Nắm Vững Niềm Tin, bài 23

Rôma 11:1–16

Qua hai đoạn 9 và 10, sứ đồ Phaolô đưa ra một nan đề là: Hầu hết người Do-thái cự tuyệt phúc âm, nên những người ấy không nhận được ơn cứu rỗi. Nhưng người đọc Kinh Thánh sẽ đặt câu hỏi rằng: Đức Chúa Trời là Đấng luôn luôn thành tín; vậy, Ngài có giữ lời hứa với Abraham, Isaac và Jacob về việc cứu vớt dòng dõi của họ không? Qua đoạn nầy, sứ đồ Phaolô xác quyết rằng Chúa có một kế hoạch rất bất ngờ cho dân Israel. Mặc dù ở cuối đoạn trước, ông trích dẫn Êsai 65:2 lời Đức Chúa Trời than thở: “Suốt ngày Ta dang tay hướng về một dân bất tuân và ngoan cố.

Để giải thích về những điều Đức Chúa Trời đã, đang và sẽ làm, Phaolô nói: “Vậy tôi xin hỏi, Đức Chúa Trời có từ bỏ dân Ngài không?” Ông trả lời bằng cách lấy chính mình làm ví dụ “Chẳng hề như vậy! Vì chính tôi là người Israel, dòng dõi Abraham, thuộc chi tộc Benjamin” (1). Ông là bằng chứng sống về việc Đức Chúa Trời không từ bỏ dân Ngài. Ông khẳng định rằng: “Đức Chúa Trời không hề từ bỏ dân Ngài là dân mà Ngài đã biết trước” (2a). Biết trước ở đây không có nghĩa giống như sự tiên tri, nhưng nói về mối liên hệ Chúa có từ trước với dân Do-thái; tức là giao ước Ngài lập với tổ phụ họ. Ngài không từ bỏ họ vì đó là lời hứa với tổ phụ của họ mà Ngài vẫn giữ.

Rồi Phaolô trích 1Các Vua 19:10. Tiên tri Ê-li tưởng mọi người đều phản Chúa (3), chỉ một mình ông còn sót lại mà cũng bị lùng giết, thì Chúa trả lời (4). Dùng chuyện đó, Phaolô quả quyết: “Ngày nay cũng vậy, có một phần còn sót lại được lựa chọn bởi ân điển” (5). Ông nói điều nầy để tín hữu người Do-thái ở Rôma biết rằng khi họ đọc thư ông thì đã có hàng ngàn người Do-thái tin nhận Đức Chúa Jesus Christ, dù những người tin vẫn còn là số ít, là thành phần còn sót lại. Đó là người nhìn biết những việc Đức Chúa Trời làm trong Đức Chúa Jesus Christ. Số người ấy được lựa chọn bởi ân điển, không phải bởi lòng nhiệt thành đối với luật pháp. Vì vậy, Phaolô nói “Nhưng nếu bởi ân điển thì không cần đến việc làm nữa; nếu không, ân điển không còn là ân điển” (6).

Phaolô lại hỏi: “Vậy thì sao? Dân Israel đã không đạt được điều mình tìm kiếm. Những người được chọn thì đã đạt được, nhưng số còn lại thì trở nên cứng lòng” (7). Người Do-thái chân thành muốn được xưng công chính, nhưng các nỗ lực của họ không đạt được điều họ muốn; trong khi đó những người được chọn thì đã tiếp nhận phúc âm nên đạt được sự công chính của Chúa. Số người không đạt được trở nên cứng lòng, vì khi xu hướng của lòng họ nhắm tới việc thực hiện luật pháp để được xưng công chính, cự tuyệt lời mời gọi của Đấng Christ, thì Đức Chúa Trời phó họ vào sự cứng cỏi của chính họ (8). Nhưng Chúa không định cho họ bị hư vong; mặc dù họ làm theo sự suy nghĩ của truyền thống mình, mà sự mù lòa của họ rồi đây sẽ được chữa lành.

Phaolô trích lời David trong Thi Thiên 69:22–23 nguyền rủa kẻ thù mình sẽ bị sự trừng phạt của Chúa (9–10). Nhưng Phaolô thì không mong muốn đồng bào mình bị trừng trị và nhận lãnh tai họa vĩnh viễn không thể hồi phục (11a). Ông lý luận rằng đó là kế hoạch của Đức Chúa Trời khiến họ cứng lòng mà phạm tội. “Nhưng do sự phạm tội của họ mà sự cứu rỗi đã đến với dân ngoại để khiến họ ganh đua” (11b). Kế hoạch đầy bất ngờ của Chúa là dùng sự chống trả của người Do-thái để cứu rất nhiều dân ngoại; rồi Ngài dùng hiện tượng nhiều dân ngoại được xưng công chính nhờ đức tin vào Đức Chúa Jesus khiến cho người Do-thái phải ganh đua để được trở lại với Ngài.

Sự cự tuyệt của dân Do-thái đối với Đức Chúa Jesus Christ không dẫn tới việc họ không còn hy vọng được cứu. Họ sẽ được cứu, nhưng vào lúc nầy thì ơn cứu rỗi được giới thiệu cho dân ngoại ở khắp nơi. Thời xưa, Đức Chúa Trời phán qua Môise: “Ta sẽ làm cho các ngươi ganh tị với những dân không phải là dân; Ta sẽ làm cho các ngươi tức giận với một dân ngu dốt” (10:19b). Chúa hành động trái ngược với cách suy nghĩ của người Do-thái. Ngài đã ban ơn dồi dào trên các dân ngoại khiến cho người Do-thái phải ganh tị. Đó là niềm hi vọng và những nỗ lực trong chức vụ của Phao-lô. Ông nói rằng, dù sự phản nghịch của người Do-thái không tốt lành gì cho họ, nhưng điều ấy lại làm giàu cho thế gian, và sự thất bại của họ đem ơn phước đến cho dân ngoại, nếu họ được trở lại thì sẽ hạnh phúc biết chừng nào cho thế giới (12).

Phaolô nói với tín hữu dân ngoại: “Tôi nói với anh em là các dân ngoại: Bao lâu tôi còn làm sứ đồ cho dân ngoại, tôi sẽ còn làm rạng rỡ chức vụ mình để khơi dậy lòng ganh đua của đồng bào tôi, và cứu được một số người trong họ” (13–14). Phaolô tin rằng việc Đức Chúa Trời loại bỏ một số người Do-thái đã ban cho cả thế gian có cơ hội trở lại hòa giải với Ngài, thì việc họ được Đức Chúa Trời tiếp nhận trở lại giống như họ được sống lại từ cõi chết (15). Nghĩa là, sự thất bại của người Do-thái đã giúp cho mọi người khác có cơ hội được cứu rỗi, thì việc dân Do-thái sẽ tiếp nhận phúc âm không tốt hơn sao? Nhưng làm thế nào mà người đã bị loại bỏ có thể sống lại?

Sứ đồ Phaolô dùng sự phân tích để lý luận về vấn đề đó. Trước hết, ông dùng một ví dụ trong hệ thống thờ phượng của dân Israel: “Nếu phần bột đầu tiên được dâng là thánh thì cả đống bột cũng thánh” (16a). Theo luật pháp Đức Chúa Trời ban qua Môise thì không người nào trong dân Israel được phép ăn hoa lợi mùa màng cho tới chừng hoa lợi đầu mùa được dâng cho Chúa (Lêviký 23:14). Sau khi tế lễ đầu mùa đã dâng, thì toàn thể mùa gặt hái được thánh hóa, và người ta được ăn hoa lợi của mình. Trong bối cảnh nầy, hoa lợi đầu mùa là dân Israel còn sót lại, tức là số người Do-thái ít ỏi đã tiếp nhận Đức Chúa Jesus. Khi họ được dâng cho Đức Chúa Trời, có nghĩa là toàn thể dân tộc Do-thái được dành riêng ra cho Đức Chúa Trời.

Phaolô cũng phân tích: “Nếu rễ là thánh thì các cành cũng thánh” (16b). Rễ của người Do-thái tức là các thế hệ tổ tiên của họ. Nếu tổ tiên là thánh thì dòng dõi của họ cũng là thánh. Đức Chúa Trời không từ bỏ dòng dõi thánh của các tổ phụ. Đây chính là lý do mà Phaolô tin chắc dân Israel sẽ phục hồi. Tổ tiên của họ là những người nhận được lời hứa trước hết. Đức Chúa Trời phán với Abraham rằng Ngài sẽ ban phước cho ông khi ông chịu vâng lời kêu gọi của Ngài: “Ta sẽ làm cho con thành một dân lớn, Ta sẽ ban phước cho con làm rạng rỡ danh con, và con sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước con, nguyền rủa kẻ nào nguyền rủa con; mọi dân trên đất sẽ nhờ con mà được phước” (Sáng 12:2–3).

Abraham nhờ đức tin và sự vâng lời mà được Chúa kể là công chính. Dòng dõi Israel của ông nhờ cái rễ thánh của Abraham, Isaac và Jacob mà được làm các nhánh olive thánh hưởng phước thánh từ cái rễ ngàn xưa. Cho nên, sự kết thúc về sau của Israel sẽ được hưởng phước của cha ông giống như thuở ban đầu. Tình trạng được biệt riêng ra thánh đã được cấy vào lòng Abraham, Isaac và Jacob cùng mười hai tổ phụ. Dù cho tình cảnh của dân Israel bị gián đoạn ơn phước do sự cứng cỏi và tính hay nổi loạn của họ gây ra, nhưng sau cùng thì dòng giống thánh sẽ được phục hồi như lời Chúa đã hứa từ ban đầu.

Chúng ta ngày nay cũng vậy. Hãy giữ vững lòng trung tín thánh thiện trước mặt Chúa, thì con cháu của chúng ta về sau sẽ được thương xót. Hãy sống như những cái rễ thánh trước mặt Chúa.

NamVungNiemTin23.docx

Rev. Dr. CTB