Luyện Tập Nghe Tiếng Chúa, bài 04
1Các Vua 19:11–13
Khi đọc lời tường thuật về những lần Đức Chúa Trời phán với các nhân vật trong Kinh Thánh, hầu như chẳng tín hữu nào lên tiếng hỏi, “khi Chúa muốn chuyện trò với loài người thì Ngài nói như thế nào? Tiếng Ngài phán ra sao?” Trước khi tìm hiểu sâu vể phương diện nầy, chúng ta phải nhớ rõ là tiếng Chúa rất hùng mạnh (Gióp 37:4-5; Thi 18:13; 29:5; 33:9; Êsai 50:2b; Jeremiah 23:29). Chúa chỉ cần phán một tiếng thì việc liền có. Ngài nạt một tiếng, biển liền cạn khô; vậy, khi Đức Chúa Trời lên tiếng ra lệnh thì tiếng Ngài thật oai nghiêm và đáng kinh hãi. Nhưng trong tất cả các lời tường thuật sự trò chuyện của Chúa với những người của Ngài thời xưa, thì Ngài không khiến họ phải sợ hãi; ngoại trừ lúc Ngài phán với dân Israel ở núi Sinaii (Hêbơrơ 12:18–19).
Trường hợp tiên tri Êli tại núi Horeb là lần diễn tả rất quý báu về cách Chúa phán với ông; bởi vì trong suốt các chuyện tích về vị tiên tri nầy, Đức Chúa Trời đã nói và sai bảo ông rất nhiều lần; nhưng không chỗ nào nói tiếng Ngài phán với ông ra sao. Ở đây, tác giả kể: “Kìa, Đức Giê-hô-va đang đi ngang qua; có một ngọn gió thổi rất mạnh, xé núi ra và làm vỡ các tảng đá trước mặt Đức Giê-hô-va, nhưng không có Đức Giê-hô-va trong ngọn gió ấy. Sau ngọn gió, có trận động đất, nhưng không có Đức Giê-hô-va trong trận động đất ấy. Sau trận động đất, có đám lửa, nhưng cũng không có Đức Giê-hô-va trong đám lửa ấy. Sau đám lửa, có một tiếng êm dịu nhỏ nhẹ. Vừa nghe tiếng ấy, Ê-li lấy áo choàng phủ kín mặt mình, ra đứng nơi miệng hang” (1Vua 19:11b–13a).
Điều khó khăn cho nhiều con cái Chúa ngày nay là bị nghe một số người giảng rằng thời kỳ các hiện tượng siêu nhiên đã qua rồi. Họ là những người tưởng rằng Kinh Thánh là cách duy nhất Đức Chúa Trời dùng để phán với con dân Ngài mà thôi. Làm sao người ta dám giới hạn cách Đấng Toàn Năng dùng để chỉ dẫn con dân Ngài? Những người đó thường dùng Hêbơrơ 1:1–2 để chứng minh cho lý thuyết của họ, vì Đức Chúa Jesus là Ngôi Lời từ Đức Chúa Trời. Họ quên rằng Đức Chúa Jesus đã hứa ban Đức Thánh Linh đến để chỉ dẫn các môn đồ Ngài (Giăng 16:13) sau khi Ngài đã về trời. Qua rất nhiều kinh nghiệm của vô số thánh đồ từ xưa tới nay, tất cả đều nghe Đức Thánh Linh phán với họ bằng tiếng nói “êm dịu nhỏ nhẹ.” Đó là tiếng Chúa chỉ dẫn con dân Ngài.
Tại sao vào thời Cựu Ước Đức Chúa Trời giáng xuống núi Sinaii phán trực tiếp cho dân Israel nghe thì họ quá kinh hoàng (Hêbơrơ 12:18–21), mà Ngài nói với tiên tri Êli bằng tiếng êm dịu nhỏ nhẹ? Hai cách nói nầy tượng trưng cho hai đặc tính khác nhau giữa luật pháp, tức là sự trừng phạt, khác với ân sủng, tức là ơn ban cho. Bởi vì Tin Lành của Chúa dịu dàng trình bày tình yêu thương, đức nhân từ, ân sủng, sự bình an, sự tha thứ, được xưng công nghĩa, và ơn cứu chuộc miễn phí qua Đức Chúa Jesus Christ. Bất cứ người nào, dù đã thành tín đồ trong Hội Thánh hay người chưa tin đều run rẩy khi nghe luật pháp công chính của Đức Chúa Trời. Luật pháp ấy phá vỡ những trái tim cứng như đá, khuấy động lương tâm, khiến tâm trí sợ hãi cơn thịnh nộ của Chúa và hình phạt mà họ bị nhận lãnh. Nhưng Tin Lành dịu dàng cho biết Đấng Christ sẽ ban sự tha thứ và bình an.
Thật ra, Chúa dùng cách gì phán với chúng ta thì không quan trọng lắm; điều quan trọng hơn trong mối liên hệ giữa tín hữu với Chúa là chúng ta đáp ứng thế nào, vâng lời Ngài ra sao khi nghe tiếng Ngài phán với mình? Nhưng có nhiều người hỏi: Làm sao phân biệt giữa tiếng Chúa với các thứ âm thanh mà mình thường nghe thầm thì trong tâm trí? Người nào thường xuyên đọc, suy gẫm Kinh Thánh quen với Lời Chúa và quan điểm thiên đàng trong đó thì sẽ phân biệt tiếng Chúa với các thứ tiếng khác dễ hơn người không đọc hay ít đọc và chẳng mấy khi suy gẫm những gì họ đọc trong Kinh Thánh. Hãy nhớ lại lời Đức Chúa Jesus: “… chiên quen tiếng người chăn. … Ta biết chiên Ta, và chiên Ta biết Ta” (Giăng 10:4b, 14b). Một điều quan trọng nữa là ai đã quen nghe tiếng Chúa thì dễ vâng theo những lời Ngài truyền dạy hơn là người không biết phân biệt tiếng Chúa.
Tại sao Chúa phán với con dân Ngài bằng tiếng êm dịu nhỏ nhẹ mà không dùng lời uy nghiêm để phán? Hãy suy xét trường hợp của tiên tri Êli thì chúng ta sẽ dễ hiểu hơn. Khi nghe Jezabel dọa sẽ giết mình, tiên tri Êli bèn chạy trốn (1Vua 19:1–8). Trong hoàn cảnh cô đơn và tinh thần bấn loạn lẫn cơ thể mệt mỏi, tiếng nói có thể an ủi và khiến Êli vững vàng phải là tiếng êm dịu nhỏ nhẹ chứ không phải là tiếng trách cứ nghiêm khắc. Đức Chúa Trời biết rõ tâm trạng của Êli nên Ngài phán với ông bằng lời nói êm dịu nhỏ nhẹ để ông an tâm vì biết Ngài đang ở bên ông để bênh vực ông. Đối với chúng ta ngày nay cũng vậy. Trong lúc có nhiều lo lắng hãy an tâm yên lặng đến gần Chúa và chờ nghe tiếng chỉ dẫn của Ngài. Chúa không bao giờ bỏ chúng ta cô đơn một mình.
Lý do thứ nhì trong cách đối xử của Đức Chúa Trời với con dân Ngài bằng tiếng êm dịu nhỏ nhẹ là sự bày tỏ bản thể dịu dàng và hiền từ của Ngài. Là quan án công nghĩa, Chúa có thể đối xử nghiêm khắc với những người phạm lỗi, hoặc làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Nhưng Ngài dịu dàng hơn cách chúng ta đối xử với người anh chị em trong Chúa hay người thân mình phạm lỗi. Chúa thường đối xử với chúng ta bằng sự khoan dung kiên nhẫn và tình yêu thương đằm thắm. Hãy nhớ rằng chúng ta được Ngài thu hút bằng tình yêu thương, đức nhân từ, sự kiên nhẫn, lòng thương xót chứ không phải bằng diêm sinh và lửa phán xét. Như sứ đồ Phaolô đã nhắc: “Hay là bạn coi thường sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục và khoan dung của Ngài? Bạn không nhận biết rằng lòng nhân từ của Đức Chúa Trời là để đem bạn đến sự ăn năn sao?” (Rôma 2:4).
Vô số con cái Chúa được nghe tiếng trò chuyện êm dịu nhỏ nhẹ của Ngài với họ trong giờ họ cầu nguyện ở riêng với Chúa. Đó là nơi Đức Chúa Trời gặp chúng ta để nghe lời khẩn cầu của con dân Ngài và để bày tỏ ý muốn của Ngài cho chúng ta biết. Đức Chúa Jesus dạy “Khi con cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện với Cha của con, Đấng hiện diện trong nơi kín đáo; và Cha của con, Đấng thấy trong nơi kín đáo, sẽ ban thưởng cho con. Khi các con cầu nguyện, đừng nói lời sáo rỗng như dân ngoại; vì họ tưởng hễ nói nhiều thì được nhậm. Đừng bắt chước họ, vì Cha các con biết các con cần gì trước khi các con cầu xin Ngài” (Mathiơ 6:6–8). Vì vậy, muốn luyện tập nghe tiếng Chúa, hãy lập thói quen trò chuyện với Ngài nơi riêng tư kín đáo.
Những người thường nghe được tiếng Chúa phán với mình là người lúc nào cũng chuẩn bị để nghe. Tính lơ đãng, lo ra, không luyện tập trò chuyện với Chúa thì không thể nghe tiếng Ngài; vấn đề nầy không khó hiểu. Ở riêng với Chúa không phải là chỉ nghe giảng. Vì chỗ riêng tư là nơi bày tỏ nỗi niềm riêng của mình. Cho nên, cầu nguyện không phải là chỉ cầu khẩn, xin xỏ các nhu cầu và ước muốn của mình. Người theo Chúa lâu năm mà chưa bao giờ nghe tiếng Chúa phán với mình là vì tất cả thì giờ cầu nguyện chỉ dành để xin Chúa ban cho các nhu cầu. Dù có xin đủ điều mình mong muốn hay ước ao thì tối đa mười phút là hết. Nhưng nếu trò chuyện với Chúa, trình bày nỗi niềm vui hay buồn của mình lên cho Ngài, hỏi Ngài về những điều mình chưa hiểu, thì cầu nguyện một giờ vẫn chưa đủ. Bởi vì Chúa sẽ trả lời, bày tỏ, dặn dò, khuyên lơn và khích lệ con cái Ngài.
Học thì phải hành. Hãy chuẩn bị tâm linh mình chỗ cho Chúa ngự trị. Ăn năn và từ bỏ những điều mình ưa thích nhưng bị Chúa ghét. Luôn luôn nhớ kỹ mình là con cái Ngài; Cha của chúng ta là Đấng muốn trò chuyện với chúng ta. Ai không thường đọc Kinh Thánh, hãy lập thói quen đọc trong cảnh yên lặng và lắng nghe tiếng Chúa phán. Ai không thích đọc Kinh Thánh thì không thể nghe tiếng Chúa phán với tâm linh mình, mà tâm trí sẽ nghe đủ thứ tiếng nói từ sự ham muốn của xác thịt mình cộng với tiếng dụ dỗ của ma quỷ. Vậy, hãy đến với Chúa và tránh xa ma quỷ.
LuyenTapNgheTiengChua04.docx
Rev. Dr. CTB