Chúa Nhật, July 6th, 2014

Tri Thức Căn Bản, 02


Sáng Thế Ký 1:1–2

Thường thường niềm tin tôn giáo của người ở mọi nơi trên thế gian đều rất mù mờ. Bởi vì đa số người theo các tôn giáo nào đó là do truyền thống gia đình từ tổ tiên truyền lại, hoặc từ tập tục xã hội mà họ hấp thụ ở nơi họ sống.

Một số người theo một đạo phần lớn là do nghe người khác tuyên truyền, thúc giục. Rất ít người chịu khó tìm hiểu niềm tin của gia đình mình từ đâu ra, hoặc những điều tin tưởng ấy có thật hay không.

Mặt khác, các niềm tin tôn giáo, hoặc những truyền thuyết, huyền thoại của các tôn giáo qua nhiều thế hệ, thường là bí hiểm, mơ hồ, huyền hoặc, nghĩa là không có trong thực tế.

Nếu các lời kể về những sự kiện siêu nhiên thần thoại của thời xa xưa bị xem xét dưới những câu hỏi rất thực tế tới tận cùng sự việc, thì đại đa số là những chuyện do người nhiều đời trước bịa đặt, sau đó lưu truyền cho nhiều thế hệ sau thêm thắt các chi tiết ly kỳ khác; mà cách ngôn người Việt gọi là ‘vẽ rắn thêm chân.’ Cho nên, hễ tôn giáo nào do người đời đặt ra thì đều có đủ các đặc điểm ấy.

Vậy thì, chúng ta phải lấy tinh thần khách quan và đứng đắn để cẩn thận xem xét đức tin tôn giáo của mình là đúng hay sai, thật hay giả. Bởi vì số phận đời sau của linh hồn mỗi người không nên bị xem nhẹ.

Những người thường xuyên đi thờ phượng Chúa với lòng chân thành, đều mong mỏi phần thưởng ở đời sau; còn những ai chỉ theo đạo để muốn được lợi lộc ở đời nầy, thì không quan tâm lắm về hậu quả ngày sau của những việc mình làm trong hiện tại.

Đức tin của mọi con cái thật của Chúa đều lấy Kinh-thánh làm nền tảng. Nghĩa là tin các lời ghi chép trong Kinh-thánh là sự thật có thể kiểm chứng được qua nhiều sự kiện đã xảy ra theo lời tiên báo. Vì thế, chúng ta loại trừ những gì do loài người thêm thắt về sau, mà Kinh-thánh chẳng nói tới.

Bất cứ sách vở hay lý thuyết nào trái ngược với những điều dạy dỗ của Kinh-thánh đều bị xem là sai lạc và không có giá trị cho đức tin của chúng ta. Dù cho người đề xướng ra những luật lệ hay tín lý ấy có chức vụ gì đi nữa cũng là vô giá trị đối với chân lý đã ghi trong Kinh-thánh.

Mặc dù chúng ta tin Kinh-thánh là lời của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, nhưng nó chẳng phải là một quyển sách từ trên trời rơi xuống.

Kinh thánh do khoảng 40 người từ nhiều ngàn năm trước viết ra. Ngoại trừ một tác giả là người Hy-lạp, còn lại đều là người Do-thái. Các tác giả nầy thuộc nhiều thế hệ sống ở nhiều thời đại khác nhau trải dài trong khoảng 1,600 năm. Trong đó có vài người thời Cựu Ước sống đồng thời gian nhưng khác quê hương và không biết nhau.

Tất cả các sách của họ viết đều có chung một thông điệp và mục đích. Đồng thời mọi điều họ tiên báo đều đã xảy ra cách chính xác. Dựa trên tính cách chính xác kỳ diệu ấy, chúng ta biết Kinh-thánh đúng là đến từ Đức Chúa Trời, Đấng biết trước tương lai và điều khiển dòng lịch sử.

Đặc điểm nổi bật của Kinh-thánh là 66 tác phẩm được các học giả ngày xưa chọn lựa làm ra một bộ sách duy nhất, đều có một thông điệp thống nhất, giống như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả Kinh-thánh qua dòng lịch sử, đó là tình yêu thương của một Đấng Tối Cao đối với loài người, là tạo vật mà Ngài rất yêu thương và có một chương trình tốt lành cho họ.

Thông điệp ấy cũng cho biết rằng người nào đặt lòng tin vào lời hứa của Đấng Tối Cao, làm theo những lời chỉ dẫn rõ ràng trong Kinh-thánh, sẽ được hưởng các phước hạnh vĩnh cửu không thể diễn tả nổi của chương trình ấy.

Ngược lại, những người không tin thì chẳng những đã không được hưởng gì hết, mà còn sẽ bị trừng phạt về các tội lỗi họ đã phạm lúc còn sống trên đất, và do tội khinh thường không tin các lời dạy dỗ, lời cảnh cáo và tình yêu thương của Đấng Tối Cao.

Như vậy, nhờ Kinh-thánh chúng ta biết vũ trụ và thế gian đã được tạo dựng bởi Lời của Đức Chúa Trời (2Phi-e-rơ 3:5).

Sách Sáng Thế Ký, quyển đầu tiên và những lời đầu tiên của Kinh-thánh, là sách thánh duy nhất trình bày về nguồn gốc vũ trụ, trái đất, các thiên thể, muôn loài vạn vật, và loài người đã được tạo dựng và hiện hữu trên trần gian như thế nào.

Trong số những người tin Kinh-thánh lại có ba quan điểm khác nhau về sự tạo thành thế gian:

Thuyết Sáng Tạo tin nguyên văn nghĩa đen, nên cho rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày, mỗi ngày có 24 giờ. Họ không dựa trên khoa học để giải thích Sáng-thế 1:1, nhưng tính tuổi của vũ trụ dựa trên Do-thái-giáo truyền thống, cho rằng tới nay vũ trụ thành hình đã được 5776 năm. Vì tin rằng ngày đầu tiên của sự sáng tạo là Sáng Thế 1:1; rồi căn cứ trên gia phả của Sáng Thế 5 & 10 để định niên đại và thời gian. Thuyết nầy tiếng Anh gọi là Creationism.

Thuyết Sáng Tạo Tiệm Tiến (Progressive Creationism) tin rằng Đức Chúa Trời dựng nên vũ trụ từ ban đầu. Vũ trụ có tuổi từ 8 tỉ tới 15 tỉ năm, và sự sống xuất hiện khoảng 3.5 tỉ năm trở lại. Loài người có mặt trên đất khoảng từ 20 ngàn tới 50 ngàn năm trước, và do Đức Chúa Trời dựng nên, không phải tiến hoá từ loài đười ươi, khỉ, vượn gì cả.

Thuyết nầy dùng các phương pháp của khoa học để định tuổi, và tin rằng chữ ngày của Sáng-thế đoạn 1 tượng trưng cho một thời kỳ lâu dài, không phải 24 giờ. Vì mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao chỉ xuất hiện ở ‘ngày’ thứ tư.

Thuyết Tiến Hoá Hữu Thần (Theistic Evolution) thì tin rằng Đức Chúa Trời dựng nên vũ trụ và mọi loài có sự sống bằng cách dùng tiến trình tiến hoá và sự đào thải tự nhiên.

Họ tin rằng các chuyện kể trong Kinh-thánh về sự sáng tạo là một cách mô tả bằng hình ảnh về việc Chúa ở phía sau sự tiến hoá và sự thành hình địa dư của trái đất. Họ cũng cho rằng không nên hiểu Sáng-thế 1 theo nghĩa đen, vì đoạn ấy chỉ cho biết Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo, nhưng không cho chúng ta biết Ngài tạo nên bằng cách nào; chỉ có thể dùng các sự kiện khoa học để giải thích mà thôi.

Còn chúng ta tin như thế nào và giải thích ra sao? Trước hết, người đọc Kinh-thánh phải chú ý câu Sáng Thế 1:1Ban đầu, Đức Chúa Trời sáng tạo trời và đất,” là một bản tóm tắt tổng quát rằng Chúa là Đấng sáng tạo vũ trụ, chứ chưa nói gì về cách thực hiện của Ngài. Vì vậy, phát biểu ấy không phải là ngày thứ nhất của công cuộc sáng tạo trời và đất. Do đó, không thể biết được sự sáng tạo trời và đất kéo dài bao lâu.

Bởi đức tin, chúng ta chỉ biết rằng vũ trụ gồm vô số thiên hà, trong đó không ai đếm nổi các hệ thống ngôi sao, tức là các thiên thể phát ánh sáng cùng với các hành tinh và vệ tinh xoay quanh ngôi sao ấy đều do Đức Chúa Trời tạo nên. Như vậy, khi Chúa tạo ra các sinh vật trên trái đất, thì mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao đã được tạo trước rồi.

Lúc khởi nguyên đó thì “đất không có hình dạng và trống không” (2). Theo nghĩa đen thì quả đất lúc ấy chưa có hình thể và trống không, “bóng tối bao trùm mặt vực, và Thần của Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước.

Có học giả giải thích rằng thời ấy nước bao trùm cả trái đất, mây tối mờ mịt dầy đặc che kín chung quanh địa cầu, không có chút ánh sáng nào xuyên qua lớp mây ấy được.

Vận hành’ có nghĩa là ôm ấp trùm phủ, giống như gà mẹ xoè rộng đôi cánh ra ấp trứng của nó. Những lời mô tả tóm tắt ấy bày tỏ cho người ta hiểu rằng Đấng đã sáng tạo trời và đất là Đức Chúa Trời. Đồng thời việc Chúa “vận hành trên mặt nước” là một tiến trình cần thời gian.

Như vậy, hai câu Sáng Thế 1:1–2 nói về hai khía cạnh khác nhau của sự sáng tạo. Câu 1 xác định là Đức Chúa Trời là Đấng đã sáng tạo trời và đất. Câu 2 nói về tình trạng quả địa cầu lúc ấy đất chưa lộ ra và chưa sẵn sàng cho các sinh vật làm nơi ở.

Việc giải nghĩa hai câu đầu của Sáng Thế Ký làm sao cho ngắn gọn, đầy đủ và dễ hiểu là rất khó khăn; bởi vì nó liên quan tới sự thành hình của cả vũ trụ và các thiên thể trong thái dương hệ của chúng ta.

Khoa học thế tục không thể hoàn toàn bác bỏ các chi tiết ký thuật của Kinh-thánh về thời tạo thiên lập địa. Còn tập thể đức tin Cơ-đốc cũng không thể giải thích sự việc cách đơn giản rồi bác bỏ các bằng chứng khoa học về tuổi của đất, đá, và các vật hoá thạch ở khắp nơi trên thế giới; mà phải tìm hiểu kỹ càng để vừa vững vàng trong đức tin, vừa giải thích sự việc cách hợp lý.

TriThucCanBan02.docx

Rev. Dr. CTB

← Trở về Danh Mục Các Bài Sáng Thế Ký