Hiểu Biết Các Điều Căn Bản, bài 16

Công vụ 2:1–8

Đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đồ nhóm họp tại một chỗ. Thình lình, có tiếng động từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi. Các môn đồ thấy những lưỡi như lưỡi lửa xuất hiện, tản ra và đậu trên mỗi người trong họ. Tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác, theo như Thánh Linh cho họ nói. Bấy giờ có những người Do Thái sùng đạo từ các dân trong thiên hạ về, đang lưu trú tại Giê-ru-sa-lem. Khi nghe tiếng ấy, dân chúng kéo đến và sửng sốt vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng bản xứ của mình. Họ rất ngạc nhiên và hỏi nhau: Tất cả những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê sao? Vậy sao mỗi người chúng ta đều nghe họ nói tiếng bản xứ của mình?

Báp têm Thánh Linh là đề tài có nhiều tranh cãi nhất trong Cơ-đốc-giáo từ đầu thế kỷ 20. Phái chống, lý luận rằng: biến cố báp têm Thánh Linh diễn ra trong người thật lòng tin Đức Chúa Jesus ngay lúc họ nhận ơn cứu rỗi. Bởi vì đó là thời điểm Đức Thánh Linh vào lòng người tin để tái sinh người ấy thành tạo vật mới. – Nhóm ủng hộ thì cho rằng báp têm Thánh Linh là kinh nghiệm riêng biệt thứ hai, thường xảy ra sau biến cố tiếp nhận ơn cứu rỗi của Chúa. Các hệ phái Ngũ Tuần trong nhóm ấy lại quả quyết phải có hiện tượng nói tiếng lạ xảy ra thì mới chứng minh người ấy thật sự được báp têm Thánh Linh. Sự khẳng định nầy đã gây ra tình trạng chia rẽ và khiến các phái truyền thống thù nghịch với phái Ngũ Tuần. Để biết rõ vấn đề, chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ đề tài nầy.

Thông thường, khi có biến động nào xảy ra tác động trực tiếp tới tinh thần, tâm linh của ai đó, thì người ấy phải nhận biết; nếu nói người ấy chẳng biết gì hết thì rất vô lý. Cho nên, khi các tín hữu ước ao và trông mong được báp têm Thánh Linh, mà ai nói rằng sự báp têm ấy đã diễn ra cách thầm lặng người ấy không biết, thì không thể chứng minh nó có xảy ra. Dù ai viện dẫn giáo lý hay suy diễn sự kiện lịch sử để khẳng định điều người ta không cảm nhận được, thì lý thuyết ấy không giải quyết được gì hết; nhưng ai có kinh nghiệm cụ thể thì không gì lung lay được niềm tin của họ. Hơn nữa, Đức Chúa Jesus đã căn dặn và phán với các môn đồ của Ngài rằng họ sẽ mặc quyền năng từ trên cao khi Đức Thánh Linh giáng trên họ:

(Luca 24:49) “Còn về phần các con, hãy đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền năng từ trên cao.

(Công vụ 1:8) “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Jerusalem, cả xứ Judea, xứ Samaria cho đến cùng trái đất

Các giáo hội truyền thống lý luận rằng: Chúng tôi có hệ thống giáo lý và các quy tắc hành xử trong Hội Thánh lẫn ngoài đời. Chúng tôi tin những giáo lý ấy, chúng tôi thể hiện quy tắc hành xử; vậy, vì chúng tôi thuộc về Đức Chúa Trời nên các sự kiện siêu nhiên phải xảy ra. – Nhưng thực tế thì không ai giải thích được kinh nghiệm siêu nhiên ấy xảy ra như thế nào, bằng cớ ra sao. Vì vậy, phái Ân Tứ có lý hơn khi họ nói rằng báp têm Thánh Linh phải là kinh nghiệm thực tế chứ không phải là sự tưởng tượng mơ hồ. Vì có sự tranh chấp đó, nên nhiều hệ phái phớt lờ hay ác cảm với câu ‘báp têm bằng Đức Thánh Linh.’ Nhưng nếu có ai tìm cách chối bỏ nhóm chữ “báp têm bằng Đức Thánh Linh,” thì sự chối bỏ ấy vô giá trị. Bởi vì đó là lời đã được ghi chép rõ ràng trong Kinh Thánh và nó phải là một phần kinh nghiệm tâm linh trong đời mọi tín đồ của Chúa.

Lời Đức Chúa Jesus phán ở (Công vụ 1:8) “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Jerusalem, cả xứ Judea, xứ Samaria cho đến cùng trái đất,” là Ngài nói về sự báp têm Thánh Linh mà Ngài báo trước ở (Công vụ 1:5) “Vì Giăng đã làm báp-têm bằng nước, nhưng trong ít ngày nữa, các con sẽ được báp-têm bằng Đức Thánh Linh.” Vậy, báp têm Thánh Linh là cách Đức Chúa Trời dùng để ban quyền phép, năng lực đặc biệt để các môn đồ của Ngài thi hành sự truyền giáo và đào tạo môn đồ; như Ngài đã dặn dò ở (Mathiơ 28:18–20) “Đức Chúa Jêsus đến và phán với họ rằng: ‘Tất cả thẩm quyền trên trời dưới đất đã giao cho Ta. Vậy, hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta, hãy nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh làm báp-têm cho họ và dạy họ giữ mọi điều Ta đã truyền cho các con. Và nầy, Ta luôn ở với các con cho đến tận thế.’” Năng lực đặc biệt ấy là gì?

Điều đầu tiên Kinh Thánh mô tả là họ được ‘đầy dẫy Đức Thánh Linh‘ (Công vụ 2:4) “Tất cả đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, bắt đầu nói các ngôn ngữ khác, theo như Thánh Linh cho họ nói.” Hãy để ý rằng, trong sách Công vụ nhóm chữ ‘đầy dẫy Đức Thánh Linh‘ được nhắc lại nhiều lần trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của nhiều người khác nhau; vậy thì kinh nghiệm ‘đầy dẫy Đức Thánh Linh‘ tái diễn nhiều lần chứ không phải là kinh nghiệm chỉ xảy ra một lần trong đời.

Điều thứ nhì là lời Phierơ giải nghĩa kinh nghiệm ấy ứng nghiệm lời tiên tri của Joel: (Công vụ 2:16–18) “Nhưng đây là điều Chúa đã phán qua nhà tiên tri Joel: ‘Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên mọi xác thịt; con trai và con gái các ngươi sẽ nói tiên tri, thanh niên sẽ thấy khải tượng, và người già sẽ thấy chiêm bao. Phải, trong những ngày đó, Ta sẽ đổ Thánh Linh Ta trên các đầy tớ trai và gái Ta, và họ sẽ nói tiên tri.” Joel thông báo lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ tuôn đổ Thánh Linh Ngài trên tôi trai tớ gái của Ngài để họ nói tiên tri vào thời tận thế; tức là ban cho họ khả năng đặc biệt.

Thứ ba là họ được ban cho quyền năng để làm chứng nhân cho Đức Chúa Jesus ở mọi nơi họ sẽ đi đến (Công vụ 1:8) “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các con thì các con sẽ nhận lấy quyền năng và làm chứng nhân cho Ta tại thành Jerusalem, cả xứ Judea, xứ Samaria cho đến cùng trái đất.

Vậy, báp têm Thánh Linh là sự khởi đầu đời sống được đầy dẫy Đức Thánh Linh, được Thần của Đức Chúa Trời tuôn đổ trên mình, ban cho khả năng đặc biệt; rồi sẽ nhận lãnh quyền năng để chứng đạo có hiệu quả. – Một thắc mắc đã đặt ra là: Sự nói tiếng lạ có vai trò gì và Chúa ban cho tiếng lạ trong sự báp têm Thánh Linh để làm gì? Đây là vấn đề siêu nhiên đến từ sự ban cho của Đức Thánh Linh; cho nên, không có bất cứ lý luận hay sự giải nghĩa nào do loài người nghĩ ra mà có giá trị hay đủ sức thuyết phục người thắc mắc. Chỉ có sự giải nghĩa của Kinh Thánh mới giải đáp được câu hỏi của chúng ta. Sứ đồ Phaolô giải nghĩa điều đó như sau:

(1Côrinhtô 14:2–4) “Vì người nói tiếng lạ không nói với loài người, mà nói với Đức Chúa Trời nên không ai hiểu được, bởi người ấy nói những điều mầu nhiệm trong Thánh Linh. Còn người nói tiên tri thì nói với con người để xây dựng, khích lệ và an ủi. Người nói tiếng lạ tự xây dựng chính mình, nhưng người nói tiên tri xây dựng Hội Thánh.

Tiếng lạ là thứ ngôn ngữ Chúa ban để cầu nguyện khi không đủ lời trình dâng tâm sự của mình lên Chúa (1Côrinhtô 14:14) “Vì nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ thì tâm linh tôi cầu nguyện, nhưng tâm trí tôi không nhận được kết quả gì.” và nó là phương tiện để gây dựng chính mình trong những giờ phút cầu nguyện. Hoặc là một sứ điệp đặc biệt. Nó cũng là dấu hiệu cho người chưa tin Chúa (1Côrinhtô 14:22) “Thế thì, các tiếng lạ không phải là dấu hiệu cho người tin, mà cho người không tin.” Ví dụ trong buổi nhóm của tín hữu có người ngoại quốc chưa tin tình cờ tham dự, mà người đó nghe tín hữu nói các điều cao trọng về Đức Chúa Trời và ơn cứu rỗi của Ngài bằng ngôn ngữ riêng của người lạ đó, thì người ấy sẽ kinh ngạc về sự thực hữu và quyền năng của Chúa.

Tiếng lạ chỉ hữu ích cho Hội Thánh khi nó được thông dịch ra cho mọi người đều hiểu. Cho nên, sứ đồ Phaolô dạy cách dùng tiếng lạ trong buổi nhóm (1Côrinhtô 14:27–28) “Nếu có người nói tiếng lạ, thì chỉ nên hai hoặc ba người là tối đa. Mỗi người nói theo thứ tự, và phải có người thông dịch. Nếu không có ai thông dịch thì người nói phải yên lặng, chỉ nói với chính mình và với Đức Chúa Trời.” Ông cũng dặn đừng ai ngăn trở sự nói tiếng lạ (1Côrinhtô 14:39) “Cho nên, thưa anh em, hãy ao ước ân tứ nói tiên tri, và đừng ngăn trở việc nói các tiếng lạ.

Thế thì, nếu ai được ban cho tiếng lạ hay một ngôn ngữ lạ, hãy vui mừng nhận lấy và hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho mình thông giải được thứ tiếng ấy (1Côrinhtô 14:13) “Vì thế, người nói tiếng lạ, hãy cầu nguyện để thông dịch được tiếng ấy.” Mặc dù khi được báp têm Thánh Linh có người nói tiếng lạ, có người nói tiên tri (Công vụ 19:6) “Khi Phaolô đặt tay lên thì Đức Thánh Linh giáng trên họ; họ nói tiếng lạ và lời tiên tri,” nhưng ơn nói tiên tri quý hơn, vì người nói tiên tri cao trọng hơn người nói tiếng lạ (1Côrinhtô 14:5) “Tôi ao ước tất cả anh em đều nói tiếng lạ, nhưng lại càng ao ước anh em nói tiên tri hơn. Người nói tiên tri thì cao trọng hơn người nói tiếng lạ, trừ phi có người thông dịch, để Hội Thánh được xây dựng.

Dựa trên các bằng chứng trong Kinh Thánh cho biết mỗi lần có báp têm Thánh Linh diễn ra đều có các ân tứ đặc biệt chứ không thinh lặng, âm thầm mà người nhận không biết gì hết, thì chúng ta cũng trông đợi các hiện tượng ấy xảy ra để chứng minh rằng Chúa đã ban báp têm Thánh Linh cho Hội Thánh.

Từ các dấu kỳ phép lạ do các sứ đồ thực hiện sau khi được báp têm Thánh Linh (Công vụ 5:12) “Bấy giờ, có nhiều phép mầu và dấu lạ được thực hiện giữa dân chúng bởi tay các sứ đồ,” thì chúng ta có thể hiểu rằng phép báp têm bằng Đức Thánh Linh đem đến thật là nhiều ích lợi để xây dựng nhà Chúa và gây dựng chính bản thân của tín hữu. Một trong các lợi ích đó để dùng ngày nay là uy quyền đuổi quỷ và chúc phước, chúc bình an cho gia đình, khu xóm và cộng đồng mình đang sống. Chúng ta không còn sợ hãi các thế lực tối tăm, vì biết chúng khiếp sợ danh của Chúa. Những người thuộc các phái thường công kích phép báp têm Thánh Linh đều cầu cứu các anh em tín hữu phái Ân Tứ Thánh Linh mỗi khi người ta đem người bị quỷ nhập đến nhờ giải cứu mà họ không biết làm thế nào để đuổi con quỷ ấy ra khỏi nạn nhân.

Hôm nay, nhân kỷ niệm ngày Đức Thánh Linh giáng lâm trong dịp Lễ Ngũ Tuần để thành lập Hội Thánh của Đức Chúa Jesus Christ trên đất, tôi mong mỏi rằng Hội Thánh của Chúa tại đây sẽ được Đức Thánh Linh thăm viếng cách đặc biệt và ban phép báp têm của Ngài cho mọi tín hữu trong Hội Thánh. Có ba điều kiện đã nói trong tuần trước: 1. Có động lực đúng và trong sáng; 2. Thật lòng muốn nhận báp têm Thánh Linh; 3. Sẵn sàng vâng phục ý Chúa và trải lòng mình ra để được Ngài tẩy sạch. Vì vậy, ai đã có hai điều kiện đầu thì hãy trải lòng mình ra, ăn năn và quyết từ bỏ tội lỗi để được Chúa tha thứ và được báp têm bằng Đức Thánh Linh.

HieuBietCacDieuCanBan16.docx

Rev. Dr. CTB