Phục Truyền Luật Lệ, bài 20
Phục Truyền 22:1-30
Từ thời tổ phụ Abraham, người Hê-bơ-rơ sống bằng nghề du mục. Đối với một xã hội nông nghiệp coi trọng sự chăn nuôi các gia súc gặm cỏ ngoài đồng, thì mọi con thú mỗi gia đình đang sở hữu đều là tài sản quý báu của họ. Mất một con thú là mất một phần tài sản của gia đình, nên chủ của con thú sẽ đi tìm để dẫn về.
Làm thế nào biết được con bò hay chiên của người khác bị đi lạc (1)? Gia súc như bò, cừu và dê đều sống theo bầy; chúng bối rối chạy quanh tìm đường trở về bầy của mình. Vì vậy, những người vẫn quen chăn nuôi sẽ biết con thú đang bị lạc bầy, có thể vì chạy trốn thú dữ mà bị lạc, hoặc mải mê ăn cỏ đi xa khỏi bầy mà không biết.
Luật định rằng người thấy con thú đi lạc thì không được làm ngơ mà phải dẫn những con bị lạc đó về cho anh em hay hàng xóm của mình. Nếu chủ con thú ở xa thì phải giữ giùm cho tới khi người chủ đến tìm (2).
Luật được đặt ra để người trong cộng đồng biết tôn trọng bất cứ tài sản gì của người khác, vì tính ích kỷ và lười biếng mà trong dân tộc nào cũng có, sẽ khiến người ta giả vờ làm ngơ để khỏi mất công chăm sóc giùm những con thú đi lạc cho anh em mình trong cộng đồng; còn tánh tham lam thì lượm rồi giấu đồ người khác bỏ quên hay làm rớt cũng xảy ra ở mọi nơi. Nhưng luật định là ai thấy cũng phải gìn giữ giùm cho anh chị em, người trong cộng đồng của mình (3).
Tinh thần đạo đức Cơ-đốc đã hun đúc lòng ngay thẳng và tử tế của những người sống trong các xã hội kính sợ Đức Chúa Trời. Nhiều gương của những người không tham của bất nghĩa đã trả lại số tiền lớn hay vật quý mà người khác bỏ quên, đều xuất phát từ điều luật đạo đức đẹp đẽ nầy. Tinh thần trợ giúp người hay gia súc bị nạn cũng là một nét đẹp trong xã hội biết kính sợ Chúa (4).
Khi Đức Chúa Trời dựng nên đàn ông và đàn bà, Ngài dựng nên hai giới tính khác biệt nhau rõ ràng. Người ta tạo ra quần áo hay y phục khác nhau cho hai giới để phân biệt giữa nam với nữ. Đàn ông ái nam ái nữ mới thích mặc quần áo đàn bà, còn nữ giới đầy nam tính thì ưa ăn mặc như đàn ông.
Vào thời áo quần còn phân biệt rõ ràng hai giới mà ăn mặc lẫn lộn, thì người mặc trang phục đó bày tỏ tính dục đồng giới một cách công khai. Nếu không bị cấm, những người như vậy sẽ thực hiện tình dục đồng giới là điều Đức Chúa Trời ghê tởm (5).
Đối với chim chóc, Đức Chúa Trời cũng muốn con dân Ngài bày tỏ sự nhân từ; bởi vì bắt cả chim mẹ lẫn chim con là sự độc ác của người không có lương tâm và tham lam (6). Luật cấm bắt cả chi mẹ lẫn chim con biểu lộ lòng yêu thương của Chúa đối với tạo vật của Ngài. Người thực hành sự nhân từ sẽ được sống lâu (7).
Nhà của người Do-thái có mái bằng, người ta có thể đi trên mái nhà; vì thế, luật Môi-se buộc người xây nhà mới phải làm lan can an toàn để không ai vì vô ý mà từ mái nhà té xuống đất chết. Nếu chủ nhà đã làm lan can mà có người ngã xuống là do cố ý, chủ nhà không bị trách nhiệm về cái chết (8).
Về việc không được gieo hai thứ hột giống trong cùng một vườn nho, thì trước đó đã có luật cấm không được gieo hai thứ hộ giống trong cùng một mảnh ruộng để không làm tổn hại loại thực vật mà Đức Chúa Trời đã tạo nên (Lêvi 19:19).
Ngài tạo nên mọi vật tùy theo loại (Sáng thế 1:11-12, 21, 24–25); mỗi loại có đặc điểm thể chất của nó. Nếu gieo hai loại hột giống thì chúng sẽ lai lẫn nhau, cả hai giống cây sẽ sinh ra loại hột mất hẳn mùi vị và tính chất dinh dưỡng, không sinh đủ hoa màu cho nhu cầu của thú và người. Ở chỗ nầy (9) thì luật cấm không được trồng hai giống nho trong cùng một vườn nho. Người thời nay chưa hiểu hết vấn đề nầy.
Một con bò bị bắt mang ách chung với con lừa để cày ruộng thì chúng không đồng chiều cao và sức mạnh với nhau. Con lừa thấp hơn con bò, bước đi cũng ngắn hơn, con bò phải dùng nhiều sức hơn. Bò ăn cỏ, lừa ăn các thứ lá và cỏ độc, bò không chịu được mùi hơi thở của lừa; có thể vì bị đánh đau mà chúng phải kéo cày chung, nhưng hai giống thú đó không hoà thuận.
Hơn nữa, về ý nghĩa của tôn giáo thì bò là loài thú sạch, còn con lừa bị kể là thú ô uế; buộc một con thú sạch vào chung ách với con thú ô uế là sai trật, cho nên không được phép làm.
Về ý nghĩa tâm linh thì luật nầy có ý khuyên con cái Chúa không nên mang chung ách với người không tin Chúa. Chúng ta vẫn có thể kết thân để đưa họ đến với Chúa chứ không bắt chước làm theo những điều họ làm, không động tới những thứ ô uế hay các thói tục nghịch lại sự thánh khiết của Chúa (10).
Không được mặc áo bằng vải dệt chỉ lông chiên chung với sợi gai, không phải bất cứ hai loại sợi nào (11). Cho tới nay, chưa nhà giải kinh nào giải thích được lý do của lệnh cấm nầy; người ta nghĩ rằng vào thời ấy, những người ngoại bang mặc thứ vải dệt bằng lông chiên với sợi gai, nhất là nhóm người tế tự thờ cúng thần Baal ở xứ Canaan.
Đức Chúa Trời muốn dân của Ngài tách rời khỏi mọi thói tục có thể dẫn họ tới chỗ phản bội Ngài để thờ cúng tà thần. Vì đời sau, Chúa cảnh cáo về sự phán xét: “Trong ngày dâng sinh tế của Đức Giê-hô-va, Ta sẽ trừng phạt các thủ lãnh, các hoàng tử và tất cả những kẻ mặc y phục ngoại bang” (Sô-phô-ni 1:8).
Ngoài sự loại trừ mê tín, dị đoan, lệnh cấm nầy liên quan tới sức khoẻ. Vì áo xống dệt bằng lông chiên trộn với sợi vải gai lúc khí trời nóng có hại cho người mặc vải loại ấy (Êxê. 44:17–18).
Nghĩa bóng của lệnh cấm nầy là người lương thiện không thể thông đồng với người gian ác; cũng có nghĩa là không thể pha trộn đức công chính của Đấng Christ với công đức của loài người trong việc xưng công nghĩa cho tội nhân.
Đức công chính của Đức Chúa Jesus được ví như chiếc áo trắng tinh sạch (Khải 19:8) ban cho người có đức tin và vâng lời, không nhờ làm theo luật pháp mà được (Rôma 3:28); nên chẳng công đức nào được kể.
Lệnh về tua áo (12) nhằm mục đích: “Các con phải mang cái tua nầy để khi nhìn thấy nó, các con nhớ lại tất cả điều răn của Đức Giê-hô-va mà vâng theo, chứ không theo tư dục của lòng và mắt mình, là điều làm cho các con sa vào tà dâm” (Dân số 15:39).
Lòng của loài người thật khó lường; việc vu khống người khác vẫn thường xảy ra chỉ vì một dã tâm nào đó; nhất là phận đàn bà trong xã hội chẳng được bình quyền với đàn ông, bị vu khống mà khó có cơ hội minh oan. Nhưng luật Môi-se ở trường hợp nầy giúp cho các bà vợ bị chồng vu khống được cha mẹ mình minh oan (13-19).
Điều nầy cũng có nghĩa khuyến khích các bậc cha mẹ phải để dành các bằng cớ chứng tỏ trinh tiết của con gái mình trước khi lấy chồng. Mặc dù không câu nào nói khoảng thời gian anh chồng giở trò vu khống cách ngày cưới bao lâu, nhưng thời hạn không thể chờ tới vài năm sau mới nói.
Nếu cha mẹ cô gái chứng minh được con mình còn trinh tiết trước khi về với chồng, thì người chồng vu oan cho vợ sẽ bị trừng phạt bằng roi, thường là 39 roi, rồi còn bị phạt phải nộp một trăm miếng bạc cho cha mẹ vợ và không được ruồng bỏ vợ nữa.
Trái lại, nếu không tìm thấy bằng cớ chứng tỏ cô gái còn trinh tiết, thì cô gái sẽ bị dân trong thành ném đá cho chết vì đã lén lút phạm tội tà dâm khi chưa lấy chồng. Án tử hình đó nhằm diệt trừ tội ác khỏi Israel và là gương răn đe mọi cô gái khác (20-21).
Người đàn ông nào bị bắt gặp ăn nằm với vợ của người khác thì cả hai đều sẽ bị xử tử hình để diệt trừ tội ác khỏi Israel (22).
Trinh nữ đã đính hôn rồi nhưng để cho một người đàn ông khác cưỡng hiếp mình trong thành mà không kêu la cầu cứu, thì cả hai sẽ bị ném đá chết. Cô gái bị kể là có tội vì được xem như đã có chồng mà ăn nằm với người khác, không kêu la chống cự. Còn người đàn ông bị xem như chiếm đoạt vợ của láng giềng mình (23-24).
Trong trường hợp người nữ đã đính hôn bị cưỡng hiếp ngoài đồng thì người đàn ông sẽ bị xử tử; cô gái không bị phạt gì vì đã kêu cứu mà không ai đến cứu (25-27).
Trong trường hợp người đàn ông bị bắt quả tang cưỡng hiếp một trinh nữ chưa đính hôn, thì người ấy phải nộp cho cha của cô gái năm mươi shekels bạc, phải cưới cô ấy làm vợ vì đã chiếm đoạt cô gái, nếu người cha cô gái bằng lòng cho người ấy lấy cô làm vợ.
Có lẽ sẽ không làm đám cưới gì hết, vì người đàn ông đã chiếm đoạt cô gái rồi. Suốt đời người chồng không được ruồng bỏ cô vợ đó (28-29).
Trong xã hội đa thê, những bà vợ lẽ thường trẻ hơn con trai của chồng mình. Dù cha đã qua đời, những người con không được làm nhục cha mà lấy vợ lẽ của cha (30).
PhucTruyen20.docx
Rev. Dr. CTB