Nắm Vững Niềm Tin, bài 21

Rôma 9:19–33

Trong bài trước chúng ta đã xét qua và thấy thuyết tiền định trái ngược với bản thể yêu thương và nhân từ của Đức Chúa Trời qua chương trình cứu chuộc nhân loại của Đức Chúa Jesus Christ. Chúng ta cũng đã khám phá rằng sự lựa chọn của Đức Chúa Trời dành cho Isaac và Jacob là nhằm sử dụng một dân tộc rao truyền vinh quang của Ngài ra khắp thế giới, chứ không phải là sự chọn lựa để ban ơn cứu chuộc cho mỗi cá nhân. Mặc dù Rôma 9 hơi khó hiểu và gây ra tranh cãi, nhưng người đọc vẫn có thể tìm ra ý định của Phaolô qua đoạn nầy bằng cách xem lời tóm tắt của ông ở cuối đoạn (30–32) cho biết rằng ý chí tự do của người ta là yếu tố quyết định ai sẽ được thương xót và ai sẽ bị làm cho cứng lòng. Phaolô hỏi: “Vậy chúng ta sẽ nói làm sao?” (30).

Nếu Phaolô ủng hộ thuyết tiền định thì ông không cần hỏi mà chỉ nói đại loại như: “Đức Chúa Trời toàn trị đã định ai sẽ được chọn và ai không được chọn; sẽ không ai có quyền chất vấn Ngài.” Nhưng ông lại viết như sau: “Các dân ngoại không tìm kiếm sự công chính thì lại được sự công chính; đó là sự công chính bởi đức tin; còn dân Y-sơ-ra-ên đã cố dựa vào luật pháp để tìm kiếm sự công chính thì không làm trọn được luật pháp. Tại sao? Vì họ không tìm kiếm bằng đức tin mà bằng việc làm” (30–32). Đây là điều cực kỳ quan trọng. Bởi vì qua mấy câu nầy sứ đồ Phaolô giải thích trách nhiệm về sự lựa chọn mà mỗi người lập cho mình; dù là người Do-thái hay dân ngoại. Vì điều mà Đức Chúa Trời luôn luôn tìm kiếm trong lòng người là đức tin.

Dân Do-thái không nỗ lực về phương diện đức tin, điều mà Đức Chúa Trời ưa thích; họ cậy vào việc làm công đức của mình là vâng theo luật pháp. Trong khi đó dân ngoại tin rằng Đức Chúa Trời sẽ xưng công chính cho họ bởi đức tin. Kết quả là dân Do-thái bị ném ra ngoài, như các cành olive bị chặt bỏ, vì lòng vô tín của họ (Rôma 11:20a), còn dân ngoại được tháp vào chỗ cành bị chặt bỏ (11:17) nhờ đức tin của mình (11:20b). Đức Chúa Trời không tự tiện làm cứng lòng ai hoặc nhân từ đối với người nào. Ngài bày tỏ lòng nhân từ hoặc làm cứng lòng người nào là tùy theo lòng tin hoặc không tin của người đó. Ngài cũng sẵn sàng đổi ý về sự đối xử nhân từ hoặc làm cứng lòng nếu người ta thay đổi (11:22–23). Không phải người ta có đức tin sau khi được đối xử nhân từ, cũng không phải người ta vô tín vì Đức Chúa Trời làm cứng lòng họ. Mỗi người tự quyết định cho mình.

Trong đoạn nầy, Phaolô cũng nêu lên hình ảnh thợ gốm với đất sét (19–24). Thời Cựu ước, Đức Chúa Trời sai tiên tri Jeremiah xuống nhà thợ gốm để xem ông ta làm việc. Hễ khi nào chiếc bình đang nắn bị hỏng, thì người thợ gốm liền nắn cục đất ấy thành cái bình khác (Jeremiah 18:1–4). Đức Chúa Trời phán rằng Ngài là thợ gốm còn Israel là đất sét. Ngài có quyền đối xử với đất sét tùy ý Ngài muốn; nhưng nếu Israel biết ăn năn, thì Ngài sẽ đổi ý và ban cho Israel một chương trình tốt lành khác (Jeremiah 18:6–11). Nghĩa là Chúa sẽ thay đổi chương trình của Ngài để đáp ứng với sự ăn năn trong lòng người. Phân đoạn Cựu ước nầy rất thích hợp với Rôma 9. Một số ít dân Israel chấp nhận Đức Chúa Jesus, nhưng đa số chối bỏ mục đích Chúa dành cho họ (Luca 7:30).

Cho nên, dù trước kia Đức Chúa Trời ban phước cho Israel, lúc ấy vì họ cứng lòng nên Ngài khiến họ mang họa suốt gần hai ngàn năm. Vì sự cứng lòng và không tin Đức Chúa Jesus của người Do-thái, Chiên Con của Đức Chúa Trời đã bị hi sinh chuộc tội cho nhân loại, rồi bởi biến cố đó, Tin Mừng được rao ra khắp thế gian; Đức Chúa Trời đã dùng sự vô tín của dân Do -thái để đem vô số người trên thế giới không phải là người Do-thái vào mối tương giao với Ngài. Mặc dù vậy, quyền tể trị của người thợ gốm vẫn sẵn sàng thay đổi kế hoạch. Nếu người Do-thái chịu bỏ lòng vô tín của họ, Chúa sẽ thay đổi chương trình của Ngài một lần nữa mà tháp họ vào gốc cũ. Ngược lại, nếu dân ngoại kiêu căng về địa vị của mình trong Chúa, họ có thể bị chặt bỏ.

Trong cả hai trường hợp, sự phân tích về cách làm của người thợ gốm trái ngược với lý luận của thuyết tiền định. Sứ đồ Phaolô chỉ rõ rằng người thợ gốm có toàn quyền thay đổi chương trình của mình tùy theo sự đáp ứng của đất sét; đúng y như những gì Đức Chúa Trời đã làm cho dân tộc Israel, những người tự hào là dòng dõi của Abraham và dựa sự công chính của mình trên việc hoàn thành các đòi hỏi của luật pháp. Chương trình của Chúa hoàn toàn khôn ngoan và điều chỉnh thật công chính theo bản thể Ngài. Sự kiện nầy cũng giải thích cho chúng ta hiểu lời đáp của Chúa khi có người nói rằng Ngài bất công (9:14–15). Sự nhân từ và thương xót của Đức Chúa Trời dành cho loài người luôn luôn dựa trên đức tin của họ; bất kể họ là người Do-thái hay dân ngoại.

Ở điểm nầy, chúng ta có thể nhận ra những người bị Chúa làm cho cứng lòng là những người không tìm kiếm sự công chính dựa trên đức tin mà chỉ dựa trên các việc công đức tôn giáo của họ. Ngày nay, việc nầy vẫn có xảy ra về việc tiếp nhận ơn của Đức Thánh Linh qua đức tin, hoặc thất bại không nhận được vì tự hào về tính cách chính giáo của giáo phái mình và chê bai những người có đức tin vào các ân tứ đặc biệt. Quan điểm của tín hữu về vấn đề nầy và sự đáp ứng của tâm linh chúng ta ước ao hay chê bai, sẽ ngăn trở hay được thương xót đều dựa trên đức tin vào các lời hứa của Đức Chúa Trời, và tùy theo cách tín hữu đáp ứng (9:21–24). Đối với người có đức tin như Môise thì được Ngài thương xót (Xuất 33:19b); còn cứng lòng như Pharaôn thì bị giáng tai họa.

Khi đọc câu 20 “Thưa bạn, bạn là ai mà dám cãi lại Đức Chúa Trời? Làm sao sản phẩm được nắn nên lại có thể nói với người đã nắn nên nó rằng: ‘Sao ông đã nắn tôi như thế nầy?’” thì nhiều người đã thắc mắc, cho rằng Chúa quá độc tài. Ở đây, không phải Phaolô viện ra quyền của Chúa chỉ làm theo ý Ngài, nhưng là dựa trên tính chất của đất sét mà sự khôn ngoan của người thợ gốm sẽ lập quyết định nắn loại bình gì, mặc dù cùng là loài người, giống như cùng một đống đất (21). Đất sét tinh và dẻo sẽ được dùng làm đồ sứ; đất sét tạp chỉ dùng làm đồ sành hay bình đất tầm thường dễ bể. Khi những tín hữu có đức tin và lòng sẵn sàng đầu phục chương trình của Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ uốn nắn những người ấy thành bình dùng vào việc sang trọng (23–24).

Nếu chúng ta xem việc đi nhà thờ, dâng hiến, đọc Kinh Thánh, và cầu nguyện là các bổn phận phải hoàn thành là đủ để được Chúa ban phước và sẽ lên thiên đàng, nhưng không cậy đức tin ước ao các sự ban cho thiêng liêng (1Côrinhtô 14:1), thì làm sao sẽ được Chúa dùng vào việc vinh quang, sang trọng của Nước Trời? Đừng nghĩ rằng số phận mình đã được định làm một tín đồ bình thường không ích lợi gì trong Hội Thánh; bởi vì thuyết tiền định đã giải nghĩa sai phần nầy của thư Rôma. Nó sai vì trên căn bản nó trái ngược với việc Đức Chúa Trời tự mặc khải về Ngài qua thân vị của Đấng Christ. Nó làm méo mó tính cách tuyệt hảo của Đức Chúa Trời, Đấng đã tự hạ mình vì yêu thương chúng ta, thành một Chúa chỉ cai trị bằng luật pháp nghiêm khắc và quyền tể trị của mình.

Chúng ta xác quyết rằng Đức Chúa Trời có toàn quyền “muốn thương xót ai thì thương xót, Ngài muốn làm cứng lòng ai thì làm” (18). Nhưng chúng ta cũng hiểu rằng Ngài “thương xót những ai chọn tin cậy Ngài” và Ngài sẽ “làm cứng lòng người nào từ chối không chịu tin.” Rôma đoạn 9 không phải là sự xác quyết về thuyết tiền định vì Chúa đã định như vậy; nhưng là trình bày sự khôn ngoan trong tình yêu thương uyển chuyển của Đức Chúa Trời đối với đức tin của mọi người nào sẵn lòng tin vào đức yêu thương không bờ bến của Ngài (33).

NamVungNiemTin21.docx

Rev. Dr. CTB