Giô-suê, bài 14

Giô suê 15-21

Trong sự phân chia đất đai, đại diện của các chi tộc đến bắt thăm một cách trang nghiêm, trật tự trước lãnh tụ Giô-suê và thầy tế lễ thượng phẩm Eleazar.

Vì hai chi tộc rưỡi đã được ban phần đất của họ ở phía đông sông Jordan, nên chỉ có chín chi tộc rưỡi phân chia đất với nhau cộng với các thành phải cấp phát cho chi tộc Lêvi.

Mặc dù cho tới nay chưa ai biết rõ cách bắt thăm phân chia đất đai được thực hiện như thế nào, nhưng người ta đoán là phải có hai cái hũ, một để chứa tên của chín chi tộc rưỡi, cái kia chứa các thăm ấn định vị trí các phần đất.

Chưa ai biết chắc thời ấy người ta dùng vật liệu gì để làm lá thăm; bởi vì giấy chưa là vật liệu phổ thông, nên rất có thể họ dùng các mảnh gỗ mỏng hoặc da thuộc lạng mỏng (15:1).

Trong địa phận của chi tộc Giu-đa, thì Giô-suê cấp cho Caleb thành Kirjath-Arba, về sau đổi tên là Hebron (15:2-20). Đất của chi tộc Giu-đa rộng và có nhiều thành nhất (15:21-62), nhưng sách không nói cách chia đất dựa trên tiêu chuẩn nào.

Hãy để ý là sách Giô-suê và một phần Ngũ kinh được viết lâu ngày sau khi các sự kiện đã xảy ra, cho nên, tên thành hay địa danh là tên được gọi vào thời kỳ sách được viết. Vì thế, thành Salem được gọi là Jerusalem. Còn người Jebusite vẫn ở tại thành đó (15:63) trong địa phận của chi tộc Giu-đa, cho tới khi bị David chiếm thành và diệt họ khỏi đất ấy. Thế thì, sách nầy có lẽ được chép ở thời các thẩm phán trước khi David xuất hiện.

Chi tộc Ephraim được chia cho miền đồi núi phía bắc của Giu-đa và Benjamin (16:1-10). Tuy nhiên, trong tiến trình phân chia đất, vì con cháu của Joseph là hai chi tộc Ephraim và Manasseh đã trở thành một dân đông người, nên họ tranh luận với Giô-suê vì phần đất họ bắt thăm được là quá hẹp, không đủ cho họ ở.

Giô-suê bảo họ hãy khai phá lên phía bắc, vì lúc đó dân Israel chưa đuổi được hết người Canaan ở các vùng chưa khai phá (17:14-18).

Trước việc đó, Manasseh được chia cho một vùng đất gần với anh em ruột thịt của họ ở bên kia sông Jordan (17:1-10). Trong địa phận của họ, người Canaan vẫn còn ở các thành cũ (17:11-13) mà Israel chưa đuổi đi nổi.

Giô-suê nói chắc chắn rằng: “Nhưng miền đồi núi sẽ thuộc về anh em, dù chỉ là đất rừng, anh em cũng sẽ khai phá nó, và biên cương của nó sẽ thuộc về anh em; vì anh em sẽ đuổi được dân Canaan mặc dù chúng có thiết xa và hùng mạnh” (17:18). Nương cậy Chúa sẽ thắng, thiếu đức tin thì sợ hãi.

Sau bảy năm đóng trại ở Gilgal, Israel dời Rương Giao Ước và Lều Tạm tới Shiloh, một địa điểm thuộc phần đất của Ephraim, khoảng mười dặm về phía nam của Si-chem, và mười sáu dặm về hướng bắc của Jerusalem. Toàn thể dân Israel đều tập họp tại đây (18:1).

Bất cứ quyết định nào liên quan tới Đền Tạm và Rương Giao Ước đều phải do Đức Chúa Trời truyền bảo, thì Israel mới dám thực hiện.

Hãy để ý thấy dù bảy chi tộc còn lại chưa nhận được đất, họ vẫn lần lữa chưa tiến thêm vào các vùng đất mới (18:2-3). Có lẽ cuộc sống bắt đầu no đủ và êm ấm rồi, dân Israel ngán ngẩm trận mạc nên cứ tập trung chung quanh Đền Tạm, không muốn tiếp tục chiến tranh nữa.

Vì thế, Giô-suê phải bảo bảy chi tộc còn lại cử ba người cho mỗi chi tộc, để những người đó sẽ đi vẽ bản đồ khắp phần đất còn lại và chia ra làm bảy phần, rồi họ sẽ bắt thăm tại Shiloh (18:4-10).

Chi tộc Benjamin bắt thăm trúng phần đất nằm kẹp giữa Giu-đa và Ephraim, trong đó có Giê bu, tức là một phần của thành Jerusalem sau nầy (18:11-28). Riêng chi tộc Simeon bắt thăm được phần đất nằm giữa địa phận của Giu-đa (19:1-9), vì phần đất của Giu-đa rất rộng.

Cái thăm thứ ba do Sa-bu-lôn bốc được. Chúng ta chưa đến tận nơi, cũng không biết rõ những điểm đặc biệt từng vùng đất của từng chi tộc như thế nào, nhưng theo các học giả Kinh Thánh thì các chi tộc đều bắt thăm trúng phần đất mà Jacob đã nói tiên tri trước khi qua đời (Sáng thế 49:13-21). Phần đất của chi tộc Sa-bu-lôn ở gần biển chứ không sát bờ biển như Asher (19:10-16).

Issachar được phần đất nằm giữa các chi tộc anh em mình, có mười sáu thành và các làng mạc chung quanh (19:17-23). Yên ổn lo chuyện chăn nuôi như đã được tổ phụ Jacob nói tiên tri hơn bốn thế kỷ trước.

Chi tộc Asher bốc thăm được phần đất dọc theo phía bắc bờ đông Địa Trung Hải (19:24-31). Theo lời tiên tri của Jacob thì Asher sẽ cung cấp cao lương mỹ vị cho vua (Sáng thế 49:20); vậy có lẽ là hải sản mà các chi tộc khác không tìm được.

Cũng cần biết là mặc dù phần đất của Giu-đa có bờ biển khá dài, nhưng đó là lãnh địa của người Philistine, kẻ thù truyền kiếp của Israel vào thời các thẩm phán mãi đến sau nầy trong thời các vua của Israel và Giu-đa, trước khi quân của Babylon kéo đến đánh bại, xoá sổ dân Philistine, một số bị lưu đày qua Babylon rồi bị biến mất khỏi lịch sử.

Vì thế, vào thời Israel bắt đầu chinh phục vùng đất hứa cho tới khi trở thành vương quốc, họ không chinh phục được dân Philistine. Cho đến khi David làm vua đánh bại mọi quốc gia lân bang, thì dân Philistine chỉ bị thần phục chứ chưa bị tiêu diệt như các dân khác.

Chi tộc cuối cùng được chia đất là Đan. Một số học giả đặt địa phận của Đan ở cực bắc vùng đất hứa (19:40-48). Nhưng theo tường thuật trong sách các thẩm phán về nhân vật Samson của chi tộc Đan (Quan Xét 13:2, 24-25), thì chi tộc nầy ở kề cận với các làng của người Philistine ở phía bắc tây bắc của Giu-đa. Nhiều bản đồ đều vẽ lãnh thổ của Dan có hình cong như lưỡi câu, giáp giới Giu-đa phía nam, Benjamin phía đông, Ephraim ở phía Bắc, và Địa Trung Hải ở phía tây.

Thế thì căn cứ trên chuyện tích của Samson, bản đồ vẽ Đan ở phía Nam, thay vì ở cực bắc, thì chính xác hơn. Kể cả sử sách ghi chép chuyện Jeroboam, vua của Israel ly khai ở phía bắc, chống vua Roboam, cháu nội của vua David, nước Giu-đa phía nam, đúc hai tượng bò con bằng vàng, một đặt ở Bethel, một đặt ở Đan, thì Đan ở chỗ nầy là tên một thành ở phía cực bắc Israel (1Vua 12:26-30).

Khác với các nhà lãnh đạo thời nay luôn chọn chỗ ở tốt nhất cho mình trước khi lo công việc của đất nước, Giô-suê chờ tới khi chi tộc cuối cùng có sản nghiệp rồi, lúc ấy Israel mới vâng lệnh Đức Chúa Trời cấp một phần sản nghiệp cho Giôsuê theo ý ông xin, là thành Timnathserah trong vùng núi Ephraim (19:49-50). Đó là lúc họ hoàn tất việc phân chia đất đai cho mọi chi tộc (19:51).

Việc thiết lập các thành trú ẩn là lệnh của Đức Chúa Trời chứ không phải ý kiến của Giô-suê hoặc Môi-se hay bất cứ ai trong Israel (20:1-2). Đây là những thành dành cho những người vì vô ý làm chết người khác, có chỗ chạy đến lánh nạn, tránh thân nhân của người chết đòi nợ máu (20:3).

Ngày xưa, người ta hay tìm người làm chết người thân của mình để trả thù, gọi là đòi nợ máu, dù là vô ý, không phải cố sát.

Người vô ý làm chết người khác phải chạy tới thành trú ẩn gần mình nhất để xin tị nạn. Các trưởng lão của thành sẽ chỉ định một chỗ ở cho người ấy, chứ không được nộp cho người đòi nợ máu.

Người bị phạm tội ngộ sát sẽ ở đó cho đến khi được xét xử trước mặt hội chúng. Và người đó cứ phải ở nơi ấy cho đến khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời mới được trở về thành và nhà mình (20:4-6). Sáu thành ở sáu khu vực được chọn làm thành trú ẩn (20:7-9).

Sau đó, Israel cấp cho người Lêvi bốn mươi tám thành và các đồng cỏ chung quanh thành để họ dùng cỏ nuôi súc vật (21:1-42), đúng như lời Đức Chúa Trời truyền phán qua Môi-se lúc còn ở đồng bằng Moab, bên kia sông Jordan.

Mỗi chi tộc đều phải dành riêng các thành cho người Lêvi vì họ không được cấp một sản nghiệp nào giống như anh em mình. Chiều rộng của các đồng cỏ tính từ vách thành ra hai ngàn cubits, tức là khoảng một ngàn thước, ở cả bốn phía, vì thành hình vuông. Đất đó được dùng để chăn nuôi.

Người Lêvi không gieo trồng gặt hái như anh em Israel của họ; vì họ phải toàn tâm ý phục vụ Đức Chúa Trời. Họ phải ở rải ra trong khắp Israel, để mắt của người Israel phải lưu ý tới họ luôn.

Như vậy, Đức Chúa Trời đã giữ lời hứa của Ngài, ban cho Israel toàn xứ mà Ngài đã hứa với Abraham, Isaac và Jacob. Họ đã đánh thắng mọi kẻ thù. “Trong mọi lời hứa tốt lành mà Đức Giê -hôva đã ban cho nhà Israel, chẳng có một lời nào là vô hiệu. Tất cả đều được ứng nghiệm” (45).

Tất cả con cái Chúa nên ghi nhớ câu nầy để đặt lòng tin vững chắc vào Chúa của mình. Hễ điều gì Chúa đã hứa, Ngài sẽ hoàn thành. Ai giữ vững đức tin thì sẽ thấy ơn Chúa không chậm trễ.

Giosue14.docx

Rev. Dr. CTB