Giô-suê, bài 12

Giô-suê 11:1 – 12:24

Jabin trong tiếng Canaan là tên gọi chức vị vua chứ không phải là tên riêng của một ông vua nào. Hazor có nghĩa ‘được bao bọc‘ hay ‘được củng cố,’ là thành luỹ kiên cố nhất ở miền bắc xứ Canaan trong cả hai nghĩa về địa thế và cách kiến trúc. Nó được xây trên một ngọn đồi nằm giữa đồng bằng; người ở đó dựa sức mạnh quân sự của họ trên sức ngựa và chiến xa (1).

Vua ở Hazor nghe tin các vua ở phía nam trong liên minh của Adonizedec, vua Jerusalem, đã bị Giô-suê tiêu diệt, thì Jabin của Hazor sai sứ giả đến Jobab, vua của Madon, vua của thành Shimron, vua của thành Achshaph, các vua ở miền núi phía bắc, các vua của những thành đồng bằng ở quanh vùng hồ lớn Chinneroth (tức là hồ Gennesaret trong Tân ước), các vua của các thành về phía biển, dân Canaan ở phía đông và tây, các dân Amorite, Hittite, Perizzite, Jebusite, và người Hivite ở chân núi Hermon phía bắc Canaan thuộc đất Mizpah [khác với dân Hivite ở Ga-ba-ôn] (2-3).

Có lẽ các vua nói trên đều là chư hầu của vương quốc Hazor, nên họ đều kéo quân đến đóng gần các dòng nước Merom, là một hồ nhỏ ở thượng lưu sông Jordan có hình tam giác, đỉnh chĩa về phía nam. Theo sử gia Josephus thì tổng số quân của liên minh miền bắc là ba trăm ngàn quân bộ binh cộng với mười ngàn kỵ binh và hai mươi ngàn chiến xa (4-5).

Thành ngữ “đông như cát nơi bờ biển” được dùng để chỉ về số đông vài trăm ngàn người, tức là khó dùng mắt mà đếm một cách chính xác được. Nhưng Israel thì có Đức Chúa Trời ở với họ và dân số họ thì đông hơn đạo quân nầy.

Hơn nữa, Chúa lại hứa rằng Ngài sẽ ban cho họ sự chiến thắng. Ngài ra lệnh cho Giô-suê phải cắt nhượng của những con ngựa, để chúng không còn được sử dụng cho chiến tranh, vì chúng có thể dùng cho việc hoà bình khác, còn chiến xa thì phải đốt hết (6).

Quân Israel của Giô-suê toàn là bộ binh, họ không dùng ngựa cũng không có chiến xa, vì thế lúc họ đã áp sát thế trận của liên minh phía bắc, kẻ thù của họ vẫn không biết gì hết cho tới khi bị tấn công bất ngờ.

Israel dùng lối đánh bất thần áp đảo, địch quân không kịp trở tay nên bị đại bại trước Israel. Quân Israel truy đuổi chúng tới tận đại-Zidon, một khu vực ở góc tây-bắc xứ Canaan sát Địa Trung Hải, cũng rượt tới thung lũng Misrephoth-Maim, và một hướng khác là Mizpeh về phía đông (7-8).

Điều đó có nghĩa là liên quân Hazor bị đánh tan tành nên chạy trốn nhiều hướng khác nhau. Nhưng quân sĩ nào của liên minh phía bắc Canaan không thoát được đều bị giết không ai sống sót.

Vì thế, Giô-suê và quân Israel rảnh rang cắt nhượng ngựa để chúng không còn chạy nhanh được nữa, chỉ dùng cho việc đồng áng, còn tất cả chiến xa đều bị thiêu huỷ (9).

Như trên đã nói, Hazor là thành lớn, đế đô của các vương quốc nhỏ ở miền bắc xứ Canaan, cho nên, sau khi đánh đuổi theo nhiều hướng và tiêu diệt tàn quân của liên minh phía bắc, Giôsuê quay lại chiếm Hazor. Hoặc là Jabin của Hazor không ra trận, hoặc là vì trại quân của liên minh đóng gần thành Hazor nên Jabin rút về cố thủ trong thành.

Quân Israel bận truy đuổi tàn quân lẩn trốn nhiều hướng, chưa tấn công để chiếm Hazor, vì sẽ mất nhiều thời gian; cho nên, vua Hazor không bị chết lúc liên minh bị thua, nhưng bị Giô-suê xử tử khi thành bị thất thủ (10). Giống như đã đối xử với vua và dân của các thành phía nam, các vua và dân của các thành phía bắc cũng bị đồng số phận. Israel tiêu diệt họ theo lời dặn của Đức Chúa Trời qua Môise (11-12 Phục 20:16-18).

Những thành ở trên đồi núi có nghĩa là các thành được xây dựng trên mỏm hay đỉnh núi và vững chắc, thì không bị thiêu huỷ. Còn Hazor bị đốt vì là thành đứng đầu trong sự chống cự Israel (13).

Dân cư thì bị giết nhưng gia súc thì thu làm chiến lợi phẩm. Israel đã làm mọi điều theo sự phán dặn của Đức Chúa Trời qua Môi-se. Giô-suê không bỏ một điều nào cả (14-15).

Theo sự ghi chép trong sách Giô-suê thì tất cả các dân tộc ở các thành đều bị tuyệt diệt. Nhưng đây chỉ là sự quan sát của tác giả ký thuật lại. Bởi vì về sau, các dân tộc ở một số thành bị đánh chiếm và đốt cháy lại phục hồi, trở thành một vương quốc mạnh gây nhiều đau khổ cho Israel (Quan xét 4:2-3).

Thời gian để Giô-suê và Israel đánh chiếm toàn vùng (16-20) thì lâu dài, không phải ngắn ngủi như ghi chép vắn tắt ở các đoạn nầy (Giô-suê 13:1). Ở từng phần đất được bắt thăm chia cho các chi tộc thì hầu hết vẫn còn các sắc dân đáng lẽ phải bị tiêu diệt từ lâu, nhưng họ vẫn còn ở lẫn với Israel cho đến đời vua David, tức là khoảng hơn ba trăm năm từ ngày ra khỏi Ai-cập. Tuy nhiên, thời gian để Giô-suê chinh phục xứ Canaan tổng cộng khoảng bảy năm (1406 – 1399 BC).

Trong thời gian chinh phục xứ Canaan, Giô-suê chỉ huy dân Israel diệt giống người khổng lồ dòng dõi của Anak, sắc dân được gọi là người Anakim. Tuy vậy, một số ít của giống người khổng lồ đó vẫn còn ở Gaza, Gath và Ashdod, đất của người Philistine (kẻ thù truyền kiếp của dân Israel trong suốt gần sáu trăm năm).

Sau khi đã diệt gần sạch các dân tộc mà Đức Chúa Trời đã phán dặn Môise phải tiêu diệt, thì Israel được yên ổn một thời gian, không còn giặc giã (21-23).

Toàn thể đoạn 12 ghi chép lại danh sách các vua đã bị Israel tiêu diệt trên đường họ tiến vào xứ mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ làm sản nghiệp vĩnh viễn.

Hai chi tộc Reuben và Gad cùng với nửa chi tộc Manasseh được Môi-se cấp cho đất họ chiếm từ các vua Amorite ở tả ngạn tức là phía đông sông Jordan (12:1-6).

Chín chi tộc còn lại cộng với nửa kia của chi tộc Manasseh thì được chia đất đã chiếm được ở phần đất phía tây sông Jordan (12:7-24). Tất cả là ba mươi mốt vua của các dân tộc Hittite, Amorite, Canaan, Perizzite, Hivite, và Jebusite đã bị bại trận trước Israel (12:8).

Tính ra thì các phần đất đã chiếm được tuy nhiều, nhưng phần chưa chiếm được thì còn nhiều lắm (13:1), nên Israel sẽ phải tranh chiến rất nhiều năm về sau nầy.

Giosue12.docx

Rev. Dr. CTB