Thử Nghiệm Đức Tin, bài 06

Luca 1:8–20

Thiên sứ từ Đức Chúa Trời sai đến xuất hiện bên cạnh bàn thờ dâng hương để thông báo một tin vui cho thầy tế lễ Xachari và chương trình của Đức Chúa Trời qua tin vui ấy.

Chắc chắn rằng thiên đàng đã can thiệp vào việc phân công theo phiên thứ, để thiên sứ xuất hiện với ông Xachari một cách kín đáo.

Xachari đã cầu khẩn lâu ngày xin Chúa ban cho mình một đứa con trai nối dõi, và lời cầu xin ấy được nhậm theo sự thông báo của thiên sứ. Lời báo tin kèm theo các chi tiết rõ ràng không thể lầm lẫn; thế mà, khi sự ước ao và lời cầu khẩn của mình đã được Chúa nhậm lời thì Xachari không dám tin đó là sự thật:

Xachari thưa với thiên sứ: ‘Làm sao tôi biết việc nầy sẽ xảy ra? Vì tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi?” (18). Câu hỏi của Xachari phản ảnh tâm lý rụng rời, bấn loạn của con người khi thấy lời cầu xin vô vọng của mình được thành sự thật.

Tới tháng thứ sáu, thiên sứ Gabriel tới làng Nazareth báo tin cho trinh nữ Mari cũng rõ ràng từng chi tiết; Mari lúc ấy còn trẻ lắm, chưa có nhiều kinh nghiệm về các việc thiêng liêng như Xachari.

Mặc dù đã đính hôn với Joseph thuộc dòng vua David cùng trong chi tộc Giu-đa, nhưng lời hỏi của trinh nữ Mari tương tự như câu hỏi của Xachari thì không bị kể là vô tín hay vô lễ với vị thiên sứ thánh nầy (Luca 1:34-35).

Đối với loài người, câu hỏi của Xachari đặt ra, khi nghe thiên sứ cho biết ông sẽ có con trai, thì có lẽ chẳng có gì đáng trách; vì ông thấy ông đã quá già, còn bà Elizabeth đã hiếm muộn lại chẳng còn khả năng sinh con, nên việc ông sẽ có con là điều khó xảy ra.

Còn trinh nữ Mari thì thắc mắc rằng việc thụ thai của bà sẽ xảy ra như thế nào, vì bà chưa bao giờ gần gũi với một người đàn ông nào hết, kể cả với Joseph, người chồng tương lai.

Thoạt xem qua thì người đọc Kinh thánh dễ cho rằng hai câu hỏi đều là nghi vấn, không biết điều thiên sứ nói sẽ trở thành sự thật bằng cách nào; nhưng tại sao thiên sứ dùng hai thái độ khác nhau đối xử với hai người có hai câu hỏi tương tự nhau?

Xachari, một người đã lớn tuổi, thầy tế lễ có hiểu biết về các việc mầu nhiệm đáng lẽ phải hớn hở vui mừng khi nghe tin ấy, thế mà ông lại tỏ vẻ không tin nổi chuyện đó sẽ xảy ra.

Loài người chúng ta vẫn thường suy đoán mọi việc theo cách nào mình cho là đúng hay theo kinh nghiệm đã từng thấy trong môi trường xã hội mình đang sống; vì thế, loài người luôn thắc mắc và đặt nghi vấn về những việc khó tin theo lẽ bình thường.

Còn câu hỏi của trinh nữ Mari thì không do lòng nghi ngờ, vì Mari tin lời vị thiên sứ nói là sự thật và chỉ thắc mắc cô sẽ tham dự vào việc đó bằng cách nào mà thôi.

Ai nghiên cứu Kinh thánh sẽ nhận ra rằng các vị thiên sứ trưởng từ thiên đàng không chấp nhận sự xúc phạm của loài người chống lại họ, trong đó có lòng vô tín, không tin lời họ nói.

Việc ấy nhắc chúng ta nhớ lại lời Đức Chúa Trời cảnh cáo Môi-se: “Trước mặt thiên sứ, hãy cẩn thận và vâng lời người. Chớ nổi loạn chống lại người, vì người sẽ chẳng tha sự phản bội của các con đâu, vì Danh Ta ở trong người” (Xuất Ai-cập 23:21).

Thời quân chủ, không phải ai cũng được phép nhìn mặt vua; quan có địa vị cao mới được đứng trước mặt vua. Gabriel là một trong các vị thiên sứ trưởng ở thiên đàng; khi vị ấy cho biết: “Ta là Gabriel hằng đứng trước mặt Đức Chúa Trời,” thì cấp bậc của vị thiên sứ nầy là rất cao.

Vì thế, thái độ không tin lời thông báo của một thiên sứ trưởng do Chúa sai đến là tội xúc phạm phải bị phạt, không thể bỏ qua.

Chi tiết nầy có thể giải thích một số trường hợp tai hoạ hay điều không lành xảy đến cho tín hữu ngày nay, có thể từ nguyên nhân không tin lời Chúa hoặc xúc phạm tới người của Đức Chúa Trời.

Xachari bị phạt vì nghi ngờ lời thông báo của một vị thiên sứ trưởng từ thiên đàng. Qua các sách cổ, người ta tìm thấy tên của bảy vị thiên sứ trưởng đứng trước mặt Đức Chúa Trời để phục vụ Ngài. Bản Kinh thánh phổ thông hiện nay chỉ nhắc tới tên của hai vị là Michael và Gabriel; vì thế, tên của năm vị khác thì xa lạ đối với tín hữu chỉ đọc bản Kinh thánh phổ thông.

Một số nguỵ kinh không được kinh điển vào Kinh thánh của Do thái giáo, tức là Cựu ước, nhưng được Vatican đưa vào Kinh thánh Cựu ước của Công giáo, cùng với sách 1-Enoch, thì có chép tên của năm vị thiên sứ trưởng khác là: Raphael, Uriel, Selaphiel, Jehudiel, và Barachiel.

Theo các tác giả của các sách đó thì mỗi vị thiên sứ trưởng được Đức Chúa Trời giao cho các nhiệm vụ khác nhau.

Ví dụ sách Tobit 12:15 cho biết thiên sứ trưởng Raphael có quyền phép chữa lành, vì tên của ông có nghĩa là “ấy là Đức Chúa Trời đã chữa lành” hay “sự chữa lành của Đức Chúa Trời;” cho nên, danh hiệu chữa lành của Chúa là “Giê-hô-va Rô-phe.”

Tên của thiên sứ Uriel có nghĩa “Ánh sáng của Đức Chúa Trời” hay “Lửa của Đức Chúa Trời.” Công việc của thiên sứ ấy là hướng dẫn những người đã chết trong ngày phán xét cuối cùng.

Trong các sách chép tên của bảy vị thiên sứ trưởng thì ghi giống nhau về tên của bốn vị là Michael, Gabriel, Raphael, và Uriel; nhưng họ không đồng ý với nhau tên của ba vị còn lại.

Các sách Tobit, 1Enoch, 4 Esdras, và văn chương của các thầy thông giáo thì không được kể là các sách được cảm thúc bởi Đức Chúa Trời; vì vậy, vào năm 745, giáo hoàng Zachary từ khước tất cả tên thiên sứ nào lấy ra từ các nguỵ kinh; cho nên tín hữu ngày nay ít khi nghe tới tên của năm vị thiên sứ trưởng kia và công việc của họ.

Mặc dù chúng ta không biết rõ tên thật của các vị thiên sứ không có tên trong Kinh thánh Cựu ước, nhưng vẫn biết chắc rằng mỗi vị đều có tên riêng.

Sách Khải huyền giới thiệu bảy vị thiên sứ thổi loa (Khải 8:2); một thiên sứ cầm bình hương (8:3); ba bị thiên sứ bay giữa bầu trời, một vị công bố Tin Lành, một vị loan tin Babylon vĩ đại đã sụp đổ, vị còn lại tuyên bố sự trừng phạt (Khải 14:6–11); và bảy vị thiên sứ cầm bảy bát thịnh nộ (Khải 16:5–7), thì chắc chắn là vị nào cũng có tên riêng mà chúng ta chưa được biết.

Dù đẳng cấp của họ ra sao thì thái độ của mọi con cái Chúa là phải biết kính trọng và yêu mến họ. Những ai không yêu mến, cũng không tôn kính các thiên sứ của Đức Chúa Trời, thì người đó chưa bao giờ yêu mến và kính sợ Chúa cả. Vì người nào yêu mến và kính sợ Chúa, thì cũng yêu mến và tôn kính các thiên sứ thánh của Ngài.

Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta ngày nay không bao giờ nghĩ là mình sẽ gặp thiên sứ từ Đức Chúa Trời sai đến. Tác giả thư Hê-bơ-rơ khuyên: “Chớ quên tỏ lòng hiếu khách, vì khi làm điều đó, có người đã tiếp đãi thiên sứ mà không biết” (Hê-bơ-rơ 13:2).

Vậy thì, dừng nghĩ rằng phải thấy một vị có cánh, mặt toả hào quang thì mới là thiên sứ. Từ thời cổ xa xưa, thiên sứ đã hiện ra nhiều lần trong hình dạng loài người bằng xương thịt.

Ông Gia-cốp vật lộn với thiên sứ trọn đêm mà không biết đó là thiên sứ (Sáng thế 32:24-25). Giô-suê thấy một người cầm gươm trần đứng đối diện với mình thì tưởng đó là một người, nên ông tới gần người ấy và hỏi: “Ngươi thuộc về phe chúng ta hay là phe địch?’ Người ấy đáp: ‘Chẳng thuộc phe nào cả, nhưng bây giờ Ta đến để làm tướng đạo quân của Đức Giê-hô-va.’ Giô-suê liền sấp mặt xuống đất thờ lạy và hỏi: ‘Chúa truyền cho đầy tớ Chúa điều gì?’ Tướng chỉ huy đạo quân của Đức Giê-hô-va nói với Giô-suê: ‘Hãy cởi giày khỏi chân, vì nơi con đứng là đất thánh.” (Giô-suê 6:13b-15).

Chúng ta cần phải hiểu ý nghĩa của chữ ‘thiên sứ’ cách rộng rãi hơn để không bị lỡ dịp may được tiếp đãi sứ giả của Đức Chúa Trời sai đến. Ngài có thể dùng thiên sứ giả dạng loài người để thử lòng con cái Ngài, nhắc nhở họ phải thực hiện những gì mình nói vì đã được học.

Thiên sứ là sứ giả do Chúa sai đến; cho nên, nhiều khi các sứ giả ấy là người được Đức Chúa Trời sai đến để thử lòng hay dạy dỗ. Vì thế, chúng ta hãy luôn luôn cảnh giác để biết Chúa đang có ý định gì khi Ngài đưa chúng ta vào một tình thế không bình thường.

Nếu ai chưa bao giờ có khả năng nhận ra việc Chúa làm, điều Chúa muốn dạy dỗ, hoặc không nghe được lời Chúa phán, hãy cầu xin Chúa bày tỏ cho mình, rồi tập luyện lắng nghe tiếng Chúa phán trong lòng để quen thanh âm của tiếng Chúa. Từ đó, ta dễ nhận ra sứ giả của Chúa và sứ điệp Ngài dùng người mang đến.

Nếu ai đã cầu xin Chúa điều gì đó lâu rồi, mà khi Chúa sai người nói cho mình biết lại chẳng nhận ra, hoặc nghi ngờ không tin, thì cơ hội sẽ trôi qua và không bao giờ trở lại. Sự ân hận muộn màng sẽ không giải quyết được chuyện gì cả.

Hãy tập luyện, rồi có ngày sẽ nhận biết thiên sứ.

ThuNghiemDucTin06

Rev. Dr. CTB