Các Vấn Đề Căn Bản, bài 24

Giăng 10:27–30

Đức Thánh Linh dùng nhiều cách khác nhau để phán với con dân Ngài. Có khi qua hình ảnh, lời nói từ người khác, ý tưởng, cảnh tượng, chiêm bao, một tấm bảng quảng cáo ven đường, hoặc một tấm thiệp xa lạ gửi đến. Không một khuôn mẫu cố định nào về cách Chúa dùng để phán với con cái Ngài.

Tuy nhiên, không phải người nào cũng có khả năng nhận ra lời Chúa phán cho họ. Đức Chúa Trời là Thần Linh, cho nên người muốn nghe được tiếng Ngài phải tập luyện để nhận ra tiếng nói từ cõi linh. Bởi vì những ai chỉ quan tâm tới các sự việc trong cõi vật chất thì không thể nào biết các sự việc thuộc linh giới ra sao.

Đồng thời, Vị Chủ Tể của cả linh giới lẫn trần giới cũng biết rõ cách Ngài dùng cho từng người phải có hiệu quả đối với người đó; hoặc Ngài chẳng phán gì hết với một số người, vì Ngài biết họ chẳng quan tâm đến tiếng ai đang phán.

Nhưng cách thức Chúa thường dùng nhất để phán với con cái Ngài và dễ nhận ra nhất là qua Kinh-thánh. Hê-bơ-rơ 4:12 chép: “lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân chia hồn với linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng.

Có nghĩa Kinh-thánh là quyển sách chứa đựng những lời sống động cho những ai muốn tìm kiếm sự sống từ trời. Nó là quyển sách duy nhất trên thế giới có khả năng thực sự nói chuyện với người nào đọc và suy gẫm những lời chép trong sách ấy.

Có khi là một câu văn nổi trội vì nó đúng với hoàn cảnh lúc ấy của người đọc, hoặc là đứng trước một cảnh ngộ nào đó, bỗng một câu Kinh-thánh quen thuộc đến với tâm trí sẽ giúp ta lập quyết định đúng, hay hướng dẫn ta ra khỏi một tình thế nguy hiểm hoặc khó khăn.

Rất hiếm khi Chúa phán trực tiếp cho loài người bằng lời nói nghe được qua thính giác, mặc dù điều đó có thể xảy ra, nhưng Ngài phán vào lòng những người nào quen nghe tiếng Ngài, bởi vì lòng người đã được tái sinh chính là tâm linh của người đó.

Hãy thử ví lòng ta giống như một cái phòng riêng tư chỉ mở ra khi nghe tiếng nói đặc biệt của Đức Thánh Linh, khi Ngài bước vào thì Ngài sẽ không làm hại, lừa dối hay khiến ta phải thất vọng. Nhưng Ngài đến để dạy dỗ, tương giao, chỉ dẫn, ban sự bình an, và làm cho lòng ta mạnh mẽ.

Tư tưởng của tấm lòng Chúa truyền vào lòng chúng ta qua tiếng nói của Đức Thánh Linh, bằng ngôn ngữ mà người nhận hiểu được ý nghĩa rõ ràng, không bối rối hay lầm lẫn. Miễn là chúng ta nhận ra thanh âm và cách nói thân quen của Chúa mình: “Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta” (27).

Tâm linh con người giống như một máy thu thanh có thể nhận được nhiều tần số khác nhau, mà có ba nguồn từ linh giới phát các làn sóng âm thanh vô hình.

Trước hết là tiếng nói của nhân linh, tức là của chính tư tưởng trong nội tâm con người. Tiếng nói ấy thể hiện các điều ước muốn với những lý luận bênh vực, biện hộ cho các ước muốn của lòng.

Một nguồn khác là tiếng nói dụ dỗ, lừa bịp của các tà linh, mà chúng ta thường gọi là ma quỷ. Những tiếng nói nầy thường thúc giục người ta thực hiện những việc họ ưa thích. Sở dĩ thế giới tối tăm biết được con cái Chúa có ý định gì, là vì chúng quan sát sự ham muốn qua ánh mắt và mục tiêu mà người ta chăm chú nhìn ngắm. Tiếng của tà linh không đi vào lòng mà tác động vô tâm trí, là nơi ý chí và cảm xúc chiếm quyền chủ động. Chúng nhắm vào ba chỗ yếu là lý trí, ý chí và cảm xúc để cám dỗ thành công.

Nguồn thứ ba là tiếng của Thánh Linh. Bất cứ lời nào đến từ các sứ giả thiên đàng thì đều là từ Chúa mà đến.

Ngoài sứ giả là loài người do Chúa sai đến hay cảm thúc họ nói, còn có thiên sứ đem các thông điệp đến theo lệnh Chúa. Chúa thường dùng các vị nầy báo động hay cảnh báo về những hiểm nguy trước mặt các con cái Ngài. Vì thế tín hữu phải hết sức tỉnh táo để nhận ra các sự nhắc nhở từ những thiên sứ đang ở gần bên để bảo vệ chúng ta.

Nhưng âm thanh thân yêu nhỏ nhẹ khuyên bảo, dạy dỗ, đều đến từ Đức Thánh Linh, vì Đức Thánh Linh đang ngự trong tâm linh của người tin. Do mỗi người đều có quyền tự chủ để lập quyết định, tức là ý chí tự do của mỗi cá nhân, mà Đức Thánh Linh thì không khi nào điều khiển chúng ta như những người máy; thế nên Ngài dùng tiếng nói để nhắc nhở, khuyên giục và chỉ dẫn con dân Ngài.

Tại sao lại gán tiếng của Đức Thánh Linh cho Đức Chúa Jesus trong khi Ba Ngôi Đức Chúa Trời đã thể hiện rõ ràng qua ba Thân Vị: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh? Sự hiểu biết về sự hợp nhất của Ba Ngôi Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng ta dễ dàng giải quyết vấn đề nầy.

Trong lúc Ngôi Lời của Đức Chúa Trời xuống thế gian làm người thì Ngài được gọi là Đức Chúa Con; nhưng Ngôi Lời của Đức Chúa Trời với Đức Chúa Cha là một (Giăng 10:30; 13:19; 14:9).

Đức Thánh Linh cũng là một thân vị khác của Đức Chúa Jesus mà thôi (Giăng 14:16–17, 20–21, 23). Vì Đức Chúa Jesus đã về trời trong vai trò Con Người với thân thể xác thịt, Ngài ngự vào lòng của người tin qua vai trò của Đức Thánh Linh.

Vì thế, vấn đề tiếng nói Đức Thánh Linh hay của Đức Chúa Jesus có thể chuyển qua lại mà không sai lạc về lý luận hay ý nghĩa thần học.

Biết và hiểu các nguyên tắc hành động của tiếng Chúa là một việc; nhưng có khả năng nhận ra tiếng Ngài hay không là một việc khác. Vì thế, chúng ta trở lại căn bản là “chiên Ta nghe tiếng Ta” để hiểu một số bí quyết rồi tập luyện khả năng nghe và nhận ra tiếng phán của Chúa:

1. Có mối tương giao riêng tư và khiêm nhu với Đức Chúa Jesus để liên lạc được với cõi thần. Lòng của tín hữu phải do Đức Thánh Linh sinh ra (3:6) bởi quyết định của đức tin vào sự chết, chôn và sống lại của Đức Chúa Jesus để cho ta được sống.

Nhờ tâm linh mới là sản phẩm của thần linh, người tin bắt đầu nghe được tiếng nói nhỏ nhẹ của Chúa. Vì Ngài chẳng cần la hét để được ta chú ý. Người khiêm nhu sẽ nhận được ân sủng từ Đức Chúa Trời (Gia-cơ 4:6).

2. Chú ý sẵn sàng lắng nghe như một đầy tớ trung thành sẵn sàng nghe lệnh chủ và làm theo, hoặc một quân nhân sẵn sàng lắng nghe lệnh cấp trên và tuân hành. Như có chép: “Hỡi con Ta, hãy chú tâm đến lời Ta dạy, lắng tai nghe những lời phán của Ta” (Châm ngôn 4:20), và “Hãy lắng tai nghe lời người khôn ngoan, hãy chú tâm vào sự tri thức của Ta” (Châm ngôn 22:17).

Chúa muốn thấy chúng ta nghe Ngài, vì Ngài muốn con cái Ngài vâng lời làm theo sự dạy dỗ của Chúa để nhận được ơn phước và dấu kỳ, phép lạ, như có chép: “Nếu các con chăm chú nghe lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các con, làm điều ngay thẳng trước mặt Ta, lắng tai nghe các điều răn và gìn giữ mọi luật lệ Ta thì Ta sẽ không giáng trên các con một bệnh nào … Ta là Đức Giê-hô-va, Đấng chữa bệnh cho các con” (Xuất Ai-cập 15:26).

3. Ngoan ngoãn học hỏi. Người nào tự cao, cho rằng mình biết hết rồi, không chịu học gì hết, thì người ấy sẽ không học được điều gì ích lợi cho mình.

Sự ngoan ngoãn học hỏi sẽ khiến người học mau trưởng thành, Đức Thánh Linh sẽ thường xuyên dạy dỗ người chịu được dạy bảo. Do đó người tin sẽ sớm thân quen với tiếng phán của Đức Thánh Linh, sẽ không lẫn lộn với các tiếng nói của kẻ cám dỗ, cũng không lẫn lộn với tiếng nói trong nội tâm mình.

4. Yên tâm thoải mái, không lo âu, khắc khoải hay nôn nóng. Chúa biết rõ hơn chúng ta về thời điểm nào tốt nhất, vì Ngài là Đấng cầm quyền: “Hãy yên lặng và biết rằng Ta là Đức Chúa Trời” (Thi Thiên 46:10).

Như vua David xưa, một người được Chúa đẹp lòng, đã tập yên lặng chờ đợi sự can thiệp của Chúa vào những lúc bị khủng hoảng và căng thẳng. “Hỡi linh hồn ta, hãy nghỉ an nơi Đức Chúa Trời” (Thi thiên 62:5).

Một tâm linh yên tâm thoải mái sẽ rất tỉnh táo chờ nghe tiếng Chúa phán (Habacúc 2:1), và biết rằng mình đã cầu xin thì sẽ được ban cho (Luca 11:9-10).

Vậy thì, bí quyết hữu hiệu nhất để nghe được tiếng Chúa là trở thành chiên của Ngài và quen thuộc với thanh âm cùng cách nói của Chúa đối với ta.

Phương pháp hữu hiệu nhất để đạt tới tầm mức ấy là thường xuyên đọc Kinh-thánh, suy gẫm và ghi nhớ những gì mình đã đọc với một tinh thần yên lặng, sẵn sàng nghe và vâng theo những lời dạy dỗ ấy. Ta sẽ nghe được tiếng Chúa.

VanDeCanBan24.docx
Rev. Dr. CTB