Sáng Thế Ký, bài 33
Sáng-Thế-Ký 25:1–34
Sau khi Y-sác cưới vợ, Áp-ra-ham sống thêm ba mươi lăm năm trước khi qua đời. Không có biến cố đặc biệt thần thượng nào, về việc Chúa hiện ra hay những thử thách nào, trong suốt những năm còn lại của đời Áp-ra-ham. Kinh-thánh chỉ ghi lại việc ông cưới bà Kê-tu-ra, có thêm nhiều con trai, và sắp xếp cho các con dòng thứ ở cách xa Y-sác là dòng chính.
Có vài lý thuyết về thời điểm Áp-ra-ham cưới bà Kê-tu-ra. Sách ISử Ký ghi rằng, bà là vợ lẽ của Áp-ra-ham (1Sử-ký 1:32). Vì thế, vài sử gia tin rằng Áp-ra-ham đã cưới bà Kê-tu-ra lúc Sa-ra còn sống, nhưng nhiều sử gia khác lại cho rằng ông cưới thêm một người vợ nữa sau khi Y-sác kết hôn và dọn ra ở riêng. Bởi vì ông đã lớn tuổi nên cần một người gần gũi chăm sóc.
Kê-tu-ra phải là một người đàn bà trẻ có sức sinh sản, vì bà đã sinh cho Áp-ra-ham tới sáu người con trai. Họ đều trở thành các tộc trưởng của các chi tộc người A-rập sau nầy (1–6). Vùng đất phía đông là bán đảo A-rập bây giờ.
Áp-ra-ham đã làm kiều dân ở xứ Ca-na-an 100 năm trước khi ông qua đời. Thời gian dài hay ngắn của đời một người không phải là yếu tố quan trọng gì lắm. Nhưng cuộc đời của Áp-ra-ham trở nên quan trọng vì ông là nhân chứng về sự thành tín và tốt lành của Đức Chúa Trời (7–8).
Lúc còn sống, có lẽ Áp-ra-ham đã làm cho Ishmael và Y-sác hòa thuận với nhau, sau khi Sa-ra đã qua đời. Vì thế, khi ông qua đời thì “hai con trai ông là Y-sác và Ishmael đã an táng ông trong hang đá Machpelah” (9). Lúc ấy, Y-sác đã 75 tuổi, còn Ishmael đã 89.
Kinh-thánh ghi chép rất vắn tắt về dòng dõi các con của Áp-ra-ham do bà Kê-tu-ra sinh cho ông. Trong số đó, dòng dõi của Ma-đi-an về sau trở thành một bộ tộc nổi tiếng về nghề buôn bán (Sáng-thế 37:28).
Cánh đồng có hang đá Machpelah, mà Áp-ra-ham mua của con cháu dòng họ Hếch, là nơi hai con trai ông an táng ông bên cạnh bà Sa-ra đã chết 38 năm trước (10).
Đức Chúa Trời giữ lời đã hứa với Áp-ra-ham là Ngài sẽ ban phước cho dòng dõi của ông. Vì vậy, Ngài tiếp tục ban phước cho Y-sác (11) là dòng dõi của lời hứa. Y-sác lại thích cư ngụ ở khu vực gần giếng La-chai-Roi.
Tên của cái giếng thì do A-ga, mẹ của Ishmael, đặt sau khi bà nhận được lời hứa của Chúa trong ngày bà chạy trốn khỏi chủ mình và gặp Chúa trong hoang mạc, khi bà vâng lời Ngài trở lại tùng phục chủ, là bà Sa-ra, vợ Áp-ra-ham (Sáng-thế 16:9–14).
Về phần Ishmael, thì Đức Chúa Trời cũng giữ lời Ngài đã hứa với A-ga; vì thế, Ishmael sinh được mười hai con trai, là mười hai công hầu của chủng tộc A-rập đông đảo ở vùng Trung Đông, và thù nghịch với tất cả anh em của họ (12–18).
Ishmael qua đời khi thọ được một trăm ba mươi bảy tuổi (17). Đức Chúa Trời đã làm thành lời hứa của Ngài đối với A-ga (Sáng-thế 16:11–12), cũng như Ngài đã phán với Áp-ra-ham về tương lai của Ishmael khi hai mẹ con bị đuổi đi (Sáng-thế 21:13).
Lịch sử mười hai chi tộc người Do-thái khởi đầu từ chuyện tích bà Rebekah, vợ Y-sác, mang thai đôi. Kinh-thánh nhắc lại một lần nữa là Rebekah thuộc dân tộc A-ram ở Paddan Aram, tức là những người thuộc chủng tộc Syrian (19–20).
“Y-sác khẩn cầu Đức Giê-hô-va cho vợ mình vì bà bị hiếm muộn. Đức Giê-hô-va nhậm lời khẩn cầu của ông, nên Rebekah mang thai” (21).
Sự hoàn thành những lời hứa của Đức Chúa Trời luôn luôn là chắc chắn, nhưng thường chậm đến. Chúng ta nhớ lại rằng Áp-ra-ham phải chờ đợi hai mươi lăm năm mới có được đứa con của lời hứa.
Đức tin mạnh mẽ là đức tin đã trải qua thử thách, lòng nhẫn nại được áp dụng. Ơn thương xót trải qua lâu ngày chờ đợi, thì sẽ được tiếp đón vô cùng hân hoan khi nó đến.
Thời gian chờ đợi của Y-sác và Rebekah là hơn mười chín năm. Vì khi Ê-sau và Gia-cốp ra đời thì Y-sác đã được sáu mươi tuổi (26), tức là hai mươi năm sau khi cưới Rebekah.
Áp-ra-ham và Y-sác đều không than van, trách móc gì Chúa về thời gian chờ đợi lâu dài của họ. Họ cứ nhẫn nại chờ tới khi lời hứa của Chúa được hoàn thành.
Thái độ và tinh thần ấy khác rất xa thái độ và tinh thần của tín hữu thời đại ngày nay. Bất cứ việc gì chúng ta mong đợi, thì cũng muốn nó xảy ra tức khắc. Tính kiên nhẫn chờ đợi hình như đã biến mất trong lòng của người thời bây giờ; bởi vì ở thời đại được đặt tên là “bấm nút,” mọi việc đều làm bằng máy móc, thì người ta đều mong thấy điều mình đang trông chờ phải xảy ra trong một thời gian rất ngắn.
Vào thời ấy, đến ngày sinh nở người ta mới biết là sinh đôi hay đã mang thai nhiều thai nhi. Vì bà mang thai đôi, nên Rebekah thắc mắc khi thấy “các thai nhi đụng nhau trong bụng” (22).
Bà liền cầu hỏi Đức Giê-hô-va, và được Ngài trả lời: “Hai nước đang ở trong bụng con, và hai dân tộc từ bụng con sẽ phân rẽ; dân nầy mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục vụ đứa nhỏ” (23).
Trên thiên trình của mỗi tín hữu đều có nhiều điều chúng ta không biết rõ, nên thắc mắc hay nghi ngại là điều vẫn thường xảy ra. Con cái Chúa cần phải cầu hỏi Đức Chúa Trời bằng sự cầu nguyện.
Chúa dùng nhiều cách khác nhau để bày tỏ ý muốn hoặc sự trả lời của Ngài cho chúng ta. Người chưa có thói quen tương giao thân mật với Chúa thì khó nhận ra sự trả lời hay sự bày tỏ ý muốn của Ngài.
Hãy bắt chước bà Rebekah cầu hỏi Chúa về những điều mình đang bị hoang mang hay chưa hiểu rõ. Nhưng hãy tập thói quen trò chuyện tương giao với Chúa để biết cách trả lời của Ngài về mọi điều mà chúng ta quan tâm, trước đã. Bởi vì Đức Chúa Trời sẽ không trả lời theo cách người ta nghĩ. Người nào muốn nghe tiếng Ngài thì phải biết các điều kiện Ngài đòi hỏi.
Chúng ta chưa biết bà Rebekah được Chúa trả lời cách nào, nhưng chắc rằng trong suốt gần hai mươi năm đó, Y -sác và bà đã thành kính thờ phượng Chúa bằng đức tin của Áp-ra-ham truyền lại.
Hai trẻ sinh đôi của cùng một cha một mẹ lại khác hẳn nhau về hình dạng bề ngoài. Đứa sinh ra trước được đặt tên là Ê-sau, có nghĩa là nhiều lông (24–25). Người đọc không rõ màu đỏ hồng ở đây nói về màu da hay là màu lông; cho nên, người ta hiểu theo hai cách khác nhau.
Người em ra sau, tay nắm gót người anh, nên được đặt tên là Gia-cốp, nghĩa là gót chân (26). Sự khác biệt giữa hai anh em sinh đôi, và sự va chạm nhau từ trong lòng mẹ, là dấu hiệu báo trước sự phân rẽ tranh chấp trong tương lai giữa hai dân tộc từ hai anh em nầy sẽ sinh ra về sau (23).
Bình thường thì có sự đứt quãng, khoảng một giờ, trong các trường hợp sinh đôi giữa đứa trẻ ra trước với đứa ra sau. Mà ở đây, Gia-cốp ra theo sau Ê-sau ngay lập tức, tay nắm gót chân của người anh. Cũng là một dấu hiệu tranh chấp và chiếm đoạt quyền trưởng nam của người em đối với người anh.
“Khi hai đứa trẻ lớn lên, Ê-sau trở nên một thợ săn giỏi, thích giong ruổi ngoài đồng ruộng, còn Gia-cốp là người trầm tĩnh, thường ở trong trại. Y-sác thương Ê-sau hơn vì ông thích ăn thịt rừng, còn Rebekah lại thương Gia-cốp hơn” (27–28).
Hai người, hai tánh khí hoàn toàn khác nhau như thế, mỗi người lại chỉ chiếm được cảm tình của cha hoặc mẹ; cho nên, trước sau gì sự xung khắc cũng sẽ bộc lộ ra.
“Một hôm, khi Gia-cốp đang hầm một món súp thì Ê-sau ngoài đồng về, đói lả. Ê-sau nói với Gia-cốp: ‘Em cho anh ăn ngay cháo gì đo đỏ đó, vì anh đang đói lả người!’ Bởi thế người ta gọi Ê-sau là Ê-đôm. Gia-cốp nói: “Anh bán quyền trưởng nam cho em trước đi.” (29–31).
Sự việc nầy cho thấy lâu nay Gia-cốp vẫn thầm ao ước quyền trưởng nam của Ê-sau, là một đặc quyền về mặt thuộc linh.
Ê-sau thì coi thường cái quyền mà ông nghĩ rằng, chỉ có tính cách tượng trưng, chứ chẳng có ích lợi thiết thực gì. Vì thế, Ê-sau đồng ý, bằng lời thề, bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp chỉ để đổi lấy một bữa ăn khi bụng đang đói lả (32–34).
Gia-cốp thì khôn ngoan hơn, nên ông tìm cách chiếm quyền trưởng nam nầy. Nhưng cách ông lợi dụng nhu cầu của Ê-sau để đoạt lấy quyền ấy thì không chính đáng. Tuy nhiên, nó là nền tảng pháp lý cho Gia-cốp về sau khi được cha chúc phước.
Sự khinh thường quyền trưởng nam là nguyên nhân của việc Ê-sau không nhận lãnh được lời chúc phước tiên tri của cha mình.
Bài học nầy nhắc nhở mỗi tín hữu hãy ao ước các ơn phước thiêng liêng, đồng thời cũng đừng khinh rẻ quyền lợi mình đang có trong Đấng Christ. Hãy nắm vững quyền làm con Đức Chúa Trời và là chi thể của thân thể Đấng Christ.
SangTheKy33.docx
Rev. Dr. CTB