Lê-vi-ký, bài 06
Lê-vi-ký 8 – 9
Ngày thứ tám (1) là ngày kế tiếp khi bảy ngày được biệt riêng ra vừa hết (8:33,35). Quy định quan trọng về ngày thứ tám sẽ được nhắc lại về sau (Lêviký 12:2–3; 14:8–10; 15:13–14; 22:27); vì có các ích lợi mà người ta chưa hiểu hết, như bé trai được cắt bì vào ngày thứ tám, thì nó bị chảy máu rất ít, hoặc không chảy máu. Đồng thời đó cũng là ngày hoàn tất sự tẩy sạch cho người và thú vật.
Bấy giờ, A-rôn tự mình dâng tế lễ chuộc tội, tế lễ thiêu, tế lễ bình an, và tế lễ chay lần đầu tiên; vì các lần trước, Môi-se là người thực hiện việc dâng tế lễ, còn A-rôn chỉ phụ giúp hoặc đứng quan sát.
Tuy nhiên, ông vẫn phải được Môi-se chỉ dẫn cho mọi điều phải làm. Bởi vì uy tín chức vụ tế lễ của ông chỉ được Chúa chính thức ban cho, sau khi ông cùng với Môi-se vào trong Lều Hội Kiến rồi trở ra ngoài chúc phước cho dân chúng (23–24).
Vì vậy, những công việc chính thức đầu tiên của A-rôn là phải dâng một con bò con đực làm tế lễ chuộc tội và một con chiên con đực làm tế lễ thiêu; sinh tế để chuộc tội cho gia đình A-rôn cũng như các sinh tế cho tế lễ thiêu đều phải được một tuổi (2–3).
Theo sự giải nghĩa và hiểu của Do-thái-giáo, thì con bò con mà A-rôn phải dâng làm tế lễ chuộc tội là sự nhắc nhở về tội ông đã phạm khi dùng vàng của dân chúng đóng góp để đúc thành tượng con bò con.
Sau tế lễ chuộc tội là tế lễ thiêu. Ý nghĩa của tế lễ nầy là lòng tự nguyện của họ hoàn toàn hiến mình cho sự phục vụ thiêng liêng.
Nhưng sinh tế để làm tế lễ chuộc tội cho dân chúng phải là một con dê đực đã được ba tuổi, tức là tuổi trưởng thành, giống như quy định cho giới lãnh đạo phạm tội (4:23). Có lẽ quy định nầy luôn nhắc dân Israel về tội dâm dục họ phạm sau khi thờ tượng bò con bằng vàng.
Tế lễ thiêu của chúng dân bằng một con bò con và một chiên con cũng phải thực hiện sau tế lễ chuộc tội cho họ. Rồi các sinh tế cuối cùng là tế lễ bình an gồm một con bò và một con chiên đực sẽ được dâng lên Đức Giê-hô-va, làm một tế lễ thánh.
Vì trong tế lễ nầy, một phần thuộc về Chúa, một phần thuộc về thầy tế lễ, và phần còn lại thuộc về người dâng tế lễ, nên ý nghĩa của tế lễ bình an, trong dịp các thầy tế lễ bắt đầu chức vụ, là sự bày tỏ lòng vui mừng và bình an về sự chết thay của sinh tế để chuộc tội cho dân sự.
Môi-se cũng dặn dò A-rôn rằng ngoài các thứ tế lễ dùng thú vật làm sinh tế, ông còn phải dâng một tế lễ chay có pha dầu, “vì hôm nay Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra với anh em” (4).
Như vậy, những lễ nghi và tế lễ phải được thực hiện trước để thanh tẩy các thầy tế lễ và chúng dân, trước khi Chúa bày tỏ vinh quang Ngài ra, nhằm chứng nhận lễ phong chức cho A-rôn và gia đình ông vào chức vụ tế lễ thánh.
Việc Đức Giê-hô-va sẽ hiện ra không phải là lý do mà các tế lễ phải thực hiện, lời hứa về sự xuất hiện thần thượng nhằm khích lệ dân chúng. Đặc biệt là một ngọn lửa phát ra từ Đức Chúa Trời thiêu nuốt tất cả tế lễ thiêu và mỡ trên bàn thờ (24).
Vậy nên, A-rôn và các con, cùng dân chúng đem tới trước Lều Hội Kiến mọi thứ mà Môi-se đã truyền bảo, “rồi cả hội chúng đến gần và đứng trước mặt Đức Giê-hô-va. Môi-se nói: ‘Đây là điều Đức Giê-hô-va phán dặn anh em phải làm để vinh quang của Đức Giê-hô-va hiện ra với anh em” (5–6).
Điều kiện đòi hỏi là phải làm theo các mệnh lệnh của Chúa để vinh quang của Ngài sẽ thể hiện giữa dân sự. Đây là bài học nhắc chúng ta về lý do tại sao mình thiếu sự hiện diện của Chúa trong đời sống. Chúng ta thường bận rộn với những việc vô nghĩa, mà bỏ qua các đòi hỏi mà Chúa xem là có giá trị.
Theo lời chỉ dẫn của Môi-se, A-rôn bắt đầu làm các công việc thuộc về bổn phận của thầy tế lễ thượng phẩm (7–21).
Sau khi đã thực hiện tất cả các tế lễ chuộc tội, tế lễ thiêu, tế lễ bình an, thì ông, trong vai trò thầy tế lễ thượng phẩm, đứng trên một bục cao cạnh bàn thờ tế lễ thiêu, giơ tay lên chúc phước cho toàn hội chúng.
Xong rồi ông đi xuống khỏi bàn thờ bằng một đường đất dốc thoai thoải (22); bởi vì Chúa đã ban lệnh cấm các thầy tế lễ không được đi lên hay xuống bàn thờ bằng các bậc thang (Xuất 20: 26), vì đi như thế họ sẽ bị hở hang trước mặt Đức Chúa Trời.
Đây là lần đầu tiên A-rôn bước vào trong gian Thánh để thi hành nhiệm vụ thầy tế lễ thượng phẩm. Môi-se phải chỉ dẫn A-rôn mọi việc ở đó, từ việc thắp đèn, cắt tim đèn, trưng bày bánh, và dâng hương ở bàn thờ xông hương.
Khi họ bước ra thì cả hai đều chúc phước cho dân chúng; căn cứ trên bản “Ngũ-kinh” tiếng Canh -đê, lời chúc phước ấy như sau: “Nguyện Lời Đức Giê-hô-va chấp nhận tế lễ của anh em bằng ân huệ, và tha thứ, ân xá tội lỗi của anh em.”
Khi ấy, “vinh quang của Đức Giê-hô-va hiện ra với toàn dân” (23) qua ánh sáng bừng lên trong trụ mây, bày tỏ sự chấp nhận chức vụ thầy tế lễ và tất cả các tế lễ đã dâng lên Ngài.
Nói rằng “một ngọn lửa phát ra trước mặt Đức Giê-hô-va thiêu huỷ tế lễ thiêu và mỡ trên bàn thờ” (24), thì hoặc ngọn lửa loè ra từ trụ mây chói lọi, hoặc từ trong Lều phát ra. Toàn dân Israel cúi rạp và cất tiếng reo mừng.
Có lẽ quá phấn khích, hãnh diện về vai trò tế lễ của mình được Đức Chúa Trời chuẩn thuận, hai con trai lớn của A-rôn là Na-đáp và A-bi-hu, mỗi người cầm lư hương của họ, không phải lư hương đã được thánh hóa; họ lấy than lửa thường, không phải là than gắp trên bàn thờ; để hương lên rồi hai người cùng dâng một lượt.
Sự dâng hương của họ bị xem là lửa lạ vì không làm đúng theo lệnh Chúa đã truyền (10:1–2). Chỉ được dâng hương vào giờ dâng hương buổi sáng hay buổi chiều, và chỉ một người dâng hương mà thôi. Họ tự động làm công việc không phải của họ mà là của thầy tế lễ thượng phẩm; vì chỉ vị nầy mới được xông hương bằng lư hương (Lê-vi-ký 16:12–13; Dân số 17:11).
Bài học nầy nhắc nhở con dân Chúa đừng cẩu thả hay làm theo ý riêng khi phục vụ Chúa. Ví dụ, dùng hình thức phàm tục, nhạc đời để thờ phượng Chúa, làm công việc không thuộc về mình.
Môi-se kể lại lời Chúa phán mà ông chưa bày tỏ trước kia: “Giữa những người đến gần Ta, Ta sẽ tỏ bày đức thánh khiết; và trước mặt toàn dân, Ta sẽ được tôn vinh” (10:3).
Đáng lẽ là thầy tế lễ, họ phải biết đức thánh khiết của Chúa, nhưng họ đã bị giết chết để Chúa tỏ bày đức thánh khiết Ngài.
Mishael và Elzaphan, hai chú họ của hai người chết, vâng lời Môi-se nắm áo lót của hai xác chết và kéo ra ngoài trại quân (10:4–5).
Họ hàng của họ được than khóc, nhưng A-rôn với Eleazar và Ithamar không được khóc than, trùm đầu gì hết, để họ không bị chết, và hội chúng khỏi bị tai họa (10:6–7). Đức Chúa Trời phán trực tiếp với A-rôn, xác nhận chức vụ tế lễ thượng phẩm chính thức của ông:
“Con và các con trai không được uống rượu nho hay thức uống có men khi vào Lều Hội Kiến, kẻo các con phải chết. Đó là một mệnh lệnh đời đời cho mọi thế hệ. Các con phải biết phân biệt giữa thánh khiết và phàm tục, giữa ô uế và thanh sạch” (10:8–11).
Luật pháp của Chúa là nghiêm ngặt; dù chúng ta đang sống trong thời đại ân điển, là thời kỳ tội lỗi được tha qua huyết hi sinh của Đức Chúa Jesus khi người tin biết ăn năn tội, vẫn không có nghĩa là tín hữu được tự do chà đạp luật pháp ấy.
Cho nên, hãy cẩn thận, đừng khinh lờn ân điển Chúa mà bị Ngài loại trừ. Trong mọi việc, chúng ta phải biết phân biệt giữa thánh khiết và phàm tục, giữa ô uế và thanh sạch.
Điều mà các Hội-thánh người Việt phải hết sức lo ngại là vấn đề ấy chưa được coi trọng trong hầu hết các hội chúng. Sự thờ phượng Chúa và các công tác phục vụ ở nhiều nơi rất là cẩu thả, lười biếng, chiếu lệ, khinh thường, và dung túng vô số điều ô uế.
Môi-se dặn dò A-rôn và hai con còn lại là Eleazar và Ithamar về sự ăn phần của họ trong các món tế lễ (10:12–15).
Nhưng khi ông đi tra xét sự thực hiện của họ và hỏi về con dê đực dùng làm tế lễ chuộc tội thì thấy nó đã bị thiêu; đáng lẽ ra các thầy tế lễ phải ăn thịt con dê, mà máu không được đem vào nơi thánh, để gánh lấy tội của hội chúng và làm lễ chuộc tội cho họ trước mặt Đức Giê-hô-va (10:16–18). Ông nổi giận, la rầy Eleazar và Ithamar.
Nhưng A-rôn phân tích cho Môi-se thấy rằng, một người cha rủi ro có hai con bị lửa Đức Giê-hô-va thiêu chết, thì ông đâu còn lòng dạ nào mà ăn sinh tế chuộc tội. Ông nói rằng, nếu ông ăn thì liệu Đức Giê-hô-va có đẹp lòng hay không?
Sở dĩ Môi-se chỉ la rầy Eleazar và Ithamar, dù A-rôn cũng có bổn phận ăn thịt sinh tế, vì ông tôn trọng chức vụ tế lễ thượng phẩm của A-rôn đã được Đức Chúa Trời chuẩn thuận. Vì thế, Môi-se chấp nhận tâm tình của A-rôn thấy mình không xứng đáng ăn thịt là hữu lý (10:19–20).
Leviky06.docx
Rev. Dr. CTB