Tâm Linh Trưởng Thành, bài 02

Galati 5:1-6

Bất cứ người nào đã tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời đều mong muốn được Đức Thánh Linh ngự trong lòng hướng dẫn đời sống, được giải thoát khỏi luật của tội lỗi và sự chết (Rôma 8:2), có tâm linh đã được đổi mới, thắng hơn những sự cám dỗ đòi hỏi của xác thịt, và kinh nghiệm sự chiến thắng những tánh xấu trong con người cũ của mình một cách dễ dàng.

Ước muốn là như vậy, nhưng hầu hết con cái Chúa đều phải đương đầu rất vất vả trước các sự cám dỗ. Vậy thì có điều sai trật gì của đời tín hữu mà chúng ta chưa biết? Có điều gì còn thiếu sót mà mình chưa làm? Kinh Thánh quả quyết rằng “những ai ở trong Đấng Christ Jesus sẽ không bị kết tội nữa (Rôma 8:1). …. Vì Đức Chúa Trời đã kết án tội lỗi [của tôi] trong xác thịt [của Đức Chúa Jesus] rồi” (Rôma 8:3b). Nhưng tại sao sự cám dỗ vẫn mạnh? Tại sao tôi vẫn nhận ra mình quá yếu đuối? Tại sao tôi bị ở dưới một thứ luật pháp mà chẳng ai thực hiện nổi những đòi hỏi của luật pháp ấy?

Nếu ai chịu đọc Kinh Thánh và xem xét về đời sống tâm linh của con cái Chúa trong thời đại Tân Ước nầy, rồi nghiên cứu lịch sử dân Israel trong thời Cựu Ước, thì sẽ thấy những điều ghi lại cách họ cư xử với Chúa giống như tấm gương phản chiếu rất chính xác hình ảnh đời sống tâm linh của các Cơ-đốc-nhân ở mọi thời. Từ cách nhìn đó, chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời không phải chỉ là Đức Giê-hô-va của Do-thái giáo, mà là Đấng Tạo Hóa của mọi người ở tất cả các thời đại.

Vì vậy, khi chúng ta trở nên con cái của nước thiên đàng rồi, thì phải bị luật pháp thánh của Ngài chi phối với tất cả uy quyền và ảnh hưởng của luật pháp ấy. Đức Chúa Jesus từng phán rõ: “Vì thật, Ta bảo các con, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm, một nét trong luật pháp cũng không thể qua đi được, cho đến lúc mọi sự được hoàn tất” (Mathiơ 5:18). Nghĩa là luật pháp của thiên đàng không bị hủy bỏ cho tới ngày chương trình của Đức Chúa Trời cho thế gian được hoàn thành.

Nhưng khi Đức Chúa Jesus đã chịu chết để hoàn thành điều luật pháp đòi hỏi phải trừng phạt tội lỗi, thì ai ở dưới ân điển cứu chuộc của Ngài sẽ không còn bị luật pháp đó ràng buộc. Vì qua sự chết của Đức Chúa Jesus, người nào thuộc về Ngài được xem như đã chết đối với luật pháp, với các tham dục của tội lỗi qua luật pháp (Rôma 7:4, 6, 5), nghĩa là luật pháp và xác thịt không còn thẩm quyền gì trên người tiếp nhận Đức Chúa Jesus làm Đấng Cứu Tinh chết thay cho mình.

Vì điều gì luật pháp không thể làm được do xác thịt làm cho suy yếu, thì Đức Chúa Trời đã làm rồi: Ngài đã sai chính Con Ngài mang lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi để giải quyết tội lỗi; Ngài đã kết án tội lỗi trong xác thịt” (Rôma 8:3).

Sự trục trặc khi con cái Chúa cố gắng sống đời thánh thiện bằng nỗ lực riêng là bị vướng cái lưới luật pháp. Nhưng hễ ai áp dụng nguyên tắc của thập tự giá là bước đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, thì đời sống đạo rất thảnh thơi.

Thế nhưng, những điều sứ đồ Phao-lô viết trong Galati 5:17 về sự xung đột giữa xác thịt với Đức Thánh Linh thì sao? “Vì xác thịt ham muốn những điều nghịch với Thánh Linh, Thánh Linh chống lại xác thịt. Hai bên đối nghịch nhau, nên anh em không thể làm điều mình muốn” (bdLVS).

Câu nầy không có hàm ý nói rằng có sự xung đột giữa Đức Thánh Linh với xác thịt trong lòng tín hữu, mà nêu lên sự tương phản để giải thích cho câu trước đó: “…, hãy bước đi theo Thánh Linh, đừng thỏa mãn những dục vọng của xác thịt” (Galati 5:16).

Sự tự do mà chúng ta được trong Đấng Christ giải thoát chúng ta khỏi luật pháp cùng những sự cám dỗ vẫn tiếp tục xảy ra. Tại sao chúng ta đã thuộc về Đấng Christ mà sự cám dỗ vẫn quá mạnh? Câu trả lời là dù mình đã thuộc về Đấng Christ nhưng vẫn còn sống trên thế gian với biết bao tội lỗi vây quanh, chưa thể lìa bỏ thế giới nầy, thì chúng ta đang ở tình trạng giao thời giữa trần gian với thiên đàng, nơi không còn tội lỗi.

Chúng ta là con dân của thiên đàng vẫn còn đang sống ở trần gian, đời sống cũ chưa qua hết hoàn toàn, nên chúng ta phải luôn luôn nhờ cậy Đức Thánh Linh mà sống trong mọi cách ăn nết ở của mình. Những ai có Đức Thánh Linh là sự đầy đủ của mình thì chắc chắn làm được điều đó.

Đức Thánh Linh được ban cho mỗi con cái thật của Chúa, để khi họ bị sống trong tình trạng giao thời, chưa được đưa vào trời mới, đất mới, thì có đủ khả năng bước đi trên con đường thánh hóa; vì Đức Thánh Linh sẽ dùng sự dạy dỗ, nhắc nhở, giúp sức để biến đổi con người bề trong, khiến chúng ta có thể bước đi vững vàng trong cuộc sống đạo; đối phó với những sự cám dỗ một cách dễ dàng, đánh bại sự cám dỗ chứ không bị sự cám dỗ đánh gục. Khi con cái Chúa hiểu biết mình đang ở trong tình trạng giao thời, thì sẽ không ngạc nhiên hay bối rối khi sự cám dỗ kéo đến.

Những sự cám dỗ của tội lỗi rất dễ nhận ra, nhưng có một sự cám dỗ tinh vi khác dụ dỗ chúng ta bước ra khỏi sự tự do của Đức Thánh Linh ban cho, mà đưa mình vào ách nô lệ của luật pháp thời Cựu Ước. Trong tình trạng giao thời của tín hữu, nhiều người vì lòng kính mến Chúa sẽ sẵn sàng làm những gì mà họ nghĩ sẽ được Chúa đẹp lòng.

Họ nghe rằng: “Luật pháp là thánh, điều răn cũng là thánh, công chính và tốt đẹp” (Rôma 7:12), nên họ muốn nỗ lực để hoàn thành luật pháp ấy mà quên mất rằng Đức Chúa Jesus đã chịu chết, đổ huyết ra, theo điều luật pháp đòi hỏi để hoàn thành luật pháp; bởi vì không một ai trong nhân loại có thể hoàn thành luật pháp ấy cả.

Ai làm như vậy với ước mong “được xưng công chính bởi luật pháp, thì đã lìa khỏi Đấng Christ, đánh mất ân điển rồi” (Galati 5:4). Sở dĩ anh chị em đừng sa vào sự cám dỗ tinh vi đó là vì “chúng ta thì bởi đức tin và nhờ Đức Thánh Linh mà trông đợi niềm hi vọng về sự công chính” (Galati 5:5).

Tạ ơn Chúa vì số người dại dột như vậy không nhiều, và giáo phái chuyên dụ dỗ con cái Chúa tra cổ vào ách luật pháp của Do-thái-giáo thì không được Chúa chứng nhận hay ban phước, nên cứ èo uột không tăng trưởng nổi.

Vào thời sơ lập của Hội-Thánh, lúc ảnh hưởng của Do-thái-giáo chuyên áp dụng luật pháp Môise vẫn còn mạnh, thì tân tín hữu ở thế kỷ thứ nhất (sau CN) vẫn cảm thấy luật pháp ấy tốt lành, vì nó là thánh! Nên, họ bị dẫn dụ vừa tin Đức Chúa Jesus, vừa giữ luật pháp Môi se.

Sứ đồ Phao-lô giải thích cho họ biết rằng nếu họ áp dụng luật pháp Môi-se “thì Đấng Christ không ích gì cho” họ cả (Galati 5:2). Ông cũng nhắc họ rằng họ bị “buộc phải tuân giữ toàn thể luật pháp” (5:3). “Vì người nào giữ trọn cả luật pháp mà vi phạm một điều, thì cũng bị kể như đã phạm tất cả” (Gia cơ 2:10). Nếu đã biết không ai giữ trọn luật pháp nổi thì đừng tự mang ách.

Nói tóm lại, trong tình trạng giao thời của mọi con cái Chúa hiện nay, chúng ta vừa phải đối phó với những sự cám dỗ của tội lỗi và sự lôi kéo của dục vọng xác thịt, vừa phải đối phó với loại cám dỗ tinh vi dụ dỗ chúng ta lìa khỏi Đấng Christ, mất ân sủng của Ngài.

Nguy cơ nầy rất nghiêm trọng; bởi vì ai làm như vậy là “giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi thường huyết của giao ước, tức là huyết đã thánh hóa mình, lại còn xúc phạm Thánh Linh của ân điển” (Hêbơrơ 10:29) thì sự trừng phạt đối với người ấy sẽ rất nặng.

Trong tình trạng giao thời của chúng ta, đang khi chờ đợi được Đức Chúa Jesus trở lại rước chúng ta đi về Vương quốc vinh quang của Ngài, thì điều an toàn nhất và hạnh phúc nhất là cứ chăm chú bước đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, không thỏa mãn những dục vọng xác thịt. Chúng ta sẽ tiếp tục ở dưới ân điển của Đức Chúa Jesus.

TamLinhTruongThanh02.docx

Rev. Dr. CTB