1Samuel, bài 14
1Samuel 13:1–23
Câu đầu của đoạn nầy trong nguyên bản Hebrew rất khó hiểu; cho nên, bản dịch chúng ta đang có là lấy từ bản Bảy Mươi (Septuagint), cho biết rằng khi Saul bắt đầu trị vì thì ông đã được bốn mươi tuổi. Và có lẽ chỉ ba năm sau thì người Philistine, kẻ thù truyền kiếp của dân Israel, bắt đầu gây hấn. Michmash nằm về hướng tây của Gilgal, hơi chếch lên Tây-Tây-Bắc một chút. Bethel thì cách Michmash một quãng đường ngắn về hướng Tây-Bắc; còn Gibeah thì hơi xa về hướng Nam. Các địa điểm đó là nơi Saul tổ chức 2,000 quân tinh nhuệ cho mình và 1,000 quân tinh nhuệ khác cho Jonathan, con trai trưởng của Saul, còn mọi quân sĩ khác đến theo Saul thì cho về nhà (1–2).
Đồn quân Philistine ở Geba có lẽ là một trạm thu thuế của người Philistine đặt ở Geba, có một người chỉ huy và một số binh sĩ. Đồn ấy bị Jonathan tấn công và tiêu diệt. Theo sử sách của Israel thì Jonathan là một dũng tướng đúng nghĩa cả về vẻ bề ngoài, tài thao lược, di chuyển nhanh nhẹn, khỏe mạnh, và ngay thẳng trung thành, xứng đáng là con của một vị vua. Khi biết người Philistine đã được tin đồn quân của họ bị tiêu diệt, Saul cho thổi tù và khắp xứ để gọi quân đội tập họp chuẩn bị chiến tranh với người Philistine (3). Dù mấy chục năm trước Philistine đã bị Samuel đánh bại ở Eben-ezer, nhưng người Philistine vẫn gây khó khăn cho dân Israel; còn dân Israel thì vẫn sợ quân đội Philistine. Nên khi nghe tiếng tù và kêu gọi, dân Israel đều kéo dến Gilgal (4).
Philistine tập trung quân đội để đánh trả thù. Họ có 30,000 chiến xa, 6,000 kỵ binh và quân lính rất đông. Họ đóng quân ở Michmash, địa danh nầy có nghĩa là “nơi kín đáo,” phía đông của Beth-Aven, nghĩa là “nhà lừa dối” (5). Israel thấy lực lượng quân địch quá hùng hậu nên khiếp đảm; họ trốn tránh, ẩn “trong các hang động, bụi rậm, hốc đá, mồ mả và hầm hố” (6). “Một số người Hebrew khác thì vượt qua sông Jordan, đến xứ Gad và Galaát” để trốn xa quân địch; còn Saul vẫn ở lại Gilgal, trong khi những người theo ông ta đều run sợ (7). Hiện tượng quân lính Israel khiếp đảm trước kẻ thù cho thấy họ xa cách Đức Chúa Trời đã lâu, nên không hi vọng gì vào khả năng chiến đấu của vua mà họ đòi phải lập cho họ; và chưa thật lòng ăn năn trở lại với Chúa.
Những tín hữu nào không gần gũi với Chúa thời nay cũng vậy: Run sợ khi bị dọa vì không tin rằng Đức Chúa Trời có quyền bảo vệ Hội Thánh và con dân Ngài. Thái độ sợ hãi của người mới tin thì còn hiểu được, nhưng người đã từng thấy quyền năng của Chúa trong Hội Thánh mà vẫn sợ hãi thì không thể biện minh nổi. Trước kia, Samuel định cho Saul chờ ông bảy ngày (10:8); lần nầy, có lẽ Saul nghĩ rằng cũng giống như vậy. Nhưng, bảy ngày chưa qua hết mà Saul đã mất kiên nhẫn, lại thấy quân sĩ của mình tản mác trốn tránh, nên tưởng mình là vua thì có quyền dâng tế lễ (8–9). Nhưng vừa xong thì Samuel đến (10). Bị Samuel chất vấn, Saul gượng gạo nói vì mình lo lắng mà chưa cầu khẩn được sự trả lời từ Đức Chúa Trời, nên miễn cưỡng dâng tế lễ (11–12).
Samuel thật là người của Đức Chúa Trời; ông quở trách thẳng việc Saul không vâng giữ mệnh lệnh mà Chúa đã truyền về phận sự dâng tế lễ chỉ dành cho người Lêvi. Saul đã không kiên nhẫn để hoàn toàn vâng theo lệnh truyền, cũng không nhớ rằng Đức Chúa Trời là Vua Tối Cao. Mặc dù trong đoạn nầy hay đoạn trước không chỗ nào nói về việc Samuel cho biết bảy ngày sau ông sẽ đến. Có lẽ phần nầy không chép Samuel đã dặn Saul chờ ông đến để dâng tế lễ cầu khẩn sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời. Bị áp lực tình hình mỗi ngày càng tồi tệ thêm, đức tin của Saul bị suy sụp, tưởng rằng lễ nghi dâng tế lễ thiêu sẽ làm Chúa đẹp lòng. Nhưng việc ông làm chẳng những không giúp ích được gì mà còn khiến ông bị Samuel quở nặng: “Ngươi thật đã hành động một cách điên rồ, không vâng giữ mệnh lệnh mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã truyền cho ngươi” (13).
Ngày nay, chẳng ai trong Hội Thánh người Việt được đặt vào ngôi vị vương hầu. Nhưng bản chất làm theo ý riêng vẫn cai trị trong lòng mỗi người. Số người chịu học hỏi để vâng lời Chúa, để làm theo những gì mình được giảng dạy, thì vô cùng hiếm hoi. Hầu như mọi người đều làm theo ý riêng mà mình cho là phải. Lòng chân thành kính sợ Chúa ngày càng ít đi. Nếu bây giờ mọi con cái Chúa đều phải ứng hầu trước tòa phán xét của Đấng Christ, thì không bao nhiêu người sẽ tránh khỏi hàng ngũ những người bị mất phần thưởng. Nguyên nhân chính là vì không siêng năng trung tín đọc Kinh Thánh một cách có hệ thống để nghe tiếng Chúa phán với mình. So với tín hữu trong nước, thì tín hữu ở hải ngoại thua kém rất xa về khả năng biết và hiểu Kinh Thánh.
Samuel nói cho Saul biết rằng: “Lẽ ra, Đức Giê-hô-va đã lập vương quốc của ngươi vững bền đời đời trên Israel; nhưng bây giờ, vương quốc của ngươi sẽ không bền lâu nữa” (13–14). Câu nói “vững bền đời đời” theo ý của người Do-thái có nghĩa là lâu dài tới đời cháu, không phải là vĩnh viễn. Vậy, vương quốc của ngươi không bền lâu có nghĩa là vương triều của Saul sẽ không tới đời con, bởi vì “Đức Giê-hô-va đã chọn cho mình một người đẹp lòng Ngài, đặt người ấy làm người lãnh đạo của dân Ngài, bởi vì ngươi đã không vâng giữ mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va” (14). Các học giả Kinh Thánh thường đặt nghi vấn về bố cục thời gian và thứ tự của các sự kiện. Khi Samuel nói rằng Đức Chúa Trời đã chọn cho Ngài một người đẹp lòng Ngài, thì người ta có thể hiểu rằng ông Samuel được biết trước ý muốn của Đức Chúa Trời chứ chưa biết ai là người được chọn.
“Nói xong, Samuel đứng dậy, từ Gilgal đi đến Gibeah thuộc Benjamin” (15a). Samuel không ở lại Gilgal với Saul mà đi về Gibeah, nơi Jonathan đang đóng quân. Mặc dù sách không nói gì về các việc Samuel làm tại Gibeah, nhưng người ta tin rằng ông dành thì giờ để khuyến khích Jonathan và củng cố tinh thần can đảm của người thanh niên nầy. Saul cũng vội rút về Geba thuộc Benjamin, vì quân lính theo ông ta chỉ còn được 600 người. Nguyên tác Hebrew chép rằng Saul và Jonathan dẫn quân đến Geba, không phải là Gibeah; trong khi đó, quân Philistine hạ trại tại Michmash (16). Chúng cho một đội quân đi ra cướp phá, nghĩa là giết chóc và tàn hại những người Israel nào đang sống ở đó. Ophrah ở phía Bắc Bethel, Beth-horon ở phía Tây và Zeboim ở hướng Đông (17–18).
Sau hơn ba trăm năm sống ở xứ Canaan với nhiều kẻ thù ở chung quanh, mà dân Israel không tiến triển chút nào trong việc chuẩn bị vũ khí bằng sắt thép. Vì sự phản phúc của họ đối với Chúa, họ đã bị người Philistine cai trị, chèn ép và không thể học được kỹ thuật rèn các dụng cụ bằng sắt thép dùng trong nông nghiệp, tất cả đều phải bị phụ thuộc vào các thợ rèn người Philistine (19–21). Saul làm vua lại quá ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình, không trang bị gươm, giáo cho quân sĩ; có lẽ vì sợ bị phản. Bây giờ, khi phải chiến tranh thì quân đội Israel sợ là phải, vì “lúc giao tranh, tất cả những người theo Saul và Jonathan đều không có gươm cũng không có giáo trong tay; chỉ Saul và con của ông là Jonathan mới có” (22); có lẽ quân lính chỉ có gậy gộc làm vũ khí.
Con cái Chúa ngày nay không chịu được trang bị Lời Chúa làm vũ khí cho mình; vì thế, không dám can đảm tiến ra mặt trận truyền giáo. Giáo lý căn bản vừa là thuẫn để phòng thủ, tự vệ, cũng vừa là vũ khí tấn công để đánh bại các lý luận và lời lẽ tấn công của những người chưa hiểu biết Tin Mừng, hoặc lý lẽ của những người thù ghét, chống lại chân lý của đạo Chúa. Vì thế, khi có cơ hội thì hãy học, nghiên cứu, hiểu rõ tận tường điều mình đang tin, nắm vững mọi điều mình muốn nói cho người khác biết tới Tin Mừng để họ tiếp nhận. Chúng ta không nên hành xử như dân Israel ngày xưa không biết chuẩn bị sẵn cho ngày chiến trận. Hội Thánh luôn chuẩn bị tài liệu cần thiết cho mọi tín hữu; nhưng chịu học hay không là do ý chí và quyết tâm của từng người.
Một toán quân Philistine kéo ra đóng tại đèo Michmash (23) để chận đường không cho Israel có lối đi tới tấn công doanh trại của họ. Đồn nầy sẽ bị Jonathan thanh toán.
1Samuel14.docx
Rev. Dr. CTB