1Samuel, bài 12

1Samuel 11:1–15

Ammon là ruột thịt của Moab. Hai người đều là con của ông Lót cháu Abraham. Họ trở thành hai dân tộc sống cạnh nhau ở phía đông của sông Jordan. Khi dân Israel tiến gần tới đất hứa,  Đức Chúa Trời không cho phép họ khiêu chiến hay tấn công lãnh thổ của người Edom, là dòng dõi của Esau, người Moab và người Ammon (Phục Truyền 2:5, 9, 19). Trong thời các Quan Xét, người Ammon hà hiếp dân Israel ở vùng Galaát bên kia sông Jordan, rồi họ lại vượt sông sang đánh Giu đa, Benjamin và Ephraim (Quan Xét 10:7–9). Khi Ammon lấy cớ là Israel đã chiếm một phần đất của họ ba trăm năm trước, nên tiến đánh Galaát (Quan Xét 11:13), thì bị Jepthah hỏi: “Trong ba trăm năm, Israel đã ở tại Heshbon và vùng phụ cận, Aroer và vùng phụ cận, cùng tất cả các thành dọc theo rạch Arnon. Tại sao ông không lấy lại các thành ấy trong thời gian đó?” (Quan Xét 11:26).

Ammon đuối lý nhưng vẫn muốn chiến tranh nên bị Jepthah đánh bại và bị mất hai mươi thành vào tay của Israel. Bây giờ tới lúc Samuel về già, Saul được giới thiệu làm vua Israel, Nahash, vua của dân Ammon, nghĩ rằng đã tới lúc có thể phục hận, bèn bao vây Jabesh-Galaát để chiếm đất (1). Galaát là vùng đất hẻo lánh, xa hẳn các chi tộc khác của Israel; cho nên, người ở Jabesh sẵn sàng tùng phục Ammon là kẻ thù ở sát bên sườn. Tuy nhiên, Nahash chẳng phải chỉ muốn làm nhục dân Jabesh mà thôi, hắn còn muốn họ không còn cách nào đánh trả hắn; bởi vì khi bị móc bỏ mắt phải, người Jabesh sẽ không còn khả năng dùng cung tên để nhắm bắn kẻ thù nữa, còn mắt trái thì bị cái thuẫn che mất, không còn thấy địch thủ để chiến đấu (2). Dân Jabesh không còn cách nào khác hơn là xin tạm hoãn binh bảy ngày để cầu viện từ các chi tộc Israel (3).

Dân Gibeah òa khóc khi nghe sứ giả từ Jabesh xứ Galaát kể lại (4). Mặc dù Saul đã được giới thiệu là người Chúa chọn làm vua Israel, nhưng chưa được tất cả mọi người công nhận; cho nên vẫn còn đi làm công việc đồng áng. Từ ngoài đồng về, Saul nghe dân Gibeah khóc inh ỏi nên ngạc nhiên hỏi: “Vì sao dân chúng khóc như vậy?” (5). Nghe kể lại, Saul được Thần của Đức Chúa Trời tác động mạnh mẽ, nên ông nổi giận phừng phừng. Một cặp bò bị sả ra từng miếng để gửi đi khắp địa phận của Israel với lời cảnh cáo: “Ai không theo Saul và Samuel ra trận, thì bò của người ấy sẽ bị xử như vậy.” Cả Israel nghe lời đe dọa ấy thì sợ hãi nên đồng lòng đến gặp Saul để ra trận (6–7). Saul điểm quân số tại Bezek được ba trăm ngàn quân Israel và ba chục ngàn quân Giu-đa (8).

Như đã khảo sát ở đầu sách 1Samuel, sách nầy được bổ túc và bổ sung vào thời nước Israel đã chia đôi, phía Bắc là Israel, phía Nam là Giu-đa; cho nên, khi nói về quân số trong trận Saul chỉ huy đánh quân Ammon, thì tác giả mới chia ra quân của Israel và quân của Giu-đa thành hai nhóm riêng biệt. Bezek là một địa điểm thuộc chi tộc Issachar, nằm tại thung lũng Jezreel, về phía Tây của điểm vượt sông Jordan chừng 7 dặm đường. Jabesh-Galaát thì nằm ở phía Đông sông Jordan, cách Bezek khoảng một ngày đi bộ. Vì vậy, quân đội Israel mới hứa với sứ giả của Jabesh rằng: “Hãy về nói với ngươi Jabesh-Galaát thế nầy: ‘Ngày mai, khi mặt trời lên cao, thì anh em sẽ được giải cứu.’ Các sứ giả trở về loan tin nầy cho người Jabesh. Dân chúng vui mừng” (9).

Ammon bị người Jabesh cho ăn bánh vẽ bằng lời hứa ngày mai sẽ ra hàng; có lẽ vì vậy mà họ trở nên chủ quan, không biết rằng một đạo quân Israel đông đảo đang tới gần (10). Nếu quân Israel tấn công vào lúc rạng đông, thì có lẽ họ đã khởi hành giữa đêm; vì nếu họ tới vào đêm hôm trước bằng một lượng quân đông đảo như vậy thì rất khó giữ được tính bất ngờ. Nhưng vì họ đã tấn công hoàn toàn bất ngờ đối với người Ammon, nên có thể hiểu rằng họ đã tới nơi một cách âm thầm và có đủ thì giờ quan sát trại quân của địch để chuẩn bị trận địa (11). Họ đã đánh tan nát hàng ngũ của quân Ammon từ sáng sớm tới lúc mặt trời gần đứng bóng buổi trưa. Với một khoảng thời gian trên dưới sáu giờ để chiến trận, thì quân Ammon cũng phải đông lắm; nhưng họ đã bị tan lạc đến nỗi những tên thoát được chỉ có thể chạy trốn một mình, không có lấy hai người chạy chung.

Trong cuộc chinh phạt đầu tiên nầy, tiên tri Samuel đã phải đi theo đội quân của Saul. Sau khi thắng trận, người ta tìm đến Samuel trước hết, vì ông là đấng tiên kiến, uy tín và ảnh hưởng của ông trên dân Israel vẫn mạnh mẽ. Bây giờ, họ đòi xử tử những người trước đây chống Saul, có lẽ vì những người ấy từng hi vọng được chọn làm vua mà không được chọn nên bất mãn (12). Phản ứng của Saul vừa chính trị, vừa khôn ngoan, rộng lượng. Bởi vì nếu Saul nghe theo lời đề nghị của những người theo mình từ buổi đầu, thì ân oán về nợ máu sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ con cháu. Quyết định của Saul còn là thái độ của bậc vương giả, không chấp nhặt những kẻ hạ tiện, đồng thời cũng thu phục những kẻ chống đối mình qua thái độ tha thứ và nhân từ (13).

Gilgal là một địa danh nổi tiếng từ khi dân Israel vượt sông Jordan bước vào đất hứa. Nơi đây, toàn thể dân Israel đã từng đóng trại lâu ngày trong lúc các chiến sĩ đi chinh phục các vùng đất xa về phía Nam và phía Bắc. Cho nên, khi Samuel nói rằng: “Chúng ta hãy đi đến Gilgal để tái lập vương quyền” (14), thì mọi người đều đồng lòng kéo về nơi đó. Đoạn đường từ Jabesh-Galaát tới Gilgal phải mất vài ngày đường. Dù vậy, họ vẫn hân hoan đi tới đó vì mới vừa thắng một trận đánh huy hoàng. Trước đây, tại Mizpah, dân Israel đã bắt thăm để biết người nào được Đức Chúa Trời chọn làm vua của họ. Ngày ấy, dân Israel không đồng thuận về việc Saul được làm vua. Có lẽ Saul thuộc chi tộc Benjamin nên không được tất cả tin cậy. Nhưng bây giờ Saul đã chứng tỏ tài năng.

Toàn dân cùng đi đến Gilgal. Tại đó, họ lập Saul làm vua trước mặt Đức Giê-hô-va. Họ dâng tế lễ bình an lên Đức Giê-hô-va. Saul và mọi người Israel đều vui mừng vô cùng” (15). Họ lập Saul làm vua trước mặt Đức Giê-hô-va có nghĩa là Saul không được sống cuộc sống thường dân nữa mà phải chính thức làm vua, có vương quyền, có triều đình và chọn một chỗ đặt kinh đô của mình. Thời ấy, Israel chưa có thành phố nào lớn đặc biệt; cho nên, vương quyền mới mẻ nầy phải chọn nơi nào thuận lợi cho việc cai trị của nhà vua. Họ phải xây cất cung điện bằng vật liệu và khả năng tự tìm được. Đối với các dân tộc chung quanh thì Saul vẫn chưa được biết tới rộng rãi.

1Samuel12.docx

Rev. Dr. CTB