Hợp Nhất

Êphêsô 4:1–10

Ba đoạn đầu của thư Êphêsô là các giáo lý nền tảng của phúc âm để dạy cho tín hữu biết về những chân lý vĩ đại và giáo lý của Tin Mừng.  Các đoạn tiếp theo là những vấn đề và mệnh lệnh thực tiễn để hướng dẫn đời sống và cách hành xử của tín đồ. Mọi Cơ-đốc-nhân phải cố gắng theo đuổi sự lành mạnh của đức tin và sống cách mực thước trong đời sống và tập quán.  Những điều đã nói trong các đoạn trước là các đặc quyền của tín đồ, mà khi nghe đến chúng ta rất được khích lệ.  Những điều chúng ta sẽ học sau đây là các bổn phận của Cơ-đốc-nhân, và những gì Chúa đòi hỏi chúng ta phải làm để nhận được các đặc quyền đã nói.  Bí quyết để được hưởng những đặc quyền là thực hiện những nhiệm vụ nêu ra trong các đoạn tiếp theo.  Sự nghiêm túc tìm hiểu và tin cậy những giáo lý đã được dạy trong phần trước là nền tảng vững chắc để thực hiện các phận sự sẽ được trình bày kế tiếp.  Đức tin và cách hành xử Cơ-đốc có tương quan mật thiết với nhau.

Như đã tự nhận ở 3:1, Phaolô nhắc lại ông là người tù của Chúa; nghĩa là ông không xấu hổ về xiềng xích của mình khi phải chịu khổ vì Tin Mừng.  Sau khi cho các tín hữu tại Êphêsô biết về huyền nhiệm của Chúa và tình yêu thương của Đức Chúa Giêxu, tức là mọi điều tốt lành mà Chúa đã ban cho họ, Phaolô nài xin họ “sống xứng đáng với sự kêu gọi của Ngài” (1).  Không phải là gửi quà an ủi, hoặc dùng khả năng của họ để giải thoát Phaolô ra khỏi lao tù, là điều các tù nhân thường nài nỉ bạn bè của họ, nhưng là hãy cố gắng làm tín hữu tốt và sống xứng đáng với sự kêu gọi do ân điển của Chúa.  Chúng ta được gọi là Cơ-đốc-nhân thì phải đáp ứng xứng đáng với tên gọi ấy.  Chúng ta được gọi vào vương quốc của Đức Chúa Trời và vinh quang của Ngài, cho nên phải sống cách nào để xứng đáng được thừa hưởng vinh quang và vương quốc ấy.

Phaolô đưa ra chỉ dẫn về cách sống mà chúng ta cần làm theo để xứng đáng với sự kêu gọi: “với tất cả sự khiêm nhường, dịu dàng, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong tình yêu thương, cố gắng duy trì sự hợp nhất của Thánh Linh, liên kết nhau trong sự hoà thuận” (2–3).  Hai chủ đề mà vị sứ đồ nói đến là hợp nhất, yêu thương và thanh sạch, thánh khiết.  Chúng ta không thể sống xứng đáng với sự kêu gọi nếu không trở thành những người bạn trung thành với mọi tín hữu, cũng như biết thù ghét tội lỗi.  Yêu thương là luật của vương quốc Đấng Christ, bài học ở trường của Ngài, cách sống của gia đình Ngài.  Cách thức để đoàn kết là “hạ mình, dịu dàng, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong tình yêu thương” (2).  Biết hạ mình là biết khiêm nhường, dịu dàng là không chọc giận người khác cũng không dễ tức giận trước tánh xấu của họ.  Nhẫn nại chịu đựng là chịu thiệt thòi không oán giận trả đũa. Nếu chúng ta dễ tha thứ cho mình thì cũng nên áp dụng sự dễ tha đó đối với người khác. Bước đầu tiên để đoàn kết là hạ mình, không hạ mình thì không thể dịu dàng nhẫn nại, chịu đựng.  Tánh kiêu căng phá vỡ hoà bình và gây ra đủ thứ tai hoạ, nhưng sự khiêm nhường và dịu dàng sẽ phục hồi và duy trì sự hoà thuận.

Sứ đồ Phaolô mô tả bản chất của sự hợp nhất là: “sự hợp nhất của Thánh Linh” (3).  Chỗ ở của sự hợp nhất Cơ-đốc nằm trong lòng hoặc tâm linh chúng ta.  Nó không nằm trong một mớ lý thuyết hoặc hình thức thờ phượng.  Sự hợp nhất của Thánh Linh Đức Chúa Trời là sự đoàn kết của tấm lòng và tình cảm trong chúng ta do Ngài nắn đúc, là một hoa trái của Đức Thánh Linh.  “Cố gắng” nghĩa là chúng ta phải làm hết sức mình.  Nếu có người nào tìm cách cãi cọ thì chúng ta tránh hết sức để không cãi vã.  Có ai ghét hoặc khinh thường mình thì mình chẳng khinh ghét trả lại.  Sự hoà thuận là một sự liên kết nhiều người lại với nhau, khiến họ sống thân thiện.  Ý hướng và hành xử hoà thuận liên kết tín hữu với nhau làm cho Hội Thánh vững mạnh, vì hoà thuận là sức mạnh của một tổ chức, giống như nhiều sợi chỉ nhỏ kết lại với nhau rất là khó đứt.  Thế nhưng không nên kỳ vọng rằng mọi người đều có đồng quan điểm và tình cảm.  Dù một bó gậy cột chung rất khó bị bẻ gãy, trong bó gậy ấy vẫn có nhiều cây dài ngắn khác nhau.

Các động lực thúc đẩy sự hợp nhất nầy là chúng ta chỉ có chung “một thân thể và một Thánh Linh” (4).  Mỗi thân thể chỉ có một trái tim, nên mọi chi thể thuộc về thân thể đó phải lệ thuộc trái tim ấy.  Hội Thánh chung là thân thể mầu nhiệm của Đức Chúa Giêxu Christ.  Mọi con cái thật của Chúa làm thành thân thể ấy và được Đức Thánh Linh làm cho sống động.  Nếu chúng ta thuộc về Christ thì được đồng một Đức Thánh Linh điều khiển, do đó chỉ thuộc về một thân “như anh em được gọi đến với một hi vọng.” Mọi tín hữu đều được gọi đến với một hi vọng về sự sống vĩnh cửu, một hi vọng vào Đấng Christ, một thiên đàng để đến; vì thế họ phải một lòng với nhau. “Một Chúa” tức là Đấng Christ, đầu của Hội Thánh, mà mọi tín hữu phải vâng phục Ngài. “Một đức tin” (5) tức là phúc âm chứa đựng giáo lý của niềm tin Cơ-đốc, qua đó mọi tín hữu được cứu rỗi, “một báp-têm” là hành động xưng nhận đức tin của chúng ta qua phép báp-têm bằng nước nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh; qua đó chúng ta bước vào một giao ước thánh, đồng hoá với Đức Chúa Giêxu Christ.

“Một Đức Chúa Trời, Cha của mọi người, trên mọi người, vì mọi người và trong mọi người” (6). Đức Chúa Trời là Đấng nhận tất cả tín hữu thật của Hội Thánh làm con cái Ngài, để làm Cha của mọi tín hữu bằng một mối liên hệ đặc biệt; vì Ngài là Cha của mọi người qua sự sáng tạo, và vì những sự toàn hảo vinh quang của bản thể Ngài, Ngài cai trị trên mọi tạo vật, đặc biệt là trên Hội Thánh, thì Ngài là trên cả mọi loài.  “Vì mọi người” nghĩa là nhờ sự cung ứng và quyền tể trị của Ngài để mọi vật được sống và được giữ vững đúng chỗ.  “Trong mọi người” nghĩa là bởi Đức Thánh Linh và ân điển đặc biệt, Ngài ngự trong mọi tín hữu là đền thờ của Ngài.

“Tuy thế, mỗi chúng ta nhận được ân điển nhiều hay ít tuỳ theo số lượng tặng phẩm của Đấng Christ” (7).  Có thể rằng mọi thành viên trong Hội Thánh của Chúa đồng ý với nhau về rất nhiều điều, nhưng họ khác nhau về một số điều; đó là vì không phải mọi người đều nhận được ân điển bằng nhau.  Mỗi người trong Đấng Christ đều được Chúa ban cho một số tặng phẩm của ân điển theo loại, hoặc mức độ, hay trình độ nào đó, để có thể giúp đỡ lẫn nhau.  Một số người hầu việc Chúa được ban ân điển hay lượng ân tứ nhiều hơn, người khác được ít hơn; nhưng điều ấy không nên là cớ gây ra thứ tình cảm ganh ghét đối với nhau.  Bởi vì mọi ân điển và ân tứ đều đến từ một tác giả hào phóng, và chúng được tạo ra chỉ nhằm các mục đích tốt đẹp chung. Chúa biết năng lực và tính hiệu quả của từng người khi Ngài ban thứ tặng phẩm nào cho người đó để đạt đến ích lợi cao nhất cho Hội Thánh.  Ấy là lý do chúng ta phải biết yêu thương nhau, vì “mỗi chúng ta đều được ban cho ân điển,” không phải do tài năng mình tạo ra.

Phaolô nhắc tới Thi Thiên 68:18 để nói về mối liên hệ giữa việc Đấng Christ đã đến thế gian với sự ban cho các tặng phẩm của ân điển (8). “Khi lên cao” nghĩa là Đấng Christ mang bản chất loài người khi Ngài lên các tầng trời cao nhất của thiên đàng trong địa vị được Đức Chúa Cha tôn cao và ban vinh quang.  “Ngài dẫn theo các tù nhân” là hình ảnh tướng thắng trận vinh diệu trong cuộc diễn hành chiến thắng thời Cựu Ước dẫn theo sau chuỗi tướng bại trận; là những kẻ trước đây cầm giữ nhiều người trong tù ngục của họ.  “Và ban phát tặng phẩm cho loài người” là hình ảnh vị tướng chiến thắng hào phóng phân phát chiến lợi phẩm cho quân sĩ. “Ngài lên cao có nghĩa gì, nếu không phải là Ngài đã xuống các nơi thấp của đất? Đấng đã xuống cũng đã lên cao, cao hơn tất cả các tầng trời, để Ngài có thể làm trọn mọi sự” (9–10).  Đấng Christ đã khiêm nhường hạ mình trước.  Ngài đã xuống trần để chịu chết và bị chôn, đã xuống “các nơi thấp của đất” tức là âm phủ, rồi sau đó được tôn cao để Ngài có thể ngự trong lòng mỗi tín hữu, ban cho tặng phẩm và ân điển tuỳ theo điều kiện hay tình trạng của lòng mỗi người đối với Ngài.  Đối với Hội Thánh là thân thể Ngài, thì sau khi được cất lên cao hơn hết trên các tầng trời, Ngài ban cho nhiều người giữ nhiều chức vụ khác nhau để trang bị cho các tín hữu tùy theo nhu cầu của Hội Thánh.

Epheso08.docx

Rev. Dr. CTB