Chúa Nhật, December 4th, 2011
Các Vấn Đề Tâm Linh, 04
Tại Sao Tin Mừng Phải Đến?
Galati 3:19–25
Ý niệm về Đấng Tạo Hoá của người đời xưa khác với người thời nay. Người thời nay bị ảnh hưởng của nhiều thứ triết thuyết và giả thuyết thành hình trong trí tưởng tượng của người ta qua nhiều ngàn năm, lại được hưởng vô vàn tiện nghi trong đời sống do nền khoa học văn minh cống hiến, cũng như sự bùng nổ dân số ở mọi xã hội, đã đẩy mỗi người vào tình trạng miệt mài kiếm sống. Nhất là những người vốn xuất thân từ các xã hội thiếu thốn vật chất, được định cư ở các quốc gia dư thừa của cải, bắt chước những người bản xứ, bị lôi cuốn vào cơn lốc say mê thu góp của cải vật chất và làm giàu; vì thế không còn bao nhiêu người chăm chú nhìn lên trời cao hoặc dành nhiều thì giờ suy gẫm để tự hỏi về nguồn gốc của mình như người đời xưa.
Tuy vậy, mỗi khi tâm trí của ai đó chợt nghĩ về tương lai hoàn toàn bất định, thì nẩy lên câu hỏi: “Nếu có sự thưởng phạt ở thế giới bên kia, sau khi chết mình sẽ về đâu?” Những người Việt Nam bỗng dưng ăn chay, tụng niệm, là những người đang kinh hoàng về viễn ảnh mịt mờ ở bên kia thế giới; khi họ tỉnh ngộ nhận ra rằng vô số điều họ đã làm trong đời là quá tội lỗi, không thể dùng bất cứ của cải nào hay hành động đạo đức gì để chuộc lại lỗi lầm đã do hành động cố tình.
Những triết gia nổi tiếng của nhân loại, xuất hiện trong khoảng 26 thế kỷ trở lại đây, đã đưa ra nhiều triết thuyết khác nhau từ hữu thần tới vô thần. Nhưng không một triết gia nào giải đáp được thắc mắc: Tại sao có vũ trụ và cõi vật chất? hay, vũ trụ hiện hữu nhằm mục đích gì? Từ khi khoa học kỹ thuật hiện đại bùng nổ, dân số thế giới tăng vọt, chẳng nghe có triết gia nào đưa ra các ý tưởng mới mẻ, toàn là nhai lại các vấn đề cũ rích. Như vậy, khi con người có nhiều thì giờ để suy gẫm, chưa bị cuộc sống bon chen làm bận rộn tâm trí và chèn ép tâm hồn, họ suy nghĩ về nhiều vấn đề mà không trí khôn nào giải thích nổi. Ngoài những tư tưởng vô thần tìm cách chối bỏ ý niệm và thực tế các sự vật chứng minh về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hoá, một vấn đề nổi bật lên trong đó là: ‘Có cái gì ở thế giới bên kia?’
Những người nhận ra có một Đấng Toàn Hảo vô hình và luật đạo đức trong lương tâm, hoặc biết về một luật pháp thánh, thì họ nhận ra sự thiếu sót của mình. Một khi đã nhận ra sự thiếu sót, thì hoặc là người ta lập sự lựa chọn tự sửa mình cho tốt hơn, gọi là tu hành; vì họ nhận biết tình trạng tội lỗi của mình và vô hi vọng trước thứ luật pháp thánh khiết của cõi thần thánh; hoặc đi tìm đấng cứu giúp nào đó, hoặc là thiết lập một bộ luật đạo đức để mong có thể dạy dỗ và hướng dẫn xã hội đi vào hướng hoàn hảo hơn. Từ đó, người ta lập các luật lệ của quốc gia hay xã hội.
Khoảng 1445 năm trước khi Đức Chúa Giêxu giáng sinh, một bộ luật pháp của Đức Chúa Trời đã được ban cho dân tộc Israel tại núi Sinai, ở bán đảo Sinai, để làm khuôn mẫu chỉ dẫn sự thờ phượng Đấng Tạo Hoá; để biết bản tánh và những đòi hỏi của Ngài, các vấn đề đạo đức giữa người với nhau trong tập thể xã hội của họ và với các cộng đồng khác.
Tuy nhiên, bộ luật đạo đức ấy chẳng chiếu cố đến bản chất yếu đuối của loài người. Nghĩa là chẳng quan tâm tới bản chất tội lỗi di truyền hay tính bạc nhược của chúng ta. Nó đòi hỏi người ta phải hoàn toàn đạo đức, không phân biệt giàu, nghèo chi hết. Bởi vì đó là luật pháp Đức Chúa Trời truyền cho, nên nó sẽ vĩnh viễn chẳng thay đổi. Khi người ta nhận ra tính cách vĩnh viễn của nó, thì đời sống bắt đầu bi đát; bởi: “Trước kia, khi không có luật pháp, tôi sống; nhưng từ khi điều răn đến, tội lỗi sống dậy, còn tôi chết” (Rôma 7:9).
Như vậy, luật pháp Đức Chúa Trời đến để làm gì? Đức Chúa Trời ban luật pháp của Ngài để cho người ta biết rằng họ chẳng có hi vọng gì tự cứu mình cả. Nghĩa là Đức Chúa Trời phải dùng luật pháp để giúp loài người nhận ra tình trạng xấu xa của họ là tuyệt vọng, họ cần tin vào một Vị Cứu Tinh đến giúp đỡ họ. “Trước khi đức tin đến, chúng ta bị luật pháp canh gác, giữ lại, chờ ngày đức tin xuất hiện. Như vậy, luật pháp như người giám hộ dẫn chúng ta đến Đấng Christ, để chúng ta được xưng công chính nhờ đức tin” (Galati 3:23–24). Bởi vì nếu người ta chưa biết rằng họ không thể tự sửa mình, thì đối với họ chuyện chuộc tội hay đền tội là điều ngớ ngẩn. Sự nhận biết mình phạm tội gây ra nỗi sợ hãi trong lòng người trước tính cứng nhắc vô cùng nghiệt ngã của luật pháp. Người ta sợ hãi vì họ chẳng có hi vọng gì đạt được sự đòi hỏi của luật pháp thiên đàng. Nỗi tuyệt vọng lưu truyền, chồng chất từ thế hệ nầy qua thế hệ khác trong lịch sử lâu dài của loài người trước thời Tân Ước.
Có lẽ đã có nhiều thắc mắc đặc biệt của một số tín hữu Tin Lành hỏi rằng ‘tại sao Đức Chúa Trời để cho người ta tuyệt vọng lâu dài như vậy?” Hãy nhớ lại rằng bản chất của loài người là rất dễ quên và mau quên. Tin mừng sẽ chẳng có gì là mừng khi nó đương nhiên đến quá nhanh và quá dễ dàng. Phải có đủ thời gian để tính kiêu ngạo của loài người trải qua nhiều thế hệ phải bị hạ xuống; sau khi đã hoàn toàn thất bại trong việc thử tu hành để tự sửa mình. Họ phải biết rõ rằng tình trạng của họ là hoàn toàn tuyệt vọng, trước khi Cha yêu thương có thể làm cho họ nhận biết và thấy rõ tình yêu của Ngài qua Ngôi Lời của Ngài được sai xuống thế gian làm một Người.
Trước khi Ngôi Lời đến, không phải là người ta không biết có một Đấng Tạo Hoá toàn năng (Rôma 1:19–20). Và rồi, dù cho có nhận thức về Đấng Tạo Hoá, được ban cho một luật pháp thánh và đạo đức, cũng được các tiên tri, là đại diện của Chúa sai đến, mô tả về Đức Chúa Trời, truyền đạt các sứ điệp yêu thương của Ngài, thậm chí người Do-thái, là một dân tộc được chọn lựa, bảo vệ, và dẫn dắt từ thời tổ phụ cho đến thời thành lập một quốc gia hùng cường, rồi bị phá huỷ tan tành, lưu đày ở xứ người tới 70 năm. Thế mà người ta cũng không thể hiểu rõ về Đức Chúa Trời, cũng không thể hình dung tình yêu vô biên của Ngài như thế nào. “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã phán với tổ phụ chúng ta nhiều lần, nhiều cách qua các nhà tiên tri” (Hêbơrơ 1:1). Vì thế cho nên “vào những ngày cuối cùng nầy, Ngài phán với chúng ta qua Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập để thừa hưởng vạn vật; cũng bởi Con, Ngài đã dựng nên vũ trụ” (Hêbơrơ 1:2).
Biến cố Đức Chúa Giêxu giáng sinh được Kinh Thánh gọi là “Tin Mừng, tin nầy sẽ là niềm vui lớn cho muôn dân” (Luca 2:10). Đối với lịch sử loài người, thì sự giáng sinh của Ngài là điểm mốc chia đôi giòng lịch sử, lập ra một kỷ nguyên mới, mà chúng ta gọi là thời kỳ ân điển, để loài người có thể nhận được sự tha tội bằng đức tin, không cần phải qua những nỗ lực vô ích của thời tổ tiên nữa. Người ta chỉ có thể mừng rỡ tiếp nhận tin mừng khi họ biết và hiểu rõ ích lợi của tin mừng đó đem lại. Chúng ta đã hiểu biết rõ ràng về nhiệm vụ của mình là “mở mắt” người ngoại giáo, đưa “họ từ bóng tối bước qua ánh sáng, từ quyền lực satan trở về với Đức Chúa Trời. Nhờ niềm tin nơi [Đức Chúa Giêxu], họ sẽ được tha tội và hưởng cơ nghiệp với các thánh đồ” (Công Vụ 26:18). Thế nhưng, tín hữu không thể giảng giải rõ ràng cho người ta hiểu khi chính mình lại chưa nắm vững vấn đề; vì vậy, sự chuyên tâm học biết là vô cùng cần thiết.
Như thế, tất cả loài người phải bị “phong toả trong chỗ không vâng phục” (Rôma 11:32), để họ nhận ra sự thiếu hụt về đạo đức của cả cộng đồng loài người, rồi tìm cách hoàn thiện chính mình với cộng đồng bằng các nỗ lực tu tỉnh, sửa đổi bản chất bên trong của con người. Nhưng việc ấy trải qua nhiều thế hệ đã không giúp được gì cho chính người đi tìm. Đức Chúa Trời lại ban luật pháp thánh cho một dân mà Ngài đã lựa chọn, chỉ dẫn họ về những đòi hỏi thánh thiện của cõi thiên đàng là như thế nào. Một lần nữa, không ai trong loài người có thể đáp ứng những đòi hỏi thánh khiết của thiên cung. Khi đã đi đến chỗ hoàn toàn bế tắc, tuyệt vọng, người ta mới trông mong một Đấng Cứu Tinh bên ngoài cõi nhân gian, đến cứu giúp và ban cho hi vọng. Lúc bấy giờ, Đấng Vô Hạn, là Ngôi Lời của Đức Chúa Trời, từ bên ngoài giáng sinh vào cõi nhân gian để mở ra con đường sống cho những ai bằng lòng tiếp nhận Ngài làm Vị Cứu Tinh của mình.
VanDeTamLinh04.docx
Rev. Dr. CTB