Các Vấn Đề Quan Trọng, 34

the-path-to-heaven2

Ma-thi-ơ 5:1–12

Sau khi được tái sinh nhờ tin nhận Đức Chúa Giêxu, là Đấng Cứu Thế đã đến thế gian thực hiện ơn cứu độ của Đức Chúa Trời, thì Đức Thánh Linh sẽ bắt đầu thánh hoá đời sống con người bên trong của tín hữu.

Sau những nỗi vui mừng và bỡ ngỡ lúc ban đầu, chúng ta phải bình tâm để suy gẫm về Đức Chúa Giêxu, Đấng Cứu Chuộc mình có nghĩa là gì, và Ngài sẽ làm gì cho chúng ta?

Những người đồng thời với Ngài tin rằng Ngài là giáo sư đến từ trời (Giăng 3:2). Nhưng các lời dạy của Ngài trong bài giảng trên núi về những tiêu chuẩn mà người ta phải đạt để được lên thiên đàng, thì đã làm cho nhiều người thấy hết hi vọng; bởi vì họ thấy rằng họ sẽ chẳng bao giờ đạt tới trình độ thiên đàng đòi hỏi. Nếu chúng ta không biết các lời dạy ấy, thì có lẽ sẽ yên tâm hơn.

Bởi vì làm sao người ta dám hi vọng khi những lời dạy của Ngài đưa ra các lý tưởng cao vời mà không một ai trong loài người có thể mon men tới gần được.

Nếu Chúa dạy người ta những điều loài người không bao giờ có thể thực hiện được, thì lời dạy của Ngài chẳng có ích lợi gì cho người nghe hết.

Chẳng hạn: “Phước cho những người có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Đức Chúa Trời!” (8). Làm thế nào người trần gian có lòng trong sạch được? Thậm chí những người được người đời tôn lên làm thánh nhân, đều nhận biết rằng chẳng có lòng liêm khiết hoặc việc thiện nào của họ được xem là trong sạch trước Đức Chúa Trời cực thánh.

Ví dụ như một người vẫn hãnh diện về sự liêm khiết của mình là ông Gióp, đã than: “Trước đây tai con có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ mắt con đã thấy Ngài; vì vậy, con ghê tởm chính mình và ăn năn trong tro bụi” (Gióp 42:5–6).

Tiên tri Ê-sai, người vô cùng diễm phúc khi thấy sự oai nghi của Đức Chúa Trời và nghe tiếng Ngài trên thiên đàng, cũng than thở: “Tất cả chúng con đều trở nên như vật ô uế, mọi việc công chính của chúng con như miếng giẻ bẩn thỉu” (Ê-sai 64:6).

Thật ra, chúng ta phải hiểu biết Đức Chúa Giêxu và nhận Ngài làm Đấng Cứu Tinh của đời mình trước khi những lời dạy của Ngài trở nên thấm thía đối với chúng ta.

Những ai đã được tái sinh bởi Đức Thánh Linh sẽ biết rằng Đức Chúa Giêxu đến thế gian không phải chỉ để dạy cho người ta biết Đức Chúa Trời. Nhưng Ngài đến để làm cho những người tin Ngài trở thành những người mà họ phải trở thành như mọi lời Ngài đã phán dạy.

Sự Cứu Chuộc mà Đức Chúa Giêxu đã thực hiện có nghĩa gì?

Ngài đã dùng mạng sống Ngài chuộc chúng ta ra khỏi quyền lực của satan, khỏi sự chết vĩnh viễn, và khỏi quyền lực của tội lỗi nhằm mục đích gì?

Chúng ta phải hiểu kỹ càng các vấn đề quan trọng nầy để biết cách thức đáp ứng với chương trình hạnh phúc mà Chúa muốn đưa chúng ta vào, rồi tiến lên những trình độ cao hơn trong tiến trình thánh hoá và trên đường về thiên quốc của chúng ta.

Sự suy nghĩ đầy chủ quan của vô số người theo đạo là: Chúa đã thực hiện ơn cứu chuộc loài người, mình đã tiếp nhận ơn cứu độ đó, nên Chúa sẽ ban ơn cho mình; chỉ cần đi lễ nhà thờ, đọc Kinh-thánh và vài phút cầu nguyện mỗi ngày, thì mình sẽ được thánh hoá theo thời gian thôi.

Sự suy nghĩ ấy đã khiến vô số người giữ đạo mà chẳng biết cộng tác với Đức Thánh Linh trong tiến trình thánh hoá; vì vậy, họ chưa kinh nghiệm được niềm vui của một người được đổi mới về linh và hồn mình.

Thế thì, ý nghĩa thật của ơn cứu chuộc là gì?

Cứu chuộc có nghĩa là Đức Chúa Giêxu nhận lãnh án chết thay cho ta, nếu ai tiếp nhận ơn ấy thì Ngài đặt vào lòng người đó chính tính cách, hay bản thể, đã điều khiển sự sống con người của Ngài ở thế gian.

Mục đích của hành động ân huệ đó là giúp chúng ta có thể đạt đến các tiêu chuẩn đạo đức và thánh khiết mà Đức Chúa Trời đòi hỏi.

Bởi vì nếu tất cả các tiêu chuẩn của Ngài đều căn cứ trên bản thể ấy, thì tính cách của Đức Chúa Giêxu sẽ trở thành động lực điều khiển sự suy nghĩ và các hành động bình thường hàng ngày của chúng ta, như thể là chúng ta vốn có những tính cách ấy từ lúc sinh ra.

Tín hữu sẽ không cần phải nỗ lực một cách khó khăn về tất cả các quyết định đạo đức và cách cư xử với người chung quanh trong những mối liên hệ của cuộc sống mỗi ngày.

Tính cách đặc biệt trong con cái thật của Đức Chúa Giêxu không phải là những việc lành mà người đó làm, nhưng bởi ân sủng của Đức Chúa Trời tánh thiện hảo trở thành động lực thúc đẩy người đó hành động và lập quyết định.

Bởi vì điều duy nhất vượt xa sự làm việc thiện, là có bản chất thiện từ trong lòng mà không cần phải cố gắng làm việc thiện.

Điều nầy khác xa sự thúc đẩy hành vi tu hành của người muốn tự sửa mình thành người tốt theo tiêu chuẩn loài người nghĩ ra; những tiêu chuẩn dù có cao thượng đến đâu đi nữa vẫn là quá thấp so với tiêu chuẩn cực thánh cao chót vót của cõi thiên đàng.

Những người thành tâm muốn biết các điều kiện của cõi thiên đàng sẽ ngã lòng khi nghe bài giảng trên núi của Đức Chúa Giêxu. Thật ra, bài giảng ấy có mục đích làm người nghe thất vọng.

Bởi vì nếu chúng ta cảm thấy mình có một chút gì xứng đáng, hoặc có khả năng thực hiện những điều Đức Chúa Giêxu dạy, mà không cần tới sự ban cho bản thể của Ngài vào trong ta, thì sau một thời gian cố gắng thực hiện, sẽ thấy sự ngu dại của mình lộ ra khi bị vấp váp bởi những trở ngại trên đường đời mà tánh tình loài người trong chúng ta không vượt qua nổi.

Lúc đó chúng ta mới nhận ra khả năng thật của mình, mới chịu đến với Chúa bằng một tâm linh hoàn toàn túng thiếu, quẫn bách, mà Đức Chúa Giêxu gọi là “người nghèo khó tâm linh” (3), để cầu xin Ngài ban cho bản thể của Ngài.

Vì chúng ta đã nhận biết rằng nguyên tắc đầu tiên của Vương-quốc Đức Chúa Trời đối với những ai muốn vào đó là nhận biết tâm linh mình nghèo khó và chẳng có gì để tự hào.

Người ta tự hào là khi họ sở hữu một thứ gì đó hơn hẳn mọi người khác chung quanh họ. Ví dụ như hãnh diện về tinh thần hi sinh, khả năng giảng dạy, truyền giáo, vv…

Nhưng khi đứng trước mặt Đức Chúa Trời và sự thánh khiết của Ngài, thì nhận ra và biết rõ bản chất bại hoại của lòng người; rồi sẽ mong mỏi một đời sống được thánh hoá đẹp ý Ngài. Chỉ tấm lòng nào như vậy mới nhận ra sự tuyệt đối vô dụng của mình đối với cõi trời!

Khi tín hữu nhận ra tâm linh nghèo khó, túng quẫn và vô dụng của mình, rồi thú nhận trước mặt Chúa rằng: “Chúa ôi! Con không thể nào đạt nổi sự trong sạch!” Thì lúc ấy Đức Chúa Giê-xu nói rằng: “Phước cho con, vì con đã tìm được cửa vào thiên đàng!

Người nào cũng phải trải qua một thời gian dài mới tiến tới chỗ nhận biết tâm linh mình thực sự nghèo túng và không có khả năng đạt các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Khi nhận biết rõ tâm linh mình thật là nghèo khổ, thì đó là lúc chúng ta thành công.

Đức Chúa Giêxu có lần dạy rằng: “Ta lại nói với các con, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Vương-quốc Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 19:24).

Mặc dù bối cảnh trong chuyện tích nầy là người trẻ tuổi giàu có tiền bạc không muốn bỏ của cải mình để theo Chúa, nhưng cũng có thể áp dụng vào bài học cần có một tâm linh nghèo khó mới được vào nước Trời.

Bởi vì ai hãnh diện về khả năng của tâm linh mình, giống như một đời sống rất giàu có, thì việc vào nước Trời của người đó cũng khó hơn việc con lạc đà chui qua lỗ kim.

Khi các môn đồ của Đức Chúa Giêxu hỏi Ngài: “Vậy thì ai có thể được cứu?’ Đức Chúa Giêxu nhìn họ và phán: ‘Loài người không thể làm được điều nầy, nhưng Đức Chúa Trời làm được mọi sự” (Ma-thi-ơ 19: 25–26).

Người ta không thể tự tạo ra bản thể, tức là tính cách, của Đức Chúa Giêxu. Nhưng Đức Chúa Trời có thể đặt bản thể đó vào lòng người tin nào thực sự biết tâm linh mình nghèo khó.

Qua công tác Cứu Chuộc, Đức Chúa Giêxu có thể đặt vào lòng, bất cứ người tin nào có tâm linh nghèo khó, tính cách của chính Ngài. Và Ngài có đủ quyền năng biến đổi người đó trở nên thanh sạch và thật thà như một trẻ nhỏ.

Sự thanh sạch mà Đức Chúa Trời đòi hỏi chỉ có thể thực hiện được trong người nào đã thật được tái sinh bởi quyền năng của Đức Thánh Linh qua ơn cứu độ của Đức Chúa Trời bởi thập tự giá của Đức Chúa Giêxu Christ.

VanDeQuanTrong34.docx

Rev. Dr. CTB