Theo Dõi Tận thế, bài 19

Khải Huyền 1:1–3

Sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài để bày tỏ cho các đầy tớ Ngài những việc sắp phải xảy đến. Ngài sai thiên sứ đến tỏ cho Giăng, đầy tớ Ngài, là người đã làm chứng cho lời của Đức Chúa Trời và cho lời chứng của Đức Chúa Jêsus Christ, tức là tất cả những gì ông đã thấy. Phước cho người đọc cùng những người nghe lời tiên tri nầy và vâng giữ những điều đã ghi chép trong đó, vì thì giờ đã gần rồi.

Dù có sự tranh cãi về tác giả, đa số người nghiên cứu Kinh Thánh đều công nhận sách Khải Huyền viết bởi sứ đồ Giăng, một trong mười hai môn đồ đầu tiên của Đức Chúa Jesus. Sách được đặt ở cuối Kinh Tân Ước, tức là sách cuối cùng của quyển Kinh Thánh Cơ-đốc-giáo. Người đọc Khải Huyền phải biết rõ năm điểm mấu chốt của sách để hiểu những điều sách trình bày. Năm điểm mấu chốt ấy cũng giúp giải nghĩa những phần khó hiểu khác của Kinh Thánh. “Phước cho người đọc cùng những người nghe lời tiên tri nầy và vâng giữ những điều đã ghi chép trong đó” (1:3). Giăng gọi sách nầy là lời tiên tri nói về những việc sẽ xảy ra; cho nên, người đọc sách phải hướng tới tương lai. Đây là sách duy nhất hứa ai đọc, nghe, và làm theo thì sẽ được phước.

Câu đầu tiên chép: “Sự mặc khải của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài để bày tỏ cho các đầy tớ Ngài những việc sắp phải xảy đến” (Khải Huyền 1:1). Sách Khải Huyền mặc khải về Đức Chúa Jesus Christ. Đó là điểm mấu chốt th nhất. Có bốn hình ảnh về Đức Chúa Jesus. Bốn sách Phúc Âm trình bày Ngài là Con Người đến thế gian để cứu người bị hư vong. Rất nhiều người chỉ biết Đức Chúa Jesus qua hình ảnh Đấng Cứu Thế. Các Thư Tín của các sứ đồ trình bày Ngài là Đầu của Hội Thánh. Sách Khải Huyền trình bày Đức Chúa Jesus là Chúa Toàn Thắng, Vua của muôn vua, và Chúa của các chúa. Ngài sẽ trị vì vương quốc vĩnh cửu của Ngài trên đất.

Điểm mấu chốt thứ nhì là quyền của tín hữu được hiểu sách Khải Huyền: “bày tỏ cho các đầy tớ Ngài những việc sắp phải xảy đến.” Đức Chúa Jesus đã ban cho chúng ta quyền được hiểu biết và hưởng các phước lành của người xem sách Khải Huyền. Điểm mấu chốt thứ ba là các sự kiện ghi trong sách xảy ra đồng một lượt trên trời và dưới đất. Nghĩa là người đọc phải hiểu những điều

ký thuật xảy ra song hành với nhau, một việc diễn ra trên trời, việc kia diễn ra đưới đất, trong một khoảng thời gian bảy năm. Các đoạn 4, 5, 19, và 20 mô tả chuyện trên thiên đàng; các đoạn 6, 8, 9, 16, 19, và 20 ghi những việc xảy ra dưới đất. Các đoạn 8–9 tiếp tục chuyện trên đất của đoạn 6. Đoạn 16 tiếp nối câu chuyện xảy ra trên thế gian. Phần đầu đoạn 19 kể chuyện trên trời rồi chuyển xuống đất. Đoạn 20 kể tiếp chuyện dưới đất rồi kết thúc bằng chuyện trên trời.

Điểm mấu chốt thứ tư là có các đoạn giải thích và cung cấp chi tiết. Như các đoạn còn lại 7, 10–15, 17, và 18 không phải là sự tường thuật những điều đang diễn ra của hai chuyện trên trời và dưới đất, nhưng là những phần mô tả thêm về một nhân vật, một nhóm người hoặc sự kiện nào đó đang xảy ra trong những chuyện của các đoạn kia. Các đoạn 20, 21 và 22 mô tả những việc xảy ra sau 7 năm đại nạn, nghĩa là 1000 năm trị vì của Đấng Christ, trời mới, đất mới và Jerusalem mới. Ba đoạn cuối nầy không thuộc về những đoạn giải thích nói trên. Điểm mấu chốt thứ năm là sách được chia làm ba phần: Quá khứ, hiện tại và tương lai “Vậy, hãy ghi chép lại những gì con đã thấy, những gì hiện có và những gì sau nầy sẽ xảy đến” (1:19). Bí quyết để hiểu sách Khải Huyền nằm ở chỗ phải biết kết cấu của sách để không thấy sách bí hiểm và khó hiểu.

Phần đầu tiên của sách là ông Giăng kể lại những việc ông đã thấy khải tượng về Đức Chúa Jesus Christ qua hình ảnh thiên đàng của Ngài (1:9–18). Các câu 1–2 nói rằng sách nầy là sự mặc khải (bày tỏ bí mật), của Đức Chúa Jesus Christ (Hy-văn: apokalypsis, Anh văn: unveiling, nghĩa là giở tấm màn che). Như vậy, điều kiện để hiểu sách là người đọc phải biết Đức Chúa Jesus Christ là ai. Đoạn 1 có chi tiết rất quan trọng để xác định Đức Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời: “Khi thấy Ngài, tôi ngã quỵ xuống chân Ngài như chết vậy. Nhưng Ngài đặt tay phải của Ngài trên tôi và bảo: Đừng sợ, Ta là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng, là Đấng Sống; Ta đã chết, hiện nay Ta sống đời đời, cầm chìa khóa của Sự chết và Âm phủ” (1:17–18). Ai đã chịu chết và hiện nay sống đời đời? Đức Chúa Jesus. Ai là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng? Đức Chúa Trời Toàn Năng! Vì Đức Chúa Jesus cho biết Ngài là Đấng ấy, nên Ngài chính là Đức Chúa Trời.

Sách Khải Huyền là vinh quang đặt trước mặt Đức Chúa Jesus Christ khi Đức Chúa Trời tỏ ra cho Ngài những gì mà Ngài sẽ có vào những thời đại sẽ đến. Đức Chúa Jesus ban sự khải thị ấy cho thiên sứ đến tỏ cho Giăng biết, rồi Giăng chép lại những gì ông đã thấy. Các đoạn 2 và 3 là bảy lá thư của Đức Chúa Jesus gửi cho bảy Hội-Thánh ở Tiểu Á để nói những việc thuộc về Hội Thánh, nhiệm vụ hay thánh vụ của Hội Thánh và sự làm chứng của Hội Thánh đối với thế giới. Các thư nầy là phần thứ nhì của sách và mô tả nhiều thời kỳ khác nhau của lịch sử Hội Thánh. Từ đoạn 4 trở đi, tức là phần thứ ba của sách, Giăng viết tiên tri về những điều sẽ diễn ra sau khi Hội Thánh đã được đem đi khỏi thế gian. Nghĩa là tương lai mở ra trước mặt người đọc.

Trong thư gửi chung cho tín hữu nhiều nơi, ông viết: “Nói về lời sự sống, là điều đã có từ ban đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến” (1Giăng1:1). Ngoài việc đi bên cạnh Đức Chúa Jesus suốt ba năm rưỡi, Giăng lại được Chúa hiện ra phán bảo về những điều sẽ diễn ra cho đến ngày tận thế. Vì thế, ông là người có đủ điều kiện để nói rằng ông đã nghe, thấy, ngắm, rờ về Lời Sự Sống. Khi được khải thị để viết sách nầy thì Giăng là sứ đồ cuối cùng còn sống trong số 12 sứ đồ đã được Đức Chúa Jesus chọn lựa. Mọi người khác đều đã qua đời.

Nhiều trường phái đưa ra các giải nghĩa khác nhau về sách Khải Huyền; có bốn phái tiêu biểu. Phái đầu tiên cho rằng đây là sự tranh đấu của Hội Thánh chống lại chính quyền La-mã trong quá khứ; cho nên, đã ứng nghiệm và hoàn tất. Phái thứ nhì giải nghĩa đây là lịch sử Hội Thánh phải đương đầu với các hệ thống chính trị thế gian từ ngày thành lập cho đến nay. Phái thứ ba cho rằng mọi sự kiện ghi trong sách đều có nghĩa ẩn dụ, làm cho không ai hiểu việc nào có nghĩa gì. Phái chót giải nghĩa rằng sách chép thế nào thì có nghĩa y như vậy; không cần phải cố gắng vặn vẹo, cắt ráp để thích hợp với sự giải nghĩa của mình, gọi là phái tương lai. Suy cho cùng thì quan điểm nầy đúng nhất, vì họ tin những lời mặc thị giải tỏ những điều kín nhiệm theo đúng ý nghĩa.

Hai câu Khải Huyền 1:4–5 “Giăng gửi đến bảy Hội Thánh tại Asia: Cầu chúc anh em nhận được ân điển và bình an từ ĐẤNG HIỆN CÓ, ĐÃ CÓ VÀ ĐANG ĐẾN, từ bảy LINH ở trước ngai của Ngài, và từ Đức Chúa Jesus Christ là Đấng làm chứng thành tín, Đấng sinh trước nhất từ cõi chết và Chúa của các vua trên đất!” Hai câu nầy cũng nhấn mạnh sự hợp nhất của Ba Ngôi Đức Chúa Trời trong sự khải thị. Đấng hiện có, đã có, và còn đến là Chúa Cha Hằng Hữu; Bảy vị thần nói về Đức Thánh Linh ở trạng thái toàn vẹn mạnh mẽ nhất; rồi Đức Chúa Jesus Christ là Đấng làm chứng thành tín, sống lại trước nhất từ cõi chết, thống trị tất cả vua chúa trên thế giới.

Số bảy được lặp lại nhiều lần suốt sách Khải Huyền. Người ta đọc thấy có 7 ấn, 7 ống loa, và 7 bát thịnh nộ. Số 7 thường được gọi là con số toàn hảo của Đức Chúa Trời bởi vì nó tiêu biểu cho sự hoàn tất. Tuần lễ có 7 ngày, một âm giai có 7 cung, mống trời có 7 màu. Đức Chúa Jesus bảo ông Giăng chép ra bảy lá thư Ngài gửi cho bảy Hội Thánh. Như vậy, bảy Hội Thánh tiêu biểu cho toàn thể Hội Thánh. Về mặt địa lý thì 7 Hội Thánh nầy nối với nhau thành một vòng tròn nhỏ. Có nhiều Hội Thánh quan trọng khác ở vùng Tiểu Á thời bấy giờ nhưng không được nêu tên ở đây, vì số 7 là số đầy đủ tiêu biểu cho toàn thể lịch sử của Hội Thánh.

Sự mầu nhiệm về Đức Chúa Jesus chính là Đức Chúa Trời được bày tỏ rõ ràng qua sách Khải Huyền. Ngày nay có một số người tìm cách cãi lẽ rằng Đức Chúa Jesus không phải là Đức Chúa Trời, thì họ quên mất chính Ngài tự xưng Ngài là Đức Chúa Cha. Khi sứ đồ Giăng viết phúc âm Giăng, ông kể lại lời Philíp nói: “Thưa Chúa, xin chỉ Cha cho chúng con thì đủ rồi” (Giăng 14:8), Đức Chúa Jesus trả lời “Phi-líp ơi, Ta đã ở với các con lâu rồi, mà các con chưa biết Ta! Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha. Tại sao con lại nói: ‘Xin chỉ Cha cho chúng con’? Có phải con không tin rằng Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta chăng?” (Giăng 14:9–10). Trước đó Ngài nói: “Nếu các con biết Ta thì cũng biết Cha Ta; từ bây giờ các con biết và đã thấy Ngài” (14:7).

TheoDoiTanThe19.docx

Rev. Dr. CTB