Dân-số-ký, bài 12
Dân-số-ký 17 – 18
Không phải chỉ riêng những người thuộc chi tộc Lê-vi ganh tị chức tế lễ của gia đình A-rôn, mà người của nhiều chi tộc khác cũng thèm muốn vai trò có uy quyền và béo bở đó.
Đức Chúa Trời biết rõ lòng người và Ngài cũng nghe họ lén lút thầm thì với nhau. Họ cho rằng Môi-se giao chức tế lễ cho gia đình A-rôn vì là anh em ruột. Có lẽ họ ngấm ngầm phẫn uất, cằn nhằn, cho đến khi các gia đình Korah, Dathan và Abiram nổi lên chống đối, thì họ bộc lộ tâm địa hùa theo nhóm nổi loạn.
Đức Chúa Trời phải thực hiện một việc siêu nhiên, để làm câm miệng những người đang thèm muốn chức vụ tế lễ trong Đền Tạm (17:1–5). Mười hai trưởng tộc của mười hai chi tộc sẽ nộp cây gậy của mình, để Môi-se đem vào đặt trong Đền Tạm trước Rương Chứng Ước. Phải viết tên người chủ lên cây gậy. Gậy nào trổ hoa, chủ của cây gậy ấy là người được Chúa chọn.
Gậy của người Do-thái làm bằng cành cây thẳng, nhưng đầu gốc hơi cong chỗ tay cầm. Gậy của người lãnh đạo thường khảm bạc ở đầu gốc có chạm tên người chủ gậy. Khi cành cây bị chặt để làm gậy thì nó được phơi khô hết nhựa. Vì vậy, cả mười hai cây gậy có cả gậy của A-rôn đều là gỗ khô lâu năm, vật dụng lâu ngày của mỗi người lãnh đạo đem đến nộp cho Môi-se để đem đặt trong Lều Chứng Ước (6–7).
Khi lấy gậy ra vào ngày hôm sau, mọi người lấy gậy của mình về, chỉ gậy của A-rôn trổ hoa và ra trái hạnh nhân chín. Cây gậy trổ hoa là bằng chứng Chúa đã chọn A-rôn như Ngài truyền qua Môi-se, đã chấm dứt mọi lời cằn nhằn về chức tế lễ.
Nhưng A-rôn không được phép lấy gậy của mình về, nó phải được đặt lại trước Rương Giao Ước “để giữ làm một dấu hiệu cảnh cáo về sự nổi loạn” và “làm câm nín mọi lời cằn nhằn chống lại” Chúa. Ai còn tiếp tục cằn nhằn sẽ bị phạt chết (8–11).
Dấu hiệu cây gậy trổ hoa và ra trái chín khiến cho những người thèm muốn chức tế lễ hoảng kinh. Họ nói: “Nầy, chúng tôi bị diệt, chúng tôi bị chết, chúng tôi chết hết! Ai đến gần Đền Tạm của Đức Giê-hô-va sẽ chết. Có phải chúng tôi sẽ chết hết không?” (12–13).
Đó là những lời nói của loại người hay phàn nàn. Họ quá kinh sợ vì thấy tính ngang ngạnh và tự tôn của họ bị rước lấy tai hoạ.
Nếu chúng ta vì sự không vâng lời của mình bị nhận lãnh hình phạt, mà lại lên tiếng trách móc Chúa, thì sự vi phạm càng nặng thêm lên. Vì mọi lỗi lầm thuộc về người vi phạm. Chúa là Đấng phán xét công minh.
Trước lúc đó, nhiều người lãnh đạo các chi tộc Israel không tự lượng sức mình đã dám nghĩ rằng chức tế lễ của A-rôn là quyền lợi chung cho mọi người, chắc họ cũng có quyền đó, họ sẽ ra vào Đền Thánh như ông ta mà chẳng bị hại gì.
Nhưng bây giờ họ kinh hoảng vì thấy cây gậy khô của A-rôn trổ hoa và ra trái: Có phải đó là dấu hiệu chống lại họ, họ sẽ không được phép lai vãng tới gần Đền Tạm nữa hay sao? Vì tới gần thì có thể bị đất hả miệng nuốt sống, hoặc bị lửa loè ra thiêu chết, hoặc đang đứng mà ngã xuống chết như mười bốn ngàn bảy trăm người bị tai hoạ giết chết hai hôm trước.
Môi-se nhường cho Đức Chúa Trời trả lời về những việc mà chỉ Ngài là Đấng có quyền quyết định về sự sống, sự chết và lý do nào Ngài chọn người phục vụ trong Đền Thánh.
Đức Giê-hô-va đáp các câu hỏi bằng lời phán dặn A-rôn về trách nhiệm của thầy tế lễ và chi tộc Lê-vi trong những công việc ở Đền Tạm (18:1–7). Vì dân Israel ganh tị với chức vụ của A-rôn mà lại sợ hãi việc bị phạt chết khi đến gần Đền Thánh. Đức Chúa Trời giao trách nhiệm cực nặng cho A-rôn và người Lê-vi, để dân Israel thấy sự phục vụ ở Đền Thánh không dễ như họ tưởng lầm.
A-rôn cùng với các con trai và gia tộc của ông đều phải chịu trách nhiệm về những sơ xuất phạm tới Nơi Thánh của bất cứ ai. Mà sơ xuất thì chắc chắn sẽ xảy ra, còn A-rôn, các con trai cùng gia tộc của ông sẽ bị phạt vì các sự sơ xuất ấy. Vinh dự của chức vụ càng nhiều bao nhiêu thì sức nặng của trách nhiệm và mối hiểm nguy bị trừng phạt cũng nhiều bấy nhiêu.
Sẽ có bao nhiêu người Israel chịu nổi trách nhiệm quá lớn nầy? Bởi vì chẳng những họ phải gánh trách nhiệm về các sự gian ác liên quan tới Nơi Thánh, mà còn trách nhiệm về các sự gian ác liên quan chức tế lễ nữa.
(18:8–19) Chịu trách nhiệm nặng thì quyền lợi cũng tương đương. Đức Chúa Trời cho phép A rôn, các con trai cùng toàn gia tộc được hưởng tất cả lễ vật nào dân Israel dâng cho Chúa mà còn lại sau khi các phần khác đã bị thiêu hoá. Mọi vật phẩm ấy được kể như là tiền công cho sự phục vụ và trách nhiệm nặng nề của các thầy tế lễ.
Sự ban phát bội hậu của Chúa cho các thầy tế lễ đều nhằm mục đích giúp họ dẹp bỏ những sự thèm muốn vật chất mà người bị thiếu thốn thường gặp.
Người ta có thể sống thánh thiện trong sự phục vụ Đền thờ hay Hội-thánh, khi họ thấy Chúa thực hiện lời hứa sẽ chu cấp những món cần thiết để sống. Tai tiếng xảy ra khi những người ấy thèm muốn của cải trần gian như xã hội quanh mình vì không được cung cấp các nhu cầu tối thiểu của họ.
Hễ khi nào một Hội-thánh địa phương không chu cấp các nhu cầu căn bản cho người chăn bầy của mình, để họ bị nghèo khổ, thì đã vi phạm luật và khinh thường Chúa (1Côrinhtô 9:13–14).
Người ta có thể thắc mắc: Nếu các thầy tế lễ chỉ có thịt, bột với dầu để sinh sống, thì làm sao họ có tiền mua sắm đồ dùng hay y phục cho gia đình họ? Chúa đã dự bị bằng cách cho họ hưởng tất cả các bộ da lột từ những con thú dâng làm sinh tế; họ có thể bán những bộ da đó lấy tiền mua sắm các nhu cầu mà chức vụ tế lễ không cung cấp. Đồng thời họ cũng có tiền chuộc các con đầu lòng của dân Israel dâng lên cho Chúa nữa.
Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cũng căn dặn A-rôn cách rõ ràng về việc ai sẽ ăn các thực phẩm được Ngài ban cho họ. Những món gì phải dâng cho Chúa trước và phần còn lại ban cho thầy tế lễ, thì chỉ người nào tinh sạch trong nhà thầy tế lễ mới được ăn (18:13); còn những lễ vật như hoa quả đầu mùa dâng cho Đền Thánh, không phải thiêu mà đem thẳng tới cho thầy tế lễ, thì mọi người trong nhà thầy tế lễ đều được ăn. Đây là giao ước bằng muối, có nghĩa là vĩnh viễn, không thể huỷ bỏ, như tính chất của muối là bền vững (18:19).
(18:20–32) Phần nầy là lời xác nhận rõ ràng từ Chúa là các thầy tế lễ và chi tộc Lê-vi sẽ không có cơ nghiệp hay phần đất riêng nào khi vào trong đất hứa (18:20); họ phải được cấp một số thành để ở và ít đồng cỏ chung quanh thành để nuôi gia súc (Giô-suê 21:41-42).
Sở dĩ Chúa không cấp sản nghiệp gì cho họ để họ chuyên tâm trong việc phục vụ Ngài ở Đền Thờ, không bận tâm theo đuổi những sự ao ước của người thế tục; cũng vì Chúa đã cung cấp mọi thứ cần thiết cho đời sống thể xác, gồm có mọi thứ tế lễ và thuế một phần mười của toàn dân Israel.
Chúa phán: “Vì Ta đã ban cho người Lê-vi các phần mười của dân Israel, là tế lễ dâng lên Đức Giê-hô-va, làm cơ nghiệp. Cho nên, Ta đã phán về họ rằng: Họ sẽ không có cơ nghiệp giữa dân Israel” (18:24). Tuy nhiên, người Lê-vi lại phải trích ra một phần mười của phần mà họ được giao để dâng lại cho Chúa.
Tuy người Lê-vi không có đất để gieo trồng chi cả, nhưng một phần mười mà họ lấy ra dâng lên cho Chúa thì “được kể như lúa mì nơi sân đập lúa và như rượu nho dư dật nơi hầm ép rượu” (18:27–28). Những lễ vật một phần mười của một phần mười đó thì sẽ giao cho A-rôn nhận và phân chia lại cho các thầy tế lễ.
Nhưng người Lê-vi không được tự ý chọn món gì mình nhận làm một phần mười để dâng lên Đức Chúa Trời: “Trong tất cả những lễ vật nhận được, các con phải lấy ra tất cả phần tốt nhất từ mọi lễ vật biệt ra thánh mà dâng lên Đức Giê-hô-va” (18:29).
Mệnh lệnh nầy nhắc chúng ta ngày nay mỗi lần mình dâng hiến cái gì cho Chúa, thì hãy chọn phần nào tốt nhất để dâng lên cho Ngài. Nhiều người phạm tội với Chúa về vấn đề nầy mà không biết gì hết, vì họ không được nghe giảng cẩn thận về vấn đề dâng hiến.
Nhiều người lãnh đạo không dám giảng đề tài dâng hiến, vì họ sợ đụng chạm tới túi tiền của tín hữu thì dễ bị phản kháng.
Sự dâng phần tốt nhất của thuế một phần mười cho Chúa là ích lợi cho người Lê-vi. Vì được kể như do chính công sức họ làm ra từ đồng ruộng (18:30); họ và gia quyến được ăn các lễ vật ấy ở bất cứ nơi nào cũng được, vì đó là phần thưởng cho công khó của họ phục vụ tại Lều Hội Kiến; hơn nữa, khi dâng lên phần tốt nhất, thì họ không mắc tội, cũng không làm ô uế những vật thánh của Israel, và khỏi bị phạt chết (18:31–32).
Ngày nay cũng vậy, việc chúng ta dâng hiến của tốt nhất lên cho Chúa sẽ đem lại ích lợi mọi bề. Vì Chúa yêu kẻ dâng hiến cách vui lòng (2Côrinhtô 9:7).
Dansoky12.docx
Rev. Dr. CTB