Phục Truyền Luật Lệ, bài 23

Phục Truyền 25:1-19

Sự tranh tụng luôn luôn xảy ra trong xã hội loài người. Hễ có sự chung đụng thì có va chạm, hoặc có lợi lộc gì đó thì sẽ có sự gian lận để thủ lợi. Vì thế, người ta lập ra các toà án để hoà giải hoặc phân xử một cách công minh.

Lời dặn dò cho các thẩm phán là phải “tuyên bố công chính cho người công chính và định tội kẻ có tội” (1). Chữ công chính ở đây không phải là công nghĩa hay thanh sạch, mà là phải, đúng, hợp lý, hoặc có thật; còn chữ có tội nghĩa là có lỗi, sai trật, dối trá, hay vô lý.

Câu tiếp theo sau là phần bổ túc cho câu đầu: “Nếu kẻ có tội đáng bị đánh đòn thì thẩm phán sẽ bắt người đó nằm sấp xuống và sai đánh trước mặt mình theo số đòn quy định cho mỗi tội” (2).

Quy định nầy đưa ra với giả thiết là các thẩm phán đã phân xử công minh, không vì nhận của hối lộ mà chèn ép người ngay, xưng kẻ có lỗi là đúng mà người có lẽ phải thì sai.

Số đòn mà người có lỗi bị đánh cũng đã được quy định. Số đòn đánh phạt tối đa là bốn mươi đòn, không bao giờ được đánh quá số đó. Cũng không được đánh vào các chỗ hiểm của thân thể khiến người bị đòn có thể thiệt mạng (3).

Không phải lỗi nào cũng bị đánh tới bốn mươi đòn. Có lỗi bị nhiều đòn, lỗi bị ít đòn hơn; đồng thời, bản án đánh đòn phải diễn ra trước mặt thẩm phán để không được nhiều hơn, cũng không ít hơn số đòn đã định cho người có lỗi. “Nếu đánh nhiều đòn hơn thì người bị đòn sẽ bị sỉ nhục trước mắt anh em.

Theo luật Talmud của người Do-thái quy định, thì chỉ được phạt tối đa là 39 đòn, không được quá số đó. Nếu đánh bằng roi có ba đuôi thì mỗi lần quất được kể là ba đòn.

Nếu thể tạng của người bị đòn quá yếu không thể chịu nổi ba mươi chín đòn một lần, thì sẽ chia ra ba lần bị đòn, mỗi lần mười ba đòn.

Chớ khớp miệng con bò đang đạp lúa” (4). Theo cách cư xử của người ta thì con thú nuôi bị bắt làm việc đạp lúa không được vừa đi quanh đạp lúa vừa rút những nhánh lúa mà nhai. Vì lý do đó, những con bò hay trâu do người Á-châu bắt phải đạp lúa đều bị khớp miệng bằng một cái giỏ tre đan để lúa không bị thất thoát.

Chúa dạy dỗ cho người Israel về tính nhân đạo dù đối với loài thú hay người cũng vậy. Tính tham lam của người ta khiến họ chỉ nghĩ tới cái lợi của mình chẳng khi nào nghĩ tới ích lợi của người khác. Con bò hay con trâu bị bắt phải làm việc thì đói bụng; nó thèm các cọng rơm có các nhánh lúa mà nó đang đạp.

Không hiểu sao luật nầy được người thiểu số ở cao nguyên Trung Phần Việt Nam áp dụng. Họ không khớp miệng con trâu đang đạp lúa mà còn để nhiều bó lúa nguyên vừa tầm cho con trâu đi ngang cắn rút ra vừa đi vừa nhai.

Khi nhắc tới điều nầy, nếu có thuê người làm công, anh chị em hãy nghĩ tới nhu cầu của họ. Đối với người chăn bầy của mình cũng vậy. Có người phục vụ Hội thánh trong sự thiếu thốn, có người không cần lãnh lương; nhưng người nào cũng có các nhu cầu được khích lệ và an ủi để đủ sức phục vụ lâu dài.

Tín hữu người Việt rất kém cỏi trong lãnh vực nầy vì quá ích kỷ, chỉ biết có mình chứ không thấy nhu cầu của người khác. Các Hội thánh Mỹ đều dành một ngày trong năm để tuyên dương và khích lệ vị mục sư của họ; họ cũng tổ chức tiệc sinh nhật cho mục sư.

Vì làm như vậy, họ chứng tỏ là họ không quên công khó của người lãnh đạo tinh thần, và mỗi Hội thánh là một gia đình; cho nên, giữa mục sư và tín hữu luôn có sự gắn bó.

Theo luật Do-thái, thì khi các anh em trai sống chung với nhau trên sản nghiệp của gia đình, mà một người đã cưới vợ chết đi nhưng chưa có con trai nối dõi, thì người vợ ấy không được kết hôn với người ngoài gia đình.

Người ấy chỉ được kết hôn với một người anh hoặc em của chồng mình mà thôi. Người anh hay em chồng có bổn phận phải cưới người vợ goá ấy để làm tròn bổn phận của anh em chồng đối với nàng (5). Khi người đàn bà đó sinh con trai đầu lòng thì con ấy sẽ mang tên người anh em đã chết, “để tên của người ấy không bị xoá khỏi Israel” (6).

Nhưng sẽ có trường hợp người anh hay em chồng không thích lấy em dâu hay chị dâu mình vì một lý do nào đó, thì người đàn bà phải tới cổng thành để khiếu nại với các trưởng lão về việc người anh hay em chồng của mình không chịu thực hiện bổn phận “lưu truyền tên tuổi của anh em mình trong Israel” (7). Rồi các trưởng lão của thành sẽ gọi người đàn ông đó đến để hỏi sự tình (8).

Luật cho thấy phải có sự rõ ràng và công bằng; các trưởng lão của thành không thể chỉ nghe lời tố cáo của một phía rồi quy tội cách sai trật theo bản tính thiên vị của loài người.

Bài học nầy cần phải áp dụng trong Hội-thánh khi phải giải quyết các sự tranh chấp giữa các cá nhân, hay lời kể lại về Hội thánh nào hay người nào khác, khiến mình vội vàng lên tiếng bênh vực phe ta trước khi nghe sự trình bày của phía bên kia. Thường thì sự thiên vị vội vàng đó dẫn tới sự hiềm khích không cần thiết.

Nếu ai cũng biết làm theo sự chỉ dẫn của Chúa, qua các luật lệ Ngài đã truyền lại cho Israel trước khi họ bước vào chinh phục đất hứa, thì nhiều sự hiểu lầm do thiếu tính cẩn thận và công bằng sẽ không thể xảy ra giữa các con cái Chúa trong Hội-thánh; cũng như sẽ khiến cho bọn người tung tin giả, tin tức bịa đặt không còn đất sống nữa.

Nếu người anh hay em chồng của người phụ nữ đang khiếu nại với các trưởng lão nhất quyết không muốn chắp nối với em dâu hay chị dâu mình, “thì người chị hay em dâu sẽ đến gần người đó, lột dép khỏi chân người đó và nhổ vào mặt anh ta trước mặt các trưởng lão, rồi nói: ‘Kẻ nào không chịu gây dựng dòng họ cho anh em mình sẽ phải chịu như thế đó!’ Trong Israel, người ta sẽ gọi nhà người ấy là ‘nhà của kẻ bị lột dép” (8-10).

Mục đích của luật nầy trong dân Israel là để giữ cho sản nghiệp đất đai của họ được phân biệt rõ ràng; nhưng bây giờ không còn áp dụng nữa.

Luật cũng không cho phép đàn bà nắm chỗ kín của người đàn ông nào không phải là chồng mình (11) để giữ sự nghiêm nhặt không được tiếp xúc, rờ chạm nào giữa nam nữ ngoài hôn nhân.

Sự chặt tay người vi phạm (12) không phải chỉ riêng luật Do-thái; luật Hammurabi cũng quy định chặt tay của người bị bắt phạm tội trộm cắp nữa.

Tánh gian lận mua già, bán non trong nghề mua bán vàng bạc đá quý, vẫn xảy ra trong mọi xã hội ở mọi thời đại, khi người ta muốn nhanh chóng làm giàu trên sự thiệt thòi của khách hàng.

Mặc dù trước kia có một số quầy hàng bán vải ở chợ đông người đã tự làm loại thước đo bằng gỗ ngắn hơn thước chính thức, nhưng lúc đo thì người bán lại gian lận thêm bằng các thủ thuật gian xảo đã tập luyện thuần thục ở nhà.

Mấy thương gia gian xảo bị phạt nặng, nhưng sự gian lận vẫn tiếp tục kéo dài qua nhiều thế hệ (13-14). Trường thọ là lời hứa Chúa ban cho người ngay thẳng, trung thực, vì Ngài ghê tởm sự gian lận (15-16).

Amalek là một dân tộc đã có sẵn trên đất Canaan từ thời ông Abraham, tổ phụ dân Israel tới kiều ngụ ở đó (Sáng thế 14:7).

Dân tộc nầy vẫn luôn tìm cách hãm hại dân tộc Israel của Đức Chúa Trời. Họ đã bị đại bại trước Israel trong trận đánh ở Rephidim, khi họ chận đánh toán quân đoạn hậu đang mệt nhọc của Israel (Xuất Ai-cập 17:8-14).

Môi se nói rằng Amalek chận đánh Israel đang mệt lả và kiệt sức, vì họ không biết kính sợ Đức Chúa Trời. Mặc dù Amalek và các dân tộc khác ở quanh Ai-cập, xứ Canaan, lên tới vùng Lưỡng Hà đã nghe biết những chuyện kinh thiên động địa mà Đức Chúa Trời đã làm cho xứ Ai-cập để giải thoát Israel khỏi kiếp nô lệ, nhưng Amalek vẫn không biết sợ mà chận đánh tập hậu dân của Đức Chúa Trời (17-18); cho nên, lệnh của Chúa là Israel không bao giờ được quên hành động ác độc của Amalek mà phải tận diệt họ (19).

Về sau, lúc Saul được làm vị vua đầu tiên của Israel, ông ta đã quên mất lệnh truyền nầy nên tha mạng cho vua Amalek, là Agag, sau khi đã đánh bại dân Amalek (1Samuel 15:20).

Mặc dù sau đó Agag đã bị Samuel xử tử, nhưng sự không vâng lời của Saul trong lệnh của Chúa phải xoá bỏ, tiêu diệt mọi dấu tích của Amalek trong thiên hạ, đã dẫn tới một hậu quả hết sức nguy nan cho số phận của dân Israel đang sống dưới thời hoàng đế Ahasuerus của đế quốc Ba-tư.

Theo các sử gia, thì Haman, một cận thần đầy quyền uy của vua Ahasuerus, là hậu duệ của Agag, vua Amalek, là người bày mưu dùng uy quyền của hoàng đế tiêu diệt sạch dân Do-thái, vì Haman là con của Hammedatha, người Agag (Ê-xơ-tê 3:1).

Bài học nầy nhắc chúng ta hãy nhớ các mệnh lệnh mà Chúa đã truyền cho mình, đừng bao giờ quên.

PhucTruyen23.docx

Rev. Dr. CTB