Phục-truyền Luật-lệ, bài 02

Phục-truyền 2 – 3

Môi-se vâng lời Đức Chúa Trời dẫn dân Israel quay trở lại đi vào hoang mạc về hướng Biển Đỏ ở phía nam. Khi Môi-se nói “chúng ta đi lòng vòng khá lâu ngày chung quanh vùng đồi núi Seir” (1), thì chữ ‘lâu ngày’ trong câu nói của Môise bao gồm thời gian ba mươi tám năm họ từ Kadesh-barnea đi về hướng nam rồi cuối cùng chuyển về hướng Bắc; trong khoảng thời gian dài đó, Israel đã đi lòng vòng quanh vùng đồi núi Seir vì họ phải đóng trại chỗ có nước và cỏ cho các bầy gia súc của họ; có thể xem lúc ấy như đoạn đời du mục của cả một dân tộc.

Tất cả các biến cố lớn được tường thuật trong sách Dân-số-ký đều diễn ra trong khoảng thời gian ba mươi tám năm ấy. Đức Giêhôva truyền cho Môi-se rằng: “Dân chúng đi lòng vòng núi nầy đã lâu rồi, bây giờ hãy quay về hướng bắc” (2–3). Nghĩa là họ trở lại Kadesh-barnea lần thứ nhì (Dân-số ký 20:1).

Vì tại đây Đức Chúa Trời không cho phép họ chiến tranh với dân Ê-đôm (4–5); nên Môise sai sứ giả tới gặp vua Êđôm xin phép cho dân Israel đi qua lãnh thổ của họ, nhưng vua Ê-đôm không bằng lòng (Dân-số-ký 20:14–18). Vì vậy, họ phải đi về hướng Biển Đỏ vòng theo biên giới để tránh xứ Ê-đôm (Dân-số-ký 20:21).

Sở dĩ họ không được khiêu chiến vì Đức Chúa Trời sẽ không giúp họ thắng dân Ê-đôm, mà sẽ bị thua. Nhưng trong khi Israel đi vòng quanh biên giới Êđôm, thì người Êđôm rất hoan hỉ, vì họ có cơ hội bán thức ăn và nước uống cho Israel đổi lấy tiền bạc (6).

Phước của Chúa vẫn tiếp tục ban cho Israel; vì thế gần bốn mươi năm lang thang trong hoang mạc mênh mông, họ không thiếu thốn gì cả (7). Vâng lời Chúa, Israel tránh xâm phạm Ê đôm ở vùng đồi núi Seir, hướng về hoang mạc Moab, tránh đường đi từ Elath và Eziongaber tới Biển Chết (8).

Đức Chúa Trời cũng ngăn trở Israel gây hấn chiến tranh với Moab, vì họ là dòng dõi của Lót đã được Chúa ban cho vùng đất ấy rồi (9).

Vài câu kế tiếp tóm tắt lịch sử vùng cư trú của các dân rất đáng khiếp sợ (Emim) thời cổ đại, vì thân thể họ rất cao lớn và mạnh mẽ. Anak là tổ của giống người khổng lồ Anakim. Tất cả các giống người khổng lồ thời xưa như Emim, Horim và Anakim đều được gọi tên chung là Rephaim (Sáng-thế 14:5–6). Nhưng họ đều bị người Edom và Moab tiêu diệt (10–12).

Khe Zered (13) là nơi Israel nhổ trại bắt đầu chuyển hướng để tới bình nguyên Moab. Từ khi họ rời Kadesh-barnea lần thứ nhất rồi đi dần tới khe Zered và vượt qua nó là ba mươi tám năm dài. Các thế hệ là chiến binh lúc ra khỏi Ai-cập đều đã lần lượt qua đời hết, vì tay Đức Chúa Trời chống lại họ, như lời Ngài đã thề lúc họ đóng trại ở Kadesh-barnea lần thứ nhất (14–15).

Trước khi đi vào lãnh thổ của Moab thì những chiến binh sau cùng, thuộc thế hệ không được vào đất hứa đều ngã chết (16–17), Đức Chúa Trời phán dặn Môi-se là không được gây hấn hay tấn công dân Ammon, vì họ cũng là dòng dõi của Lót đã được Chúa ban cho vùng đó làm sản nghiệp rồi (18–19).

Tác giả lại dùng vài câu để giải thích nguồn gốc tại sao các dân tộc Moab và Ammon chiếm được đất của những người Rephaim khổng lồ; tác giả nói rằng khi Chúa ban cho thì chính Ngài đã ra tay tiêu diệt các giống người khổng lồ ấy hoặc dùng một sắc dân khác diệt họ (20–23).

Ở sách Dân-số-ký, tác giả chỉ nói là Sihon, vua dân Amorite ở Heshbon tiến đánh Israel nhưng bị đánh bại và bị giết chết, nhưng ở đây nói rằng việc tiến đánh, tiêu diệt dân Amorite và chiếm đất của họ là lệnh của Đức Chúa Trời, vì bắt đầu từ ngày đó, Ngài sẽ làm cho các dân tộc trong thiên hạ kinh hãi khi nghe đến tên Israel, và khiếp đảm khi đứng trước mặt họ (24–25).

Môi-se làm theo lệnh Đức Chúa Trời, tuy ông sai sứ giả dùng đường lối ngoại giao trước, nhưng vua Sihon không chấp nhận mà còn đem toàn quân ra nghênh chiến với Israel (26–32). Giê hô-va Đức Chúa Trời đã phó Sihon, các con trai của ông ta và tất cả dân Amorite vào tay Israel, họ đều bị giết, không một người nào sống sót.

Israel bắt hết gia súc và thu chiến lợi phẩm từ các thành bị chiếm từ Aroer ở bờ sông Arnon cho tới Ga-la-át. Không một thành nào là quá kiên cố đối với Israel, vì Đức Chúa Trời đã ban cho họ (33–36); họ chỉ không được đánh xứ Ammon (37).

Khi Israel chuyển hướng lên Bashan, “thì Og, vua Bashan đem toàn quân ra ngênh chiến với Israel tại Edrei” (3:1). Ông vua nầy là người Rephaim cuối cùng còn lại trong dân Amorite ở thời đó.

Đức Chúa Trời phán với Môi-se và Israel đừng sợ tên khổng lồ, vì Ngài đã quyết định trao cả vua lẫn dân và lãnh thổ Bashan vào tay Israel rồi (3:2); cho nên, Israel đã đánh tan tác vua Og với quân đội ông ta, không để một ai sống sót (3:3).

Ông vua Og tưởng có thể cậy sức mạnh mà tranh chiến với Israel. Ông ta không rút ra bài học của vua Sihon ở sát nách vừa bị tiêu diệt không còn một mống. Thật ra, các dân tộc ấy chưa biết rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời chân thật duy nhất, nên tin các thần của họ có thể giúp đỡ họ.

Israel đánh chiếm tất cả sáu mươi thành rất kiên cố của Bashan, là các thành có tường cao và cổng cài then, cũng chiếm tất các làng không có tường bao quanh. Họ tận diệt dân cư, không để ai sống, chỉ chiếm chiến lợi phẩm mà thôi (3:4–7).

Từ sông Arnon, con sông ngăn chia biên giới giữa Moab với người Amorite, Israel đã đánh bại hai vua Amorite, chiếm hết vùng đất phía đông sông Jordan từ đó tới núi Hermon, mà người Sidon và Amorite gọi là Sirion và Shenir (3:8–9); cũng chiếm tất cả các thành vùng bình nguyên, các thành ở cao nguyên Ga-la-át và Bashan, mà hai thành lớn của vua Og là Salchah và Edrei ở Bashan.

Cái giường sắt của Og, người khổng lồ, dài tới chín cubits và rộng bốn cubits, về sau vẫn giữ ở thành Rabbat xứ Ammon  (3:10–11; cubit = 45 cm).

Môise nhắc lại việc hai chi tộc Reuben và Gad xin các lãnh đạo và Môi-se cấp cho vùng đất phía đông sông Jordan có đồng và đồi cỏ. Họ được cấp tới một nửa vùng núi Galaát. Còn một nửa Galaát và toàn Bashan thì cấp cho nửa chi tộc Manasseh (3:12–13). Đổi lại, các chiến binh của họ sẽ cầm vũ khí theo quân Israel qua đánh chiếm vùng đất bên kia sông Jordan, cho tới khi các chi tộc đều nhận được sản nghiệp (Dân-số 32:28–33).

Tác giả nói thêm là vùng Argob và toàn vùng Bashan lúc ấy vẫn gọi là xứ Rephaim, tức là xứ của những người khổng lồ, thì đã được giao cho nửa chi tộc Manasseh, nên dòng dõi của Machir đã đánh chiếm tất cả các làng mạc ở Bashan và lấy tên mình là Jair đặt tên cho các làng ấy (3:14–15).

Môi-se lặp lại về việc cấp đất cho hai chi tộc Reuben và Gad với nửa chi tộc Manasseh (3:16), với sông Jordan từ hồ Ki-nê-rết (tức Galille) xuống tới Biển Chết (trũng Araba) ở triền phía Tây của núi Pisgah (3:17). Ông cũng nhắc lại nhiệm vụ của những chiến sĩ của hai chi tộc rưỡi đó phải cầm vũ khí đi qua bên kia sông Jordan trước anh em mình; chỉ vợ con và súc vật rất nhiều của họ được ở lại vùng đất đã được cấp ở bên nầy sông; cho đến khi tất cả các chi tộc đã chiếm được sản nghiệp và an cư rồi, thì lúc ấy họ được trở về bên nầy sông với chi tộc và gia đình họ (3:18–20).

Lúc ấy, Môi-se cũng truyền lệnh cho Giô-suê, người sẽ thay ông lãnh đạo dân Israel, rằng vì Giôsuê đã thấy cách Đức Chúa Trời đã xử hai vua Amorite rồi, thì cũng biết cách Ngài sẽ đối xử với các vua của những vương quốc mà họ sẽ đánh chiếm ở bên kia sông vậy; vì thế, hãy can đảm  vì Đức Chúa Trời sẽ chiến đấu thay cho họ (3:21–22).

Rồi, đây là lần đầu tiên Môi-se tiết lộ về lời ông xin Đức Chúa Trời cho phép ông đi qua bên kia sông để “ngắm nhìn miền đất tốt tươi, vùng núi đồi xinh đẹp và dãy Li-ban ở bên kia sông Jordan” (23–25). Nhưng vì tội lỗi của dân Isrel làm cho Môi-se nổi giận đập tảng đá hai lần, thay vì nói với tảng đá cho nước chảy ra, nên Đức Chúa Trời đã quyết định là Môi-se sẽ không được bước chân vào đất hứa.

Ngài phán với Môi-se rằng: “Đủ rồi! Con đừng bao giờ nói với Ta về chuyện nầy nữa” (3:26). Ngài chỉ cho phép ông lên đỉnh Pisgah ngắm nhìn toàn vùng đất hứa mà thôi (3:27).

Chi tiết nầy là bài học rất quý báu cho chúng ta hiểu về đức công chính của Đức Chúa Trời; để đừng ai nghĩ rằng sau khi phạm lỗi mình còn có thể thay đổi được quyết định của Chúa. Ngài đã quyết định thì Ngài không thay đổi. Bởi vì quyết định của Ngài luôn luôn đúng.

Phần Môi-se là phải khích lệ Giô-suê lãnh đạo đoàn dân vào nhận vùng đất hứa (3:28).

Beth-Peor, nhà của Peor tức là đền thờ thần Peor của người Moab trên đỉnh Peor (Dân-số 23:28); Israel phải đóng trại đối diện với núi ấy (3:29).

Tới đây là hết phần tóm tắt đường đi 40 năm từ núi Horeb tới bờ sông Jordan.

PhucTruyen02.docx
Rev. Dr. CTB