9); nhưng cũng sự việc ấy “Nếu Thánh Linh của Đấng đã khiến Đức Chúa Jesus sống lại từ cõi chết ở trong anh em” (Rôma 8:11). Vậy, Kinh Thánh xác nhận Đức Thánh Linh chính là Đức Chúa Trời.
Vì Kinh Thánh vẫn thường xuyên nói công việc của Đức Chúa Trời chuyển đổi qua lại giữa Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con với Đức Thánh Linh.
Phao-lô nói rằng chức vụ sứ đồ của ông do “chính Đức Chúa Jesus Christ và Đức Chúa Trời là Cha, Đấng đã khiến Ngài sống lại từ cõi chết” (Galati 1:1). “Anh em đã quay về với Đức Chúa Trời, từ bỏ thần tượng để phục vụ Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật, và để chờ đợi Con Ngài từ trời, là Đức Chúa Jesus mà Ngài đã khiến sống lại từ cõi chết” (1Têsalônica 1:10).
Vai trò của Đức Chúa Con trong sự sống lại “Không ai cất mạng sống Ta đi được, nhưng Ta tự nguyện hi sinh. Ta có quyền hi sinh mạng sống và có quyền lấy lại. Ta đã nhận mệnh lệnh nầy từ nơi Cha Ta” (Giăng 10:18).
Đức Thánh Linh giữ vai trò của Ngài trong sự sống lại, vì Ngài cũng là Đức Chúa Trời “Nếu Thánh Linh của Đấng đã khiến Đức Chúa Jesus sống lại từ cõi chết ở trong anh em” (Rôma 8:11).
Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh đều thánh hóa người tin (1Têsalônica 5:23; Hêbơrơ 13:12; 1Phierơ 1:2). Chính trong câu 1Phie 1:2 có sự hiện diện đầy đủ của Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Cả Ba Thân vị đều là Đấng Tạo Hóa (Êph.3:9; Côl.1:16; Gióp 33:4). Cả ba Thân Vị đều ngự trong lòng tín hữu (Giăng 14:23; 1Côrinhtô 3:16; Rôma 8:9).
Đức Chúa Jesus là Cha (Giăng 10:30; 14:9), Ngài là Con vì là Tư Tưởng và Lời Nói của Cha (1Giăng 4:15), Ngài là Đức Thánh Linh (Giăng 14:16-17).
Trí óc loài người không thể lấy gì giải thích huyền nhiệm về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Tam Vị, Nhất Thể. Không phải là ba Chúa, bởi vì chỉ có một Đức Chúa Trời duy nhất; ngoài Ngài không có Đức Chúa Trời nào khác. Ngài là Đấng Toàn Năng, nên Ngài muốn thể hiện thế nào tùy ý Ngài.
Hãy nghe lời dặn dò của Đức Chúa Jesus “Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh mà làm báp têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế” (Mathiơ 28:19-20); vậy chẳng ai khác, chính là Đức Chúa Jesus nói tới Ba Thân Vị của Đức Chúa Trời.
TamLinhTruongThanh03.docx
Rev. Dr. CTB