Các Vấn Đề Căn Bản, bài 29
Êphêsô 1:17–18
Hai bài học trước bắt đầu đề cập về tính gian ác ẩn náu trong nhân linh, một trong vài hệ quả chúng ta thừa hưởng từ tội lỗi và vi phạm của tổ tiên, là nguồn gốc thúc giục loài người phạm tội triền miên, từ các hành động của tính tình tự nhiên mà không biết đó là tội lỗi.
Sự gian ác cũng là nguồn gốc của một số tai hoạ nào đó xảy ra cho nhiều đời của cả một dòng tộc, hậu quả của hình phạt bị lưu truyền án rủa sả từ luật pháp Đức Chúa Trời.
Vậy, để có thể hiểu biết, nhận định, tìm kiếm, và loại trừ tính gian ác ra khỏi đời mình, hãy cùng tìm hiểu các thành phần trong nhân linh, nơi ẩn náu của tính gian ác, mục tiêu mà chúng ta muốn hiểu biết.
Các nhà nghiên cứu đều đồng ý là tâm linh có ba thành phần; họ cũng đồng ý hai thành phần đầu tiên là hiệp thông và lương tâm, nhưng thành phần thứ ba thì một phái đặt tên là khôn ngoan, còn phái kia đặt tên là ‘trực giác.’
Kinh-thánh thì cho biết: “Đức Chúa Trời phán: ‘Chúng ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta’ …” (Sáng-thế 2:26). Vì thế loài người được Chúa ban cho đặc tính khôn ngoan của Ngài, khôn hơn mọi sinh vật khác.
Hơn nữa, chữ trực giác không có trong Kinh-thánh; mà trực giác, cũng gọi là linh tính, là một giác quan của sự khôn ngoan. Cho nên, thành phần thứ ba trong nhân linh là khôn ngoan.
Từ sự hiểu biết nầy, chúng ta sẽ tìm hiểu từng phần của nhân linh để biết cách chúng hoạt động, nhưng chỉ là xem xét một cách tổng quát. Vì chưa ai có khả năng biết hết mọi điều bề trong của con người.
Hiệp thông là thành phần tâm linh có khả năng liên lạc với Đức Chúa Trời, khi ánh sáng từ Đức Thánh Linh soi rọi và ban sự sống thần linh vào lòng người nào đã tiếp nhận ơn chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, mà Ngài gọi là do đức Thánh Linh sinh ra (Giăng 3:6).
Hiệp thông là tương giao, trò chuyện, liên lạc mật thiết gần gũi. Thành phần nầy sẽ xác định tâm linh đó sống hay chết trong mối liên hệ với Đức Chúa Trời.
Phần hiệp thông của tâm linh sống thì nghe tiếng Chúa một cách rõ ràng; bởi vì đó là nơi Chúa bày tỏ tình thân mật với con dân Ngài, để chúng ta cảm nhận mình được hợp nhất với Đức Thánh Linh.
Hiệp thông là nơi Đức Chúa Jesus thiết lập quyền Chủ-tể của Ngài để chỉ dẫn và cai trị đời sống của con cái Ngài.
Các sự hiện thấy, khải tượng và mặc khải của Đức Thánh Linh đều đến qua phần hiệp thông của tâm linh. Hoạt động của phần đó giúp người thật lòng yêu mến Chúa, và bước theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, được thấy các thiên sứ hay chính Ngài hiện ra với họ.
Mắt tâm linh từ phần hiệp thông thấy thần linh hiện đến, mà người xem tưởng mình thấy bằng mắt phàm trần. Vì vậy, có người được thấy thiên sứ rõ ràng, nhưng nhiều người chung quanh chẳng thấy gì hết.
Ví dụ như Giăng Baptist thấy Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu đáp ngự trên Đức Chúa Jesus; Phi-e-rơ được thiên sứ giải cứu khỏi nhà ngục của Hê-rốt, mà ông tưởng mình thấy chiêm bao, trong khi các lính canh chẳng thấy gì hết (Công vụ 12:7–11); hay Đức Chúa Jesus hiện ra với Phao-lô trên đường đi Damas, và nơi tù ngục, mà chỉ một mình ông thấy (Công-vụ 23:11).
Tín hữu nào có tâm linh ấu trĩ thì phần nầy chưa phát triển đúng mức. Vì thế Phao lô cầu xin Chúa “soi sáng con mắt lòng” của tín hữu ở Ê-phê-sô (Êph.1:17–18). Đức Chúa Jesus phái Phao-lô đi đến các dân ngoại “để mở mắt họ, chuyển họ từ tối tăm qua sáng láng” (Công vụ 26:18).
Hai ví dụ vừa nói đã làm sáng tỏ vấn đề nhãn quan tâm linh trong người có phần hiệp thông năng động.
Mọi con cái Chúa nên suy gẫm và tích cực tương giao với Chúa qua tình yêu của lòng biết ơn Ngài, thì phần hiệp thông của tâm linh được sự sống của Chúa kích hoạt. Từ đó, chúng ta tiến triển ngày càng mạnh mẽ hơn qua các ơn về mặc khải.
Vì sự mặc khải của Đức Thánh Linh tỏ ra cho phần hiệp thông trong tâm linh người chứ không phải cho các phần khác. Hiệp thông nằm ở trung tâm của tâm linh; chỗ được xem như Nơi Chí Thánh của Đền Thờ trong lòng chúng ta.
Hiệp thông là ‘cơ quan’ giúp người ta có khả năng ‘thấy’ hay ‘tiếp xúc’ với linh giới. Các ân tứ đặc biệt, do Đức Thánh Linh ban cho, phần lớn hoạt động trong phần hiệp thông. Nhất là các ơn thuộc lãnh vực mặc khải (1Côrinhtô 2:10–13).
Biết được điều nầy, chúng ta sẽ không bị lâm vào sự hiểu biết một cách mơ hồ về tình trạng tâm linh đã được tái sinh bởi quyền phép của Đức Thánh Linh; nhờ đó mới dám dạn dĩ lắng nghe tiếng nói khải thị từ Ngài đến cho tâm linh chúng ta. Sau khi nhận lãnh sự bày tỏ ấy thì mạnh dạn hành động theo sự mặc khải mình nhận được.
Để có thể hiểu phương diện có vẻ rắc rối nầy, mọi con cái Chúa cần ôn lại những điều đã hiểu biết được về sự tái sinh của tâm linh một người nhận lãnh ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, khi người ta nhận Đức Chúa Jesus làm Vị Cứu Tinh của họ.
Theo lời tiết lộ của Đức Chúa Jesus, người nào tin Ngài là Đấng từ trời đến (Gi.3:13), Ngài là cách thức Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương vô bờ bến đối với loài người (Gi.3:16), Ngài phải bị chết treo trên cây gỗ để người nào tin Ngài sẽ nhận được sự sống đời đời (Gi.3:14-15).
Nhờ được tái sinh người ta sẽ được ‘thấy’ Nước Đức Chúa Trời (Gi.3:3), được ‘vào’ Vương-quốc ấy (Gi.3:5), và tâm linh ở trong người trở thành linh của thần linh (Gi.3:6). Tất cả các điều ‘được’ vừa nói, đều diễn ra trong lúc người tin đang còn ở thế gian.
Bởi vì như lời Đức Chúa Jesus cho biết rằng, nếu quyền phép của Đức Thánh Linh đã bày tỏ ra qua công việc đuổi quỷ, trừ tà của Ngài, thì “Nước Đức Chúa Trời đã đến tận các ngươi rồi!” (Mathiơ 12:28). Nghĩa là không phải sau khi qua đời thì mới được ‘thấy’ và ‘vào’ Nước Đức Chúa Trời, mà đã được thấy, vào ngay sau khi được tái sinh.
Tín hữu thường lầm lẫn vì tâm lý loài người vẫn chú trọng vào những điều mình thấy hay cảm nhận được qua các giác quan thể chất. Mà những điều thuộc linh giới thì không thể dùng các giác quan thể chất để cảm nhận hoặc biết.
Vì thế, tín hữu không biết được bao nhiêu điều về linh giới mà người đã nhận được sự sống mới, tức là được tái sinh, có thể biết và vận dụng.
Thế thì sự ‘thấy’ và ‘vào’ Nước Đức Chúa Trời có nghĩa là ‘bộ máy’ hiệp thông trong phần linh của tín hữu bắt đầu có khả năng tương giao và liên lạc với Đức Thánh Linh ngay sau lúc được tái sinh.
Ngay từ lúc ấy, qua sự hiểu biết cách vận dụng ‘cơ quan’ hiệp thông, tín hữu lớn dần lên trong sự nhận thức về các vấn đề thuộc linh giới, rồi có khả năng thấy và đi sâu vào thế giới linh và những kho tàng quý báu của Đức Chúa Trời, để được “chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, được biến đổi trở nên giống như hình ảnh Ngài, từ vinh quang đến vinh quang” (2Côrinhtô 3:18).
Sự ‘thấy,’ ‘nghe,’ ‘ngửi,’ ‘rờ,’ và ‘cảm giác’ sự hiện diện của Chúa hoặc các thiên sứ ở trong phòng thờ phượng hay quanh chúng ta, đều là kết quả sự hoạt động của hiệp thông trong linh của tín hữu.
Cần phải nhớ rõ rằng hiệp thông thuộc về linh giới, nên sẽ đương nhiên tiếp xúc với linh giới thánh của Đức Chúa Trời, khi tín hữu thờ phượng Chúa bằng tâm linh và lòng thành thật;
Đó là lý do mà nhiều người ngửi thấy hương thơm thiên đàng hoặc thấy hình ảnh hay thị tượng, hoặc cảm giác có gió thổi hay bàn tay yêu thương vỗ về, vv, trong khung cảnh thờ phượng Chúa hăng hái và hưng phấn, hoặc trong giây phút cầu nguyện, tương giao thắm thiết với Ngài. Mọi sự cảm nhận đó đều do sự hoạt động của ‘cơ quan’ hiệp thông trong con cái thật của Chúa.
Hiệp thông lại là ‘cơ quan’ nối kết tất cả các phần khác của tâm linh. Nó vận hành giống như chỗ điều khiển chủ yếu, hoặc là trái tim của phần linh vậy.
Hiệp thông truyền chuyển, liên lạc và nối kết các ý tưởng giữa chính nó với lương tâm và khôn ngoan trong nhân linh, dẫn tới sự quyết định rồi chuyển ý định đó cho phần hồn biết.
Người thuộc linh là người có tâm linh đã được giải thoát khỏi ngục tù của chính hồn mình; linh ấy được tự do tiếp xúc với Đức Thánh Linh và đóng vai trò lãnh đạo toàn thể hồn và thân theo sự hướng dẫn của Chúa.
Ngược lại, người có tâm linh vẫn còn bị hồn giam hãm, thì cư xử theo sự điều khiển của lý trí và cảm xúc, tức là tánh tình vốn có từ khi được sinh ra. Bởi lý do đó, người chưa tin Chúa luôn luôn để cho cảm xúc và lý trí điều khiển họ.
Thế thì, nếu đã được tái sinh thì hãy tìm sự sống thuộc linh chứ đừng sống thuộc hồn hay sống theo bản năng xác thịt nữa.
VanDeCanBan29.doc
Rev. Dr. CTB