Phục Truyền Luật Lệ, bài 21

Phục Truyền 23:1-25

Có hai cách thiến một người đàn ông; một là làm giập tinh hoàn, hai là cắt bỏ dương vật. Bất cứ người nào trong Israel bị một trong hai điều nầy sẽ không được làm dân của Chúa vì vài lý do đặc biệt:

Israel được kể như một nước thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời: “Các con sẽ trở thành một vương quốc thầy tế lễ và một dân tộc thánh cho Ta” (Xuất Ai-cập 19:6).

Mà luật định những người bị các khuyết tật liệt kê sau đây không được làm thầy tế lễ: Mù loà, què quặt, dị tướng dị dạng, gãy chân hay gãy tay, gù lưng, còi cọc, mắt có tật, ghẻ chốc, vảy nấm, và giập tinh hoàn (Lê-vi-ký 21:19-20) 1.

Tuy nhiên, hãy để ý là luật nầy chỉ áp dụng trong một giai đoạn thời gian nào đó mà thôi. Vì sau nầy, Đức Chúa Trời dùng tiên tri Ê-sai phán với những người bị hoạn:

Đức Giê-hô-va phán thế nầy: ‘Những người bị hoạn mà giữ các ngày Sa bát Ta, chọn điều đẹp lòng Ta, giữ vững giao ước Ta, thì Ta sẽ ban cho họ một chỗ trong nhà Ta, trong các tường thành của Ta, và cho họ một danh tốt hơn danh của con trai con gái; Ta lại sẽ ban cho họ một danh đời đời, là danh chẳng hề mai một’” (Ê-sai 56:4-5).

Cho nên, Hội thánh của Chúa ngày nay không ngăn cản bất cứ ai đến tìm kiếm Chúa. Mọi người đều được hoan nghênh, miễn là đến để tôn kính thờ phượng Chúa.

Con ngoại hôn là những người con được sinh ra do loạn luân hay ngoại tình (2); tuy nhiên có nhà giải kinh giải thích rằng chữ ấy nói về con của những người làm nghề đĩ điếm sinh ra, hay là con của sự kết hợp nam nữ bị cấm.

Luật nầy có vẻ quá khắt khe đối với các người con không làm lỗi gì mà bị sinh ra. Thật ra luật ấy được đặt để ngăn ngừa đàn bà Israel đừng có mối liên hệ tình dục bừa bãi, và cũng để những người sẽ được đề cử vào chính quyền đều là con hợp pháp của mẹ và cha người Israel.

Còn sở dĩ người Ammôn và Mô-áp không được nhập hội vì họ chẳng những đã không đón rước Israel mà còn thuê người rủa sả dân của Chúa (3-4). Lời dặn của Môi-se là sau nầy Israel mãi mãi không được mưu cầu hoà bình hay thịnh vượng với hai sắc dân ấy (5-6).

Lệnh nầy cũng chỉ có giá trị một thời gian nào đó, vì Ruth, dâu của Naomi, dù là người Mô-áp, đã trở thành tổ mẫu của vua David, mà sau nầy Joseph và Mary là dòng dõi của David (Ruth 1:22).

Israel được lệnh không được phép ghê tởm hai dân tộc Ê-đôm và Ai-cập (7); vì Ê-đôm là anh em chú bác với Israel. Họ là con cháu của Ê-sau, anh sinh đôi với Jacob. Hãy để ý là khi Israel đi tới lãnh thổ của Ê-đôm và chỉ xin đi ngang qua, thì vua Ê-đôm dẫn quân đội ra xua đuổi khiến họ phải đi vòng rất khổ sở; nhưng họ không được phép chiến tranh với anh em mình.

Còn tuy người Ai cập đã bắt họ làm nô lệ, nhưng vua Ai-cập chọn Joseph làm tể tướng và tiếp đãi gia đình của Jacob rất tử tế. Hơn nữa, Môi-se được công chúa Ai-cập nhận làm con nuôi và cho ăn học tất cả sự khôn ngoan của người Ai-cập.

Nên thế hệ thứ ba, tức đời cháu, sẽ được nhận vào Israel (8).

Sự giao hợp giữa nam nữ, dù là vợ chồng, cũng phải kiêng cữ trước khi ra trận cũng như khi đến Đền của Đức Chúa Trời để dâng tế lễ (9). Những người đàn ông bị mộng tinh cũng bị xem là ô uế, phải ra khỏi doanh trại cho tới chiều tối. Họ chỉ được trở vào trại trước khi mặt trời lặn, sau khi đã tắm rửa sạch sẽ bằng nước (10-11).

Với một đoàn dân đông đảo nam phụ lão ấu lên tới trên dưới hai triệu người, nếu không có luật định về phóng uế thì sẽ có nhiều điều bất tiện và ô uế tại doanh trại của Israel. Vì thế, họ phải dành một khu vực riêng ngoài doanh trại để mọi người ra đó mà phóng uế, và mỗi người phải cầm theo một cái xẻng nhỏ để đào lỗ và lấp phân (12-13). Căn cứ vào lời dặn ở đây (14), con dân của Chúa không được cẩu thả chuyện phóng uế, vì Ngài ở với họ.

Luật ở chỗ nầy về việc không được giao trả nô lệ chạy trốn lại cho chủ, thì chỉ áp dụng trong các trường hợp đó là các nô lệ của chủ người Canaan hoặc các dân tộc ngoại bang khác (15-16), vì đó không phải là một luật phổ thông. Nếu áp dụng cho cả nô lệ của chủ Israel thì sẽ gây nhiều sự xáo trộn và gian dối trong nội bộ dân tộc.

Luật nhân đạo nầy giúp cho những người nô lệ của chủ người Canaan hay ngoại bang tìm đến trú ẩn dưới sự che chở của Đức Chúa Trời, thì hãy giúp đỡ những người nô lệ ấy tìm được sự an ủi nơi Chúa sau những khổ nhục của đời nô lệ. Sự cứu giúp phải cho đầy đủ, không được đuổi nô lệ ấy đi, cho phép họ chọn chỗ ở, và không được hà hiếp.

Luật cấm cả những người nữ lẫn người nam của Israel không được làm nghề mại dâm trong đền miếu có liên quan tới lệnh cấm con ngoại hôn không được nhập hội.

Những đền miếu của tà thần Baal và Ashera của người Canaan là nơi dân ngoại bang tới hành dâm với đám người hành nghề mãi dâm ở đó. Các thứ tín ngưỡng ấy bị Đức Chúa Trời rất gớm ghét (17); vì thế, nghề mãi dâm bị cấm triệt để, nhất là mãi dâm ở các đền miếu tà thần.

Tiền công của gái mãi dâm vào thời ấy thường là chiên con hoặc dê con (Sáng-thế 38:15-17), cho nên, không được đem các con thú làm tiền công cho gái mãi dâm vào dâng trên bàn thờ (18).

Chó ăn phân người, liếm lại đồ nó đã mửa, nên bị cấm không được vào thành thánh (Khải Huyền 22:15); tuy nhiên, chữ chó ở chỗ nầy có nghĩa bóng nói về những người mà cách sống ô uế, cẩu thả của họ chẳng khác gì loài chó.

Vấn đề cho vay lấy tiền lời là một nan đề khó loại trừ trong vòng con cái Chúa (19). Bởi vì ít người được biết vấn đề nầy để vâng theo. Hơn nữa, cho vay lấy lãi là một trong những cách đầu tư thông thường của xã hội. Có người dùng lời phán của Đức Chúa Jesus để biện hộ cho hành vi cho vay lấy lãi của họ (Mathiơ 25:27).

Hãy để ý là luật cấm không được cho vay lấy lãi đối với anh em trong Israel, hay trong con cái Chúa ngày nay: “Anh em được phép lấy lãi người nước ngoài nhưng không được lấy lãi anh em mình” (20).

Thường thì sự vay mượn giữa dân Israel với nhau là để giải quyết qua cơn túng quẫn, không phải là món vay mượn để đi buôn.

Không phải lời chê trách của Đức Chúa Jesus đối với người đầy tớ lười biếng là khuyến khích cho vay lấy lãi, nhưng Ngài phán về cách đầu tư khôn ngoan là giao số vốn ấy cho người buôn bạc.

Để được Chúa ban phước trong mọi công việc chúng ta làm, hãy hết sức tránh hình thức cho vay lấy lãi, dù đối với anh em trong Chúa hay đối với người ngoài cũng vậy. Những người phạm phải lỗi nầy không bao giờ khá lên được mà còn bị lãnh tai hoạ nữa.

Hãy giữ sự trong sạch trước mặt Chúa về lãnh vực tiền bạc. Khi Chúa hứa ban phước cho người nào làm theo, thì Ngài sẽ giữ lời hứa đó. Đừng lo lắng hay phiền lòng về tiền bạc. Đức Chúa Trời luôn chăm sóc con cái Ngài.

Một lãnh vực nữa mà người ta thường vi phạm đó là không giữ lời hứa nguyện đối với Chúa hay với Hội-thánh (21), nhất là những người quen với thói không giữ lời hứa, hoặc không xem lời hứa là thanh danh của chính mình.

Nuốt lời hứa hoặc thay đổi lời hứa là tội nặng, “vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ đòi điều đó nơi anh em, và anh em sẽ mắc tội.” Quá nhiều người bị những sự khó khăn khổ sở liên tiếp đổ tới trong đời mà không biết nguyên nhân là do họ vi phạm tội không giữ lời hứa nguyện.

Những người ấy quen nói dối cho nên cũng dám dối gạt Đức Chúa Trời mà không biết sẽ mang hoạ nếu không hoàn nguyện. Không ai buộc mình phải hứa điều mà mình không thể làm. Không hứa thì không mắc tội; hứa mà không làm thì phạm tội (22-23).

Vào vườn nho của người khác và ăn trái nho của họ thì có nghĩa là chủ vườn đãi khách. Khả năng chứa thức ăn của bụng cũng có giới hạn. Nhưng hái nho của người ta bỏ vào giỏ mình là ăn trộm hay lợi dụng lòng tốt của chủ vườn. Hơn nữa cái giỏ chứa được rất nhiều nho; nếu không có lệnh cấm thì nhiều người sẽ vào vườn nho của người khác mà cướp công sức của người ta. Ở đời luôn luôn có những hạng người như vậy (24).

Sở dĩ người ta có thể tự do vào vườn nho vì không có rào cản chung quanh. Người nghèo đói hay lỡ độ đường có thể hái nho ăn cho đỡ đói lòng.

Ruộng hay đồng lúa cũng vậy. Sức người bứt bông lúa ăn thì chẳng được bao nhiêu, nhưng cầm liềm mà gặt thì cũng là một hình thức ăn trộm và cướp công của người khác (25).

Nếu không có luật ngăn chận nầy đưa ra, những người lợi dụng sẽ chờ lúc vắng người lấy liềm gặt trọn đồng lúa của người khác. Những luật nầy phải được đặt ra vì lòng con người là tham lam không đáy.

PhucTruyen21.docx

Rev. Dr. CTB