Dân-số-ký – bài 14

Dân-số-ký 20:1–29

Nguyên bản ký sự ghi chép cuộc hành trình của Israel từ Ai-cập tới miền đất hứa, mà người đời sau tin rằng do Môi-se viết, thì đã bị thất lạc qua thời gian lâu ngày. Những gì còn lại ngày nay là những bản sao được các văn sĩ Do-thái chép lại sau thời kỳ bị lưu đày ở Babylon trở về.

Vì thế, chi tiết thời gian các chặng di chuyển trong hoang mạc và địa danh của những nơi dừng lại đóng trại thì không rõ ràng và dễ bị lầm lẫn. Như chỗ nầy chép: “Tháng giêng, cả hội chúng Israel đến hoang mạc Zin và dừng lại tại Kadesh. Miriam qua đời và được chôn tại đó” (1).

Ở phần trước thì ghi là sau khi tới đóng trại tại hoang mạc Paran, dân Israel cử mười hai thám tử từ hoang mạc Zin đi do thám xứ và trở về tường thuật cho cả hội chúng tại Kadesh ở hoang mạc Paran; Zin là hoang mạc nhỏ hơn nằm ở phía đông bắc của hoang mạc lớn Paran (Dân-số 12:16; 13:21, 26; Phục-truyền 1:19).

Một số học giả tin rằng đây là tháng giêng của năm thứ bốn mươi, sau ba mươi tám năm dân Israel lưu lạc trong hoang mạc. Một số học giả khác không đồng ý với nhận định nầy mà tin rằng đây là tháng giêng của năm thứ ba, và Miriam chết ở đó sau vụ bà chỉ trích Môi-se cưới vợ người Ethiopia (Dân-số 12:1, 10–16).

Như người học Kinh-thánh đã thấy sách Dân-số-ký không ghi các sự kiện theo thứ tự thời gian, mà sắp xếp thứ tự sự kiện theo cách tác giả cho là quan trọng. Vì lý do đó, người đọc phải cẩn thận so sánh các sự kiện ở sách nầy với những lời giảng của Môi-se ở sách Phục-truyền để nhận định thứ tự thời gian của mọi việc diễn ra cho chính xác, không lầm lẫn.

Chuyện tích về nước từ tảng đá phun ra đã được chép một lần ở Xuất Ai-cập 17:1–7. Tuy nhiên, chỗ nầy thuật lại nhiều chi tiết hơn. Có người cho rằng hai chỗ tường thuật phép lạ nước phun ra từ tảng đá là hai trường hợp khác nhau, nên người đọc hãy xem xét để biết rõ nó là hai hay chỉ là một.

Ký thuật trước nói rằng việc xảy ra ở Rephidim thuộc hoang mạc Sin, Môi-se đặt tên nơi đó là Massah, thử thách, và Meribah, là cãi cọ (Xuất 17:7).

Ở chỗ nầy (2–13), cũng được Môi-se đặt là Meribah, cãi cọ, mà Đức Chúa Trời gọi là cãi cọ tại Kadesh trong hoang mạc Zin (Dân số 27:14), rồi về sau Ngài cũng nhắc lại nơi đó là mạch nước Meribah ở Kadesh trong hoang mạc Zin (Phục truyền 32:51).

Lần trước thì Đức Chúa Trời bảo Môi-se dùng cây gậy đập vào tảng đá cho nước sẽ chảy ra. Lần sau Chúa bảo ông ‘nói’ với tảng đá, nhưng ông lại dùng gậy đập hai lần nên bị phạt (12).

Qua câu nói của dân Israel gây chuyện với Môi-se “anh em chúng tôi đã chết trước mặt Đức Giê-hô-va; phải chi chúng tôi cũng chết với họ cho rồi!” (3), người đọc hiểu ý họ muốn nói về tai hoạ đã xảy ra cho các gia đình Korah, Dathan và Abiram (Dân số 16:31–33); cho nên, việc diễn ra ở đây phải là năm thứ ba, bởi vì không phải họ nhắc lại chuyện hơn 37 năm về trước.

Những người thuộc thế hệ hay gây sự nầy vẫn thường đòi hỏi những điều họ đã hưởng tại Ai-cập (4–5). Môi-se và A-rôn lại tới trước cửa Lều Hội-Kiến và sấp mặt xuống đất để trình nan đề lên Đức Chúa Trời để Ngài trả lời.

Cây gậy Chúa bảo Môi-se hãy cầm lấy, có lẽ là cây gậy trổ hoa của A-rôn vẫn để trước Rương Giao-Ước trong gian chí thánh, hoặc là cây gậy quyền phép đem đi từ Ai-cập (6–8).

Môi-se dùng gậy đập tảng đá hai lần thay vì truyền cho tảng đá phải phun nước ra, nên bị kể là không tin để tôn thánh Đức Chúa Trời trước mặt dân chúng. Vì thế, ông và A-rôn không được dẫn dân Israel vào đất hứa (9–12). Tên Meribah, gây sự, được lặp lại ở nơi nầy (13).

Từ Kadesh, các sứ giả của Môi-se đi gặp vua Ê-đôm xin phép cho Israel đi ngang qua đất Ê-đôm để vào đất hứa, nhưng vua Ê-đôm không cho, dù Môi-se hứa sẽ không làm hại chút gì; chắc chắn dòng dõi của Ê-sau vẫn còn nhớ mối thù của tổ tiên, nên họ không tin cậy Israel, vốn là họ hàng ruột thịt. Đã vậy, họ còn đem một đạo quân hùng hậu ra ngăn chận dân Israel (14–20).

Theo tường thuật ở Các Quan Xét 11:16–17, thì Israel ở lại tại Kadesh một thời gian nữa. Sau đó họ đi vòng biên giới của Ê-đôm mà không tấn công dân tộc họ hàng ấy (21), vì Đức Chúa Trời nghiêm cấm Israel xâm phạm lãnh thổ của người Ê-đôm (Phục truyền 2:4–6).

Địa điểm của núi Hor ở chỗ nào thì hiện nay không ai biết. Theo sự tường thuật thì núi Hor gần biên giới xứ Ê-đôm (22). Một địa danh hiện giờ có tên là Hârun, cách Kadesh một ngày đi bộ thì không đáng cho cả hội chúng Israel phải dời trại quân của họ.

Người ta nghĩ rằng có lẽ từ chữ ‘har’ trong tiếng Hebrew, nghĩa là núi, mà thành tên Hor, mà mỗi chặng dừng chân của Israel là vài ngày đường; cho nên, đỉnh núi Hor nói tới ở chỗ nầy là một đỉnh núi trong vùng dãy núi Seir gần biên giới Ê-đôm.

Đức Chúa Trời bảo Môi-se phải đem A-rôn và Eleazar lên trên núi để trao chức vụ thầy tế lễ thượng phẩm cho Eleazar. Vì đã tới ngày A-rôn qua đời, ông không được vào xứ mà Chúa ban cho dân Israel. Vì Chúa nói rằng “vì các con đã nổi loạn không vâng theo mệnh lệnh Ta về nước uống Meribah” (23–24).

Thời nay, chúng ta ít khi quan tâm để thấy hậu quả của sự không vâng theo mệnh lệnh Chúa truyền; bởi vì trong thời đại ân điển nầy, Đức Chúa Trời luôn ban cho các con cái Ngài cơ hội ăn năn những sự vi phạm, dù cố ý hay vô ý. Cho nên, tín hữu vẫn thường xuyên có nếp sống không vâng lời Đức Chúa Trời mà không có một chút lo sợ nào về sự trừng phạt của Chúa.

Môi-se và A rôn đã từng thấy nước chảy ra từ vầng đá. Đức Chúa Trời bảo hãy truyền cho tảng đá phun nước ra. Môi-se lại làm như lần trước là dùng cây gậy quyền năng đập vào tảng đá, mà vì tức giận dân Israel nên đập hai lần. Mặc dù Đức Chúa Trời vẫn cho nước phun ra từ tảng đá, nhưng Ngài xem hành động ấy là không tin Ngài để tôn thánh Ngài trước mặt hội chúng Israel.

Chúng ta hãy khắc ghi bài học quan trọng nầy. Vì ý riêng của chúng ta thường dẫn đến hậu quả xấu.

Môi-se phải đem A-rôn và Eleazar lên trên núi rồi cởi lễ phục A-rôn ra mà mặc cho Eleazar. Ngay sau khi lễ phục của A-rôn cổi ra khỏi ông, thì ông ngã xuống chết, vì “tại đó A-rôn sẽ được tiếp về với tổ tiên và qua đời” (25–28). Chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm về chi tiết nầy để thấy sự thương xót và chương trình của Đức Chúa Trời.

Mấy năm trước đó, A-rôn lấy vòng vàng của dân Israel nộp cho mà đúc một cái tượng bò con bằng vàng. Đáng lẽ ra ông phải bị lãnh hình phạt tội chết, vì ông đã phạm một tội trọng. Nhưng lúc ấy luật pháp chưa được ban ra, mà Đức Chúa Trời đã định sẽ ban chức tế lễ cho ông và các con trai ông. A-rôn được sống và thi hành chức tế lễ cho tới thời điểm Chúa đã định cho ông.

Tuy A-rôn nói xấu Môi-se, người Chúa chọn lựa, nhưng khi nào ông còn mang bộ lễ phục tế lễ thượng phẩm thì ông vẫn sống; nhưng thời điểm bộ lễ phục bị cổi ra thì ông chết; bởi vì bộ lễ phục của chức vụ là món đã bảo toàn mạng sống của ông.

Bài học nầy nhắc nhở những người hầu việc Chúa. Đừng nghĩ rằng mình đang được bình an vì Đức Chúa Trời không quan tâm đến những lỗi lầm mình đã phạm trong lúc đang giữ chức vụ. Chính chức vụ thánh là “bộ lễ phục” bảo toàn mạng sống của người đang hầu việc Chúa. Chừng nào bị Chúa “cổi bỏ lễ phục” ấy, thì đó là ngày phải chịu hậu quả của những lầm lỗi kín đáo mà chưa chịu ăn năn để nhận được sự tha thứ.

Giống như chức vụ của A-rôn được Chúa chỉ định đặc biệt, không phải hễ người nào được gọi hay xưng mục sư là đương nhiên được chọn; chỉ có Chúa mới xác nhận ai là người được Ngài đem vào chức vụ. “Môi-se cổi lễ phục của Arôn và mặc cho Eleazar, con trai người. A-rôn qua đời ở đó, trên đỉnh núi” (28).

Dân Israel khóc thương A-rôn trong ba mươi ngày (29). Thời điểm từ khi Israel đóng trại lâu ngày ở Kadesh cho tới ngày A-rôn qua đời thì không rõ là bao lâu. Nhưng khi phỏng đoán lộ trình của Israel từ Kadesh thuộc hoang mạc Zin tới vùng biên giới phía đông của Mô-áp, người ta thấy rằng họ phải di chuyển rất xa và rất lâu dài.

Cho nên, có lẽ A-rôn qua đời trước khi Israel tiếp tục cuộc hành trình lâu dài của họ qua các hoang mạc mênh mông.

Dansoky14.docx
Rev. Dr. CTB