Nắm Vững Niềm Tin, bài 22

Rôma 10:1–21

Trong các đoạn 9–11, sứ đồ Phaolô trình bày về vai trò của dân Israel trong chương trình của Đức Chúa Trời. Bây giờ, giao ước mới đã được thiết lập, sự cứu rỗi đã đến với các dân ngoại, vậy những điều đó có phải Đức Chúa Trời hết quan tâm đặc biệt tới dân Do-thái rồi không? Vì ơn cứu rỗi chỉ đạt được bằng đức tin, vậy dân Israel còn giữ vai trò gì nữa không? – Phaolô trình bày rằng ông hết sức mong muốn đồng bào Do-thái của ông sẽ tiếp nhận Phúc Âm để nhận được sự cứu rỗi (1). Ông xác nhận rằng họ có lòng nhiệt thành với Đức Chúa Trời, nhưng nan đề của họ là sự nhiệt thành ấy không phù hợp với chân lý; bởi vì dù biết Ngài là Đấng Công Chính, họ vẫn không hiểu cách Ngài xưng công chính cho loài người như thế nào; nên cố lập sự công chính riêng (2-3).

Phaolô đưa ra sự tương phản giữa sự công chính dựa trên việc làm và luật pháp (9:31) với công chính đạt được bởi đức tin (9:30). Dân Do-thái cứ chăm chú vào luật pháp, không thấy phương cách khác đạt tới công chính, nên không thể thấy cách Đức Chúa Trời hành động trên các dân ngoại, là những dân tộc không có giao ước với Ngài giống như họ có. Vì thế họ không thuận phục sự công chính của Đức Chúa Trời (3). Tin Lành của Chúa được bày tỏ rằng sự công chính của Đức Chúa Trời chỉ đạt được bởi đức tin, chứ không phải bởi việc làm; cho nên, những người chăm chú vào việc làm sẽ không nhận được sự công chính ấy. Phaolô kết luận: “Vì Đấng Christ là sự cuối cùng của luật pháp, để mọi người tin đều được xưng công chính” (4).

Tại sao việc giữ luật pháp không thể đạt được sự công chính? Vì không ai có thể chu toàn mọi điều luật pháp đòi hỏi, nên nó không thể nào là phương tiện đạt tới sự công chính (5). Tân ước dựa trên Đấng Christ, nên nó thực hiện được điều mà Cựu ước không làm được. Phaolô trích dẫn Phục Truyền 30:12–13 (6–7), nói rằng các điều răn là rõ ràng chứ không bí ẩn; lời của Đức Chúa Trời luôn có sẵn, và Lời Ngài trong phúc âm cũng dễ biết. Nhưng lời ấy nói gì? Lời ấy nói rằng sứ điệp công chính bởi đức tin thì ở gần, “trên môi miệng và trong lòng anh em” tìm thấy nó không khó gì hết (8). Câu nói “…nếu miệng anh em xưng Đức Chúa Jesus là Chúa, và lòng anh em tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại thì anh em được cứu” (9), không phải là một công thức, nhưng là Đấng Christ, không phải luật pháp, phải ở trong lòng và trí não chúng ta.

Nhưng đức tin và sự xưng nhận phải đi với nhau, không phải hai điều riêng biệt; như vậy, các điều khoản về công chính và cứu rỗi tương đương với nhau. Luật pháp đòi hỏi sự vâng lời, nhưng phúc âm đòi hỏi sự chấp nhận (10). Phaolô lặp lại (11) lời ông trích từ Êsai 28:16Nầy, Ta đặt tại Sion một hòn đá ngăn trở, là tảng đá làm cho chúng vấp ngã; nhưng ai tin vào đó sẽ không bị hổ thẹn” (9:33). Tảng đá ngăn trở mà người tin không bị hổ thẹn chính là Đức Chúa Jesus, bí quyết để được cứu rỗi. – Phaolô nhắc lại chủ đề ông ưa thích, đó là “không có sự phân biệt giữa người Do-thái với người Hy-lạp, vì cùng chung một Chúa là Chúa của mọi người, Đấng ban ơn dư dật cho mọi người kêu cầu Ngài. Vì ai kêu cầu danh Chúa đều sẽ được cứu” (12–13).

Giô-ên 2:32Bấy giờ, ai kêu cầu danh Đức Giê hô va đều sẽ được cứu.” Theo sứ đồ Phaolô sự kêu cầu Danh Đức Giê-hô-va và kêu cầu Đấng Christ là một; có nghĩa ông công nhận Đức Chúa Jesus là Đức Chúa Trời (mặc dù thời nay có một số người không chịu công nhận điều đó, cho rằng họ giỏi hơn Phaolô, nhưng không thể giải nghĩa chỗ nầy). Vậy, sự cứu rỗi đến bởi lòng chấp nhận Đức Chúa Jesus là Chúa (nghĩa là Đức Chúa Trời). Nhưng dân Do-thái từ khước sứ điệp của ông; vì “họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thế nào mà tin? Không có người rao giảng thì nghe cách nào?” (14). Họ phải kêu cầu Đức Chúa Jesus thì mới được cứu. Nhưng vì họ không tin Ngài là Đấng Messiah, mà là một tội phạm bị giết, nên họ không kêu cầu.

Thế thì, có cần thêm người đi rao giảng cho dân Do-thái không? (15). Không cần, bởi vì nhiều người đã được sai đi, dân Do-thái đã được nghe phúc âm của Đức Chúa Jesus, nhưng họ không tin rằng chỉ cần đặt đức tin vào Ngài thì được cứu rỗi; họ vẫn bám lấy truyền thống của tổ tiên, khước từ lời mời gọi của Tin Lành (16). Tiên tri Êsai đã viết trước (Êsai 53:1); đây không phải lần đầu tiên dân Do-thái không chịu tin, mà thói tật đó đã xảy ra suốt lịch sử của dân tộc nầy. Phaolô kết luận rằng: “Như vậy, đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (17). Ông lại đặt câu hỏi và trả lời “ có phải là họ chưa được nghe không? Thực ra thì họ đã nghe, vì: ‘Tiếng của các sứ giả đã vang ra khắp đất, và lời của họ đã truyền đến tận cùng thế giới’” (18).

Mặc dù Phaolô đang nói về dân Do-thái, ông trích rất nhiều câu Kinh Thánh từ Cựu ước chứng minh cho luận cứ của mình. Như câu 18 vừa rồi thì ông trích từ Thi Thiên 19:4Nhưng tiếng của chúng dội vang khắp đất và lời của chúng truyền đến tận cùng thế giới.” Tuy nhiên, khi áp dụng các câu nầy cho độc giả ngày nay, thì họ hiểu rằng những câu Kinh Thánh ấy đang nói về người của thời chúng ta đang sống đã được nghe Tin Mừng truyền rao cho họ rồi. Nếu cả thế giới nghe được, thì dân Do-thái cũng đã nghe. Phaolô lại hỏi: “Phải chăng dân Israel không hiểu?” (19a). Có phải họ thật không hiểu? Không phải! Chỉ vì họ thấy quá nhiều dân ngoại tiếp nhận Chúa nên giận vì ganh ghét (Công vụ 13:44–45); đúng y như lời Chúa đã phán qua miệng Môise (19b; Phục 32:21b).

Đức Chúa Trời đã dùng chức vụ của Phaolô chọc giận Israel, khiến cho họ ganh đua để Ngài có thể trở lại cứu một dân tộc đã phản loạn đối với Ngài (Rôma 11:11–14), vì lời Ngài hứa với tổ phụ của họ. Do lòng ganh đua, một số người Do-thái sẽ tiếp nhận sự xưng công chính bởi đức tin vào Đức Chúa Jesus Christ, Đấng mà cha ông họ đã cự tuyệt và mượn tay quân La-mã giết đi. Vì vậy mà Phaolô đã hết sức chịu khổ để đạt được mục đích cho dân tộc mình được cứu. Ở chỗ nầy Phaolô trích Êsai 65:1Những người không tìm kiếm Ta thì đã gặp được Ta; Ta đã tỏ mình ra cho những người chẳng cầu hỏi Ta” (20). Dù Êsai nói về những người Israel đi lạc, nhưng Phaolô áp dụng nó cho các dân ngoại là những người đã tiếp nhận phúc âm qua chức vụ truyền giáo của ông.

Phaolô kết thúc đoạn nầy bằng lời Đức Chúa Trời phán trong Êsai 65:2Suốt ngày Ta dang tay hướng về một dân bất tuân và ngoan cố” (21), để giải thích về tình trạng vô tín của dân Do-thái vào thời của ông. Đức Chúa Trời không muốn dân Do-thái đi lạc, nhưng họ không chịu nghe Ngài. Israel có cơ hội được cứu rỗi, nhưng họ đã từ khước. Có phải Đức Chúa Trời từ bỏ họ luôn chăng? Phaolô nói rằng chắc chắn Chúa không từ bỏ họ hẳn đâu. Ngài có cách để đem họ trở lại với Ngài. Đó là những điều chúng ta sẽ nghiên cứu tiếp trong đoạn 11 sắp tới.

NamVungNiemTin22.docx

Rev. Dr. CTB