Lê-vi-ký, bài 02
Lê-vi-ký 1–3
Khi nghiên cứu về hệ thống tế lễ của người Do-thái, chúng ta phải biết phân biệt giữa giá trị của món tế lễ với biểu tượng của hình thức tế lễ đó.
Vào thời ấy, người dâng tế lễ không biết nó tượng trưng cho công tác chuộc tội của Đấng Christ sau nầy và những kết quả của sự hi-sinh đó.
Có nhiều loại tế lễ, nhưng sách Lê-vi-ký nói đến món tế lễ thiêu trước nhất vì vài lý do. Tế lễ ấy có từ thời các tổ phụ; mỗi ngày phải dâng hai lần, rồi nó cũng phải được thực hiện trong các dịp khác; nhưng ý nghĩa quan trọng mà hình thức tế lễ thiêu bày tỏ là sự chân thành tận hiến của người hết lòng thờ kính Chúa.
Nghĩa đen của tên gọi tế lễ thiêu là ‘món bay lên,’ nghĩa là món tế lễ được lửa và khói biến thành chất khác bay lên trước ngai của Đức Chúa Trời. Ý nghĩa chính của món tế lễ nầy là người thờ phượng tự hiến dâng toàn thể thân mình lên trước Chúa.
Chỉ có năm loại thú sống được chấp nhận làm sinh tế cho tế lễ thiêu: Bò, chiên, dê, chim cu, và bồ câu (1:1–14). Có vài lý do về đòi hỏi nầy:
1) Chống lại sự thờ hình tượng của người Ai-cập, mà dân Israel đã bắt chước dùng nhiều loại tế lễ khác nhau.
2) Năm loại thú nầy vừa tượng trưng cho Đấng Christ, vừa tượng trưng cho Cơ-đốc-nhân chân thật, hiền lành, không có hại, nhẫn nại, và hữu ích cho người.
3) Đức Chúa Trời phải được dâng hiến bằng các loại thú đem nhiều lợi tức đến cho người nuôi, và người thờ phượng cũng dễ dâng hiến mà không tiếc rẻ.
4) Là các loại thú thông thường nhất.
Trong tế lễ thiêu nầy, những sự chỉ dẫn và mô tả về các cử chỉ cùng hành động của người dâng tế lễ, công việc của các thầy tế lễ và các lễ nghi phải thực hiện, đều có ý nghĩa tượng trưng cặp theo từng việc.
Tế lễ thiêu tiêu biểu cho những sự thống khổ của Con Đức Chúa Trời, Đấng phải hi sinh chết thay cho toàn thế gian. Xác con thú bị thiêu tiêu biểu cho sự trừng phạt khốn khổ vĩnh viễn, đáng lẽ chúng ta phải chịu, mà Chúa chúng ta phải bị phạt vì tất cả thói hư tật xấu của chúng ta.
Sự đòi hỏi sinh tế không tì vết tiêu biểu cho sự tinh sạch của Đấng Christ; người đem con thú không tì vết đến dâng, tiêu biểu cho đời sống thánh khiết của con cái Chúa ngày nay.
Người chủ con thú phải hiến dâng với tinh thần tự nguyện, giống như Đấng Christ đã vui lòng hiến dâng chính Ngài bởi lòng Ngài yêu nhân loại.
Người dâng đem con thú đến trước cửa Đền Tạm với ý nghĩa là một người không xứng đáng vào nơi thánh, là tội nhân không thể tương thông với Đức Chúa Trời, chỉ qua sinh tế mà thôi.
Đặt tay trên đầu con vật là hành động tượng trưng rằng “con thú nầy đại diện cho tôi, mạng sống nó là mạng sống tôi.” Người đến dâng phải giết con vật, các thầy tế lễ hứng lấy máu hi sinh dâng lên chuộc tội cho người dâng.
Con thú phải bị lột da, thân bị sả ra theo từng phần sắp trên bàn thờ và bị thiêu thành tro. Đó là các “sinh tế dùng lửa dâng lên, có hương thơm đẹp lòng Đức Giê-hô-va” (9, 13, 17); các miếng da đều thuộc về thầy tế lễ (Lêvi 7:8).
Có hai loại tế lễ chay; một loại phải dâng kèm theo các tế lễ khác (Dân-số 15:4, 7, 10); loại nhắc ở phần nầy là một tế lễ riêng biệt; gọi là chay vì chỉ dùng bột mà không được dùng thịt. Tế lễ nầy do lòng thành của người dâng hiến, cả thứ bột đem dâng lên và khối lượng của nó.
Bột làm ra từ ngũ cốc là lương thực nuôi sống loài người. Loại tế lễ nầy được chỉ định vì chúng là nhu cầu lớn hữu ích nhất cho loài người; vì vậy, sự hiến dâng cho Đức Chúa Trời là phục vụ Đấng sở hữu và ngợi ca Ngài là Đấng ban cho.
Lý do thứ nhì là sự đoái thương những người nghèo khổ không có tiền mua con thú nào dâng làm tế lễ; vì thế, tế lễ chay có ý nghĩa là Đức Chúa Trời sẵn sàng chấp nhận một tế lễ đạm bạc nhất, khi nó được dâng với tấm lòng chân thành.
Người dâng tế lễ chay phải chế dầu vào bột và để nhũ hương lên trên. Khi bột lọc có dầu và nhũ hương được đốt trên bàn thờ tế lễ thiêu thì sẽ toả lên mùi thơm ngọt ngào, đánh tan mùi máu tanh và mùi thịt bị đốt cháy thường xuyên mỗi ngày.
Tế lễ chay bằng bánh nướng thì bánh không được có men. Tất cả các tế lễ chay đều không pha men, cũng không được thiêu men hay mật ong trong tế lễ dùng lửa dâng lên Đức Giê-hô-va (2:1–12).
Men tượng trưng cho sự ngạo mạn, độc ác và giả dối, trái ngược với các đức tính khiêm tốn, yêu thương và chân thành, là các đức tính được Chúa chấp nhận.
Còn mật ong tượng trưng cho khoái lạc xác thịt, là thứ khiến người tin xao lãng sự thờ kính Chúa, cũng không hăng hái thực hiện các việc lành. Hơn nữa, mật ong tự lên men và dùng để làm các thứ khác lên men.
Trong khi đó công dụng của muối thì khác hẳn mật ong; vì thế, “phải nêm muối vào các tế lễ chay. Không được dâng tế lễ chay thiếu muối, vì muối là giao ước của Đức Chúa Trời mình. Các con phải dâng muối chung với tất cả các lễ vật”(2:13).
Mệnh lệnh về việc phải có muối trong mọi thứ tế lễ khiến cho ý nghĩa của muối và giao ước bằng muối trở thành hết sức quan trọng. Từ tính chất diệt trùng và bảo quản của muối, qua suốt Kinh-thánh muối được xem như sự thánh khiết cá nhân. Đức Chúa Jesus phán: “Các con là muối của đất.…Các con phải có muối trong lòng mình” (Mathiơ 5:13; Mác 9:50).
Mỗi lần Đức Chúa Trời phấn hưng Hội-thánh của Ngài đều có muối của sự thánh khiết cá nhân kèm theo, bằng không, phấn hưng không thể xảy ra. Bước đi trong sự thánh khiết là bí quyết để chứng kiến quyền năng của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta.
Giao ước bằng muối được nói đến ba lần trong Kinh-thánh Cựu-ước. Lêviký 2:13 là chỗ đầu tiên. Hai chỗ khác là Dân-số 18:19 và 2Sử-ký 13:5.
Trong thế giới thời cổ, muối được dùng để làm cho giao ước bị ràng buộc về pháp lý. Hai bên giao ước sẽ cùng nhau ăn muối trước sự hiện diện của những người làm chứng. Vì vậy, một giao ước bằng muối là vĩnh viễn, không thể bị hủy bỏ.
Không phải chỉ có các tế lễ chay mới phải có muối, nhưng “phải dâng muối chung với tất cả các lễ vật.” Ngoài chất mặn của muối giúp cho các thầy tế lễ dễ ăn các thứ tế lễ, muối nhắc nhở dân Israel nhớ lại giao ước mà Chúa đã lập với họ.
Tế lễ thiêu không thể thiếu muối, tượng trưng cho tình yêu không phai tàn của Chúa; nhưng phải có các thứ tế lễ kèm theo với muối.
Tế lễ chay từ hoa lợi đầu mùa phải bằng lúa mới, rang chín rồi xay thành bột (2:14–16). Trái đầu mùa (1Côr.15:23) tượng trưng cho Đấng Christ; bị rang và xay tượng trưng cho sự thống khổ Ngài phải chịu.
Tế lễ bình an (shelamim שׁלמים) là tế lễ tự nguyện để cầu bình an, thịnh vượng và phước lành từ Đức Chúa Trời; hoặc là tế lễ bình an để cảm tạ Chúa; hoặc được dùng để khấn nguyện điều gì đó (Lêviký 7:15–16) với lòng ước ao sự bình an và phước hạnh sẽ đến trong tương lai.
Trong ngôn ngữ Hebrew, bình an nói về mọi sự thịnh vượng và hạnh phúc. Có khi tế lễ nầy được kể như sự trả ơn về sự khấn nguyện đã lập trước đó. Cũng có lúc nó được dâng chẳng vì sự khấn nguyện nào; nên cũng được gọi là tế lễ tự nguyện (Lêviký 7:11, 16).
Khác với tế lễ chuộc tội, tế lễ bình an được dâng cả thú đực lẫn cái, hoặc thú lớn có giá trị cao là bò (3:1), hoặc thú nhỏ là chiên, dê giá rẻ hơn (3:6).
Sự đặt tay trên đầu con thú trong tế lễ bình an không phải là xưng tội, mà là dâng lời cảm tạ, ngợi khen Chúa, không thiêu hết mà chỉ thiêu một vài phần đặc biệt của con thú mà thôi (3:2–11).
Tế lễ bình an không được xem là thánh bằng tế lễ chuộc tội. Chỉ các thầy tế lễ mới được ăn thịt của tế lễ chuộc tội, nhưng thịt của tế lễ bình an thì người dâng hiến được ăn sau khi các phần quy định đã được thiêu trên bàn thờ “như là thức ăn dùng lửa dâng lên Đức Giê-hô-va” (3:11).
Sự quy định về các phần phải thiêu từ các con thú tế lễ thì khác nhau giữa bò (3:3–4) với chiên con hay dê đực (3:6, 9–10), và dê cái (3:12–16). Nhưng mọi thứ phải thiêu đó đều là thức ăn dùng lửa dâng lên.
Luật lệ đời đời cho con dân Israel là “không được ăn mỡ hoặc huyết” (3:17, 7:23–27). Đời đời có nghĩa là hết thời đại của bộ luật Môi-se.
Israel không được ăn loại mỡ được thiêu trên bàn thờ. Luật cấm nầy là để họ biết kính trọng các lễ nghi thánh, nhìn nhận quyền Chủ tể của Chúa và tập tành sự vâng lời Chúa của cả trời đất.
Huyết bị cấm ăn vì sinh mạng ở trong huyết (Lêvi 17:11, 14), và “vì chính huyết là sinh mạng nên mới chuộc tội được” (Lêvi 17:11). Hơn nữa, các dân ngoại vẫn thường uống huyết các sinh tế của họ, là hành động mà Đức Chúa Trời nhờm tởm.
Leviky02.docx
Rev. Dr. CTB