Phục Truyền Luật Lệ, bài 25
Phục Truyền 27:1-26
Câu mở đầu của phần nầy có chép rằng “Môi-se cùng với các trưởng lão Israel truyền bảo dân chúng” (1), tức là không phải chỉ một mình Môi-se truyền bảo mà là số nhiều người. Nhưng lệnh lại nói rằng: “Hãy tuân giữ tất cả các điều răn mà tôi truyền cho anh em hôm nay” nghĩa là chỉ một mình Môi-se truyền lệnh.
Các học giả Kinh-thánh tin rằng câu đó phải viết lại là: “Môi-se truyền cho các trưởng lão truyền bảo dân chúng Israel” thì hợp lý và dễ hiểu hơn.
Lệnh Môi-se truyền là sau khi đã vượt qua bên kia sông Jordan để vào miền đất mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho họ, thì dân Israel phải dựng các bia đá lớn và quét vôi lên (2). Lệnh nầy không có nghĩa là trong ngày vượt qua sông Jordan thì họ phải dựng các bia đá lớn liền, nhưng là một thời gian chưa xác định; vì họ phải dựng các bia đá trên núi Ebal (4), chứ không phải dựng chỗ nào cũng được. Sau khi đã quét vôi lên thì họ phải khắc lên các bia đá đó những lời của luật pháp (3).
Vậy, luật pháp ấy gồm có bao nhiêu điều? Theo truyền thống người Israel thì luật pháp Môi se có 613 điều. Theo lệnh của Môi-se thì họ “phải khắc tất cả lời của luật pháp thật rõ ràng vào các bia đá” (8). Vì số lượng bia đá không được ấn định, nên Israel phải dựng nhiều bia đá cho đủ chỗ để khắc tất cả các lời của luật pháp.
Sau nầy, khi xem tới lịch sử dân Israel chinh phục vùng đất hứa, thì biết rằng họ phải mất một thời gian đánh chiếm các thành trì chung quanh trước khi có thể thực hiện được lệnh truyền của Môi-se (Giô-suê 8:30-35).
Mệnh lệnh về thể thức lập bàn thờ bằng các khối đá nguyên khối chưa bị dụng cụ bằng sắt đục đẽo ở câu nầy (5) là rõ ràng hơn hết. Vì trước khi có lệnh truyền nầy, thì người thời nay nghĩ rằng lập bàn thờ bằng đất hay đá gì cũng được; nhưng từ đây, mỗi khi nhắc tới bàn thờ lập ngoài trời thì người đọc Kinh thánh phải hiểu là bàn thờ bằng nhiều khối đá nguyên được sắp đặt chen chồng lên nhau để mặt trên khá phẳng (6).
Trên bàn thờ đó họ sẽ dâng các tế lễ thiêu và tế lễ bình an cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ (6-7). Sau nầy, Giô-suê đã thực hiện đúng như lệnh Môi se đã truyền dạy (Giô-suê 8:31-32).
Tại sao phải dựng các bia đá và lập bàn thờ trên núi Ebal, nơi mà Israel phải đặt các lời nguyền rủa? mà không dựng bia và lập bàn thờ trên núi Gerizim (Phục truyền 11:29)?
Các học giả Kinh thánh tin rằng vì luật pháp luôn nói tới các hình phạt đối với những ai vi phạm; mà hình phạt là sự nguyền rủa trên người có tội. Ebal là ngọn đồi khô hạn và trơ trụi, nên dễ thấy các bia đá và bàn thờ bằng đá trên đó.
Dân số của Israel lúc nầy rất đông; để cho mọi người có thể nghe rõ lời dặn của Môi-se, các thầy tế lễ dòng Lê-vi phải trợ giúp theo cách họ chia nhau đứng trước từng nhóm chi tộc và gia tộc rồi truyền dần xuống từng nhóm; để các thầy tế lễ có thể nghe rõ và lặp lại đúng, Israel phải giữ yên lặng mà nghe. Vì long trọng lập lại giao ước, nên họ là dân của Đức Chúa Trời (9-10).
Mệnh lệnh do Môi-se truyền ngày hôm ấy đã được ghi nhớ và về sau được Giô-suê thực hiện y như Môi se truyền. Mặc dù ở đây ghi tên sáu chi tộc sẽ đứng phía núi Gerizim, nhưng thật ra là bảy chi tộc. Vì con cháu Joseph đã được Jacob lập thành hai chi tộc Ma-na-se và Ép-ra-im (Sáng thế 48:5, 19); còn sáu chi tộc còn lại sẽ đứng bên phía núi Ebal (11-13). Hai núi nầy rất gần nhau và bị phân cách bởi một thung lũng nhỏ.
Khi xem xét cách thức Israel thực hiện sự chúc phước với nguyền rủa dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, thì người đọc Kinh thánh sẽ nhận ra rằng nhóm từ ngữ “đứng trên núi Gerizim” và “đứng trên núi Ebal” thì không phải đúng nghĩa đen là đứng trên núi như người ta tưởng:
“Toàn dân Israel, cả những khách lạ lẫn người bản xứ cùng với các trưởng lão, các quan chức, và các thẩm phán đứng hai bên Rương Giao Ước trước mặt những thầy tế lễ thuộc dòng Lê-vi là những người khiêng Rương Giao Ước của Đức Giê hô va. Phân nửa dân chúng đứng đối diện núi Gerizim, và phân nửa kia đứng đối diện núi Ebal, theo lệnh Môi-se, đầy tớ của Đức Giê-hô-va trước đây đã dặn mà chúc phước cho dân Israel” (Giô suê 8:33).
Như vậy, người Lê vi đứng bên cạnh Rương Giao Ước được đặt ở thung lũng nằm giữa hai triền núi đối diện nhau, “sẽ cất tiếng nói lớn với mọi người Israel rằng” (14).
“Đáng nguyền rủa cho kẻ nào tạc tượng hay đúc tượng, là vật gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va, là tác phẩm của thợ thủ công, và đặt trong nơi bí mật mà thờ” (15).
Lời nguyền rủa nầy dành cho người nào vi phạm điều răn thứ nhì của mười điều răn, là điều răn được Đức Chúa Trời viết trên bảng đá thứ nhất. Sự vi phạm điều răn nầy cũng phạm vào điều răn thứ nhất, bởi vì đáng lẽ phải biết thờ kính Chúa thì lén lút thờ hình tượng.
Người đọc Kinh thánh cần để ý là Đức Chúa Trời gớm ghét mọi thứ hình tượng người ta làm ra để thờ. Vì lý do đó, người Việt bị lãnh sự nguyền rủa của Đức Chúa Trời từ hàng ngàn năm mà không biết lý do tại sao cứ bị tai hoạ chồng chất.
“Đáng nguyền rủa cho kẻ nào khinh bỉ cha mẹ mình!“(16). Hiếu kính cha mẹ là điều răn tiếp theo ngay sau các điều răn kính thờ Đức Chúa Trời. Công khai bất hiếu thì bị xử tử, lén lút khinh bỉ thì bị lãnh sự nguyền rủa.
“Đáng nguyền rủa cho kẻ nào dời ranh giới của láng giềng mình!” (17). Lén lút dời ranh giới lấn sang đất của láng giềng là hành động gian lận, ăn cắp và là nguyên nhân gây ra chiến tranh.
“Đáng nguyền rủa cho kẻ nào làm cho người mù lạc đường” (18). Chỉ dẫn người không biết đi sai đường dù là chuyện giao dịch, đạo đức hay tín ngưỡng đều là tội nặng đáng bị hình phạt.
“Đáng nguyền rủa kẻ nào bẻ cong công lý đối với ngoại kiều, kẻ mồ côi và người goá bụa” (19). Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ trừng phạt những kẻ ức hiếp người cô thế.
“Đáng nguyền rủa kẻ nào nằm với vợ kế của cha mình, vì kẻ đó làm nhục cha mình” (20). Tội bất hiếu vì dâm dục sẽ bị xử tử hình.
“Đáng nguyền rủa kẻ nào nằm với một con thú” (21). Các dân tộc làm điều đó đã bị đất mửa ra.
“Đáng nguyền rủa kẻ nào nằm với chị em mình, hoặc cùng cha khác mẹ, hoặc cùng mẹ khác cha” (22). Luật về các sự dâm dục bất chính đã được truyền bảo rồi (Lê-vi-ký 18:9).
“Đáng nguyền rủa cho kẻ nào nằm với mẹ vợ mình” (23). Loạn luân là tội phạm cách lén lút. Bị nguyền rủa đồng nghĩa với bị xử tử hình, nhưng còn hình phạt ở đời sau nữa.
“Đáng nguyền rủa cho kẻ nào bí mật đánh chết người láng giềng mình” (24). Lén lút sát nhân mà không ai thấy sẽ chẳng được bình an; bời vì sự nguyển rủa của Đức Chúa Trời sẽ đeo đuổi người ấy cho đến chừng hắn bị diệt khỏi mặt đất. Điều nầy cũng áp dụng cho những người lén lút mạ lị, nói xấu, vu cáo, vu khống người khác. Hậu quả không bao giờ tốt cả.
“Đáng nguyền rủa cho kẻ nào nhận của hối lộ để giết người vô tội” (25). Đây là kẻ giết mướn hay thẩm phán nhận hối lộ để kết án tử hình người vô tội. Tội sát nhân rồi sẽ bị xử tử.
Trong xã hội ngày nay có vô số công tố viên và cảnh sát đã tìm mọi cách kết án người vô tội để lập công thăng chức. Những kẻ đó cũng là nhận của hối lộ để giết người vô tội. Hoạn nạn sẽ theo đuổi các hạng người nầy, vì bị luật pháp Chúa nguyền rủa.
“Đáng nguyền rủa kẻ nào không thực thi những quy định của luật pháp nầy” (26). Các điều trên là từng tội riêng, sự nguyền rủa nầy tóm tắt tất cả các lời nguyền rủa.
Toàn dân đều phải nói A-men, đồng ý với luật pháp công khai ban hành.
Có mười hai chi tộc thì có mười hai lời nguyền rủa công bố.
Vì không ai có thể giữ trọn luật pháp, nên mọi người đều bị ở dưới sự nguyền rủa của luật pháp cho tới khi Đấng Christ đến cứu chuộc người tin ra khỏi sự nguyền rủa ấy (Galati 3:13). Qua đó chúng ta mới được hưởng lời chúc phước từ núi Gerizim.
PhucTruyen25.docx
Rev. Dr. CTB