Luyện Tập Nghe Tiếng Chúa, bài 09

Mathiơ 1:18–25

Trước thời đại Tân Ước, Đức Chúa Trời đã dùng chiêm bao phán với loài người rất nhiều lần. Vào đời các ông tổ, là con, cháu, chắt, chít của Adam và các thế hệ sau họ, thì không có chứng cớ văn bản nào để chúng ta biết Đức Chúa Trời có dùng chiêm bao phán với họ hay không. Đến đời Abraham thì Ngài hiện ra với ông nhiều lần để khiến ông biết Ngài. Tuy nhiên, trong số nhiều lời tường thuật về việc Chúa phán với ông thì không ai biết Ngài phán như thế nào mà ông vâng theo lời Ngài chỉ dẫn. Nhưng khi Abimelek, vua Gerar, bắt Sarah, vợ Abraham, vào hậu cung thì Đức Chúa Trời hiện ra phán với ông ta trong chiêm bao (Sáng thế 20:3). Ngài cũng phán nếu ông ta không trả Sarah lại cho Abraham, thì chắn chắn ông ta và tất cả người nhà sẽ chết (Sáng thế 20:7).

Rồi Kinh Thánh ký thuật Đức Chúa Trời hiện đến với Isaac (Sáng thế 26:2), nhưng không ai biết Ngài hiện đến như thế nào. Con trai của Isaac là Jacob trên đường bôn tẩu để tránh cơn thịnh nộ của Esau, anh mình, dừng lại nghỉ đêm bên ngoài thành Luz thì trong chiêm bao thấy Chúa đứng trước mặt ông phán hứa sẽ gìn giữ ông bình an và sẽ ban phước cho ông (Sáng thế 28:10–15). Về sau Jacob lại chiêm bao gặp thiên sứ của Chúa. – Con trai cưng của Jacob, là Joseph, được Chúa cho thấy nhiều chiêm bao tiên tri và cũng được ban cho khả năng giải mộng hoàn toàn chính xác. Nếu phải kể tất cả những lần Chúa dùng chiêm bao phán với người, được ghi chép trong Kinh Thánh Cựu Ước thì nhiều lắm. Hôm nay chúng ta chỉ nói về nghe tiếng Chúa qua chiêm bao mà thôi.

Joseph, hôn phu của trinh nữ Mary, chiêm bao thấy thiên sứ phán dạy ông về việc cái thai của Mary là do quyền phép của Đức Thánh Linh (Mathiơ 1:20).–Khi các nhà thông thái tìm gặp được bé trai Jesus, Đức Chúa Trời lại phán bảo họ trong chiêm bao đừng trở lại gặp vua Herod, nên họ đi về bằng đường khác (Mathiơ 2:12). Ngay sau đó thiên sứ hiện đến với Joseph trong chiêm bao truyền cho ông phải đem con trẻ và mẹ Ngài trốn sang Ai-cập. Rồi thiên sứ lại hiện ra trong chiêm bao cho Joseph biết Herod đã chết, hãy đem con trẻ trở về xứ Judea (Mathiơ 2:13, 19–20). Như vậy, mọi lời chỉ dẫn trong chiêm bao là do người thấy chiêm bao ‘nghe,’ hiểu và làm theo. Nguyên tắc ấy của chiêm bao bây giờ không thay đổi. Nhiều người hỏi làm sao để được chiêm bao từ Chúa?

Không phải mọi giấc chiêm bao đều từ Chúa đến. Giống như tiếng nói chúng ta nghe trong trí đến từ ba nguồn, thì chiêm bao cũng vậy: Hoặc là đến từ Chúa, hoặc là từ ký ức hay sự lo lắng của chúng ta, và cuối cùng là đến từ thế giới tối tăm. Không ai dám đặt ra khuôn mẫu nào để định giấc chiêm bao nào từ nguồn gì đến. Nhưng, qua kinh nghiệm thì người ta có thể tạm đi tới kết luận là nếu các chiêm bao từ chính mình ra thì những cảm xúc bị đứt đoạn cũng như diễn biến của chiêm bao rất lộn xộn từ chuyện nọ xọ chuyện kia, không rõ ràng. Chiêm bao từ thế giới tối tăm thì cảnh vật thường u ám và khiến cho ta sợ, xúi bẩy dục vọng xác thịt, đồi bại, cảm thấy tệ mạt xấu hổ, và nhiều cảm xúc rất đau khổ khác. Nó cũng thường gợi lại quá khứ đau buồn, nhục nhã.

Các giấc chiêm bao đến từ Chúa thì nhằm dạy dỗ, chỉ dẫn và khích lệ; cũng có thể là cảnh báo trước sự hiểm nguy hay chấn chỉnh những sự sai lầm. Loại chiêm bao nầy cũng báo các tin tức về tình trạng tài chính cá nhân, thông tin về các mối liên hệ quen biết, thông báo về các ơn thuộc linh đặc biệt được ban cho, và vô số điều khác thuộc về đời sống của chính mình hay của xã hội mình đang sống. – Từ xưa, người ta đã nhận thấy những việc hay vật mình thấy trong chiêm bao là tượng trưng cụ thể cho những việc sẽ xảy ra. Ví dụ, Joseph giải nghĩa ba cành nho và ba giỏ bánh là ba ngày, còn bảy con bò và bảy gié lúa là bảy năm (Sáng thế 40:12–13, 18–19; 41:25–26). Để có thể biết cách giải mộng, chúng ta phải tập làm quen với các hình ảnh biểu tượng của chiêm bao.

Những chiêm bao nào thấy trong lúc ngủ mà khi thức dậy vẫn nhớ rõ các chi tiết và có ý nghĩa rõ ràng thì có nhiều hi vọng là nó từ Chúa đến. Hễ khi nào thấy chiêm bao mà thức dậy thấy lòng rất vui, thì đó là tin vui được báo trước; thường thì nó sẽ ứng nghiệm rất nhanh. Còn nếu chiêm bao thức dậy lo lắng bồn chồn và buồn bã mà không nhớ gì, thì chiêm bao ấy không phải từ thiên đàng bày tỏ, ngoại trừ vài chiêm bao rất đặc biệt dành cho những người có quyền lực quan trọng như Nebuchadnezzar, hoàng đế xứ Babylon. Ông ta thấy chiêm bao, lòng bối rối nhưng không nhớ gì cả (Daniel 2:3–5). Tín hữu Âu Mỹ thì dùng các câu chuyện hay hình ảnh trong Kinh Thánh làm mã hiệu (codes) để hiểu các chiêm bao mà họ tin là lời tiên tri dành cho họ. Nhưng người Á đông có bối cảnh văn hóa khác hẳn thì không thể áp dụng hoàn toàn như người Tây Phương.

Tuy nhiên, nếu muốn biết Chúa phán gì với mình qua chiêm bao mình thấy, thì phải ghi chép lại tất cả chi tiết mình còn nhớ sau khi thức dậy. Nếu không nhớ gì hết hoặc nhớ một cách lộn xộn, không đầu không đuôi thì khỏi mất công tìm hiểu, vì chiêm bao ấy hoặc từ ký ức, hoặc từ sự lo âu hay sợ hãi mà sinh ra. Đề nghị ghi chép ở đây là dành cho những người muốn biết lời Chúa phán gì với mình qua hình thức chiêm bao. Nhờ các sự thực tập ấy con cái Chúa sẽ tăng tiến dần về khả năng nghe tiếng Ngài qua hình ảnh. Hầu hết các giấc chiêm bao, dù có nhiều sự kiện rắc rối, vẫn có thể tóm tắt ý chính của nó bằng vài câu thôi. Ý chính của chiêm bao là ý nghĩa mấu chốt của thông điệp mà Chúa muốn người nhận chiêm bao hiểu ý muốn của Ngài. Không cần phải nhớ hết các chi tiết lặt vặt, nhưng các thành phần chính của chiêm bao thì phải được ghi lại.

Bài học hôm nay sẽ không bàn về ý nghĩa của những loại hình ảnh, vật dụng, thú vật, mã hiệu mà người ta thường thấy trong chiêm bao (đã có một loạt bài học dạy về phương diện đó). Tín hữu chỉ cần để ý ghi chép lại những chiêm bao mà mình nghĩ rằng Chúa bày tỏ cho mình biết; rồi dùng các chi tiết đó để suy gẫm tìm kiếm ý nghĩa. Có thể nói rằng tín hữu nào hết lòng kính mến Chúa và cầu xin Ngài chỉ dẫn bằng một giấc chiêm bao phải lập quyết định quan trọng như thế nào, thì chắc chắn Chúa sẽ ban cho một chiêm bao bày tỏ ý muốn của Ngài. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng sẽ giống như ông Joseph chiêm bao thấy thiên sứ hiện ra nói rõ ràng. Sở dĩ Joseph phải được chỉ dẫn cẩn thận vì sự an nguy của bà Mary và cái thai Ngôi Lời Nhập Thể trong dạ con của bà.

Đối với chúng ta ngày nay thì Đức Chúa Trời sẽ dựa trên cách suy nghĩ và cách hiểu của từng người mà Ngài ban cho các điềm chiêm bao phù hợp với thói quen suy nghĩ của người ấy. Vì vậy, không nên lấy ý nghĩa chiêm bao của người khác làm khuôn mẫu giải nghĩa chiêm bao của mình. Lý do là, hoàn cảnh của họ với mình thường không giống nhau. Một manh mối nữa trong sự tìm kiếm ý nghĩa của giấc chiêm bao là cảm xúc của mình trong chiêm bao ấy ra sao? Vui mừng và bình an trong giấc mơ thấy đi dự đám tang, thì ý nghĩa của đám tang ấy là biểu tượng, không phải nghĩa đen. Cách tốt nhất là cầu nguyện xin Chúa giúp mình hiểu ý nghĩa của giấc chiêm bao.

Từ xưa tới nay Đức Chúa Trời có nhiều cách để truyền đạt ý muốn hay thông điệp của Ngài cho con cái Ngài, mà chiêm bao là một cách thường gặp. Vậy, việc luyện tập để nghe tiếng Chúa cách rõ ràng cũng bao gồm cả khả năng hiểu ý nghĩa của chiêm bao và thị tượng.

LuyenTapNgheTiengChua09.docx

Rev. Dr. CTB