Giô-suê, bài 11

Giô-suê 10:1–43

Adonizedek, vua của Jerusalem (1), nếu so với Melchizedek, vua của Salem (Sáng thế 14:18), thì thấy có vài điểm tương đồng để đoán rằng thành Salem trong đời Abraham với Jerusalem của thời Giô-suê, có lẽ là một địa điểm.

Theo lịch sử người ta nghiên cứu được, thì Jerusalem là một trong các thành phố cổ nhất trên thế giới. Phần cổ xưa nhất của Jerusalem được thiết lập khoảng năm 3500 BC. Tức là năm có những người đầu tiên đến cư trú trong vùng đó. Khoảng 1000 năm sau, tức là khoảng 2500 BC thì chỗ đó mới có nhà ở nhưng vẫn chưa có tên gọi chính thức.

Abraham gặp Melchizedek vào khoảng năm 2100 BC. Tới khoảng năm 1800 BC thì người ở đó bắt đầu xây vách thành. Tên Jerusalem được nhắc tới lần đầu tiên ở sách Giô-suê, sau khi người Ga-ba-ôn đầu hàng Israel khoảng năm 1400 BC.

Sách Giô suê chép cư dân Salem là dân Amorite. Tới 1200 BC thì người Jebusites, một dân tộc xứ Canaan, chiếm thành và ở đó gần 200 năm.

Adonizedek rất kinh hãi vì thấy Jericho và A-hi đã bị tiêu diệt, mà Ga-ba-ôn, một thành lớn như một đế đô, với tất cả dũng sĩ của họ đã đầu hàng Israel rồi (1-2). Vì vậy, Adonizedek sai các sứ giả tới gặp các vua của Hebron, Jarmuth, Lachish, và Eglon để thuyết phục họ liên minh cùng ông để đánh Ga-ba-ôn (3-5).

Người Ga-ba-ôn đứng trước một liên minh hùng mạnh kéo đến đóng trại trước mặt để tiến đánh họ; sứ giả của họ vội đi tới Gilgal để thông báo cho Giô-suê và Israel rằng họ đang gặp nguy cấp từ liên minh các vua Amorite đang tấn công (6).

Giô-suê và toàn quân đội lên đường cứu viện Ga-ba-ôn, vì Đức Chúa Trời đã hứa với ông rằng “Đừng sợ, vì ta đã phó chúng vào tay con, sẽ không một kẻ nào đứng nổi trước mặt con đâu.” Vì vậy, Giô suê từ Gilgal đi suốt đêm tới Ga-ba-ôn bất ngờ tấn công liên minh các vua Amorite (7-9).

Một đội quân đi tấn công mà hoảng loạn khi bị tấn công bất ngờ từ sau lưng và bên hông thì chứng tỏ rằng chúng đã kinh sợ tiếng tăm của Israel từ trước.

Hơn nữa, Đức Chúa Trời còn khiến chúng chạy hoảng loạn, không chống nổi sức tấn công thần tốc của Israel, nên chúng bị đại bại ở Ga-ba-ôn, phải chạy trốn lên dốc Beth Horon, về phía tây bắc của Ga-ba-ôn, rồi chạy về phía nam, tức là cố trốn về các thành của chúng, nhưng vẫn bị quân Israel truy đuổi xuống tận Azekah và Makkedah (10).

Đây là một thế trận dữ dội mà các vua Amorite và toàn quân của họ lo chạy trốn chứ không dám dừng lại giao chiến. Lần đầu tiên lịch sử ghi chép lại trong Kinh Thánh rằng mưa đá từng tảng từ trên trời rớt xuống suốt một quãng đường dài từ dốc Beth Horon tới Azekah (11), khiến cho số người bị mưa đá giết chết nhiều hơn số người chết bởi gươm của quân Israel.

Việc mưa đá từng tảng lớn từ trời rơi xuống không phải là một hiện tượng tình cờ; vì ở sách Gióp 38:22-23 chép: “Con … có thấy kho chứa mưa đá mà Ta đã để dành cho thời hoạn nạn, cho ngày chiến tranh và giặc giã không?

Khải Huyền 16:21 cũng chép về tai nạn mưa đá vào những ngày của thời tận thế “Những hột mưa đá lớn, nặng bằng một ta-lâng (40 kg) từ trời rơi xuống trên loài người, bởi tai hoạ mưa đá ấy loài người xúc phạm đến Đức Chúa Trời, vì đó là một tai hoạ khủng khiếp.

Các câu tiếp theo từ 12 tới 15 là trích nguyên văn từ sách Gia-sa (Jasher). Giô-suê cầu xin với Đức Chúa Trời trước mặt Israel rằng: “Hỡi mặt trời, hãy đứng yên lại trên Ga-ba-ôn! Hỡi mặt trăng, hãy dừng lại trên thung lũng A-gia-lônVậy mặt trời đứng yên và mặt trăng cũng dừng lại, cho đến khi dân Chúa báo trả xong kẻ thù mình. Sách Jasher chép rằng mặt trời dừng lại khoảng một ngày trọn. Đó là ngày Đức Giê-hô-va đáp tiếng ra lệnh của một người (12-14).

Theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh thì Gia-sa (13) không phải là tên tác giả của sách cổ ấy chỉ có nghĩa là sách ngay thẳng. Trong Cựu ước có hai chỗ đề cập tới sách Gia-sa là Giô-suê 10:132Samuel 1:18; trong Tân ước, sứ đồ Phao-lô trích một chi tiết từ sách Gia-sa trong 2Timôthê 3:8.

Như vậy, sách Gia-sa không được xem là Kinh Thánh, nó chỉ là một sách lịch sử cổ còn lại trong số 13 sách. Nó có thể được viết từ 3,500 năm trước và giải nghĩa vài chi tiết của sách Sáng thế.

Trước khi trở về Gilgal, trại quân của Israel dời xuống tận Makkedah (21), nơi có một hang đá mà năm ông vua thua trận rút trốn trong đó (16). Giô-suê được tin báo bèn ra lệnh lăn tảng đá lớn lấp của hang và có người canh giữ (17-18).

Trong khi đó quân Israel tiếp tục chận đánh không cho quân địch rút vào các thành. Nhưng họ không thể chận hết, nên có một số tàn quân rút trong các thành kiên cố, số còn lại đều bị tiêu diệt (19-20). Sau khi toàn thắng, Giô-suê bảo mở tảng đá lấp cửa hang để đem năm bại tướng ra xử tội.

Giô-suê bảo các chỉ huy quân đội đến gần các ông vua ấy và đạp chân lên cổ họ. Việc đạp chân lên cổ kẻ chiến bại không phải là để hạ nhục, khinh bỉ kẻ thù; cũng không phải để tự tôn, nhưng có nghĩa là các bại tướng và dân tộc họ bị đè bẹp và phải hoàn toàn thần phục dân của Đức Chúa Trời. “Chớ e ngại hay kinh hãi; hãy mạnh dạn và can đảm, vì Đức Giê-hô-va sẽ làm như vậy cho tất cả kẻ thù mà anh em sẽ giao chiến” (21-25).

Chính tay Giô-suê xử tử năm ông vua đã đem quân chống lại Israel. Xác họ bị treo lên năm ngọn cây. Mục đích thứ nhất là một hành động tượng trưng để khích lệ tinh thần của dân Israel ra trận; kế đến là bêu nhục kẻ thù của Israel và làm cho các cư dân còn trong thành, lén lút quan sát và theo dõi, phải kinh sợ.

Ngày đó là ngày dài nhất trong lịch sử loài người. Tất cả sự chiến đấu, truy đuổi, xử tội, và treo thây kẻ thù chỉ trong một ngày. Nếu là một ngày bình thường thì Israel đã không đủ thời gian để làm. Hơn nữa, đoạn đường từ Ga-ba-ôn tới Makkedah rất xa, không thể đi trong một ngày được.

Khi mặt trời lặn, Giô-suê truyền lệnh đem thây xuống khỏi cây” (26-27). Thứ nhất là không cho thú hoang ăn thịt những người chết, thứ nhì là dân Amorite rút trong các thành kiên cố không còn thây chết để đem chôn một cách trang trọng. Vì các thây ấy bị ném vào hang mà họ đã trốn, rồi vô số đá lớn nhỏ đã vĩnh viễn lấp cửa hang.

Dù vua và dân ở thành Makkedah không tham gia chiến trận ngày đó, nhưng Giô-suê cũng đánh chiếm thành và tiêu diệt hết cư dân trong thành (28). Trong trận chiến diễn ra ngày đó từ Ga ba-ôn tới Makkedah, thì chỉ có quân đội của năm vua và cả năm vua ấy đều bị tiêu diệt, ngoại trừ một số nhỏ trốn vào các thành kiên cố.

Thành Makkedah là thành đầu tiên bị Giô-suê đánh chiếm và tiêu diệt hết cư dân, còn các thành kia chưa bị vây đánh. Cho nên, Israel tiến qua Libnah ở bắc tây bắc mà tiêu diệt thành ấy (29-30). Thừa thắng họ kéo tới vây thành Lachish phía tây nam của Libnah, qua ngày hôm sau họ mới hạ được thành và diệt dân thành ấy (31-32).

Bấy giờ, Horam, vua của Gezer, đem quân lên tiếp viện cho Lachish, nhưng Giô-suê chỉ huy quân Israel đánh bại và tiêu diệt cả vua lẫn quân của Gezer (33). Trong ngày ấy Israel từ Lachish tiến qua Eglon, vây hãm, tấn công và đánh chiếm thành rồi tiêu diệt mọi người trong đó (34-35).

Từ đó họ tấn công Hebron ở hướng đông, chiếm thành và tiêu diệt mọi sinh vật ở trong (36-37). Thành cuối cùng ở phía nam là Debir cũng bị chung số phận với các thành trước (38-39). Như vậy, “Giô-suê đánh chiếm toàn xứ, nào miền núi, nào miền nam, nào miền chân núi, nào đồi dốc và tất cả các vua xứ đó. Ông không để một ai sống sót, tận diệt mọi vật có hơi thở, như Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Israel đã truyền phán” (40).

Qua các lời tường thuật trên, người ta có thể hiểu rằng Giô-suê nhân cơ hội đánh giải vây cho Ga-ba-ôn, ông đã đuổi theo quân thù, và vì đường xa, quân thù lại đông, ông phải cầu xin Chúa kéo ánh sáng ban ngày dài ra, để ông có đủ thời giờ tiêu diệt hết quân địch.

Vì Đức Chúa Trời đã giúp sức cho ông thắng như chẻ tre, Giô-suê đã tiến hành một chiến dịch chinh phục dài ngày, đánh chiếm đến tận Kadeshbarnea ở phía nam, Gaza ở phía tây nam, toàn vùng Goshen (không phải Goshen ở Ai cập) và Ga-ba-ôn ở phía bắc.

Sau khi đánh bại mọi kẻ thù và chiếm tất cả các vùng cần phải đánh chiếm, Giô-suê và Israel trở về đại bản doanh ở Gilgal (15, 41-43).

Giô-suê không để cho một người nào của các dân tộc bị bại trận được sống; cho nên, không có ai tới ở trong các thành đã bị tiêu diệt; sau nầy, khi các chi tộc được phân chia phần đất đai làm sản nghiệp, họ mới xây lại các thành để ở và canh tác đất đã phân chia cho họ.

Giô-suê và Israel còn phải chinh phục phía bắc nữa.

Giôsue11.docx

Rev. Dr. CTB